Nữ quản giáo tận tâm với công tác ‘ươm mầm’ hướng thiện
“Sông có khúc, người có lúc, không ai muốn mình sinh ra trên đời để trở thành phạm nhân. Để động viên họ an tâm tư tưởng, cải tạo tốt, sớm quay về nẻo thiện, điều cốt lõi phải luôn thấu hiểu tâm lý của họ, sẻ chia những uẩn khúc, khó khăn trong cuộc sống của họ như với những người thân trong cùng một gia đình. Đồng thời, kịp thời phát hiện những sai phạm, giúp họ có tay nghề tốt để xây dựng một tương lai vững chắc khi đã hoàn lương”, Đại úy Lê Thị Thúy, cán bộ Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an, tâm niệm.
Chị Thúy gặp gỡ, động viên một nữ phạm nhân an tâm cải tạo.
Nghĩa tình với nữ phạm nhân
Được sinh trưởng ở một làng quê nghèo thuộc xã Đông Văn, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) nên từ thuở ấu thơ, cô gái tên Thúy đã sớm quen thuộc với công việc đồng áng cùng gia đình. Cuộc sống lam lũ ở quê khiến nhiều người phải “Nam tiến” để tìm cơ hội làm giàu, còn gia đình Thúy vẫn vất vả với vài sào ruộng kiếm sống và nuôi cô học hành đến nơi, đến chốn. Riêng Thúy thì yêu mến những người lính “áo xanh” và khát khao góp sức mình đem lại cuộc sống yên bình cho người dân.
Đến năm 1998, Thúy đã đem lại niềm tự hào cho cả gia đình khi chị nhận được giấy trúng tuyển vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I.
Sau khi tốt nghiệp, Thúy cùng nhiều học viên khác được tổ chức điều động về công tác tại Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an thuộc huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Phải công tác xa nhà với một cô gái vừa ra trường thì cuộc sống gặp phải bộn bề khó khăn về tinh thần lẫn vật chất, nhưng Thúy luôn nghĩ rằng, đó là niềm vinh dự. Bởi lẽ, được giúp đỡ những người từng lầm lỡ cải tạo, hướng thiện là việc làm hết sức khó khăn, mà chị cùng đồng đội được giao nhiệm vụ này.
Cách đây không lâu, phạm nhân N.T.T.T. nhập trại. Khi đó, T. đang mang thai nhưng tỏ ra mặc cảm với bản thân, vì cô gái này đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo mà mọi người thường gọi là “HIV”. Sau khi hạ sinh con gái đầu lòng, T. chẳng những không quan tâm đến chính “núm ruột” mà còn tỏ thái độ chán nản muốn đoạn tuyệt cuộc đời cho bớt khổ. Đứa bé không được mẹ ruột cho bú nên đau ốm thường xuyên khiến chị Thúy và các phạm nhân khác phải mủi lòng, xót thương. Sau đó, chị Thúy đã đến tận phòng T. để khuyên nhủ nhưng T. vẫn “chứng nào, tật nấy”, thậm chí còn đánh đập con gái nhiều hơn và không chịu cho đứa bé ăn uống, mặc quần áo.
Không nản lòng, Thúy thường xuyên đến sẻ chia cùng T., bỏ tiền lương của mình để mua những đồ dùng thiết yếu của phụ nữ như kẹp cài tóc, đồ vệ sinh cá nhân… dành tặng cô. Đồng thời, chị còn mua một số đồ chơi, bánh tặng cho đứa bé, kêu gọi cả các phạm nhân khác sẻ chia, động viên T. nhằm giúp cô quên đi mặc cảm, tự ti của bản thân.
Dần dà, T. đã thấu hiểu được sự tận tình của chị Thúy, bỏ qua mặc cảm của bản thân và viết thư xin lỗi chị. Cảm động hơn, vào thời điểm Tết Trung thu, chị Thúy đã chủ động đề xuất lãnh đạo trại cho con ruột của T. và nhiều phạm nhân khác cùng rước đèn với các con của các cán bộ, chiến sĩ nhằm xóa ranh giới về sự mặc cảm cho họ. Tình cảm nồng ấm này khiến T. và nhiều phạm nhân khác đã xúc động, quyết tâm cải tạo, học nghề tốt để đáp lại tấm chân tình của chị Thúy.
