NSƯT Kim Xuân bật mí chuyện tình yêu
NSƯT Kim Xuân tự hào kể lại chuyện tình của mình cùng người chồng bao năm gắn bó. Chị dành nhiều lời khen “có cánh” cho một nửa cuộc đời.
Tranh thủ trò chuyện hậu trường vở diễn Thú…yêu thương trên sân khấu IDECAF, NSƯT Kim Xuân bật mí về chuyện tình của mình và ông xã.
Chồng của chị tên là Huy, thuở yêu nhau, cả hai còn nghèo, thường chở trên chiếc xe đạp sườn ngang qua những đoạn đường đầy ổ gà. “Thời đó, ai ở đoàn kịch Cửu Long Giang cũng biết chuyện dù chúng tôi rất kín tiếng” – NSƯT Kim Xuân nói.
Gia đình NSƯT Kim Xuân.
Chị tâm sự thêm rằng yêu chồng ở đức tính biết nhẫn nại vượt qua khó khăn, không biết vụ lợi và không ỷ vào người khác…
“Anh Huy chưa bao giờ lớn tiếng với vợ con hoặc cằn nhằn mỗi khi gặp khó khăn. Tôi học ở anh cá tính chịu đựng, nhẫn nại. Chúng tôi quen nhau từ tháng 8/1976, lúc đó anh Huy được Sở Giao thông vận tải TP cử theo học lớp Văn hóa nghệ thuật quần chúng, còn tôi cũng được đội văn nghệ quận Bình Thạnh cử vào lớp học này. Chúng tôi được thầy NSND Can Trường và nhạc sĩ Trương Quốc Khánh hướng dẫn nhiều bài học kinh nghiệm về diễn xuất, làm quen với thể loại kịch truyền thống cách mạng. Vở đầu tiên chúng tôi được tham gia là Cửa sổ cuối cùng. Nội dung vở hài kịch này dựa theo truyện ngắn của Mỹ kể về một ông giám đốc tên Charly có dự định tự tử và Mary – cô thư ký do tôi thủ vai, tìm cách ngăn cản” – NSƯT Kim Xuân chia sẻ.
Cùng sinh hoạt trong môi trường văn nghệ, vợ chồng chị dần nảy sinh tình cảm rồi yêu nhau.
“Hồi đó, chưa bao giờ anh Huy nghĩ là sẽ cưới một người vợ là diễn viên như tôi. Vì gia đình anh gốc Huế, gia giáo, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói. Trong khi đó, ba tôi – nghệ sĩ hài Vui Tươi còn sống, ông đã tán đồng ngay từ cái hôm đầu tiên tôi dắt Huy về nhà. Má tôi lặng lẽ nhưng gật đầu đồng ý. Dần dà, tôi cũng sớm quen thuộc với gia đình bên chồng. Năm 1980, chúng tôi thành hôn, tiệc cưới nghèo chỉ đãi bánh ngọt, nước trà. Tối đến mới đãi dòng họ, bà con buổi tiệc mặn đơn sơ…” – NSƯT Kim Xuân nhớ lại.
Video đang HOT
NSƯT Kim Xuân.
Bốn năm sau, con trai Tý Đô ra đời. Thời gian đó, nghề hát cực nhọc, chị phải tảo tần bán thêm hàng may mặc trên dường Nguyễn Chí Thanh mà vẫn không đủ sống. Năm 1980, chị về đoàn Bông Hồng, chồng cũng về làm kế toán.
Đến năm 1987, chị rời đoàn theo nhóm hài Bảo Quốc để mưu sinh. Sau này, nhờ có CLB sân khấu thể nghiệm 5B (tiền thân của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), dựng kịch bản Cõi tình (tác giả Huỳnh Phúc Điền – đạo diễn Hồng Phúc), NSƯT Kim Xuân tham gia và đoạt HCV tại Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc lần 1 tổ chức tại Quảng Ninh, tạo cơ hội trở về với chính kịch.
Trải qua bao vất vả, hiện NSƯT Kim Xuân cùng chồng sống hạnh phúc với vợ chồng con trai và cháu nội.
Theo Thanh Hiệp/ Người Lao Động
Kịch Tết Sài Gòn: hút khách bất ngờ
Xua tan những lo lắng của ông bầu, bà bầu, mùa kịch Tết năm nay sân khấu TP HCM vẫn thu hút đông đảo khán giả đến xem kịch.
Nhiều năm nay, kịch Tết là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân TP HCM. Mỗi sân khấu đều cố gắng ra mắt những vở hay nhất, đặc sắc nhất phục vụ khán giả vào dịp đầu năm. Khi rạp chiếu phim chưa phát triển, chương trình truyền hình chưa nở rộ thì các sân khấu thường cháy vé trước Tết.
