NSND Trọng Trinh: Làm phim mà nói không quan tâm tới ý kiến khán giả trên mạng xã hội là nói dối
Trong suốt hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, NSND Trọng Trinh dường như chưa bao giờ ngừng nghỉ. Ông giữ nhiều vai trò khác nhau, từ diễn viên, đạo diễn đến giáo viên giảng dạy diễn xuất…
Ở vai trò nào ông cũng làm ‘đến nơi đến chốn’, không nề hà, không quản ngại khó khăn và đạt được nhiều thành công, được khán giả, đồng nghiệp, học trò yêu mến, kính trọng.
Hiện nay, ở tuổi ngoài 60, NSND Trọng Trinh chưa nghĩ tới chuyện ‘nghỉ hưu’ mà vẫn tâm niệm còn sức khỏe là còn cống hiến.
Điều gì đã khiến ông bền bỉ hoạt động nghệ thuật trong suốt hơn 40 năm qua và cho đến nay ông vẫn xuất hiện đều đặn ở các dự án phim dù lớn hay nhỏ?
Sinh nghề tử nghiệp mà! Nói thật ra nếu không làm nghề này thì tôi cũng không biết làm nghề gì khác cả, đó là điều thứ nhất. Có những giai đoạn tôi cũng làm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập, nhưng tôi không có duyên nên cứ làm lại thất bại.
Điều thứ hai là tôi có đam mê, không gì hạnh phúc hơn là được làm việc bằng đam mê, và càng làm tôi càng ham.
Một điều nữa là tôi còn sức khoẻ. Đương nhiên đi làm phim rất vất vả, mọi người ở ngoài nhìn vào hẳn không thể hình dung ra hết được những vất vả của việc làm phim, chuyện đi sớm về muộn, ăn uống thất thường là chuyện bình thường. Nhưng chính vì đam mê nên với tôi mọi chuyện đến bây giờ thành thói quen, thành phản xạ hết sức tự nhiên.
Lúc nào không còn sức nữa thì tôi sẽ dừng, còn bây giờ vẫn còn sức khỏe, vẫn được công chúng ghi nhận thì tôi cứ làm thôi.
Để có thể ‘xông pha’ miệt mài với ‘mặt trận’ phim ảnh như thế hẳn phía sau ông phải có một hậu phương rất vững chắc. Ông có thể chia sẻ về người bạn đời của mình?
Cô ấy biết và hiểu cho tôi rằng nếu không được làm nghề tôi sẽ rất buồn. Dù biết việc làm phim là mệt nhưng những câu chuyện vui buồn của đoàn làm phim cô ấy cũng đều hiểu, có lẽ vì thế nên cô ấy hết sức thông cảm và chia sẻ.
Nhiều người nói đùa với tôi là tôi rất may mắn khi mỗi chặng đường đều có người chăm lo. Mỗi buổi sáng trước khi lên đường, dù sớm dù muộn, dù đi xa hay đi gần tôi đều được vợ mình chuẩn bị sẵn một bình trà hay bình cafe, đồ ăn sáng…
Nói gì thì nói tôi làm được nhiều việc như thế này, thỏa sức theo đuổi đam mê là nhờ công rất lớn của vợ, cô ấy giúp tôi đỡ vất vả hơn, để tôi có thể toàn tâm toàn ý với nghề.
Thời điểm nào với ông là khó khăn nhất trong hơn 40 năm làm nghề đã qua?
Video đang HOT
Với tôi đó là những năm 91-92, khi giai đoạn bao cấp vừa đi qua. Hồi đó tôi vẫn là diễn viên sân khấu của Nhà hát Kịch trung ương, chúng tôi không có nhiều đêm diễn. Diễn viên mà không có đêm diễn thì cũng chẳng có gì thêm ngoài số tiền lương ít ỏi.
Tôi nhìn quanh sang bạn bè, đồng nghiệp, có người đi bán xe máy, người đi bán cafe, người thì bán quần áo…, tôi cũng đi theo một người bạn để bán thêm quần áo. Giai đoạn khủng hoảng của sân khấu đó kéo dài một thời gian, sau đó hồi lại một chút và cho đến tận bây giờ.