Một nữ phạm nhân khác tên T.T.V., cũng xúc động: “Khi mới vào trại chấp hành án, em cảm thấy mình lạc lõng với mọi người và phía trước là một tương lai xám xịt. Gia đình em ở xa nên chưa một lần đến thăm khiến em cảm thấy mặc cảm với bản thân trong suốt thời gian dài, nên có biểu hiện quấy phá trong học nghề.
Video đang HOT
Biết được tâm trạng của em, chị Thúy đã đến tận phòng gặp gỡ sẻ chia tâm tư, nguyện vọng về nghề nghiệp tương lai sau khi đã chấp hành án trở về địa phương. Động viên về mặt tinh thần như những người chị khiến em cảm thấy phấn khởi, yên tâm cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội”.
Giải mã nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng
Là trại giam thường xuyên quản lý hàng ngàn phạm nhân (trong đó, có nhiều phạm nhân nữ, phạm nhân có con nhỏ theo mẹ vào trại) thành phần phức tạp với nhiều mức án và tội khác nhau, phần lớn các phạm nhân có mức án cao, có nhiều tiền án, tiền sự và tái phạm nguy hiểm. Một số phạm nhân có biểu hiện tiêu cực không chịu học nghề, đặc biệt số phạm nhân nhiễm HIV, lao, viêm gan siêu vi A, B, C… đến trại ngày càng gia tăng.
Các phạm nhân chống đối và vi phạm kỷ luật từ các phân trại và trại giam khác do yêu cầu đã được phân loại, bóc tách chuyển đến, thường xuyên tìm đủ mọi cách để tạo uy lực, gây thanh thế. Hoặc một số phạm nhân trước đây đã từng tham gia băng, ổ nhóm tội phạm ngoài xã hội, các tổ chức tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia…Thế nên, số đối tượng này có nhiều kinh nghiệm và thủ đoạn tinh vi trong việc đối phó và khai báo gian dối với cơ quan Công an khiến công tác đấu tranh, khai thác gặp rất nhiều khó khăn.
Đại úy Lê Thị Thúy, cán bộ Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an.
“Khi vào trại họ vẫn chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi để từ bỏ ý định phạm tội và ngược lại số phạm nhân này vẫn tìm đủ mọi cách để tiếp tục phạm tội. Với nhiều lý do khác nhau, một số phạm nhân nhập trại vẫn chưa khai báo hết tội lỗi của mình và đồng bọn đã gây ra, hoặc không tố giác các hành vi ở ngoài xã hội mà các phạm nhân đó biết.
Vì vậy, công tác quản lý phạm nhân ở trại giam không đơn thuần là quản lý, giáo dục con người và thực hiện chế độ, chính sách đối với họ, mà còn phải làm công tác đấu tranh, khai thác, phục vụ công tác phòng ngừa, không để phạm nhân trốn trại, vi phạm nội quy trại giam và thu thập nguồn tin, tài liệu phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm ngoài xã hội”
Chị Thúy cho biết thêm: “Từ năm 2010 đến nay, đã xuất hiện tình trạng phạm nhân có biểu hiện quan hệ, móc nối với các đối tượng bất hảo ngoài xã hội mua bán, trao đổi hàng cấm. Do vậy, tôi đã chủ động phối hợp cùng đồng đội thường xuyên tìm hiểu về tình hình, diễn biến tư tưởng của phạm nhân và phương thức hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nghiên cứu kỹ địa bàn hoạt động trọng điểm, sàng lọc đối tượng. Qua đó, đã thu được 75 nguồn tin quý giá, phát hiện và ngăn chặn 162 vụ, 401 phạm nhân có dấu hiệu vi phạm nội quy, sử dụng vật cấm, trộm cắp tài sản”.
Điển hình, vào đầu tháng 5/2010, nhờ làm tốt công tác quản lý phạm nhân, chị Thúy phát hiện Huỳnh Lê Mộng H., án phạt 5 năm tù, đang lao động tại Đội 1, Phân trại số 1 có biểu hiện vận chuyển trái phép chất ma túy vào trại. Qua đeo bám phạm nhân này, chị phát hiện H. đã liên lạc với gia đình bằng tiếng lóng để tránh sự phát hiện với nội dung: “Ngày 28 tháng này lên thăm em, anh nhớ mang cho em xin 100.000đ”.
