Nữ du khách Việt mê hàng hiệu kể 3 lần bị cướp giật trắng trợn ở châu Âu
Từng đặt chân tới 92 quốc gia, có rất nhiều kinh nghiệm du lịch nhưng chị Hoàng Thúy Anh – nữ du khách gốc Việt vẫn ba lần bị cướp “ghé thăm” khi tới châu Âu.
Chị Hoàng Thúy Anh (Anh Hwang, sinh sống tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ) đã đặt chân tới 92 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Dù có dày dặn kinh nghiệm du lịch, nhưng chị Thúy Anh vẫn từng là nạn nhân của những vụ giật, cướp đồ tại châu Âu. “Thực sự nhiều đối tượng trộm cướp tại châu Âu rất tinh vi và cũng manh động. Du khách chỉ cần lơ là một chút là có thể trở thành nạn nhân. Sau dịch Covid-19, dường như tệ nạn trộm cướp còn xuất hiện nhiều hơn rất nhiều”, chị Thúy Anh cho biết.
Lần mới đây nhất chị Thúy Anh gặp cướp là tại nhà ga Zermatt, Thụy Sĩ hồi tháng 1/2022. Thụy Sĩ vốn nổi tiếng là quốc gia an toàn nên khi chị Thúy Anh chia sẻ thông tin bị giật đồ, nhiều người bán tín bán nghi.
Khi đó, chị Thúy Anh và người chị họ di chuyển bằng tàu từ Strasbourg (Pháp) tới Zermatt (Thụy Sĩ) du lịch. Thời điểm này, các hoạt động kiểm tra để phòng chống Covid-19 vẫn còn rất nghiêm ngặt nhưng lượng du khách tới Zermatt vẫn đông đúc.
Khi tàu đang di chuyển, cảnh sát biên phòng đến kiểm tra chứng nhận Covid-19 của hành khách. Chị Thúy Anh khá bất ngờ khi liên tục bị cảnh sát tra hỏi có buôn thuốc lá hay không. Dù hai chị em khẳng định không buôn thuốc lá, cảnh sát vẫn yêu cầu họ mở vali để kiểm tra. “Mặc dù không hài lòng nhưng mình vẫn phối hợp thực hiện, mở vali để cảnh sát kiểm tra. Trong vali là rất nhiều quần áo, túi xách hàng hiệu khiến nhiều người xung quanh chú ý. Thậm chí cảnh sát còn yêu cầu xem bóp tiền, bắt mình đếm tiền xem có nhiều hơn 10.000USD hay không. Thực sự yêu cầu này rất nguy hiểm cho mình”, chị Thúy Anh bức xúc kể lại.
Tàu cập nhà ga, chị em chị Thúy Anh vội vã mang 4 vali hành lý rời tàu. Thời tiết rất lạnh nên những du khách khác ai cũng hối hả. Khi chị Thúy Anh vừa bước ra khỏi tàu, hai cô gái lạ bất ngờ đi chen giữa chị và chị gái, chủ đích tách hai người rời khỏi nhau. Một trong số đó cầm áo khoác, cố tình giơ cao để che khuất tầm nhìn của chị Thúy Anh. Vốn có kinh nghiệm, chị nhận ra bất thường nên hét lớn để chị gái biết đường đề phòng. Ngay lúc đó, một đối tượng nhanh tay giật balo của người chị. “Thật may do mình lớn tiếng cạnh báo, chị mình kịp giữ balo lại. Giữa nơi công cộng mà dường như chúng không hề biết sợ, lộng hành quá sức”, chị Thúy Anh cho biết.
“Có thể các đối tượng đã quan sát thấy mình có nhiều đồ hàng hiệu. Khu vực đó là nhà ga cuối nên ai cũng vội vã rời đi, chúng biết chắc nếu mình có hét lên thì cũng không mấy ai để ý hay giúp đỡ”, chị Thúy Anh cho biết.