Giai đoạn khó khăn thứ hai với tôi là những năm 2005-2006, khi tôi chuyển sang Đài truyền hình được hơn 10 năm. Đó đúng là giai đoạn làm vì yêu nghề thôi, chứ tiền cũng chỉ có rất ít.
Làm phim trong chương trình Văn nghệ chủ nhật chỉ được 1-2 tập, đến 3-4 tập là nhiều. Mà làm một bộ phim thì rất lâu, thế nên thu nhập chỉ đủ để sinh hoạt một cách tằn tiện. Đã có những giai đoạn đi làm phim tôi vừa là đạo diễn vừa kiêm luôn người lái xe để kiếm tiền.
Trong khó khăn đó thì những kỷ niệm vui buồn khiến ông ghi nhớ là gì?
Từ thời đầu sơ khai làm phim truyền hình, ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển có nhiều chuyện để kể lắm. Những năm tháng đó chúng tôi vẫn nói với nhau rằng ‘không thể nào quên’.
Có những phim quay cảnh sông nước ở vùng xa, rõ ràng trong phân cảnh đề là có con đò, tất tần tật dạ vâng rồi, ra đến sông cả đoàn cứ nhìn nhau hỏi ‘ơ đò đâu’. Họa sĩ bảo ‘yên tâm đò sắp về bây giờ’ làm tất cả chờ mãi.
Chờ mãi xong đến khi thấy con đò thì nó lại trôi ngược về phía bên kia sông, cả đoàn lại đứng nắng chờ như thế. Hóa ra là vì ít tiền nên họa sĩ không đủ tiền để thuê, phải tranh thủ lúc chủ đò người ta không có việc thì kéo đò về để tranh thủ quay.
Với phân cảnh cần 100 diễn viên quần chúng đóng là cực kỳ nan giải, khi trả tiền cho diễn viên quần chúng thì cũng là hết tiền trả cho các diễn viên còn lại, lại phải đi nhờ vả.
Hay trong kịch bản viết là có hàng trăm mâm cỗ, nhưng lúc quay chỉ quay một vài mâm cỗ bê đi bê lại trước máy quay thôi, còn mọi người là vờ như ăn xong rồi. Thế nên lên phim thường có cảnh hai ông đứng vừa xỉa răng vừa nói chuyện ở cạnh công, một ông sẽ hỏi ‘thế nào nay có đông không?’, ông kia sẽ trả lời ‘ôi dồi ôi nay đám cưới đông thế, mấy trăm người, mâm cỗ bày la liệt’ để khán giả hình dung.
Nhờ có những lúc gian nan như thế nên bây giờ làm phim chúng tôi cảm thấy đỡ hơn hẳn. Chúng tôi bảo nhau gian nan thế mà mình còn theo được, thì đến bây giờ chẳng có gì là không thể. Bây giờ thiết bị nhiều, kinh phí tốt hơn thì người nghệ sĩ cũng sẽ thăng hoa hơn.
Gần đây hầu hết các vai diễn của ông là những người bố, người chồng hiền lành, mẫu mực. Ở tuổi này ông còn mong muốn có những vai diễn đột phá hơn không?
Có chứ, tôi vẫn mong có được một vai diễn đột phá hơn.
Làm diễn viên ai cũng muốn vào một vai trái chiều, đa sắc, đa tính cách để tìm tòi, học hỏi. Nhưng không phải ai cũng có được điều đó, vì gương mặt định hình tính cách rồi. Trên sân khấu có thể thay đổi được vì có hóa trang, nhưng với truyền hình, với điện ảnh thì không.
Tôi cũng bảo với các đạo diễn là cứ giao vai khác cho tôi đi nhưng họ bảo không được. Thứ nhất là tôi không tự tin, thứ hai là đạo diễn cũng cần một sự an toàn, họ nhìn ai ra được nhân vật là sẽ chọn luôn.
