NSND Quang Thọ: Nửa thế kỷ cống hiến cùng âm nhạc
Xuất thân là một công nhân hầm lò, từ phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh Quảng Ninh, NSND Quang Thọ đã bộc lộ tài năng, nỗ lực rèn luyện, trở thành giọng opera xuất sắc hàng đầu Việt Nam.
Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ với các học trò
Tận tâm cống hiến, giữ gìn và phát triển dòng nhạc chính thống, trong vai trò người thầy, ông đã đào tạo nên những ngôi sao nhạc đỏ.
Danh ca đất mỏ
NSND Quang Thọ sinh năm 1948 trong một gia đình có đông anh em ở Hạ Long, Quảng Ninh. Cuộc sống nhiều khó khăn thiếu thốn, cậu thiếu niên Quang Thọ ngày ấy luôn có ý thức trách nhiệm của người con trai cả với gia đình. Học hết lớp 8, ông bỏ dở việc học, khai tăng tuổi để xin đi làm ở Mỏ than Cọc Sáu.
6 năm làm thợ lò tại các mỏ than ở Quảng Ninh đã chắp cánh cho giọng hát của Quang Thọ bay xa. Hạt giống của phong trào văn nghệ vùng mỏ cất cao tiếng hát trong những căn hầm tối, dưới làn mưa bom bão đạn, dù có khi dưới hầm lò, khán giả chỉ là một vài công nhân. “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi Quang Thọ khắp khu mỏ Quảng Ninh.
Rời đất mỏ, Quang Thọ khoác ba lô, gia nhập đoàn văn nghệ xung kích “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những trải nghiệm hừng hực hơi thở cuộc sống giúp ông thể hiện thành công nhiều ca khúc về đề tài người thợ mỏ, trong đó nổi bật là “Tôi là người thợ lò” (Hoàng Vân), “ Những ngôi sao ca đêm” (Phạm Tuyên).
Sau này, khi về công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, rồi giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội, những tác phẩm thanh nhạc kinh điển từng được Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ trình diễn thành công và để lại dấu ấn khó quên. Ông thăng hoa với những ca khúc không chỉ đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo, trường cảm xúc cao độ mà cả bề dày trong tư duy nghệ thuật. Ông khiến người nghe ngây ngất với “Trường ca Sông Lô” (Văn Cao), “Lá đỏ” (Hoàng Hiệp), “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” (Chu Minh), “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), “Sơn nữ ca” (Trần Hoàn), “Biệt ly” (Dzoãn Mẫn), “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương)…
Tên ông đã được nhiều thế hệ người nghe nhạc yêu mến. Nửa thế kỷ, tiếng hát của Quang Thọ đã vang lên khắp mọi miền đất nước. Sân khấu của ông là công trường lao động, dưới chiến hào, hay trên sân khấu nhà hát sang trọng, thánh đường âm nhạc của nhiều quốc gia. Khán giả của ông là những người nông dân, người công nhân, người lính… tiếng hát bay cao vẫn là sự cống hiến không ngừng nghỉ và không mệt mỏi.
Video đang HOT
Chia sẻ quan điểm làm nghề, NSND Quang Thọ cho rằng: “Người nghệ sĩ là người cống hiến cái đẹp cho đời. Khi đã hát bằng cả trái tim thì dù giọng hát cất lên ở đâu cũng truyền được cái đẹp, cái thiện đến người nghe…”.
Khẳng định tài năng trong nền tân nhạc hiện đại trong nước, giành được các giải thưởng opera quốc tế ở Đức, Mông Cổ… Nghệ sĩ Quang Thọ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm ông 53 tuổi.
Giờ đây, ở tuổi 70 qua nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc, ông vẫn giữ được vẻ ngoài trẻ trung, tinh thần dẻo dai, giọng nam trung của ông vẫn vang, dày, khỏe khoắn.
“Tôi thích giọng hát và phong cách biểu diễn của Quang Thọ bởi chất học thức thấm nhuần trong đó. Vẻ đẹp của nghệ thuật được thể hiện một cách nghiêm túc và trau chuốt như vậy qua chất giọng baritone (nam trầm) hào sảng và giàu nội lực như vậy, thế hệ sau này chưa ai kế tiếp được…” – nhà văn Phan Chi chia sẻ.
Thực hiện liveshow “Hãy đến với anh” kỷ niệm 50 năm ca hát trước thềm kỷ niệm ngày 20/11, với khách mời là những học trò, nghệ sĩ muốn gửi gắm thông điệp về sự tiếp bước của những thế hệ sau với dòng nhạc chính thống đầy giá trị của Việt Nam.
Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ
Con mắt xanh tinh tường
Thành danh trong sự nghiệp âm nhạc, nghệ sĩ Quang Thọ cũng là người thầy thành công trong sự nghiệp trồng người. Ông có con mắt tinh tường của người thợ mỏ nhưng cũng có con mắt xanh của một kỹ sư tâm hồn nên nhìn thấy tố chất ẩn sâu trong mỗi người học trò của mình. Giảng dạy hàng trăm học sinh, ông nhìn thấy ở mỗi người như vỉa quặng thô, ẩn chứa viên ngọc quý cần được dụng công mài giũa để một ngày tỏa sáng hào quang.
Tôn trọng tư chất, màu sắc riêng của từng học trò, ông khuyến khích, định hướng và có những sự khích lệ động viên cá tính sáng tạo. Có những ca sĩ xuất phát điểm không thuận lợi, tưởng như không hề phù hợp với dòng nhạc chính thống nhưng sau này, dưới sự định hướng và dìu dắt tận tình tâm huyết của ông đã trở thành những ngôi sao của dòng nhạc đỏ.
Những ca sĩ gạo cội của dòng nhạc đỏ trước và nay dù được ông rèn dạy trực tiếp hay gián tiếp như Đức Long, Hoàng Tùng, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Khánh Linh, Anh Thơ, Tân Nhàn… đều nhắc đến ông với một thái độ tự hào và yêu kính nhất mực. Dù bước ra sân khấu, qua những lần biểu diễn chung hay tiếp nối sự nghiệp giảng dạy của thầy Quang Thọ, họ đều học được từ ông tinh thần làm việc nghiêm túc, hết mình vì nghệ thuật, cống hiến cho đời sống âm nhạc những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp.
Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ chính là người gợi ý ba ca sĩ Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn hòa giọng trong ca khúc “Đường chúng ta đi” (Huy Du) biểu diễn tại Liên hoan Tiếng hát Sinh viên 1998 và đây là cú huých giúp “tam ca nhạc đỏ” nổi tiếng. Mỗi ca sĩ được tiếp thêm động lực, quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc chính thống và có bước tiến phát triển sự nghiệp của mình.
Chia sẻ niềm ngưỡng mộ về người thầy của mình, ca sỹ Tùng Dương bộc bạch: “Sự nghiệp 50 năm ca hát của thầy là điều chúng tôi ngưỡng mộ mà còn là mơ ước của bất cứ ca sĩ nào. Gắn bó với nghệ thuật trong nửa thế kỷ thậm chí giữ được phong độ không hề sút giảm trong suốt quãng thời gian đó là điều mà không phải ai cũng làm được”.
Còn ca sĩ Đăng Dương thì tự hào cho biết: “Tôi được lãnh nhận từ thầy mình nhiệm vụ theo đuổi dòng nghệ thuật chuẩn mực và sáng tạo. Thầy Quang Thọ không chỉ dạy chúng tôi nghề mà cả dạy chúng tôi cả nhân cách và lối sống. Ông giúp mỗi người học trò của mình hiểu được làm sao để trở thành một người nghệ sĩ chân chính”.
Theo Báo Mới
Khi 'nữ hoàng opera' không ngại hát bolero
Tên gọi Ánh trăng tình yêu của đêm nhạc Lan Anh vào ngày 3, 4/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội quả là sự ví von khá chỉnh dành cho tính chất âm nhạc và giọng hát chủ nhân. Vẫn biết Lan Anh là giọng nữ đẹp tiêu biểu trong dòng nhạc thính phòng nhưng phải đến tận chương trình này, công chúng mới có dịp chiêm ngưỡng nó một cách hoàn chỉnh từ nhiều góc độ.
Lan Anh thành công trong việc ứng dụng kỹ thuật opera trong hát tiếng Việt
Sau giải Nhất Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc năm 2000, Lan Anh hầu như chỉ hoạt động trong phòng thu với 7 album và tập trung giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Cô mất 20 năm để chắt chiu vốn liếng nghệ thuật cũng như vật chất để thực hiện hai đêm diễn để đời. Dù sao, cô cũng đã chọn đúng điểm rơi để có một chương trình đạt chất lượng cao cả về nghệ thuật và giải trí.
Phần nhạc tiền chiến trong đêm nhạc Ánh trăng tình yêu được minh họa bằng các tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương
Lan Anh bắt đầu nhen nhóm ý định làm hòa nhạc với dàn giao hưởng kể từ khi cô được NSƯT Đăng Dương mời hát trong đêm nhạc Mặt trời của tôi cùng dàn nhạc giao hưởng Thăng Long và giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng. Đó cũng là thời gian mà dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời (SSO) bắt đầu thành lập và chỉ hơn một năm sau, Lan Anh trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên được SSO đệm hẳn chương trình riêng. Mà lại miễn phí nên đã đỡ cho ca sĩ một khoản chi lớn.
