Nữ bác sĩ giao việc gia đình cho chồng, đi chống dịch Covid-19 hơn 100 ngày
Nữ bác sĩ ở Vĩnh Long bàn giao công việc gia đình và chăm sóc mẹ già lại cho chồng để tham gia chống dịch Covid-19 hơn 100 ngày liên tục.Mọi việc gia đình giao lại cho chồng để đi chống dịch
Đó là nữ bác sĩ (BS) Huỳnh Thị Mỹ Tiên (53 tuổi, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Chỉ đạo tuyến và Điều dưỡng Bệnh viện phổi, thuộc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long). Chia sẻ với PV Thanh Niên về cuộc chống dịch Covid-19 lịch sử vừa qua, BS Tiên cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, mình “khăn gói” lên đường đi chống dịch; mọi công việc gia đình đều giao lại cho chồng quán xuyến, kể cả việc chăm sóc mẹ già, lo cơm nước. “Mình là tuyến đầu, lúc có lệnh là lên đường thôi, mọi việc giao lại hết cho ông xã, mình đi xuyên suốt hơn 100 ngày. Gia đình cũng lo lắng lắm sợ mình không có sức khỏe, sợ nhiễm bệnh, khi dịch Covid-19 được kiểm soát mình trở về bình an ai cũng rất vui mừng. Ngoài ra, con gái lớn của mình đang là sinh viên y khoa năm thứ 5 ở TP.Cần Thơ cũng tham gia chống dịch Covid-19 trong đợt vừa qua”, BS Tiên vui vẻ nói.
BS Tiên (giữa) cùng các y bác sĩ tham gia chống dịch Covid-19. Ảnh NVCC
BS Tiên nhớ lại, khi dịch bệnh bùng phát đợt thứ 4 (từ 27.4.2021), chị được phân công nhiệm vụ làm Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 5 đặt tại cơ sở Trường đại học Xây dựng miền Tây, hoạt động với quy mô 1.000 giường. Trong bối cảnh lấy cơ sở để làm bệnh viện từ 1 ký túc xá trường đại học, trang thiết bị cơ sở vật chất chỉ có giường của khu ký túc xá sinh viên, chị đã lên kế hoạch, bố trí sắp xếp mọi cơ sở vật chất chu đáo để sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân chỉ trong chưa tới hai ngày từ lúc nhận nhiệm vụ. Ngoài ra, chị còn tiếp tục thực hiện kiêm nhiệm chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 5, trực tiếp quản lý và điều trị bệnh nhân tại cơ sở 3 của bệnh viện dã chiến đặt tại khu nhà xưởng của Công ty Invest Mekong (KCN Hòa Phú, H.Long Hồ, Vĩnh Long). Bệnh viện này đi vào hoạt động lúc 17 giờ ngày 4.11.2021, được lệnh ngưng nhận bệnh kể từ ngày 25.1.2022 và chính thức hết bệnh nhân vào lúc 17 giờ ngày 28.1.2022.
BS Tiên hướng dẫn các F0 theo dõi sức khỏe khi về nhà. Ảnh NVCC
“Trong thời gian đó tôi và hàng chục BS, nhân viên y tế và tình nguyện viên đã tiếp nhận, điều trị hơn 6.690 F0, xuất viện hơn 6.470, số còn lại chuyển bệnh viện tầng 3. Với nhiệm vụ ban đầu được phân công là tầng 1 nhưng vì tình hình bệnh gia tăng số ca mắc Covid-19 nặng cần điều trị tầng 2 và 2 gia tăng, tôi đã mạnh dạn phối hợp cùng với tất cả đồng nghiệp thực hiện việc điều trị cả bệnh nhân thuộc tầng 2 và 2 . Ngoài ra, còn thực hiện liên hệ giúp đỡ các bệnh nhân khỏi bệnh sau khi ra viện ở các tỉnh ở miền Tây. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, tôi còn động viên tinh thần các lực lượng phục vụ tại bệnh viện, thiết kế các poster, hình ảnh cổ vũ tinh thần, vận động các bạn chống dịch”, BS Tiên nhớ lại.