Sự góp mặt của Trấn Thành, Chí Tài, NSND Ngọc Giàu giúp các vở kịch tại nhà hát kịch TP HCM luôn tấp nập người xem. Ảnh: Bá Ngọc
Khán giả đông kín rạp
Năm 2015 là năm ảm đạm của sân khấu miền Nam - nơi vốn được coi sôi động nhất cả nước. Lượng khán giả sụt giảm tới 50%, có nơi đến 70%. Vì vậy, các ông bầu, bà bầu làm kịch Tết với tâm thế hồi hộp, lo lắng. Giám đốc sân khấu Nụ cười mới từng chia sẻ: "Tôi chỉ mong sân khấu vào mùa Tết không phải chịu cảnh trả vé".
Trái ngược với lo lắng đó, lượng khán giả đông đảo đến với sân khấu vào dịp Tết đã xua tan không khí u ám suốt 1 năm qua. Ngày mùng 3, mùng 4 Tết, phóng viên đến các sân khấu Phú Nhuận, Superbolw, nhà hát kịch TP, nhà hát Bến Thành lúc 20h khi suất diễn cuối cùng trong ngày bắt đầu, mọi hàng ghế khán giả đều đã kín chỗ. Thậm chí, sân khấu của bà bầu Hồng Vân còn phải bán ghế "súp".
Diễn viên Kha Ly - người gắn bó mấy năm nay với sân khấu Hồng Vân cho biết: "Mỗi suất diễn, nhìn thấy khán giả đông, chúng tôi hào hứng lắm. Lúc đó, dù mệt vì ngày diễn 2-3 suất, không được về quê ăn Tết nhưng cũng hạnh phúc và có động lực".
Long đẹp trai chia sẻ: "Năm trước, Nụ cười mới có anh Hoài Linh, Chí Tài và Trường Giang nên sốt vé vô cùng. Vé ngày Tết thì đã bán hết từ ngày 27, 28 Tết. Năm nay không được như vậy nhưng khán giả cũng đến kín rạp. Nhờ thế, nghệ sĩ chúng tôi cũng có niềm vui đầu năm".
Sân khấu Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân đông kín vào dịp Tết. Ảnh: Bá Ngọc
Nhu cầu thưởng thức đa dạng
Nếu như mọi năm, kịch Tết chỉ tập trung vào thể loại hài hoặc kinh dị thì năm nay hơn 30 vở kịch Tết triển khai ở mọi thể loại khác nhau. Thể loại vốn kén khán giả nhất như nhạc kịch cũng được đầu tư.
Diễn viên Cát Tường cùng nhóm kịch Buffalo tự tin dựng vở Tấm Cám tại nhà hát Bến Thành. Với thế mạnh là dàn diễn viên gạo cội và diễn viên trẻ đa năng khi diễn và hát tốt nên ngày từ suất diễn đầu tiên vào ngày mùng 1 Tết, vở diễn đã thu hút đông khán giả. Từ đó đến nay, mỗi ngày diễn 2 suất, khán giả phủ kín hơn 700 ghế của nhà hát Bến Thành.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyên dòng kịch tâm lý, thấm đẫm nước mắt nên sẽ là khó khăn khi tham gia vào mùa kịch Tết vì ai cũng muốn xem những gì nhẹ nhàng, vui vẻ đầu năm. Thế nhưng, sau ngày mùng 1 và mùng 2 khán giả chưa đông thì sang ngày 3, cả sân khấu không còn chỗ trống. Ngay cả vở tâm lý nặng như Lan và Điệp cũng thu hút nhiều khán giả đến xem.
Diễn viên Đoàn Thanh Tài cho biết: "Khán giả vào ngày Tết, không quá bận rộn về công việc, lo lắng về thời gian nên ngồi xem kịch dường như say sưa hơn. Cảm nhận được điều đó, chúng tôi diễn cũng sung hơn".
Không khí sôi động phòng bán vé trước nhà hát kịch TP. Ảnh: Bá Ngọc
Đến nhà hát kịch TP HCM chúng tôi cũng nhận thấy không khí khác hẳn. Ngày bình thường, nơi đây ít có vở diễn, nếu có cũng chỉ lác đác vài khán giả. Đến ngày Tết, xe máy, ô tô đậu thành hàng dài ở bãi, khán phòng đông kín khán giả. Xem những nghệ sĩ nổi tiếng như Trấn Thành, Chí Tài, NSND Ngọc Giàu biến hóa trên sân khấu, khán giả được thả sức với những nụ cười hào hứng, sảng khoái.
Khán giả Vũ Giang, xem xong vở Đại hỷ chia sẻ: "Khi chọn kịch tôi ít quan tâm đến thể loại nào mà xem có diễn viên nào mình yêu thích".
Theo Zing
40 năm chuyên trị... Tề Thiên Nhắc đến chuyện đi hát thời trai trẻ, nghệ sĩ Bạch Long luôn nhớ về những kỷ niệm khó quên của việc hóa thân thành "Tề Thiên Đại thánh". "Tôi không phải tuổi Thân nhưng dường như số mệnh đã sắp đặt để được đóng vai Tề Thiên (vai khỉ). Bao nhiêu năm nay, tôi phải liên tục đổi mới cách ca diễn,...