Chị Thúy Anh tại Thụy Sĩ vào tháng 1/2022 (Ảnh: NVCC)
Năm 2015, chị Thúy Anh cũng từng gặp sự cố tương tự tại Vienna, Áo. Thời điểm đó, khi chị và chị gái đang đi bộ về khách sạn, một nhóm người đi ngang rồi bất thình lình giật túi xách của người chị gái. May mắn thay, người chị kịp giữ chiếc túi. Chị Thúy Anh la lớn “Cướp, cướp!” và chạy theo đám người kia. “Bất ngờ có 4 người phụ nữ dàn hàng ngang trước mặt mình, cũng giơ áo khoác lên để che khuất tầm nhìn, còn đối tượng cướp túi thì nhanh chóng thay áo để mình không còn phân biệt được ai với ai”, chị Thúy Anh kể lại.
Không may mắn như hai lần kể trên, hồi năm 2011, chị Thúy Anh bị giật túi xách với nhiều đồ giá trị tại Venice, Ý. Sáng hôm đó, chị Thúy Anh cùng bạn học cũ rời khách sạn, di chuyển ra trạm xe lửa để tới Florence. Khi vừa tới nhà ghi, hai người đàn ông lạ mặt, đôi mắt láo liên tiến đến đòi xách đồ giúp cho chị Thúy Anh. Nhìn thấy gương mặt khá gian xảo, chị một mực từ chối và xách hành lý đi thẳng. Tuy nhiên, hai kẻ lạ mặt vẫn bám theo sau, liên tục làm phiền. Lúc chị Thúy Anh loay hoay chuyển đồ lên xe lửa, hai tên lạ mặt trắng trợn lao tới, giật túi xách của chị rồi chạy biến mất vào đám đông. Chị Thúy Anh hoảng hốt, không kịp kêu lên đã thấy chúng mất tích.
Ngay sau đó, chị Thúy Anh tìm đến cảnh sát địa phương trình bày vụ việc, mong muốn được xem lại camera để tìm kiếm chiếc túi với nhiều đồ đạc quan trọng. Tuy nhiên, cảnh sát một mực tìm cách từ chối. Họ cho biết, hệ thống camera chỉ phục vụ cho những “sự việc quan trọng quốc gia”.
“Mình cảm thấy rất khó hiểu trước sự thờ ơ, vô cảm của cảnh sát địa phương. Sau sự việc ấy thực sự mình luôn cảm thấy lo lắng. Hai chị em đi tàu thậm chí không dám ngủ hoặc một người chợp mắt, một người thức, căng mắt trông đồ”, chị Thúy Anh kể.
Chị Thúy Anh là người rất đam mê thời trang và luôn chuẩn bị những trang phục ấn tượng chuyến du lịch (Ảnh: NVCC)
Chị Thúy Anh cho biết, để tránh nạn trộm, cướp, một số du khách thường mặc đồ đơn giản, ít gây chú ý. Tuy nhiên, bản thân chị làm trong ngành thời trang nên luôn chú trọng trang phục, phụ kiện khi đi du lịch. “Dù ba lần bị cướp, giật nhưng mình cũng không thể từ bỏ thói quen ăn mặc đẹp, dùng túi xách đẹp, sử dụng hàng hiệu khi đi chơi, du lịch. Đây vốn là thời gian để mình giải tỏa căng thẳng, thoải mái thể hiện gu thẩm mỹ và tạo niềm vui trong mỗi chuyến đi”, chị Thúy Anh cho biết.
“Tuy nhiên, mình cố gắng bảo vệ bản thân bằng cách chú ý quan sát xung quanh, không lơ là, chủ quan, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng, thay vào đó là đi taxi”, chị Thúy Anh nói thêm.
Video đang HOT
Khi chia sẻ những sự cố bản thân gặp phải, chị Thúy Anh hy vọng du khách khi tới du lịch châu Âu luôn thận trọng, không nên lơ là cảnh giác.
Nữ du khách Việt 10 năm du lịch khắp thế giới suýt bị cưỡng hiếp khi đi nhờ xe
Trong hành trình 10 năm khám phá thế giới, chị Đinh Hằng - một nữ du khách Việt Nam từng đối mặt với sự cố nguy hiểm: suýt bị cưỡng hiếp khi đi nhờ xe.