Video đang HOT
BS Tiên thiết kế slogan cổ vũ tinh thần các y bác sĩ và các tình nguyện viên ở bệnh viện dã chiến số 5. Ảnh NVCC
Đặt nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân lên hàng đầu
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta làm số ca mắc tăng nhanh trên địa bàn tỉnh và số bệnh nhân nặng cũng tăng lên. Áp lực trong hoạt động điều trị cũng tăng lên khi có nhiều ca cần can thiệp ô xy, thở máy. Vì thế, số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước. BS Tiên cho biết, các y bác sĩ và các tình nguyện viên phải tự hiểu và động viên nhau rằng, vì sức khỏe của cộng đồng, vì các bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ, nên mỗi người phải cố gắng hơn. Mặc kệ nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn rình rập, nhiệm vụ của chúng ta là chăm sóc cho bệnh nhân nhanh khỏi bệnh, bệnh nhân ổn định tâm lý phối hợp điều trị để bệnh đừng trở nặng. Phải trả bệnh nhân ra viện khỏe mạnh, còn y bác sĩ ở lại thì an toàn.
BS Tiên tạo dáng chúc mừng tập thể bệnh viện dã chiến hết bệnh nhân. Ảnh NVCC
Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, ngay từ đầu xuất hiện dịch, BS Tiên đã thực hiện tốt việc nghiên cứu văn bản, tham mưu Ban giám đốc Bệnh viện Phổi Vĩnh Long tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện.
“Ngoài ra, BS Tiên còn nghiên cứu triển khai hiệu quả các hướng dẫn, quy định về phòng chống dịch Covid-19, lập kế hoạch áp dụng thực hiện tại đơn vị một cách có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 như: lập dự trù cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang phục phòng hộ, lập kế hoạch sàng lọc 3 lớp, phân luồng cách ly, lập kế hoạch diễn tập đáp ứng tình huống… góp phần thực hiện bệnh viện đầu tiên đạt tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống Covid-19 của tỉnh. Kết quả qua kiểm tra đánh giá tiêu chí bệnh viện an toàn bệnh viện đạt mức an toàn 145/150 điểm, đạt 95%. Bên cạnh đó, BS Tiên còn huy động sự tham gia của các nhà hảo tâm, bệnh nhân tổ chức các hoạt động vui chơi cho 100 trẻ em mắc Covid-19 đang điều trị nhân dịp lễ Noel, phát quà cho người bệnh nhân dịp Tết Nguyên đán… Huy động sự tham gia của đội thiện nguyện thực hiện việc đưa đón bệnh nhân mắc Covid-19 đi chạy thận định kỳ, đưa bệnh nhân nghèo mắc covid-19 xuất viện…”, ông Minh cho biết thêm.
Với những cống hiến và sự tận tụy của một BS tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, BS Huỳnh Thị Mỹ Tiên là người duy nhất ở Vĩnh Long và là một trong 65 cá nhân tiêu biểu trong cả nước được tham dự buổi gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ tiêu biểu ngành y tế năm 2021 nằm trong khuôn khổ lễ kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.2022 và lễ tôn vinh thầy thuốc, cán bộ y tế tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác y tế năm 2021 sẽ được diễn ra tại thủ đô Hà Nội tới đây.
Hồi phục sau Covid-19
F0 sau khi khỏi bệnh, để nhanh hồi phục nên vận động nhẹ hàng ngày, tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 30 phút mỗi ngày, tăng cường dinh dưỡng và tập dưỡng sinh để tăng thể lực.
Thạc sĩ bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3 cho biết: Người có di chứng sau mắc Covid-19 như mệt mỏi kéo dài, ho, khó thở, vấn đề về da, tiêu hóa... cần ăn uống và tập luyện để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
"Nên sắp xếp thời gian ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm một chỗ. Điều này sẽ khiến cơ thể trì trệ, với người lớn tuổi dễ có triệu chứng chóng mặt (do thay đổi huyết áp tư thế) sau đợt nằm lâu. Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ gồm: đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh...Vận động nhẹ giúp tiêu hao 200 calo/ giờ", bác sĩ Kim Oanh chia sẻ.
Nên tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 30 phút mỗi ngày , có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều giúp nhịp sinh học của cơ thể được điều hòa. Hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại hoăc thiết bị điện tử liên tục trong ngày. Với người đã hoàn thành thời gian tự cách ly, khuyến khích tham gia các hoạt động cùng với người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa, để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.
Đặc biệt với người lớn tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau nhiễm bệnh. Khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách báo, bàn luận về tin tức, cầu nguyện tùy theo tôn giáo và tín ngưỡng. Trong một số trường hợp cần thiết, có thể tìm đến các chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu người bệnh có vấn đề lo lắng, đau buồn kéo dài do trải nghiệm bệnh vừa qua.