Nhưng tôi vẫn làm diễn viên thì vẫn cứ mong muốn thôi. Cũng hé lộ một chút là vừa rồi tôi có quay một bộ phim chiếu rạp ở trong TP. HCM. Ở phim này tôi đóng vai một ông bố khác hẳn, rất thương con nhưng cực kỳ nghiêm khắc, thậm chí làm mọi thứ để có thể trả thù được cho con.
Với vai ông bố của nhân vật nữ chính Linh ( Diễm My 9x đóng) trong bộ phim đang được phát sóng Tình yêu và tham vọng, nhân vật này tạo cho ông cảm hứng gì đặc biệt?
Ông bố này cũng có nhiều nét giống tôi, cuộc sống truân chuyên, không được trọn vẹn, cũng phải đi hai lần đò, phải gian nan, vất vả làm nghề.
Nhưng ông bố này giỏi nhẫn nhịn hơn. Đôi khi một người đi qua thời oanh liệt rồi thì họ muốn quên đi, xa rời quá khứ, vì quá khứ đó mang lại toàn những điều không hay. Ông ấy cũng không muốn nhớ nhiều về quá khứ, thành ra cam chịu.
Nhân vật Linh bị nhiều khán giả chê là ‘nhạt’, không đúng thực tế cuộc sống, cá nhân ông thấy thế nào về nhận định này?
Tôi nghĩ cô Linh có một ông bố như thế nên con người cô cũng thành ra như vậy, hay nhẫn nhịn. Suốt ngày cô bị chà đạp, bị xúc phạm, nhưng đó đúng là cuộc sống một chiều, thiếu thực tế. Trong cuộc sống trường hợp này hiếm thấy, đặc biệt trong thời đại 4.0 này. Hơn nữa với những người phụ nữ xông pha, trải nghiệm xã hội thì lại càng không thường thấy.
Có thể nói Linh nhu mì, nhường nhịn hết người này đến người kia, nhưng nó là một câu chuyện, là nhân vật chính trải dài mấy chục tập thì phải được móc xích lại với nhau. Đây cũng có thể gọi là ý đồ chuyển tải đến khán giả chưa được khéo léo.
Hiện nay mạng xã hội phát triển mạnh, các khán giả cũng bày tỏ ý kiến nhiều hơn, ông có bận tâm nhiều đến những bàn luận đó trên mạng xã hội không?
Nói là không để ý, không quan tâm là nói dối. Nhiều bạn cứ bảo là ‘ôi quan tâm làm gì’, nhưng không đúng, chúng tôi xuất hiện là người của công chúng, đóng phim cho khán giả xem thì đương nhiên người ta có yêu, có ghét.
Và khi người ta xem người ta phản ứng trái chiều thì mình phải chấp nhận, cũng giống như món ăn, có người ăn nhanh, có người ăn chậm, có người ăn mặn, có người ăn nhạt, đó là điều bình thường. Chúng tôi nên quan tâm, suy xét đến những điều khán giả nói để khắc phục, để sửa đổi cho tốt hơn, cải thiện bản thân hơn.
Ngày xưa làm phim rạp, người ta viết thư, gửi hàng tháng trời mới nhận được, lúc đấy bắt đầu mới biết à thì ra là như thế. Còn bây giờ, sự phản hồi rất nhanh, để khi làm chúng tôi biết được chỗ nào có điểm rơi để lấy lòng khán giả cả về câu chuyện, cả về nhân vật. Sự tương tác mạng xã hội cũng có mặt rất tích cực như thế.
Với các diễn viên trẻ hiện nay ông thấy họ có những ưu điểm, nhược điểm gì?
Các bạn ấy tư duy rất nhanh, rất thông minh, có nhiều ý tưởng mới, táo bạo. Điều đặc biệt nữa là các bạn ấy rất tự tin vào chính kiến của mình.
Tuy nhiên các bạn ấy có chuyên nghiệp nhưng cũng không tránh được việc xao nhãng, thiếu tập trung. Ví dụ đi quay thì quần áo cần chuẩn bị từ hôm trước, cho vào vali những gì cần sử dụng, nhưng họ lại hoàn toàn ỷ lại vào bộ phận phục trang. Hoặc có những người phải chạy show này show kia rồi mới đến trường quay. Có khá ít bạn trẻ dậy được sớm, năng nổ đi làm.