Ngay trong đêm, chị Thúy nghiên cứu tỉ mỉ hồ sơ thì phát hiện phạm nhân này đã từng nghiện ma túy. Từ đó, chị đủ cơ sở nhận định rằng, có thể đối tượng còn vận chuyển ma túy đem vào trại bán cho các phạm nhân khác. Và, phương án bắt quả tang đối tượng đã được chị cùng đồng đội lựa chọn.
Chị Thúy hướng dẫn, động viên các nữ phạm nhân học nghề.
Đúng như kế hoạch, khi gia đình H. vừa mang ma túy được giấu trong thức ăn cho cô đã bị Ban chỉ huy Phân trại số 1 phát hiện, lập biên bản, thu giữ số ma túy và báo cáo đồng chí Giám thị Trại giam Thủ Đức, để chuyển hồ sơ cùng tang vật đến Công an huyện Hàm Tân mở rộng điều tra, khởi tố vụ án.
Gần đây, chị Thúy còn phát hiện 2 phạm nhân là Nguyễn Đức Mạnh (mức án chung thân) và Phạm Văn Minh (mức án 20 năm tù) có biểu hiện nghi vấn tổ chức trốn trại. Qua điều tra, chị Thúy được biết, các đối tượng đã lập kế hoạch thống nhất thời gian, địa điểm, công cụ để gây án. Ngay sau đó, chị đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo trại và trực tiếp “bóc tách” từng đối tượng ra đấu tranh.
Thoạt đầu, bọn chúng ngoan cố và kiên quyết không chịu nhận tội. Chỉ khi chị Thúy làm rõ được thành phần các đối tượng, thời gian, địa điểm, công cụ… chuẩn bị gây án có 2 đối tượng bỏ trốn, lợi dụng quá trình học nghề tại xưởng để tìm cách lẩn trốn vào rừng, nếu bị truy đuổi sẽ dùng cưa sắt để chống trả cán bộ… thì chúng phải cúi đầu “tâm phục, khẩu phục” người nữ quản giáo này.
Nói về đồng đội của mình, Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức, cho biết: Đây là một cán bộ gương mẫu học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, tận tụy với công việc và được đồng đội mến yêu. Đối với phạm nhân, Thúy luôn có tấm lòng bao dung, độ lượng, tính nhân văn để cảm hóa thuyết phục khiến họ nhận thức rõ tội lỗi, từ bỏ cái ác, đấu tranh với những tiêu cực của các phạm nhân khác trong trại.
Đã có rất nhiều lá thư xúc động của phạm nhân gửi đến lãnh đạo trại để cảm ơn người nữ quản giáo này. Hằng ngày, Thúy phải đưa con đi học cách xa nơi làm việc gần 4km, nên phải thức dậy sớm nhưng chị vẫn luôn đảm bảo giờ giấc, hoàn thành tốt công việc của đơn vị.
Ghi nhận những thành tích trên, trong 5 năm qua, Thúy được lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục XDLL-CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND), Tổng cục VIII tặng nhiều bằng khen, giấy khen, vì có thành tích xuất sắc trong giáo dục, cải tạo phạm nhân.
Theo Công An Nhân Dân
Những 'bóng hồng' lặng lẽ giúp đồng đội lập chiến công
Trong số các đơn vị nghiệp vụ của lực lượng Công an, công việc của cán bộ bộ phận quản lý hồ sơ khá âm thầm, lặng lẽ. Do đặc thù công việc nên phần lớn cán bộ, chiến sỹ công tác tại bộ phận này đều là nữ. Một ngày đầu tháng 3/2015, PV Báo CAND đã đến tìm hiểu công việc của những "bóng hồng" tại Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Quảng Ninh.
Đơn vị hiện có 22 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có 13 cán bộ nữ. Trung bình, đơn vị tiếp nhận khoảng 100.000 tờ khai, thẻ căn cước công dân/năm. Trong đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải tra cứu khoảng 100 hồ sơ/ngày phục vụ cho các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các nữ cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã quen với việc làm thêm giờ, ngoài giờ, đột xuất.
Trong năm 2014, Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ triển khai 2 công trình gồm: điện tử hóa tàng thư CMND (Trước đây, công việc này làm thủ công, mất nhiều thời gian, công sức. Với ứng dụng khoa học công nghệ mới, năm 2014, các nữ cán bộ, chiến sỹ của đơn vị quét gần 2 triệu tờ khai làm chứng minh); công trình kết nối tàng thư căn cước can phạm, căn cước công dân.
