“Nữ hoàng vắc-xin” Trung Quốc: Từ đỉnh cao quyền lực tới tội phạm quốc gia
Từ một cô gái nông thôn, Gao Junfang, chủ tịch công ty dược phẩm Trường Sinh, đã trở thành một trong những nữ doanh nhân quyền lực và siêu giàu có để rồi “ngã ngựa” khi công ty do bà quản lý bị phanh phui vụ cung cấp hàng trăm nghìn mũi vắc-xin giả cho trẻ sơ sinh.
Bà Gao Junfang, người từng được mệnh danh là “nữ hoàng vắc-xin Trung Quốc) (Ảnh: Weibo)
Trên một con phố đông đúc ở Trường Xuân, thành phố phía tây bắc Trung Quốc, 2 nhân viên bảo vệ với gương mặt mệt mỏi đứng trước cửa một tòa nhà rộng lớn nhưng trông khá vắng vẻ. Một tấm biển bị nứt vỡ có dòng chữ: “ Viện Sinh học Trường Xuân”.
Ở bên kia đường là tòa nhà nơi những cán bộ về hưu của Viện Sinh học sinh sống, nơi mà một vài người vẫn chưa thể hết sốc vì Gao Junfang, cựu đồng nghiệp của họ, từ “nữ hoàng vắc-xin” Trung Quốc trở thành tội phạm quốc gia trong vụ bê bối vắc-xin giả chấn động dư luận.
SCMP ngày 20/7 đưa tin Công ty nghiên cứu kỹ thuật sinh học Trường Sinh ở Cát Lâm đã cung cấp cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông khoảng 252.600 liều vắc-xin DTP “3 trong 1″ kém chất lượng (vắc-xin dùng cho trẻ sơ sinh để tránh khỏi 3 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván).
Ngày 24/7, Trung Quốc đã bắt giữ bà Gao Junfang cùng gần 20 thuộc cấp và lãnh đạo các công ty và tổ chức với cáo buộc liên quan tới đường dây cung cấp vắc-xin giả cho trẻ sơ sinh.
Gao Junfang vừa là chủ tịch, vừa là cổ đông lớn nhất của công ty Trường Sinh, từ chỗ là một trong những người phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc bỗng mất tất cả chỉ sau 1 đêm.
Số phận và tương lai của bà Gao sẽ được hệ thống pháp lý Trung Quốc định đoạt, nhưng hành trình vươn lên thành một trong những người phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc, với tài sản được Forbes ước tính năm 2016 là 1 tỷ USD, vẫn còn là dấu hỏi lớn với dư luận nước này.
Hành trình trở thành tỷ phú bí ẩn
Với những người chứng kiến cả quá trình Gao từ một cô gái quê “lột xác” thành tỷ phú USD, họ cho rằng người đàn ông đứng sau thành công của Gao là Zhang Jiaming, cựu lãnh đạo của Viện Sinh học Trường Xuân.
“Nếu ai đó biết được chính xác Gao đã tiến thân bằng cách nào trong suốt những năm qua, thì câu trả lời sẽ là Zhang Jiaming”, một cựu cán bộ của Viện Sinh học đã về hưu từ những năm 1990, cho biết.
Video đang HOT
Dù một số tờ báo đưa tin rằng Gao là con gái của một quan chức cấp cao thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng thực tế bà chỉ là con gái của một gia đình trung lưu ở vùng nông thôn. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng kỹ thuật ở địa phương, bà đã công tác tại Viện Sinh học với chức danh kế toán vào những năm 1970.
Với kiến thức về tài chính vững vàng, tính cách thân thiện và giao thiệp xã hội tốt, Gao nhanh chóng trở thành một gương mặt được cấp trên quý mến, đặc biệt là ông Zhang Jiaming. Ông Li Changtai, 80 tuổi, cựu phó giám đốc Viện Sinh học Trường Xuân cho biết mối quan hệ giữa ông Zhang và bà Gao rất thân thiết khi ông Zhang chính là người đã tác động để bà Gao có thể được thăng chức.
Khi đó, Viện Sinh học đã thành lập công ty công nghiệp Trường Xuân, vốn là tiền thân của công ty dược Trường Sinh vào năm 1992. Ông Zhang đã bổ nhiệm ông Li, khi đó phụ trách bộ phận tài chính của Viện Sinh học, trở thành giám đốc của công ty mới, đồng thời đưa bà Gao lên thay thế vị trí của ông Li trong Viện. Bà Gao cũng trở thành phó giám đốc của công ty công nghiệp Trường Xuân, dưới quyền ông Li. Ông Li cho biết khi đó bà Gao chỉ là một kế toán bình thường và ông không lựa chọn bà là người thay thế vị trí phụ trách bộ phận tài chính.
Chỉ sau chưa đầy 2 năm vào năm 1994, bà Gao đã thay thế ông Li trở thành giám đốc công ty công nghiệp Trường Xuân và bà đã bắt đầu hành trình trở thành tỷ phú USD từ đây.
