NSND Trần Lực từng nhận bao tải thư, tuổi 61 vẫn học thổi kèn saxophone
“Khi buồn, tôi thường làm gì đó, mới đây nhất, tôi học thổi kèn saxophone và thấy rất thú vị. Tôi nghĩ: “Đời người ngắn lắm, hãy sống vui vẻ lên, đừng dằn vặt, sầu bi…”, NSND Trần Lực chia sẻ.
Đạo diễn, NSND Trần Lực hẹn gặp nhóm phóng viên Dân trí ở nơi tập luyện của sân khấu LucTeam – nơi anh dành tâm huyết nhiều năm nay.
Khác với vẻ nghiêm nghị trên sân khấu hay sự hào hoa, trầm tư trên màn ảnh, ngoài đời, “nam tài tử” một thời là người rất vui vẻ, lạc quan và hài hước.
Trò chuyện với chúng tôi, anh say sưa kể về những vai diễn đã qua, về sân khấu, những trắc trở trong hôn nhân mà anh cho rằng đó là “số phận rồi” và cả… những phút giây rất đời của một người nghệ sĩ.
Lời tòa soạn: Nhắc đến đời sống nghệ thuật của những nghệ sĩ, khán giả phần lớn chỉ biết đến những thành tích, những hào quang của họ trên sân khấu hay màn ảnh. Ít ai biết rằng, ngoài đời, họ cũng có những tâm sự, nỗi niềm riêng, những hi sinh và cả tiếc nuối…
Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu tuyến bài “Phía sau ánh hào quang” để giúp độc giả, khán giả hiểu hơn về góc khuất đời thường của các nghệ sĩ.
NSND Trần Lực được ảnh hưởng từ gia đình niềm đam mê với nghệ thuật (Ảnh: Minh Quang).
“Sau 3 phim, tôi được mệnh danh là… “Ngôi sao điện ảnh”
Anh sinh ra trong gia đình nghệ thuật với ông là nhà văn Trần Tiêu, cha là NSND Trần Bảng, mẹ là nghệ sĩ chèo. Bố anh được mệnh danh là “ông trùm chèo” của Việt Nam, anh thừa hưởng tính cách từ bố, mẹ mình trong cuộc sống và công việc như thế nào?
- Bố – con hay người thân trong gia đình thường ảnh hưởng nhau, hay nói cách khác, tôi có gen của bố mẹ.
Từ bé, tôi đã nhìn bố đạo diễn một chương trình ra sao hay dàn dựng vở diễn thế nào. Thần thái của ông khiến một đứa trẻ như tôi bị cuốn hút. Lúc bấy giờ, tôi ước mơ sau này mình được làm nghề như bố.
Tôi cũng thích xem mẹ diễn trên sân khấu, khi mẹ đóng Quan Âm Thị Kính, tôi đứng ở cánh gà và cũng bị cuốn vào.
Tôi yêu, phục bố, mẹ mình và luôn hỏi tại sao họ có thể làm được như vậy? Tôi hãnh diện về bố, mẹ mình lắm!
Với bố, tôi thấy mình thừa hưởng cũng như học được ở ông tình yêu nghề say đắm và sự cố gắng, quyết liệt trong công việc. Tôi nghĩ, người nghệ sĩ muốn thành công bên cạnh năng khiếu, tài năng phải có được cái riêng của mình mà muốn có cái riêng cần cố gắng, nỗ lực.
Trong rất nhiều người làm về chèo, bố tôi có một lối đi riêng, tư duy nghệ thuật riêng và tầm nhìn xa, rộng hơn.
Với tôi, để có thể vừa làm điện ảnh, sân khấu, sản xuất phim và các tác phẩm kịch… tôi phải yêu và chịu khó học hỏi, quyết tâm. Tôi luôn nghĩ phải làm bằng được, thất bại sẽ đứng lên làm lại bằng mọi cách đến khi nào thành công.
Từ bé, NSND Trần Lực đã “ngấm vào máu” nghệ thuật truyền thống, anh cũng từng có 7 năm du học tại Bulgaria với ngành đạo diễn sân khấu nhưng khi về nước lại bén duyên và nổi tiếng với vai trò diễn viên qua loạt phim như: “Chuyện tình bên dòng sông”, “Hoa ban đỏ”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Anh chỉ có mình em”, “Mẹ chồng tôi”… Vì sao có ngã rẽ như vậy?
