Nữ điệp viên một chân khiến mật vụ phát xít Đức bất lực
Phát xít Đức coi Virginia Hall Goillot là gián điệp nguy hiểm cần thủ tiêu, nhưng luôn thất bại trong việc truy bắt, bất chấp việc bà chỉ có một chân.
Virginia Hall khi nhận huân chương sau chiến tranh. Ảnh: BBC.
Trong Thế chiến II, mật vụ phát xít Đức (Gestapo) truy nã ráo riết một nữ điệp viên được mô tả “nguy hiểm nhất phe Đồng minh, cần phải tìm và tiêu diệt”. Đó là Virginia Hall Goillot, nữ anh hùng gián điệp trong Thế chiến II, từng cứu nhiều người thuộc phe Đồng minh, theo Smithsonianmag.
Virginia “Dindy” Hall Goillot sinh ngày 6/4/1906 ở Baltimore, Mỹ, trong một gia đình giàu có. Cô có sở thích nam tính như săn bắn và cưỡi ngựa. Lớn lên, cô thành thạo tiếng Pháp, Italy, Đức nhờ học ở đại học Radcliffe và Barnard danh giá. Năm 1931, Hall trở thành nhân viên Cơ quan lãnh sự Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw, Ba Lan sau khi hoàn thành nghiên cứu ở châu Âu.
Một năm sau, cô tình cờ bắn vào chân trái mình trong một lần đi săn. Vết thương quá nặng buộc Hall phải cắt bỏ chân trái quá gối. Sau khi bình phục, cô sử dụng chân giả bằng gỗ và gọi đùa nó là “Cuthbert”.
Cũng vì khuyết tật một chân nên Hall phải từ bỏ công việc ở Bộ Ngoại giao và chuyển đến Paris. Lúc này, các cuộc giao tranh nhỏ giữa Đức và Pháp nổ ra trước Thế chiến II. Hall tham gia đội hỗ trợ, trở thành lái xe cứu thương nơi tiền tuyến của quân đội Pháp.
Ngày 10/5/1940, Đức phát động cuộc xâm lược toàn diện, quân Pháp thất thủ hơn một tháng sau đó. Hall chuyển đến Anh, nơi cô kiếm được việc làm ở Đại sứ quán Mỹ.
Sống sót qua các trận tập kích đường không nhằm vào London, Hall quyết định tham gia vào cơ quan tình báo Anh (SOE). Cô được huấn luyện phá hoại, phương thức gián điệp, liên lạc và vũ khí từ tháng 1/1941. Trong quá trình hoạt động, Hall mang nhiều tên giả như Marie Monin, Germaine, Diane, Marie of Lyon, Camille và Nicolas, trong khi người Đức gọi cô là “quý bà khập khiễng”.
Hall trở thành nữ gián điệp đầu tiên được SOE điều tới Pháp. Trong vòng hai năm, cô làm gián điệp ở Lyon dưới vỏ bọc là một cộng tác viên cho tờ New York Post. Sau khi Mỹ tham chiến, cô buộc phải ẩn mình. Hall tiếp tục công việc thêm 14 tháng, bất chấp khả năng bị tra tấn và giết chết nếu rơi vào tay người Đức.
Trong thời gian này, cô hỗ trợ việc thả dù cung cấp vũ khí, hàng tiếp tế và tài chính cho phong trào kháng chiến. Hall còn tham gia nhiệm vụ trinh sát, phá hoại, cũng như cứu hộ phi công Đồng minh bị bắn rơi, giúp họ ra khỏi nước Pháp hay giải cứu tù binh.
Dù treo thưởng với số tiền lớn, mật vụ Đức không thể nào bắt được Hall. Cô chỉ rời đi sau khi quân Đồng minh đổ bộ xuống Bắc Phi và quân Đức tràn vào nước Pháp. Để trốn thoát, cô phải đi bộ qua các ngọn núi Pyrennes để sang Tây Ban Nha. Đó là nhiệm vụ khó khăn với một người bị cụt chân, phải đi lại bằng chân giả trong mùa đông lạnh giá.
Giấy tờ của Virginia Hall trước năm 1940. Ảnh: Alchetron.
Khi đến Tây Ban Nha, vì không có visa nên Hall bị tống giam vào nhà tù Figueres trong 6 tuần, trước khi được thả nhờ lãnh sự Mỹ can thiệp.
Video đang HOT
Ngày 10/3/1944, với sự chấp thuận của SOE, Hall gia nhập Phòng tình báo Chiến lược Mỹ (OSS), tổ chức tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Quay trở lại London, cô được huấn luyện trở thành liên lạc viên radio và trở lại vùng Haute-Loire của Pháp, nơi cô đóng giả làm một nhân viên bán sữa để che giấu thân phận. Hall luôn thay đổi địa điểm báo cáo về động thái chuyển quân của phát xít Đức để tránh bị mật vụ Gestapo phát hiện.