Tôi vẫn nói với các diễn viên, các học trò của mình rằng làm gì thì làm, nhưng khi xuất hiện trên khung hình là phải khác rồi, thế nhưng rất ít bạn làm được. Tôi rất kỹ tính nên đôi khi tôi cũng cáu, nói thẳng với các bạn là nghề nghiệp của mình mà mình không tôn trọng thì không ai tôn trọng cả, phải trau chuốt, chuẩn bị mọi thứ từ trước.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
20 năm chuyển mình mạnh mẽ của phim truyền hình mang thương hiệu VTV
Với cách tiếp cận làm phim mới, nâng cao chất lượng về nội dung, các bộ phim truyền hình do VFC sản xuất đã chinh phục khán giả nhiều năm qua.
Năm 1996 bộ phim 10 tập Những người sống bên tôi là một dấu mốc quan trọng của phim truyền hình dài tập. Một loạt phim sau đó như: Cảnh sát hình sự, Của để dành, Gió qua miền tối sáng... khẳng định sự "nở rộ" của thể loại này. Gắn liền với đó là xu hướng thay đổi của đội ngũ những người làm phim truyền hình.
"Ngoài những thế mạnh và kinh nghiệm làm phim truyền hình của mình, chúng tôi cũng nhanh nhạy trong việc tiếp cận thị trường. Chúng tôi bước vào cạnh tranh để nâng cao chất lượng, cạnh tranh để có những bộ phim hấp dẫn, đa dạng dành cho khán giả", đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Với lối tư duy mới hướng tới khán giả, những người làm phim của Đài THVN đã thay đổi phương thức làm phim, hướng tới những đề tài gắn với cuộc sống, bối cảnh gần gũi để khán giả cảm thấy có mình trong đó.
Bên cạnh đó, công nghệ làm phim dần được áp dụng cho các đoàn làm phim, góp phần mang tới bước chuyển đổi mạnh mẽ.
"Tác phẩm điện ảnh hay truyền hình có tồn tại và có chỗ đứng ở trong lòng của công chúng hay không thì điều đầu tiên là phải làm nội dung. Làm sao bộ phim phải có câu chuyện đi vào đời sống hàng ngày của công chúng", NSND Trọng Trinh cho biết.
Những dự án phim vừa phát sóng vừa sản xuất và sự phát triển của đội ngũ truyền thông đã giúp khán giả có nhiều sự kết nối với bộ phim hơn. Những thay đổi này cũng giúp cho các bộ phim của VFC có đời sống mạnh mẽ hơn, đáp ứng nhu cầu của người xem.
Với những nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi, từ những năm 2000 đến nay những bộ phim của VFC đã ghi dầu ấn một loạt các giải thưởng trong nước và quốc tế. Cùng với đó là những giải thưởng cá nhân của đội ngũ làm nghề, ghi nhận cống hiến của các nghệ sĩ.
Năm 2020, gần 40 năm của phim truyền hình Việt Nam, hơn 20 năm chuyển hướng công nghệ của làm phim truyền hình hiện đại, những dự án của VFC ngày càng được khán giả yêu mến và đón nhận, trở thành điểm hẹn thân quen trên các kênh sóng của VTV.
Còn với đội ngũ làm nghề, họ không những nhiệt huyết và đam mê để có những bộ phim chất lượng gửi tới khán giả. Bởi đó là niềm tự hào của phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam.
"Bí thư" Trọng Trinh kể về người vợ kém 16 tuổi và cuộc hôn phối "duyên nợ" "Bí thư" Trọng Trinh kể về người vợ kém 16 tuổi và cuộc hôn phối với điện ảnh trong suốt 40 năm qua. Nghệ sĩ nhân dân Trọng Trinh trong vai Bí thư Văn Thành Nhân phim "Sinh Tử" Bí thư Văn Thành Nhân trong "Sinh Tử" Gắn bó với nghệ thuật hơn 40 năm anh đánh giá đây là một vai diễn...