- Thật ra, chú tôi là NSND Trần Đắc cũng là đạo diễn của những bộ phim rất nổi tiếng như: S ao tháng Tám, Bài ca ra trận… Vì vậy, từ bé, ngoài việc tiếp cận với nghệ thuật truyền thống, sân khấu, tôi cũng được xem phim và tiếp xúc nhiều với điện ảnh.
Trước khi du học ở Bulgaria, vào năm 1983, khi đang học năm 1 tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, tôi đã tham gia đóng vai chính trong Sẽ đến một tình yêu của đạo diễn Phạm Văn Khoa.
Dẫu vậy, tình yêu với sân khấu trong tôi luôn mạnh mẽ hơn. Khi học ở Bulgaria về, tôi nuôi ý định làm sân khấu nhưng vào những năm 1990, sân khấu đi xuống thảm hại.
Từ tâm trạng hào hứng bỗng gặp điều thất vọng nên tôi quay lại với điện ảnh vì lĩnh vực nào thuộc về nghệ thuật tôi đều yêu thích.
Việc đầu tiên là tôi đi casting (thi tuyển diễn viên) phim. Tôi nhớ mãi khi tham gia Chuyện tình bên dòng sông của đạo diễn Đức Hoàn.
Lúc bấy giờ, điện ảnh bắt đầu khởi sắc, có nhiều ngôi sao như NSND Trọng Trinh, NSND Mạnh Cường, NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Vũ Đình Thân… cũng góp mặt. Tôi cũng như mọi người đến casting, được lựa chọn và cứ thế đi theo điện ảnh để chờ thời – khi có điều kiện sẽ làm sân khấu.
Tiếp đó, tôi đóng phim Vụ áp phe Đông Dương do chú tôi làm đạo diễn. Đầu 1992, tôi làm phim Đời hát rong.
Sau 3 phim đó, tôi cũng được mệnh danh là “ngôi sao điện ảnh”.
Anh được gọi là “Ngôi sao điện ảnh” sau 3 bộ phim (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Thập niên 1990, được mệnh danh là “tài tử điện ảnh”, “ngôi sao điện ảnh” anh có bị áp lực? Anh đón nhận thế nào?
- Tôi không áp lực. Đây là nghề tôi yêu thích và luôn cố gắng đạt được những thành công. Để tạo dựng nên hình tượng nhân vật, nghệ sĩ phải có trình độ và sự tự tin, vậy nên khi quay, chúng tôi thường có buổi tranh luận với đạo diễn, quay phim.
Tôi cũng mong muốn diễn viên bây giờ phải tranh luận và phản biện lại mình mới tạo dựng nên nhân vật trên sân khấu hay màn ảnh sinh động, riêng biệt và không có sự trộn lẫn.
Video đang HOT
Năm 2002, Trần Lực mở hãng phim mang tên Đông A. Anh đạo diễn hàng loạt bộ phim như: “Chuyện nhà Mộc”, “Tết này ai đến xông nhà”, “Ông Hai Bình làm thủy điện”… khá nổi tiếng và hay. Xem ra, anh cũng là đạo diễn “mát tay”?
- Những phim tôi làm đều có thiên hướng bi hài. Người ta nói “văn là người” đúng đấy. Ngoài đời, tôi cũng rất hài hước, vui vẻ, tích cực, kể cả có những việc nghiêm trọng, tôi chỉ buồn một chút rồi sẽ xem thành chuyện nhỏ ngay.
Xem phim của tôi, khán giả thấy chất sân khấu rất nhiều, thể hiện qua câu chuyện, từng khuôn hình và đặc biệt là nét diễn của diễn viên. Có thể khán giả thấy thích thú và đồng cảm với những phim tôi làm nên tôi được chú ý hơn.
Anh cũng thành lập sân khấu riêng lấy tên là LucTeam, dàn dựng và công diễn nhiều vở kịch như: “Quẫn”, “Cơn ghen của lọ lem”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Kiều” và “Bạch đàn liễu”… Anh mong muốn điều gì khi tạo dựng sân khấu riêng cho mình?