Vào những năm 2000, công ty công nghiệp Trường Xuân đã bắt đầu công cuộc cổ phần hóa trở thành công ty dược Trường Sinh và bà Gao lúc này đã nắm giữ 35% cổ phần của công ty mới.
Cho tới năm 2011, con trai Zhang Minghao và chồng Zhang Youkui của bà Gao vào hội đồng quản trị dưới danh nghĩa nhà đầu tư ở một công ty khác đổ tiền vào Trường Sinh. Vào thời điểm đó, gia đình bà Gao thực chất đã nắm giữ phần lớn cổ phần của công ty Trường Sinh.
Vào thời điểm bê bối vắc-xin giả bị phanh phui, công ty dược Trường Sinh đang là nhà sản xuất vắc-xin lớn thứ 2 Trung Quốc với giá trị niêm yết khoảng 24 tỷ Nhân dân tệ (hơn 3 tỷ USD) và bà Gao cũng là giám đốc điều hành nữ duy nhất trong ngành dược phẩm Trung Quốc. Bà cũng nổi tiếng với hình ảnh nữ doanh nhân tự thân vận động, một mình chèo lái công ty dược Trường Sinh, nắm giữ quyền điều hành kiêm giám đốc tài chính của công ty.
Một tuần sau bê bối bị phanh phui, danh tiếng và tài sản bà Gao cũng như Trường Sinh đã tụt dốc nhanh chóng. Nhưng câu hỏi làm cách nào mà nữ doanh nhân này có thể vươn cao và thâu tóm quyền lực trong giai đoạn cổ phần hóa của Trường Sinh vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp chính xác.
Đức Hoàng
Theo Dantri/SCMP
Bê bối vắc-xin giả rúng động Trung Quốc: Nghiêm trị để chặn khủng hoảng
Vụ bê bối vắc-xin giả của Công ty Trường Sinh làm dấy lên trong dân chúng Trung Quốc nỗi hoang mang lớn. Các nhà quan sát nói rằng vụ này phải bị nghiêm trị để tránh đổ vỡ niềm tin xã hội
Nhiều bậc cha mẹ đang vô cùng lo lắng không biết tác hại thực sự của những liều vắc-xin giả đã được tiêm vào cơ thể của con mình ra sao. Nếu nó không quá gây hại như nhà chức trách đã trấn an thì vắc-xin giả cũng chẳng thể giúp con cái họ ngăn ngừa được bệnh dù đã tiêm phòng. Vì thế, không ít người đã đưa con ra nước ngoài tiêm chủng. Một vài báo cáo của truyền thông Hồng Kông cho biết nhiều cơ sở y tế ở đặc khu này cuối tháng 7 vừa qua đã tiếp nhận một lượng lớn trẻ em được cha mẹ đưa từ Trung Quốc sang đây tiêm vắc-xin.
Bên bờ vực sụp đổ
Trong một diễn biến khác, vắc-xin giả của Công ty Trường Sinh còn khiến cho người ta thêm nghi hoặc các doanh nghiệp dược phẩm khác ở Trung Quốc. Cơ chế quản lý lỏng lẻo để doanh nghiệp móc nối với quan chức tha hóa, khi bê bối bị phanh phui rồi mà việc xử lý chỉ mang tính đối phó và thiếu cầu thị, càng khiến người ta tin Trường Sinh mới chỉ là một "con sâu" bị lộ diện.
Trẻ em ở Trung Quốc tiêm vắc-xin ngừa bệnh Ảnh: VÕNG THỊ
Hồi tuần trước, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) đưa tin một công ty dược phẩm lớn đã có sẵn kế hoạch lần đầu niêm yết trên sàn chứng khoán đang đương đầu với rất nhiều khó khăn và để ngỏ khả năng hoãn kế hoạch niêm yết do thị trường mất lòng tin vào doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc. Một số nhà quan sát còn dự báo rằng thị phần của các doanh nghiệp dược phẩm Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh ngay tại chính nước này sau xì-căng-đan vắc-xin giả.
Thật vậy, chỉ vài ngày sau vụ bê bối vỡ lở, giá cổ phiếu của Công ty Trường Sinh trên sàn chứng khoán Thâm Quyến đã giảm hơn phân nửa. Ngày bà Cao Tuấn Phương - chủ doanh nghiệp này - bị bắt, con trai bà dưới áp lực của cổ đông và thị trường đã phải mua thêm vào lượng cổ phiếu lớn để tăng cổ phần sở hữu và cam kết không bán ra cho đến khi tình hình công ty ổn định trở lại.
Trường Sinh có thể rút khỏi sàn chứng khoán, chính phó tổng giám đốc công ty - ông Trương Minh Hào - đã thừa nhận khả năng này. Công ty hiện đã bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán.
Nhà chức trách cũng đã đình chỉ sản xuất một số loại vắc-xin của Trường Sinh để chờ kết quả điều tra. Trong trường hợp xấu nhất, Trường Sinh có thể bị rút hết lại các giấy phép sản xuất. Điều này dẫn đến nguy cơ công ty sẽ bị đóng cửa, bị đem bán lại cho các đối tác khác và bị xóa sổ. "Đế chế" vắc-xin này như đang đứng bên bờ vực sụp đổ.