Suýt bị cưỡng hiếp khi đi du lịch
Chị Đinh Hằng (TPHCM), một travel blogger - nhiếp ảnh gia, tác giả cuốn du ký "Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ", "Chân Đi Không Mỏi - Hành Trình Đông Nam Á", "Người tình Havana" đã có hơn 10 năm du lịch một mình khắp thế giới. Trong hành trình đó, chị Hằng cho biết, bản thân chưa từng bị trộm, cướp hay lừa đảo nhưng một lần, do thiếu cảnh giác mà suýt chút nữa bị cưỡng hiếp. Sự việc đã ám ảnh chị suốt một thời gian dài sau đó nhưng đã trở thành kinh nghiệm để những chuyến đi sau này, chị luôn nâng cao mức độ cảnh giác, không cho phép bản thân tự đẩy mình vào tình huống rủi ro, nguy hại.
Chị Hằng đã có 10 năm đi du lịch khắp thế giới
Chia sẻ với báo VietNamNet, chị Hằng cho biết, sự việc hi hữu trong hơn 10 năm du lịch một mình khắp thế giới của chị xảy ra vào tháng 10/2013 tại thành phố cảng Cancun, Mexico - một thành phố du lịch nổi tiếng. Thời điểm đó chị mới có hơn 1 năm kinh nghiệm du lịch quốc tế một mình.
19h, chị Hằng đi bộ từ bến xe buýt để trở về nhà - nơi một cô gái bản địa cho chị ở nhờ. Lúc này, một người đàn ông lái xe tải chở hàng tiến tới gần, ngỏ ý để chị Hằng đi nhờ. "Trời đã khá muộn, đường vắng nên mình từ chối. Mình không muốn đặt bản thân vào tình huống rủi ro", chị Hằng cho biết.
Cô gái Việt lại tiếp tục đi bộ. Tuy nhiên, người lái xe kiên trì đi theo. Đi được một đoạn, anh ta dừng xe, mở cửa, trò chuyện bằng tiếng Anh với thái độ rất thân thiện, dễ mến. Anh ta cho biết sẽ lái xe đi thẳng con đường này nên có thể giúp đỡ chị Hằng.
"Lúc này dường như sự thân thiện của người lái xe đã làm mình phần nào hạ mức độ cảnh giác", chị Hằng cho biết. Chỉ cách đó vài tiếng, chị gặp một người đàn ông Mexico rất tốt bụng, lái xe máy đưa chị tham quan một hòn đảo xinh đẹp mà không tính toán bất cứ chi phí nào. Chị cảm ơn bằng một lon bia, ông ấy đã vui mừng vô cùng. "Câu chuyện hồi chiều khiến mình rất có thiện cảm với người bản địa Mexico. Cũng vì thế mà khi người lái xe mời lần hai, mình nghĩ anh ta có lòng tốt, thực sự muốn hỗ trợ mình. Vậy là mình lên xe", chị Hằng kể.
Chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Đi được một đoạn, người đàn ông bất ngờ lái xe quẹo sang trái. Chị Hằng xem bản đồ và nói với người lái xe: "Em cần đi thẳng con đường này để về nhà chủ nhà, anh đang đi đâu vậy?". Người đàn ông thản nhiên cho biết, anh ta đang đi một con đường tắt.
Lúc này, chị Hằng đã cảm thấy có điều bất thường và linh cảm dường như quyết định lên xe của chị là sai lầm. "Trong lúc người đàn ông lái xe, mình bắt đầu suy nghĩ tìm cách thoát thân. Mình không thể mở cửa xe và nhảy ra vì điều đó có thể khiến mình bị thương, tự gây nguy hiểm cho chính mình và quan trọng mình cũng không rõ cánh cửa có bị khóa hay không", chị Hằng kể lại.
Lúc này, người đàn ông bắt đầu đưa tay đặt lên đùi chị Hằng, có hành vi sờ soạng khiếm nhã. Chị Hằng gạt tay người đàn ông, cố gắng hết sức để khiến anh ta không thể động chạm vào cơ thể.
"Mình lấy hết can đảm nhìn vào mắt anh ta. Thực sự lúc đó, nỗi sợ hãi bao trùm đầu óc mình. Mình đã nghĩ về khả năng xấu nhất là bị cưỡng hiếp. Mình không còn nghĩ được thêm điều gì, vô cùng hoảng loạn và quên rằng trên người có một con dao nhỏ và một bình xịt hơi cay", chị Hằng nhớ lại thời khắc nguy hiểm.