- Năm 2014, tôi thấy mình sản xuất phim mãi cũng chán. Khi đó, tôi có vào trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh giảng dạy, tôi dạy theo phương pháp ước lệ biểu hiện. Sinh viên năm thứ 3, thứ 4 đã tiếp xúc với phương pháp này của tôi.
Nhiều người sẽ hỏi, tại sao tôi phải lập sân khấu tư nhân mà không đi làm thuê cho các đơn vị nghệ thuật khác để kiếm tiền nhiều hơn? Vì sân khấu ước lệ khác hoàn toàn với sân khấu kịch bây giờ, ở chỗ tả ý. Tôi thành lập sân khấu của riêng mình để có sự khác biệt.
Ví dụ, trong vở Quẫn, kịch bản gốc khi trang trí sân khấu là phòng khách: có sập, gụ, tủ chè, tủ giấu tiền… thì tôi chỉ làm cái hòm màu trắng, trong đó chứa vàng, khi mang ra sân khấu, trải khăn đen phủ kín… đó là sự ước lệ về không gian, thời gian.
Tôi dựng vở với tâm thế là một đạo diễn hiện đại của thế kỷ 21, diễn vở theo cách nhìn mới, các diễn viên cũng có cách nhìn riêng, sáng tạo của họ về vở diễn.
NSND Trần Lực thành lập sân khấu LucTeam và có “mảng trời riêng” để làm nghề (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nguồn thu của anh từ LucTeam có ổn không? Liệu thu có bù được chi?
- Tôi yêu nghề, yêu sân khấu mới đi được đường dài. Tôi toàn bỏ tiền túi ra để dựng vở, hòa vốn đã tốt rồi.
Mới đây, chúng tôi diễn vở Búp bê ở rạp Hồng Hà, có bạn trẻ nói rằng, đây là lần đầu tiên bạn ấy đi xem vì trước đó nghe nói xem kịch chán. Sau khi xem, bạn ấy thấy kịch rất hay và nói tiếc khi không được xem sớm hơn.
Hóa ra, có những thứ mình đắm đuối và đam mê, sẽ có người đón nhận. Chính những khán giả như vậy khích lệ chúng tôi làm nghề, làm những vở kịch chất lượng và trẻ trung hơn.
Có bao giờ anh thấy mệt mỏi và muốn buông không làm sân khấu nữa?
- Đôi khi, tôi cũng thấy mệt mỏi, không chỉ làm sân khấu mà cả khi làm phim truyền hình, có nhiều tình huống “đau hết cả đầu”.
Mình làm nghệ thuật, vốn hồn nhiên, đơn giản nhưng khi thành lập Hãng phim Đông A, vấn đề tài chính, kinh doanh khiến mình cũng mệt, nhưng đã “ngồi lên lưng hổ” không thể bỏ được.
Với sân khấu, tôi vẫn đam mê làm các vở diễn mà truyền hình, điện thoại không có, chỉ ở LucTeam mới có. Tôi không làm giống mọi người. Sân khấu của tôi cạnh tranh với truyền hình, điện ảnh, với những người thích chơi game mà không phải nhà hát, sân khấu nào cả.
Khi làm sân khấu, tôi có dàn diễn viên khá mạnh nhưng phim truyền hình “nở rộ”, các bạn ấy đi làm phim, mình phải chấp nhận. Nếu may mắn, chỉ cần đóng 3 phim truyền hình, họ có thể nổi tiếng ngay nhưng ở sân khấu cùng lắm chỉ anh em trong nghề biết đến.
Tôi nghĩ, ở đây chỉ có một người không thay thế được là tôi – Trần Lực – nên tôi lại bình thản làm. Tôi chưa có ý định bỏ sân khấu LucTeam.
Từng nhận cả bao tải thư của khán giả
Là một trong những gương mặt nam tài tử nổi tiếng một thời, nhiều người tò mò cát-xê thời vàng son đó của anh thế nào? Có được mấy cây vàng không?
- Cát-xê thời đó tính ra vàng cũng được mấy cây đấy (cười). Hồi đó vàng 4 triệu/1 cây thì tôi được hơn 3 cây. Giá vàng bây giờ đã cao lắm, không giống như khi đó.