Với những tờ khai cũ, nát, các nữ cán bộ lại cẩn thận dán, phục chế lại để máy tính có thể quét được nội dung. Ứng dụng này phát huy hiệu quả, phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Tháng 10/2014, thực hiện công tác cải cách hành chính trong lực lượng CAND; nâng cao hiệu quả công tác tra cứu, khai thác thông tin nghiệp vụ; đáp ứng như cầu điều tra, xử lý tội phạm và các yêu cầu khác của các cơ quan, tổ chức, công dân, Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Quảng Ninh đăng ký công trình "Phụ nữ tiếp nhận tra cứu yêu cầu nghiệp vụ".
Nhận thức tầm quan trọng của việc tiếp nhận, tra cứu yêu cầu nghiệp vụ trong công tác Công an, phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và công tác cải cách hành chính trong lực lượng CAND, Hội Phụ nữ Phòng Hồ sơ tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trực tiếp nhận, trả lời yêu cầu tra cứu và chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đến toàn thể hội viên.
Tham mưu cho lãnh đạo thành lập bộ phận "một cửa" tại một phòng riêng, trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để thực hiện công tác tiếp nhận, tra cứu trả lời theo đúng quy trình, quy định của ngành và quy định của pháp luật, phân công cán bộ hội viên trực tiếp giải quyết tiếp nhận, trả lời yêu cầu tra cứu tại bộ phận "một cửa". Xây dựng quy chế, quy trình thực hiện công tác tiếp nhận và tra cứu đảm bảo đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo.
Nữ cán bộ Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Quảng Ninh đang tra cứu thông tin.
Cán bộ trinh sát, điều tra viên, cán bộ, chiến sỹ đến thực hiện yêu cầu tra cứu chỉ phải thông qua một đầu mối duy nhất, thay vì phải đến tất cả các đội nghiệp vụ như trước, giảm thời gian tra cứu, giảm phiền hà, nâng cao hiệu quả công tác. Tổ chức tiếp nhận yêu cầu tra cứu từ mọi nguồn; cung cấp, trao đổi, xử lý thông tin phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhu cầu chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của đơn vị và các quy định của ngành, liên ngành, của pháp luật.
Cán bộ, hội viên được phân công thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận "một cửa" chấp hành nghiêm quy trình về công tác tiếp nhận, tra cứu, trả lời yêu cầu thông tin nghiệp vụ, đảm bảo chính xác, nhanh chóng không để lọt đối tượng phạm tội; chú ý phát hiện tội phạm hình sự nguy hiểm, đối tượng truy nã, giả mạo lai lịch, che giấu tung tích nhằm trốn tranh điều tra, xử lý của các cơ quan pháp luật.
Hướng dẫn một cán bộ biết nhiều việc, đảm bảo quá trình tra cứu xuyên suốt không chỉ trong giờ hành chính, mà tra cứu 24/24h phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Qua 5 tháng triển khai, đơn vị tiếp nhận 6.849 yêu cầu tra cứu, trong đó phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm 2.284 vụ, phục vụ công tác bảo vệ nội bộ 3.203 trường hợp, cung cấp thông tin phục vụ xác minh phục vụ xác minh lý lịch tư pháp 1.362 trường hợp,...
Qua công tác khai thác, tra cứu hồ sơ, các nữ cán bộ chiến sỹ của đơn vị đã phát hiện nhiều trường hợp trùng tên, tuổi, năm sinh... giả mạo thông tin cá nhân, giúp Công an các địa phương kịp thời ngăn chặn đối tượng phạm tội lẩn trốn. Ghi nhận những thành tích trên, nhiều năm liền, Phòng Hồ sơ được Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh khen thưởng, đạt danh hiệu Đơn vị thi đua, nhiều cá nhân được khen thưởng đột xuất. Đáng chú ý, năm 2014, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh trao tặng Phòng Hồ sơ danh hiệu "Đơn vị quyết thắng".
Theo Công An Nhân Dân
Nữ trinh sát hình sự và những câu chuyện phá án Đã quá trưa, cơn đói càng thêm cồn cào. Hơn một tuần qua, bữa trưa của trinh sát Hằng và các anh em tổ công tác chỉ là bánh mỳ được ăn chóng vánh trong khi đối tượng thưởng thức bữa trưa thịnh soạn trong nhà hàng máy lạnh... Chiếc ôtô sáng loáng lướt nhanh trên đường rồi dừng lại trước cửa một...