Xe đi được một đoạn, người đàn ông dừng ở một góc phố vắng. Nơi này chỉ có 2 căn nhà đã đóng cửa, tắt điện tối om. Hắn quay người sang định lao vào người chị Hằng. Quá hoảng sợ, chị vội đưa tay mở cửa xe. Thật may, cánh cửa xe bên chị không bị khóa. Chị lao ra khỏi xe, bỏ chạy thục mạng, không dám quay đầu. Chị Hằng trốn ở những góc nhà dân ven đường để "cắt đuôi" người đàn ông, cố gắng tìm đường ra con đường chính.
"May mắn là khu vực này không cách quá xa đường lớn và một lúc sau, mình không còn thấy hắn", chị Hằng cho biết.
Trở về đến nơi ở, chị Hằng vẫn chưa hết bàng hoàng về sự cố vừa gặp. Nếu không may mắn, chỉ thiếu chút nữa chị có thể trở thành nạn nhân một vụ cưỡng hiếp. "Sau này, nếu đi một mình, mình tuyệt đối không còn dám đi nhờ xe. Ngay cả tại một số quốc gia thân thiện với việc đi quá giang, mình chỉ lên xe nếu đi cùng bạn bè. Sự việc là bài học để mình luôn nâng cao cảnh giác trong bất cứ tình huống nào. Và mình muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân để", chị Hằng chia sẻ.
Kinh nghiệm du lịch một mình
Từng đối mặt với tình huống nguy hiểm nhưng chị Đinh Hằng chưa từng nghĩ tới việc từ bỏ giấc mơ khám phá thế giới, sống một cuộc sống đầy trải nghiệm, tự do và hạnh phúc.
"Chúng ta ai cũng có một cuộc đời để sống nhưng chỉ có một lần này mà thôi. Thời gian trôi qua không thể lấy lại được. Tuổi trẻ trôi qua sẽ không quay trở lại nữa. Dù cho ước mơ của bạn là gì, hãy cố gắng đến cùng, hãy bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Đừng để khi về già, quay trở lại nhìn, bản thân sẽ thấy hối hận và sẽ ước đã sống khác đi", chị Đinh Hằng tâm niệm.
Chị Hằng rất thích những chuyến lái xe đường trường. Hình ảnh được ghi lại khi chị một mình khám phá đất nước Đông Timor
Chị Hằng chia sẻ, bản thân cũng từng "đầu bù tóc rối giữa bốn bức tường văn phòng, loay hoay trước nỗi lo cơm áo gạo tiền, không dám sống cuộc đời mình mong muốn". Tuy nhiên, chuyến đi Trung Đông tới Ai Cập và Jordan năm 2011 đã thay đổi cuộc đời chị.
Thời điểm đó, chị Hằng tận mắt chứng kiến những cuộc bạo động với tiếng súng, tiếng nổ, tiếng la thất thanh, còi xe cấp cứu, những người biểu tình ngã xuống trong cuộc biểu tình "mùa xuân Ả Rập" lần thứ 2. Chị Hằng có mặt tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo - nơi mỗi ngày có hàng ngàn người biểu tình, bạo động, đánh nhau với cảnh sát. Với mong muốn ghi lại những hình ảnh chân thực (khi đó, chị Hằng đang là phóng viên một kênh truyền hình), chị tiến vào sâu trong khu vực biểu tình. Thế nhưng trong một đợt bắn hơi cay của cảnh sát, dòng người đổ về phía chị Hằng đứng khiến chị suýt chút nữa trở thành nạn nhân ngạt hơi cay tới chết. "Hai người bạn Ai Cập đã lôi mình ra góc khuất, xịt nước để cứu mình. Thời điểm mình bị ngạt hơi cay, mắt mình đỏ quạch, mũi - miệng không thể thở được. Lần đầu tiên mình trải qua cảm giác hoảng sợ đến như vậy", chị Hằng kể.