Thú thật, lúc bấy giờ, tiền hay sự nổi tiếng với tôi không phải là mục đích mà tôi muốn khám phá loại hình nghệ thuật mới nên cứ sống với đam mê.
Nam nghệ sĩ tâm sự, anh từng nhận cát-xê 2 cây vàng vào thời đỉnh cao (Ảnh: Minh Quang).
Ngoài cát-xê, có câu chuyện nào khiến anh không thể quên về việc mình nổi tiếng? Chẳng hạn, có nhiều khán giả nữ viết thư, tỏ tình?
- Ngày xưa, tôi nhận được nhiều thư lắm, phải đến cả bao tải, phần lớn của phái nữ, trong đó thư tán tỉnh, tỏ tình cũng nhiều.
Hồi đó, rất ít người biết địa chỉ nhà nên thư thường chuyển tới các báo điện ảnh, sau đó các bạn phóng viên gửi lại cho tôi.
Tôi vẫn nhớ, có một bức thư của cô giáo ở Hà Tĩnh viết rằng, anh trai của cô ấy là liệt sĩ nhưng không có tấm ảnh nào. Khi xem các phim tôi đóng vào vai người lính, mẹ của cô ấy thấy tôi giống con trai nên muốn xin một bức ảnh của tôi đóng trong phim để bà… đưa lên bàn thờ.
Đó là bức thư khiến tôi vô cùng xúc động, sau đó tôi đã in bức ảnh mình đóng vai bộ đội to bằng ảnh thờ để gửi ngay cho họ. Nếu như nhà khác có thể không dám đâu, vì mình còn sống mà đưa lên làm ảnh thờ… nhưng gia đình tôi lại thấy bình thường.
Sau này, công việc nhiều, tôi cũng không giữ liên lạc với cô gái ấy nữa. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên.
Có bức thư tỏ tình nào khiến anh rung động?
- Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, Trần Lực ngoài đời khác trong phim nên mọi người yêu nhân vật chứ không phải yêu Trần Lực đâu.
Thú thật, cũng có người gặp tôi ở ngoài rồi bảo: “Ôi giời! Tưởng thế nào… Trên phim trầm tính, hướng nội và chiều sâu, ngoài đời cứ nói cười rôm rả, vung chân vung tay chẳng ra làm sao, mất cả hình tượng” (cười).
Thỉnh thoảng, tôi cũng viết thư trả lời khán giả nhưng khi đó tôi bận lắm! Viết thư rồi phải đi gửi hơi mất thời gian, song, tôi luôn trân trọng những bức thư và tình cảm của mọi người dành cho mình.
Thời làm phim điện ảnh, anh đóng cặp với rất nhiều người đẹp như: Thu Hà, Chiều Xuân, Lê Khanh,… Người ta vẫn nói “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Đã bao giờ anh rung động với các bạn diễn của mình?
- Tôi cảm thấy may mắn khi từng được đóng cùng Lê Khanh, Thu Hà, Chiều Xuân,… Chúng tôi diễn rất ăn ý. Các bạn ấy không chỉ xinh đẹp mà tính cách cũng hay và dễ mến lắm. Cho đến giờ, chúng tôi vẫn là những người bạn trân quý nhau và có điểm chung là yêu nghề.
Thật ra, cái khó của diễn viên khi đóng cặp là thể hiện tình cảm phải theo kỹ năng cơ bản của nghệ thuật biểu diễn. Người diễn viên phải tưởng tượng có tình cảm với đối phương và diễn như thật.
Mặc dù những năm 1990 nhưng lối diễn của tôi rất hiện đại, các bạn diễn của tôi như Lê Khanh, Thu Hà, Chiều Xuân,… cũng vậy. Chúng tôi cùng chung quan điểm về diễn xuất. Trần Lực được như ngày nay có thể nói, phải nhờ những người bạn diễn của mình.
Nam nghệ sĩ cho biết, anh thường xuyên bỏ tiền túi ra để dựng vở (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nhiều người bảo, Trần Lực lãng mạn và đào hoa lắm?
- Người ta nói thế thôi, chỉ có “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Tôi không đào hoa, lãng mạn với ai cả. Khổ thế! Tôi có tiếng mà không có miếng (cười).