Trước khi cuộc đổ bộ ở Normandy diễn ra, Hall tổ chức phong trào kháng chiến địa phương nhằm phá hủy các cây cầu, tuyến đường sắt và tiền đồn quân sự để kéo sự chú ý khỏi bờ biển. Điều đó khiến phát xít Đức khó lòng phán đoán chính xác nơi cuộc đổ bộ thực sự diễn ra.
Ngày 26/8, quân Đức ở Le Chambon đầu hàng lực lượng của Hall ở miền nam nước Pháp. Ngày 4/12, Hall điều phối nhiệm vụ đặc biệt thả dù tiếp tế cho quân Đồng minh nhằm tiêu diệt sự phản kháng cuối cùng của Đức ở Pháp. Trong nhiệm vụ này, cô gặp trung úy Paul Goillot, một người Mỹ gốc Pháp, hai người cưới nhau vào năm 1950.
Ngày 25/9, thủ đô Paris được giải phóng. Hall được yêu cầu trở về quê nhà, nhưng cô từ chối và tình nguyện đến Áo để tiếp tục chiến đấu. Ngày 25/4/1945, cô tới Thụy Sĩ cùng các tình nguyện viên khác, chờ thời điểm thích hợp để đến nước Áo. Tuy nhiên, một tháng sau Đức đầu hàng, chiến dịch này bị hủy bỏ.
Virginia Hall là nữ thường dân duy nhất trong Thế chiến thứ hai được nhận Huân chương Chữ thập danh giá. Năm 1951, cô gia nhập CIA và làm việc cho đến khi nghỉ hưu năm 1966.
Tháng 12/2006, hơn 20 năm sau khi Hall qua đời, cô được đại sứ Anh và Pháp vinh danh tại lễ tưởng niệm ở Washington, Mỹ. Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac gửi thư gọi Hall là “người anh hùng thực sự của phong trào kháng chiến Pháp”.
“Trong quãng thời gian ở Pháp, cô luôn phải đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ, luôn ý thức rõ được hậu quả của việc này. Hall là người phụ nữ có lòng dũng cảm phi thường”, Peter Earnest, giám đốc điều hành Bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington, nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Nữ điệp viên dùng mỹ nhân kế moi móc bí mật của phát xít
Xinh đẹp, quyến rũ và biết cách mê hoặc mọi gã đàn ông, Betty Pack đã thu thập được những thông tin mật để gửi về Anh, góp phần làm nên chiến thắng trước phát xít.
Nữ điệp viên Betty Pack. Ảnh: specialforcesroh
Betty Pack, một cựu thành viên lực lượng tình báo nước ngoài (MI6) của Anh, được xem như một trong những điệp viên thành công nhất trong lịch sử, nhờ khả năng sử dụng vũ khí sắc đẹp tài tình.
Sinh ra tại Minnesota, Mỹ trong gia đình có cha là một sĩ quan lính thủy đánh bộ Mỹ danh tiếng, Betty - tên thời con gái là Amy Elizabeth Thorpe - lớn lên trong một khu vực dân trí cao tại Washington. Dù vậy, từ năm 14 tuổi, Betty lại sống khá buông thả.
Năm 1930, cô bất ngờ có thai ở tuổi 19 nhưng không rõ cha đứa trẻ là ai. Để tránh tai tiếng, cô kết hôn với Arthur Pack, một nhà ngoại giao người Anh gấp đôi tuổi cô. Từ đó, cô trở thành công dân Anh. Cô sinh đứa con là Tony nhưng được giao cho cha mẹ nuôi ngay sau khi chào đời tại London, hai người sau đó không hề đón về.
Tại London, Pack càng có điều kiện thỏa mãn ý thích phiêu lưu của mình, cả về mặt tình ái và chính trị. Trong số hàng loạt người tình, một người đã giới thiệu bà cho bạn bè của mình tại cơ quan tình báo Anh. Họ nhận thấy ở bà có sự kết hợp hoàn hảo giữa sự quyến rũ và thông minh, cùng tư tưởng không đặt nặng vấn đề đạo đức. Tất cả yếu tố đó khiến Pack trở thành một điệp viên rất hữu ích.
Gia đình Pack chuyển tới đại sứ quán Anh ở Madrid đúng lúc cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha bùng phát. Là người dũng cảm và làm việc không mệt mỏi, Betty khi đó đã điều phối quá trình di tản nhân viên đại sứ quán bằng tàu khu trục của Anh.