Chị Hằng tại tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo năm 2011
Trở về sau chuyến đi chị Hằng có một bài báo chiếm tới 3/4 trang sau của một tờ báo nổi tiếng Việt Nam. Cũng chính từ bài báo đó, cuộc sống của cô gái trẻ hoàn toàn thay đổi. Một đêm, khi ngồi trong căn phòng làm việc không một bóng người để hoàn thành bản tin trước 4h sáng. Chị Hằng không thể ngủ được. "Tiếng nổ, tiếng la hét, mọi âm thanh từ quảng trường Tahrir dội lại trong đầu mình. Lúc đó mình có một suy nghĩ: Mình không muốn tiếp tục sống cuộc sống như hiện tại, mình muốn đi ra thế giới, nhìn ngắm thế giới này, hành tinh này rộng lớn ra sao, tốt đẹp như thế nào. Và mình quyết định nghỉ việc để sống cuộc đời mình mong muốn", chị tâm sự.
Nhìn lại hành trình du lịch 10 năm qua, chị Hằng đã có vô vàn những trải nghiệm tuyệt vời: bay trực thăng trên đỉnh sông băng tại New Zealand và xúc tuyết từ chính sông băng đó để uống một ly champagne, nhảy bungee ở độ cao 43m xuống lòng sông chảy xiết, nhảy dù, rơi tự do ở độ cao 15.000 feet (4.572m), lái xe trượt tuyết giữa mưa tuyết, lặn ngắm cá mập giữa đại dương, leo xích đu cao nhất Nam Mỹ,...
Chị Hằng trải nghiệm nhảy dù, bay trực thăng
Để tận hưởng được những điều tuyệt vời trong hành trình du lịch khắp thế giới, chị Hằng cũng rất chú ý đến yếu tố an toàn. Chị áp dụng một số kinh nghiệm thực tế để bảo vệ an toàn bản thân khi đi du lịch một mình, như:
- Khi tới một miền đất mới, du khách cần "nhập gia tùy tục", tìm hiểu thật kĩ thông tin về điểm đến để không hành xử kỳ quái, hoặc vô tình xúc phạm đến văn hoá, tín ngưỡng địa phương. Tại Trung Đông, việc nhìn và mỉm cười với một người đàn ông có thể được hiểu là lời tán tỉnh, gợi ý.
- Du khách cần tự trang bị "vũ khí" như dao nhỏ, bình xịt hơi cay, hoặc tham gia một lớp võ tự vệ, giữ sức khoẻ tốt trên đường đi. Tuy nhiên, "vũ khí" quan trọng nhất chính là khả năng quan sát và niềm tin vào trực giác. Nếu thấy bất cứ dấu hiệu nào không an toàn, hãy rời đi ngay lập tức hoặc tìm cách kết bạn và hoà vào một đám đông khách du lịch khác.
- Tránh ra ngoài một mình vào ban đêm, chú ý ăn mặc giản dị, kín đáo để không gây chú ý.
- Để giữ an toàn cho bản thân, bạn nên tạo ra một vòng tròn giới hạn với những người xung quanh. Bạn đừng ngại thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể hay thậm chí lớn tiếng nếu bị làm phiền một cách không mong muốn.
Chị Hằng nhảy bungee ở độ cao 43m xuống lòng sông chảy xiết
Bí quyết xin ở nhờ khi đi du lịch
Những năm đầu trong hành trình khám phá thế giới, chị Hằng thường chọn hình thức ở nhờ nhà người bản địa. Chị chia sẻ, chị sử dụng Couch Surfing. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, nơi bạn có thể tham gia đón những thành viên khác đến nhà ở, hoặc ngược lại tìm kiếm một chủ nhà tốt bụng cho bạn ở nhờ nhà họ trong vài ngày lưu lại thành phố. Hiện, cộng đồng này có khoảng 14 triệu thành viên tại hơn 200.000 thành phố trên toàn cầu.
Bản thân chị Hằng đã dành căn phòng nơi đang sống tại TPHCM để đón rất nhiều du khách quốc tế. "Từ khi thành một Couch Surfer, giữa khoảng nghỉ của những chuyến đi, mình gặp họ, đôi khi chỉ là để uống một chai bia, ăn một bữa tối, hoặc ở cùng nhà, nhưng có thể thấy cả một thế giới đang ngồn ngộn sống ngoài kia. Đó là thế giới của những đôi chân chưa bao giờ mỏi, những trái tim không biết sợ hãi và những tâm hồn lấy sự đi và hiểu biết làm mục đích sống cho mình", chị Hằng tâm sự.
Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm từ chị Đinh Hằng để tham gia Couch Surfing khi đi du lịch:
Xin ở nhờ qua Couch Surfing:
Couch Surfing không phải là một chỗ trọ qua đêm, nó là thế giới bạn bè và trao đổi văn hóa, do đó hãy viết các tin nhắn cá nhân cho từng Couch Surfer, đừng viết chung một tin nhắn và gửi đi khắp nơi. Các Couch Surfers sẽ dễ dàng biết được bạn có thực sự quan tâm đến họ hay chỉ đang cần một chỗ ở mà thôi.
Sẽ có một vài khó khăn cho thành viên mới khi xin ở nhờ. Có vô số Couch Surfer kinh nghiệm thậm chí liệt kê hàng loạt yêu cầu khi nhận đón bất cứ thành viên nào. Vì vậy sau đây là một vài mẹo nhỏ khi gửi yêu cầu xin ở nhờ:
- Không nhất thiết phải chọn chủ nhà có nhà ở trung tâm thành phố hoặc chính xác thành phố bạn cần đến. Đôi khi nếu thành phố bạn đến quá đắt đỏ, hãy tìm một vài Couch Surfer ở tỉnh thành lân cận, miễn là phương tiện công cộng để đi vào thành phố nơi bạn muốn đến thuận tiện.
- Chọn những thành viên mới: Với các thành viên mới gia nhập có thể khả năng đồng ý host sẽ cao hơn là các thành viên có kinh nghiệm lâu năm.
- Gửi một lần 1-3 yêu cầu cho riêng từng người. Đừng hy vọng tất cả mọi người sẽ trả lời bạn.
Đón Couch Surfer đến nhà:
- Thảo luận với các thành viên khác trong gia đình và nên được sự đồng ý của họ trước khi quyết định cho Couch Surfer ở nhờ.
- Đừng quá quan trọng việc bạn đang ở trong một căn phòng nhỏ hoặc không đầy đủ tiện nghi. Phần lớn Couch Surfer là Backpacker và họ không quá quan tâm đến việc họ phải được sống trong một căn phòng như khách sạn. Tuy nhiên bạn cũng nên có một không gian dành riêng cho họ, ví dụ một cái nệm hoặc một góc trong nhà.
- Giới thiệu họ qua một vòng ngôi nhà/căn phòng và nơi bạn sẽ dành cho họ.
- Thẳng thắn nói về việc có thể hoặc không nên làm trong nhà bạn.
- Tùy vào độ tin cậy và tình trạng của ngôi nhà mà bạn có giao thêm một chìa khóa khác cho họ hay không.
- Đăng kí tạm trú cho Couch Surfer: Bất cứ người nước ngoài nào đến ở nhà bạn cũng phải được đăng kí tạm trú tại trụ sở công an phường.
- Bạn nên có sẵn một danh sách cũng như kiến thức về thành phố, đất nước, lịch sử, văn hóa, ẩm thực... để sẵn sàng giải thích cho Couch Surfer.
Nếu đi chơi với Couch Surfer:
- Phần lớn dân đi bụi luôn thích thử các món ăn địa phương. Vì vậy hãy chuẩn bị một danh sách các món ăn, nhà hàng, quán ăn bình dân để dẫn họ đi. Tùy thuộc vào túi tiền mỗi người mà chọn địa điểm ăn thích hợp.
- Đề nghị chia đều tiền khi đi ăn hoặc uống cùng nhau. Rất nhiều Couch Surfer lịch thiệp đòi được trả toàn bộ tiền ăn uống khi đi chơi, tuy nhiên, tôi nghĩ bạn cũng nên yêu cầu chia tiền hoặc trả các món khác, đừng để họ phải trả toàn bộ chi phí.
- Tuyệt đối không được đòi tiền Couch Surfer.
Đến bãi biển khoả thân ở châu Âu: 1001 qui tắc phải thuộc trước khi 'cởi' Nhiều du khách thường lầm tưởng rằng khi tới các bãi biển khỏa thân sẽ được tự do và không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc gì, ngay cả đến trang phục. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Tất cả các bãi biển khỏa thân của châu Âu đều có những quy định rõ ràng, được công khai...