Anh cũng từng nói “những phụ nữ đi qua đời tôi đều tốt và giỏi. Nếu có vấn đề gì, chỉ là tại tôi”. Vậy là anh cũng tự nhận mình có lỗi?
- Tôi không nhớ mình nói câu này ở đâu. Người ta có số hết, các cụ vẫn nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” nên mọi thứ đều có sự sắp đặt của bề trên. Không nên đổ lỗi cho ai và nên đơn giản hóa mọi thứ. Buồn, vui chỉ nên có một chút thôi.
“Ngoài đời, tôi lạc quan và hài hước”
Sau ánh hào quang của điện ảnh, sân khấu. Nhiều người tò mò, ngoài đời NSND Trần Lực là người thế nào?
- Tôi cũng bình thường như bao người thôi. Trên phim, tôi dằn vặt, trầm tư nhưng ngoài đời lại hồn nhiên, yêu đời và sống rất lạc quan. Mọi chuyện lớn, nhỏ tôi đều nghĩ đơn giản hóa. Với tôi, vui hay buồn đều do quan điểm và sự đón nhận của mỗi người.
Trước khi mất, bố về ở cùng tôi gần 10 năm, nhiều lúc ngồi nói chuyện với bố, tôi cố gắng thể hiện mình là người trưởng thành nhưng lúc nào trong mắt ông, tôi vẫn là trẻ con. Bố và tôi nói những câu rất buồn cười.
Khi chơi với cháu nội, tôi cũng thấy mình rất trẻ. Tôi trò chuyện với cháu như một người bạn cả ngày không biết chán. Vì thế, ông và cháu rất vui, bé quấn ông suốt ngày.
Dẫu vậy, con người ai cũng không tránh được sự buồn tủi, những lúc như thế, anh giấu nỗi buồn của mình vào đâu và chia sẻ cùng ai?
- Vốn là người rất lạc quan nên tôi chỉ buồn 3 ngày là hết. Khi buồn, tôi thường làm gì đó như chơi điện tử, hay mới đây nhất, tôi học thổi kèn saxophone và thấy rất thú vị.
Khi tôi vui, tiếng kèn rất hay và rộn ràng còn những lúc buồn hoặc bức xúc, tiếng kèn dường như cũng đồng cảm với mình vậy. Quả thật, âm thanh tiếng kèn vang lên khiến tâm trạng tôi được cân bằng, bình thường rất nhanh.
Tôi luôn nghĩ: Đời người ngắn lắm, hãy sống vui vẻ lên, đừng dằn vặt, sầu bi hay hắt hủi nhau.
Ở tuổi 61, NSND Trần Lực vẫn say sưa học thổi kèn saxophone (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
NSND Trần Lực có thành tựu trong sân khấu, điện ảnh nhưng cuộc sống riêng lại gặp nhiều trắc trở. Như người ta vẫn nói, cuộc đời… không cho ai được tất cả. Với anh, đó có phải là một thứ hi sinh, hi sinh hạnh phúc đời tư để được thành công trên con đường nghệ thuật?
- Tôi nghĩ, tất cả do số phận sắp đặt rồi. Mọi người hay nói đến cuộc sống đời tư của tôi vì tôi làm nghệ thuật, là người của công chúng. Nhưng ngoài kia, nhiều người còn trắc trở, giông bão, ghê gớm hơn tôi nhiều, tôi không là gì cả.
Nghệ sĩ hay ai cũng là con người, có phải mình thích thế nào là được như vậy đâu.
Tôi không lấy điều đó làm buồn nhưng cũng không thể vui được. Vui làm sao khi mình đổ vỡ hôn nhân nhưng… cũng chẳng buồn đến mức phải chết và bi quan. Cuộc sống của chúng ta có nhiều thứ thú vị lắm, tội gì phải chết.
Tôi cũng rất dị ứng với những thông tin như: Trần Lực với vợ với con thế này, thế kia…
Ngày các con còn bé, tôi hay đưa ảnh con lên, có báo lấy lại thông tin, giờ các con nói: “Bố gỡ thông tin đó đi”. Tôi phải xin lỗi các con vì rất khó và giờ đưa ảnh các con lên phải xin phép chúng.
Anh có hay vào bếp không?
- Tôi cũng hay vào bếp nhưng nấu ăn rất chán, chắc chỉ có con tôi mới ăn được thôi.