Theo bác sĩ Kim Oanh, ở giai đoạn bệnh, mức chuyển hóa cơ bản tăng 10% khi có sốt, khó thở, vì vậy cần tăng cường dinh dưỡng để bù đắp cho sự chuyển hóa đó kể cả khi đã qua giai đoạn nhiễm cấp. Số bữa ăn trong ngày có thể chia 3-5 bữa tùy theo sức ăn.
Mỗi ngày nên ăn 20-30 g chất xơ, 400-500 g rau quả. Hình thức chế biến nên hạn chế chiên xào nhiều dầu mỡ, nên kèm thêm các món súp xay, canh hầm xương, các loại đậu, hạt sen, đại táo, câu kỷ tử... để giúp việc tiêu hóa tốt hơn.
Trong các nguyên tố vi lượng, cần đặc biệt bổ sung kẽm ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, tiêu hóa kém dễ bị tiêu lỏng. "Với dạng viên uống có thể bổ sung 30-100 mg kẽm nguyên tố/ngày kéo dài 2-3 tháng tùy tình trạng cơ thể. Ngoài ra kẽm có trong các loại thức ăn như: hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá... nên bổ sung cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu", bác sĩ Oanh khuyến cáo.
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3 chia sẻ: Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, việc tập dưỡng sinh giúp hỗ trợ người bệnh trong thời gian tự cách ly mau hồi phục. Người bệnh có thể thực hành các bài tập thở 4 thời kết hợp xoa ngũ quan...
Để thực hiện bài tập thở 4 thời, người bệnh nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông cao thấp tùy sức. Tay trái để trên bụng, tay phải để ở ngực.
Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng. Thời gian 4-6 giây, hít ngực bụng nở.
Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân giao động qua lại, cuối thời hạ chân xuống. Thời gian 4-6 giây. Giữ hơi hít thêm.
Thời 3: Thở ra, tự nhiên, thoải mái, không kiềm thúc. Thời gian 4-6 giây.
Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4-6 giây.
"Đối với người có triệu chứng khó thở, hụt hơi, nên có người thân bên cạnh khi tập luyện, tập chậm và không gắng sức khi tập. Duy trì thời gian tập 15-30 phút/ ngày. Trước khi tập, có thể kết hợp các bài tập kéo giãn cơ, khởi động khớp như: động tác xem xa xem gần, sờ đất vươn lên, đạp xe đạp tại chỗ,... Ngoài ra, tập kèm với dụng cụ như khăn hoặc gậy để kéo dãn hết tầm vận động của khớp", bác sĩ Ngân khuyên.
Việc tạo thành một nhóm cùng tập luyện, từ những người thân trong gia đình hoặc nhóm trên mạng xã hội, sẽ giúp người bệnh có tinh thần và kỷ luật cho quá trình tập luyện. Khi độ bền và thể lực của người bệnh được luyện tập, sẽ giúp cải thiện các triệu chứng như: sợ lạnh, nặng ngực, mệt mỏi.
Đối với người bệnh có triệu chứng tiêu hóa như: đầy hơi, khó tiêu, đi phân lỏng kéo dài sau nhiễm virus, nên kết hợp bài tập xoa tam tiêu (làm ấm ngực - bụng) và sử dụng túi chườm thảo dược (hoặc túi chườm ấm) để giữ ấm vùng bụng, sẽ hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Đối với người bệnh còn ho khạc đàm kéo dài, trong quá trình tập, người thân có thể hỗ trợ vỗ lưng khạc đàm để giúp bệnh nhân tập ho khạc hiệu quả.
Trong quá trình hồi phục, việc đồng hành rất quan trọng, đặc biệt khi người bệnh phải trải qua một thời gian dài cách ly.
"Nếu các triệu chứng kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có điều trị hậu Covid-19 để được thăm khám và điều trị sớm", bác sĩ khuyến cáo.
Tập luyện nhẹ nhàng và tiếp xúc với ánh nắng 30 phút mỗi ngày giúp cho nhịp sinh học của cơ thể được điều hòa. Ảnh. Lê Cầm
Dinh dưỡng cho F1, F0 tại nhà Bác sĩ Đỗ Doãn Bách, Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành, hướng dẫn chế độ ăn đa dạng thực phẩm theo từng nhóm tuổi, ăn đủ bữa, uống đủ nước để nhanh hồi phục. Khi cách ly và điều trị tại nhà, F0 và F1 nguy cơ cao cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp và khoa học để tăng sức đề...