Các lãnh đạo của MI6 đặc biệt ấn tượng với năng lực của Betty khi cô khéo léo xâm nhập Madrid để tìm một người tình người Tây Ban Nha bị bắt giam tại Madrid. Cô còn thuyết phục được bộ trưởng ngoại giao Tây Ban Nha cho phép vào gặp người đàn ông này trong trại giam.
Năm 1938, gia đình Betty chuyển tới Ba Lan khi đất nước này trở thành mục tiêu tấn công của trùm phát xít Đức Hitler. MI6 cố tình thu xếp để Betty đến đây nhằm tạo cho cô cơ hội phát huy sở trường tại Warsaw. Betty nhanh chóng kết bạn với đám đông trí thức trẻ người Ba Lan và quyến rũ một nhân viên ngoại giao địa phương.
Trong những lần gần gũi, Betty khai thác được thông tin từ người tình rằng chính quyền Ba Lan đã bí mật hùa theo chính quyền Đức quốc xã để chiếm Tiệp Khắc. Thông tin được truyền tới một đại diện của MI6 tại đại sứ quán trong một buổi đi đánh golf, và từ đây bà chính thức gia nhập tổ chức tình báo này.
Vũ khí sắc đẹp
Betty được yêu cầu gần gũi với càng nhiều người Ba Lan càng tốt để lấy thông tin. "Các cuộc gặp gỡ của chúng tôi rất hữu ích, và tôi để cho những người đó gần gũi bất kỳ khi nào họ muốn, bởi nó đảm bảo thông tin chính trị tôi cần sẽ được liên tục và thông suốt", Betty sau này nhớ lại.
Sau khi chồng bị buộc phải trở về Anh vì một cơn đau tim, Betty càng có điều kiện phát huy khả năng dùng "mỹ nhân kế". Cô được lệnh nhắm tới bá tước Michael Lubienski, cố vấn trưởng của ngoại trưởng Ba Lan khi đó, Jozef Beck.
Sau khi thuyết phục được đại sứ Mỹ bố trí cho mình ngồi cạnh bá tước tại một buổi tiệc tối, Betty ngay lập tức quyến rũ được người đàn ông này. Trong những lần hẹn hò sau đó, bá tước điển trai và đã có gia đình này không ngừng tiết lộ nhiều bí mật, bao gồm cả những đàm phán bí mật của sếp mình với Hitler nhằm tránh xảy ra chiến tranh.
Ngay khi cuộc hẹn hò kết thúc, Betty lập tức chạy lại máy đánh chữ và viết lại những gì mình nắm bắt được. Cứ hai lần mỗi tuần, thông tin mật bà thu thập được chuyển về London trong túi đựng hồ sơ ngoại giao.
William Stephenson, người đứng đầu cơ quan tình báo Anh dưới thời thủ tướng Churchill, ghi nhận công lao của Betty khi lấy được thông tin vô cùng quý giá về cỗ máy mã hóa Enigma khét tiếng của phát xít Đức.
Năm 1939, người Anh nhận ra họ đã lơ là việc người Đức phát triển Enigma và vội vã ra lệnh cho các điệp viên tìm hiểu mọi thông tin về cỗ máy. Thông qua người tình là bá tước Ba Lan, Betty phát hiện ra rằng nhiều nhà toán học nước này từ nhiều năm trước chiến tranh đã bí mật tìm cách hóa giải cơ chế mã hóa thông tin của Enigma. Betty đã gửi về Anh những thông tin vô cùng hữu ích về cách thức cỗ máy vận hành.
Bá tước mê mẩn Betty đến độ đã đưa Betty tới Berlin, khi nhận nhiệm vụ đại diện cho Ba Lan tham dự cuộc tuần hành Nuremberg của Hitler năm 1938.
Sau đó, MI6 điều bà tới Prague, nơi bà cùng một điệp viên đồng nghiệp đột nhập trụ sở của một lãnh đạo lực lượng thân phát xít địa phương và đánh cắp được tài liệu cho thấy Đức chuẩn bị chiếm khu vực trung Âu.
Đến khi Thế chiến II nổ ra, gia đình Pack đã rời Warsaw với sự hỗ trợ của nhân viên sứ quán. Bá tước Lubienski suy sụp vì phải xa người tình, nhưng Betty thì không chút rung động. "Tôi không thích những trái tim tan vỡ. Tôi chẳng hề ủy mị", cô nói với bá tước.
Không lâu sau, do lo sợ vỏ bọc có thể bị lộ, chính phủ Anh điều Betty và chồng tới Chile, trong lúc MI6 chuẩn bị một danh tính mới cho nữ điệp viên. Cuối năm 1940, MI6 điều Betty tới Washington dưới vỏ bọc một phóng viên.
Dưới bí danh Cynthia, Betty nhanh chóng kết thân và qua lại với một loạt nhà ngoại giao nước ngoài để khai thác thông tin tình báo, bởi Anh đang đối mặt với chiến tranh còn Mỹ vẫn giữ quan điểm trung lập.