Các con làm gì cũng phải xin ý kiến hay anh để các con tự quyết định?
- Ngày xưa, bố mẹ cũng không bắt tôi theo nghệ thuật, mình thích thì theo đuổi thôi. Tôi cũng vậy, các con đã lớn rồi nên tôi luôn tôn trọng sở thích cá nhân của chúng. Mọi người nói rằng, Bờm, Bông, Bách phải theo nghệ thuật nhưng tôi không áp đặt.
Thật ra, có năng khiếu chưa chắc đã theo được nghệ thuật, phải có cơ hội, có số mới làm được.
NSND Trần Lực nhận mình là người lạc quan, vui vẻ (Ảnh: Minh Quang).
Một ngày của anh diễn ra thế nào?
- Hôm nào cần viết, tôi dậy sớm rồi đi thể dục, uống cà phê, hút thuốc, sau đó đến chỗ làm việc tập cùng ê-kíp. Hôm nào không tập vở, tôi đi thể dục kỹ hơn. Tôi cũng hay đọc sách những lúc rảnh rỗi.
Ở tuổi 61, nhìn lại chặng đường đã đi qua, anh thấy mình được gì và mất gì?
- Tôi không mất gì cả, tôi thấy vui. Nếu vui là mình được…
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!
NSND Trần Lực - chiến sĩ Điện Biên trong 'Hoa ban đỏ' sống kín tiếng ở tuổi 61
Vào vai một tiểu đoàn trưởng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong phim 'Hoa ban đỏ', NSND Trần Lực đã tạo ấn tượng khó phai với khán giả.
NSND, đạo diễn Trần Lực sinh năm 1963 tại Hà Nội, có bố là cố NSND Trần Bảng, mẹ là NSƯT Trần Thị Xuân.
Trần Lực được biết đến nhiều với vai trò diễn viên dù sau này chuyển hướng sang làm đạo diễn.
NSND Trần Lực ghi dấu ấn trong lòng khán giả truyền hình qua những vai diễn trong các phim như: "Chuyện tình bên dòng sông", "Hoa ban đỏ", "Mẹ chồng tôi", "Chuyện nhà Mộc", "Tivi về làng", "Tết này ai đến xông nhà"...
Gần đây, Trần Lực vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và họa sĩ già trong "Đào, Phở và Piano" của Phi Tiến Sơn.
Những ngày qua, hòa chung không khí kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, NSND Trần Lực cũng chia sẻ hình ảnh về chuyến thăm Điện Biên với khán giả.
Trần Lực đã tới thăm các địa điểm nổi tiếng trong chiến dịch Điện Biên Phủ như Mường Phăng - nơi đặt cơ quan đầu não của mặt trận Điện Biên Phủ, xem tập duyệt binh...
"Điện Biên nắng nóng vào buổi trưa, tối mát mẻ, đêm lạnh. Thời tiết cực dễ chịu", đạo diễn Trần Lực miêu tả không khí tại Điện Biên.
Nhân dịp này, Trần Lực chia sẻ hình ảnh của Tiểu đoàn trưởng Phương mà anh thủ vai trong phim "Hoa ban đỏ" của đạo diễn Bạch Diệp. Phim ra mắt năm 1994 nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. "Mọi người có nhận ra anh bộ đội đẹp trai đứng cạnh tôi là ai không?", đạo diễn Trần Lực viết.
Ở tuổi 61, NSND Trần Lực có cuộc sống bình yên bên gia đình. Anh kín tiếng nên thường không chia sẻ gì hôn nhân với báo chí hay trên trang cá nhân mà chỉ lặng lẽ làm những dự án nghệ thuật.
'Ông trùm chèo' Trần Bảng - bố đạo diễn Trần Lực qua đời NSND Trần Bảng - bố đạo diễn Trần Lực qua đời vào sáng 19/7, thọ 97 tuổi. NSƯT Trần Lực vừa cho biết bố anh - GS. NSND Trần Bảng vừa qua đời vào 6h00 sáng 19/7 vì tuổi cao, trọng bệnh. Cách đây ít ngày, NSND Trần Bảng bị ngã, phải nhập viện cấp cứu và phẫu thuật thay khớp. Ngoài ra,...