NSND Quốc Hưng ‘phiêu’ với âm nhạc vì có hậu phương vững chắc
NSND Quốc Hưng sinh năm 1970, từng công tác tại Đoàn chèo Hà Nội, hiện đang đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
NSND Quốc Hưng.
“Tôi theo con đường hát nhạc kịch nhiều năm, muốn phiêu theo âm nhạc cũng tùy ý nhưng đến khi lập gia đình, có vợ con thì tôi buộc phải tìm một cách khác để kiếm tiền. Ví dụ như tôi bắt đầu bước vào showbiz, thay vì cổ điển, opera thì tôi hát các ca khúc biểu diễn trong các chương trình lớn của Nhà nước hay các hội nghị,… Cát xê khá cao nên đời sống không vất vả nữa”, NSND Quốc Hưng bộc bạch.
Thù lao khiêm tốn
NSND Quốc Hưng sinh năm 1970, từng công tác tại Đoàn chèo Hà Nội, sau đó chuyển hướng sang học opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và hiện đang đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Ông sở hữu giọng bass quý và trầm nhất Việt Nam, là gương mặt quen thuộc trong các chương trình hòa nhạc lớn cả nước suốt nhiều năm qua.
Cách đây không lâu, khi ngồi ghế giám khảo cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc năm 2023, NSND Quốc Hưng từng khiến nảy sinh nghi vấn về tính công bằng cuộc thi bởi năm nay nhiều học trò của ông dự thi và giành giải nhất.
Thẳng thắn, nam nghệ sĩ cho biết hoàn toàn không lo ngại điều này, bởi theo đúng quy định của BTC cuộc thi thì những thầy cô làm giám khảo có học sinh, sinh viên tham gia sẽ không được bàn luận, chấm điểm để đảm bảo tính công bằng.
“Mùa năm nay, tôi có 4 học trò dự thi. Tôi cũng như các giám khảo khác đều không được bàn luận, chấm điểm những thí sinh đó. Vì thế tôi tự tin rằng kết quả chung kết là hoàn toàn công tâm, công bằng nhất với các thí sinh”, NSND Quốc Hưng bày tỏ.
Cũng từ cuộc thi, nam nghệ sĩ bày tỏ mong muốn, Bộ VH,TT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có những kế hoạch dài hơi để đầu tư bồi dưỡng, đào tạo những tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng; có kế hoạch sắp xếp lịch thi hợp lý hơn; đưa quy chế tổ chức chấm thi theo chuẩn mực quốc tế.
Và hơn nữa, chúng ta cần có thêm những cuộc thi Âm nhạc mùa Thu, Hát thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng mở rộng với yếu tố quốc tế để sự nghiệp chăm sóc, đào tạo tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam cập nhật theo trình độ thế giới.
Có một thực tế rằng, thí sinh nào bước ra từ những cuộc thi hàn lâm thế này đều mang trong mình đam mê và tham vọng rất lớn với opera. Sau này, thực tế cuộc sống khó khăn sẽ không mấy người theo đuổi đến cùng.
Chia sẻ về thắc mắc này, “giọng bass quý hiếm” cho biết: “Đất nước phát triển kéo theo đời sống tinh thần của mọi người được nâng cao, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao hơn và nhạc thính phòng, nhạc kịch cổ điển cũng phát triển theo.
Video đang HOT
Đặc biệt là các nhà hát ngoài Bắc như: Nhạc vũ kịch Việt Nam, các dàn nhạc giao hưởng hay Học viện Âm nhạc quốc gia cũng có từng tốp nhỏ thành lập CLB cổ điển thính phòng. Đấy là tín hiệu đáng mừng cho những người làm âm nhạc, đặc biệt là nghệ thuật chuyên nghiệp, cổ điển thính phòng”.
“Còn nói về thực tế cuộc sống khiến nghệ sĩ không theo đuổi opera đến cùng thì như tôi cũng từng chia sẻ, đó là điều khó tránh. Cá nhân tôi trước đây chỉ hát opera, đời sống kinh tế hay sự nổi tiếng rất hạn chế. Tập một vở opera rất vất vả, có khi mất vài tháng mới xong, nhưng thù lao chỉ từ 5 – 10 triệu đồng. Tôi thường nói vui, phải yêu lắm mới theo được bộ môn này.
Khi lập gia đình, tôi vẫn tha thiết yêu opera, nhưng cần lựa chọn con đường thực tế hơn. Sống đời nghệ sĩ, nếu thể hiện những tác phẩm theo thị hiếu, dễ được đón nhận thì kinh tế hay sự nổi tiếng cũng tăng lên. Tôi chuyển hướng hát nhạc Việt và may mắn được công chúng yêu mến. Giờ đi hát hai bài thôi, thù lao cũng kha khá rồi”, nam nghệ sĩ chia sẻ.
NSND Quốc Hưng hát tình ca.