Alberto Lais, cựu lãnh đạo tình báo Italy cũng bị khuất phục bởi Betty Pack. Ảnh:Wiki
Tại đây, Cynthia quyến rũ được Alberto Lais, khi đó là một đô đốc và tùy viên hải quân tại đại sứ quán Italy ở Washington. Lais trước đó là lãnh đạo cơ quan tính báo Italy, nhưng ngay cả một điệp viên chuyên nghiệp như Lais cũng bị Betty khuất phục bằng mỹ nhân kế.
Sau một buổi tối lãng mạn, Betty lấy được thông tin từ Lais về một nhân viên làm tại phòng mật mã hải quân và dùng tiền để mua chuộc người này, sau khi nhận thấy đó là một người không dễ bị mê hoặc. Nhờ có cuốn mật mã hải quân Italy, hải quân Anh đã có được chiến thắng vang dội trước đối thủ Italy trong trận Cape Matapan.
Một chiến công lớn nữa của Betty tại Washington là khi cô đột nhập thành công vào đại sứ quán Pháp và lấy được bộ mật mã hải quân Pháp, được cất giấu trong két sắt tại một căn phòng cẩn mật.
Để làm được việc đó, điệp viên với vỏ bọc phóng viên đã tiếp cận nhân viên báo chí đại sứ quán, Charles Brousse. Hai người nhanh chóng trở thành người tình, chỉ có điều, Betty thực sự nảy sinh tình cảm với Brousse.
Nhưng nhờ vậy, Betty đã thuyết phục được Brousse đứng về phe mình và tiết lộ hàng loạt bí mật của người Pháp. Tháng 3/1942, trước mệnh lệnh khẩn từ London phải lấy được thêm mật mã hải quân Pháp, Betty và Brousse đã tương kế tựu kế, vào tòa đại sứ trong nhiều đêm và đánh lừa bảo vệ. Nhờ đó, họ đưa được một kẻ trộm chuyên nghiệp vào để giải mã thành công két sắt chứa mật mã, rồi sao chụp toàn bộ số mật mã được cất giữ bên trong. Thông tin tình báo này giúp ích lớn cho phe Đồng minh, khi họ đổ bộ lên khu vực Bắc Phi năm 1942.
Sau khi trở về London, Betty đề nghị được điều động tới khu vực châu Âu bị phát xít Đức chiếm đóng trong vai trò sát thủ. Nhưng MI6 nhận thấy vỏ bọc của cô đã hoàn toàn bị lộ tại Washington. Sau khi người chồng là nhà ngoại giao Anh qua đời năm 1945, Betty kết hôn với Brousse và định cư tại Pháp. Năm 1963, bà qua đời vì ung thư.
Sự xuất sắc của Pack trong việc quyến rũ và lấy thông tin tình báo từ các sĩ quan phát xít Đức và đồng minh từng được tạp chí Time mô tả rằng bà "sử dụng phòng ngủ giống như điệp viên James Bond sử dụng một khẩu Beretta".
Một đồng nghiệp tại MI6 mô tả Pack là bậc thầy về quyến rũ đàn ông, có thể dễ dàng "khóa mục tiêu" với "nụ cười rạng ngời và đôi mắt màu xanh ngọc". "Việc khiến một người đàn ông cảm thấy ông ta là cả vũ trụ của mình là thủ thuật của phụ nữ lâu nay, nhưng bà ấy đã đưa nó lên đến đỉnh cao".
Nữ điệp viên thì chẳng mảy may quan tâm đến những người nghi ngờ cách bà thực hiện nhiệm vụ. "Xấu hổ ư? Không một chút nào. Các cấp trên nói với tôi rằng kết quả từ công việc của tôi giúp cứu hàng nghìn sinh mạng Anh và Mỹ", bà chia sẻ nhiều năm sau cuộc chiến.
"Nó đòi hỏi tôi phải tham gia vào những tình huống mà những phụ nữ 'đứng đắn' khước từ, nhưng tôi hoàn toàn hết mình vì công việc. Không thể chiến thắng cuộc chiến bằng các biện pháp đứng đắn".
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Oanh tạc cơ tàng hình suýt giúp Hitler xoay chuyển cuộc chiến Nếu được chế tạo sớm hơn, oanh tạc cơ tàng hình Horten Ho 2-29 có thể gây thiệt hại nặng nề cho phe Đồng minh, góp phần xoay chuyển cục diện chiến trường. Mô hình oanh tạc cơ thiết kế dạng cánh bằng Horten Ho 2-29 của phát xít Đức. Ảnh: Telegraph Năm 1943, trước đà thất bại chóng vánh trên chiến trường,...