Chỉ đạo xử lý tới nơi tới chốn
Bê bối vắc-xin giả của Công ty Trường Sinh còn gây nên cơn địa chấn đối với hệ thống chính trị Trung Quốc.
"Đê hèn", "khủng khiếp", "không thể chấp nhận được"... là những cụm từ đầy căm giận mà các lãnh đạo Trung Quốc dùng khi bình luận về vụ này. Người đứng đầu Trung Quốc dù đang có chuyến công du dài ngày ở nước ngoài cũng đã ra lệnh điều tra, xử lý nghiêm, tới nơi tới chốn để an dân.
Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đích thân chỉ đạo điều tra vụ việc tại Công ty Trường Sinh. Ông tuyên bố sẽ theo dõi, đôn đốc để xử lý đến cùng và bảo đảm sẽ không tái diễn những vụ tương tự.
Hiện Công an TP Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bắt giữ 18 người trong ban lãnh đạo và quản lý của Công ty Trường Sinh để phục vụ điều tra. Chưa có quan chức nào liên quan vụ này bị bắt giữ.
Nhà chức trách trong nước yêu cầu báo chí giảm thiểu tần suất đăng bài tiêu cực về vụ việc trong khi một số nhà bình luận thời sự Trung Quốc cảnh báo rằng nếu vụ việc không được xử lý nghiêm, những kẻ sai phạm không bị nghiêm trị thì rất có thể một cuộc khủng hoảng xã hội lớn sẽ nổ ra.
Sẽ đền tội ra sao?
Luật Quản lý Dược phẩm của Trung Quốc quy định rõ: Thuốc không đủ tiêu chuẩn được phân loại thành thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Công ty Trường Sinh năm ngoái bị phạt 3,4 triệu NDT vì vắc-xin kém chất lượng, còn lần này là vắc-xin giả. Điều 74 Luật Quản lý Dược phẩm nêu: "Doanh nghiệp sản xuất và buôn bán các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn thì sẽ bị tịch thu toàn bộ sản phẩm và phạt tiền từ 1 đến 3 lần toàn bộ giá trị lô hàng giả.
Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì sẽ bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép lưu hành dược phẩm và thu hồi giấy phép sản xuất dược phẩm, thu hồi dây chuyền sản xuất; người chịu trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ bị truy tố theo luật hình sự".
Điều 142 Bộ Luật Hình sự Trung Quốc quy định: Sản xuất và bán các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người thì bị phạt không dưới 3 năm nhưng không quá 10 năm tù giam, bị phạt tiền không ít hơn 50% doanh thu đến gấp đôi doanh thu hàng hóa vi phạm đã được bán ra.
Nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị phạt không dưới 10 năm tù giam hoặc tù chung thân; bị phạt tiền không ít hơn 50% doanh thu đến gấp đôi doanh thu hàng hóa vi phạm đã được bán ra đến bị tịch thu tài sản.
Điều 114 và điều 115 Bộ Luật Hình sự Trung Quốc quy định: Những người gây nguy hiểm cho an toàn cộng đồng mà không gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến không quá 10 năm; những người gây thương tích nghiêm trọng, tử vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản cộng đồng và tư nhân thì bị phạt tù 10 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong khi đó, theo quy định của TAND Tối cao và giải thích của VKSND Tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng các luật xử lý những vụ án hình sự nguy hiểm đối với an toàn thuốc, người có hành vi sản xuất, buôn bán nguyên liệu, phụ liệu không phải là dược phẩm hoặc không đáp ứng được yêu cầu chất lượng dược phẩm hoặc tội phạm sản xuất và buôn bán dược phẩm giả gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng thì sẽ bị kết án theo các điều khoản có hình phạt tăng nặng.
Xói mòn niềm tin
Vụ bê bối đã bào mòn niềm tin của người dân Trung Quốc vào chất lượng dược phẩm ở nước này. Nó cũng làm cho những chương trình tham vọng trong "Giấc mộng Trung Hoa" bị thách thức nghiêm trọng. Làm sao có thể tin tưởng vào những kế hoạch phục hưng vĩ đại đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn dắt thế giới được khi người dân vẫn đang sống cùng với ô nhiễm, thực phẩm bẩn và dược phẩm giả!
Theo Đặng Văn Thuận
Người lao động
Trung Quốc bắt 15 người liên quan tới bê bối vắc-xin giả Giới chức Trung Quốc đã bắt giữ 15 cá nhân, bao gồm lãnh đạo công ty dược phẩm, với cáo buộc có liên quan tới bê bối cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn liều vắc-xin giả cho trẻ sơ sinh. Các quan chức kiểm tra một lọ vắc-xin. (Ảnh minh họa: AFP) Theo hãng tin AFP, cơ quan chức năng thành...