Cân bằng học thuật và cảm xúc
Cuối năm 2022, ông đột ngột chuyển hướng sang hát nhạc tình, đánh dấu bằng một album 10 ca khúc tình ca. Trong khi nhiều người cho rằng đó là lựa chọn mạo hiểm thì theo nghệ sĩ Quốc Hưng, ông chỉ thay đổi thể loại thôi chứ không nghĩ đang mạo hiểm.
“Hát nhạc tình hay nhạc thính phòng thì người nghệ sĩ đều cần cân bằng giữa học thuật và cảm xúc. Nhiều ca khúc nhạc tình rất giàu nhạc tính và chất liệu nghệ thuật ẩn chứa trong đó rất cao nên thể hiện ra chất những tác phẩm này không hề đơn giản, đòi hỏi người hát phải có cảm xúc âm nhạc tràn đầy, phải có tâm hồn lãng mạn, phải biết biến âm nhạc thành một cuộc rong chơi do chính mình chủ động.
Thật ra tôi đã hát nhạc trữ tình từ thời học sinh tại các phòng trà ở Hà Nội. Tôi cũng rất thành công, kiếm đủ tiền trang trải học phí cho bản thân. Tuy nhiên, khi lên tới đại học, tôi tập trung vào nhạc thính phòng hơn, vì tôi xác định, đam mê của mình là opera và nhạc thính phòng cổ điển”, nam nghệ sĩ tâm sự.
Nhiều nghệ sĩ tâm sự, có hậu phương vững chắc mới có sức “phiêu” với âm nhạc, với ông điều này đúng – sai thế nào? Nam nghệ sĩ không ngần ngại thừa nhận, hậu phương vững chắc là điều chắc chắn: “Tôi may mắn khi có vợ cùng nghề. Chúng tôi học cùng nhiều năm, yêu nhau từ trường nhạc 8 năm rồi kết hôn nên tôi lựa chọn âm nhạc thế nào hay làm bất cứ điều gì đều được vợ dõi theo ủng hộ. Đó là điều tuyệt vời”.
NSND Quốc Hưng chia sẻ rằng vợ ông không thuộc tuýp hay ghen tuông với quá khứ của chồng. Tuy nhiên, khi nghe một số bài hát vợ ông cũng trêu: “Chắc lại yêu… lại nhớ em nào đó nên mới hát nức nở thế kia chứ”.
“Khi đó tôi bảo: Đây chỉ là cách thể hiện của người nghệ sĩ thôi chứ ai hát những bài này mà nức nở một chút lại nghĩ rằng họ đang nhớ người này, người kia… thì làm sao mà sống nổi. Nhưng thực ra thì đúng là khi hát một số ca khúc, tôi cũng đặt mình vào trong đó. Những mất mát của yêu đương ngày xưa cũng là chất xúc tác giúp mình làm đầy cảm xúc hơn”, NSND Quốc Hưng vui vẻ nói.
Đặt câu hỏi, liệu ông có dự định với một dự án tình ca hoặc một sản phẩm nào để “nịnh” hậu phương của mình không? NSND Quốc Hưng cười: “Tôi vẫn còn 3 album nhạc tình (gồm 30 ca khúc) nữa đang đợi thời điểm hợp lý sẽ phát hành”.
Ca sĩ Nguyễn Hà My: 'Đam mê lớn nhất của tôi là trở thành một nghệ sỹ opera thực thụ'
Đối với một nghệ sĩ có niềm đam mê lớn nhất là trở thành một nghệ sĩ opera thực thụ như Nguyễn Hà My thì cuộc thi 'Hát thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc' luôn là cái đích mà cô mong hướng đến và quyết tâm chinh phục.
Chính vì thế, cô đã ghi danh ngay khi cuộc thi được tái khởi động trở lại.
Giọng ca sinh năm 1994 chia sẻ, sinh thời cố NSND Trung Kiên từng cho rằng đây là sân chơi quan trọng bậc nhất đối với nền âm nhạc chuyên nghiệp. Tất cả những sinh viên, nghệ sỹ trẻ yêu nghệ thuật hát cổ điển, muốn theo đuổi dòng nhạc này đều khao khát chinh phục cuộc thi này. Người thầy hiện tại của Hà My là NSND Quốc Hưng cũng từng chiến thắng cuộc thi này vào năm 2000. Ngoài ra nhiều thầy cô giảng viên Nhạc viện và các nghệ sỹ tên tuổi đàn anh, đàn chị của dòng nhạc chính thống, cổ điển cũng từng tham gia và giành giải cao tại cuộc thi này những mùa thi trước như: NSND Rơ chăm Phiang, NSƯT Hà Thủy, NSƯT Hà Phạm Thăng Long, cố NSƯT Mạnh Dũng, Lan Anh, Tố Uyên, Đăng Dương, Trọng Tấn...
Trên thực tế đây không phải lần đầu Nguyễn Hà My đến với cuộc thi này. Nữ nghệ sĩ giọng soprano cho biết, năm 2019 khi còn đang là sinh viên hệ Đại học khoa thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia, cô cũng từng tham dự cuộc thi này nhưng không "rinh" được thành tích nào. Cũng vì thế, sau 4 năm chờ đợi cuộc thi trở lại, việc dự thi lần này với Hà My không chỉ là sự ấp ủ mà còn là mơ ước và khát khao của cô trên con đường theo đuổi nghệ thuật opera.
"Đi thi thì ai cũng muốn đoạt giải, nhưng cá nhân tôi tham gia là để được kiếm chứng những thành quả có được sau nhiều năm tháng rèn luyện hơn là khẳng định bản thân mình." - Hà My bộc bạch, đồng thời bày tỏ may mắn là những nỗ lực của cô đã được các giám khảo, thầy cô, bạn bè đồng nghiệp nhìn nhận bằng việc trao cho cô giải Quán quân của bảng B dành cho lứa tuổi từ 24 đến 32.
Nói thêm về lần thi này, Hà My tâm sự, cô đã chuẩn bị cho cuộc thi này từ rất sớm, trước khi sân chơi chính thức được thông báo sẽ diễn ra sau 4 năm vắng bóng. Nữ ca sĩ trải lòng, cô luôn tâm niệm rằng kể cả cuộc thi có không được tổ chức thì việc xây dựng vốn kịch mục luôn là điều quan trọng đối với bất cứ nghệ sỹ cổ điển nào và nữa là việc tập luyện cac bài hát mới cũng giúp mình phát triển nhạc cảm và mở rộng giới hạn bản thân.
Nhắc lại, Hà My kể, cuộc thi yêu cầu mỗi thí sinh phải trình bày 7 tác phẩm (3 tác phẩm vòng 1; 4 tác phẩm vòng 2) thì trong bài thi của cô có đến 6 tác phẩm rất hiếm, thậm chí là lần đầu tiên có người hát ở Việt Nam. Một nửa trong số đó là bài hát mà cô vốn chuẩn bị cho việc tốt nghiệp Cao học khoa Thanh nhạc, còn lại là bài hát được cô tập riêng cho cuộc thi này - cũng là lần đầu tiên hát trước mọi người.
Nếu nhìn vào danh sách bài tham dự của Hà My có lẽ cũng nhận ra cá tính âm nhạc và những gì mà nữ ca sĩ trẻ này muốn theo đuổi. Quy định cuộc thi yêu cầu ngoài các aria và romance cổ điển nước ngoài thì mỗi thí sinh phải hát 2 tác phẩm Việt Nam, không yêu cầu là ca khúc và Hà My đã mạnh dạn chọn thể hiện 2 trích đoạn opera "Cô Sao" (Đỗ Nhuận) rất ít khi được trình diễn riêng lẻ gồm: "Mãi sao chẳng gặp nhau" và "Hỡi núi cao chỉ lối giùm ta". Nếu như trích đoạn đầu tiên có giai điệu đẹp và trữ tình như một ca khúc lãng mạn thì bản trích đoanh thứ 2 có phong cách hoàn toàn trái ngược.
Chia sẻ về sự có mặt của NSND Quốc Hưng - người thầy đang dạy mình - trong ban giám khảo cuộc thi, Hà My cho biết, dù không được chấm trực tiếp học trò của mình nhưng sự có mặt của thầy cũng là nguồn cổ vũ tinh thần và tiếp thêm động lực để cô tự tin trình diễn hơn.
"Đam mê lớn nhất của tôi là trở thành một nghệ sỹ opera thực thụ. Tôi muốn mở rộng bản thân, tiếp tục chinh phục các tác phẩm thách thức hơn, được hóa thân vào các vai diễn opera giàu tâm trạng, đặc biệt là opera Việt Nam. Tôi mơ ước được đóng trọn vẹn 'Cô Sao' - tác phẩm opera đầu tiên của Việt Nam mà tôi vô cùng yêu thích." - Hà My hào hứng bày tỏ.
Nữ ca sĩ tiết lộ, trước mắt cô sẽ cố gắng hoàn thành chương trình Cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Song song đó, cô sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động biểu diễn opera hướng đến cộng đồng để giúp cho loại hình âm nhạc này trở nên quen thuộc với khán giả trong nước hơn. m ,.9 h/ .0nu-yglb9h y/.7mk,
?Trước đó, Hà My đã từng có những buổi biểu diễn opera miễn phí phục vụ sinh viên các trường Đại học, các em thiếu nhi, người khuyết tật và nhiều đối tượng khán giả khác tại các không gian công cộng trong thành phố. Trong thời gian tới, cô sẽ cùng cộng tác với các nghệ sỹ trẻ khác cùng chí hướng để phát triển những hoạt động này thêm chuyên nghiệp và hiệu quả.
Một số hình ảnh của Hà My:
Giọng soprano Nguyễn Hà My tận hiến cho opera Việt Nam 'Tôi muốn phát triển nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn nữa cho âm nhạc, đặc biệt cho âm nhạc cổ điển Việt Nam' - Nghệ sĩ Nguyễn Hà My chia sẻ. "Ước mơ lớn nhất của tôi là trở thành một nghệ sĩ opera thực thụ. Tôi muốn mở rộng bản thân, tiếp tục chinh phục các tác phẩm thách thức hơn, được...