Như vậy Ánh trăng tình yêu trở thành đêm nhạc hiếm hoi hội đủ nhiều yếu tố hàng đầu, từ giọng hát đến phối khí- Trần Mạnh Hùng là nhạc sĩ gần như duy nhất ở Việt Nam kiên trì và thành công trong lĩnh vực phối khí cho dàn nhạc giao hưởng. Dàn nhạc cùng nhạc trưởng Olivier Ochanine đẳng cấp quốc tế khỏi bàn. Nhạc trưởng người Pháp, tu nghiệp tại Mỹ này từng vượt qua 120 đồng nghiệp từ 23 nước dành giải Nhất cuộc thi Nhạc trưởng Quốc tế Antal Dorati tại Budapest, Hungary cách đây 3 năm. Đạo diễn Tất My Loan cũng hàng đầu trong chuyên môn của mình. Anh đem đến cho đêm diễn một không gian nghệ thuật trang trọng, tinh tế góp phần chắp cánh cho âm nhạc.
Giọng hát đẹp (trữ tình, màu sắc và kịch tính trong chừng mực) với kỹ thuật hoàn hảo của Lan Anh là yếu tố quyết định cho nhạc mục lãng mạn và phong phú của chương trình. Trong khoảng 3 tiếng, cô đã đưa khán giả tới nhiều thời đoạn, nhiều vùng âm nhạc khác nhau. Phần một của chương trình bao gồm các bản nhạc tiêu biểu cho thời kỳ đấu tranh cách mạng. Ngoài Bài ca hy vọng, các bài còn lại được khéo léo xâu chuỗi thành liên khúc, kết thúc bằng màn song ca Sông Lô hoành tráng cùng NSND Quang Thọ.
Sau những giai điệu "trữ tình cách mạng" tới "trữ tình đời sống" với dòng nhạc tiền chiến (trước 1945) với Thu vàng, Hương xưa, Bóng chiều xưa... Phần này dàn nhạc chơi tiết tấu đa dạng, pha cả jazz, gợi lên không khí êm ái của các thính phòng Âu châu sang trọng. Thêm phần phối khí đúng điệu khiến người nghe có cảm giác tự hào vì những tinh túy của tân nhạc Việt Nam xem ra chả thua kém gì phương Tây.
Tuy nhiên chỉ aria Je veux vivre (C.Gounod)- nói lên tâm trạng của nàng Julliet khi biết tin sắp phải lấy chồng tất nhiên không phải Romeo- mới có thể khiến "nữ hoàng opera" Lan Anh lộ diện. Đây là aria vào loại dễ nghe nhưng vẫn khoe được nhiều kỹ thuật khó. Sau khi nghe Lan Anh hát cổ điển, hẳn không ít người thoáng chút tiếc nuối vì cô đã không có nhiều cơ hội hơn để cống hiến cho dòng nhạc này. Đơn giản vì khi Lan Anh sung sức nhất lại là lúc cổ điển, opera gặp nhiều khó khăn. Nhưng phần vì thế mà Lan Anh lại có cơ hội phiêu lưu trong nhiều dòng nhạc khác nhau. Cô pop hóa nhạc đỏ, biến nó thành "tình ca xanh". Và mới đây mạnh dạn cho ra MV, CD nhạc vàng, bolero.
Thực ra không nhiều ca sĩ sở đắc những kỹ thuật cổ điển hoàn chỉnh lại vẫn có thể hát tiếng Việt ngọt như Lan Anh (trước đây, NSND Lê Dung đã làm được điều này). Gạt đi những định kiến còn tồn đọng trong xã hội, việc Lan Anh hát được bolero chứng minh phẩm chất đó.
Không chỉ áp dụng thành công kỹ thuật thính phòng vào nhạc vàng, Lan Anh còn dấn thêm bước nữa, trở thành ca sĩ trong nước đầu tiên "dám" chơi bolero cùng dàn nhạc giao hưởng. Nghe cũng khá thú vị và mới. Ta hãy tưởng tượng trong khi gần trăm nhạc cụ cố để đẩy âm nhạc lên cao trào thì giai điệu đặc thù bolero Việt vẫn đều đều ngự trị bên trên. Trước khi Ánh trăng tình yêu diễn ra, Lan Anh không "dám" khẳng định sẽ hát bolero trong chương trình vì lo dư luận. Nhưng với cách thể hiện đồng đẳng và tương hợp kể trên, chắc khó mà chê được Không bao giờ quên anh của Lan Anh. Cùng với cách bố trí chương trình theo dòng sử nhạc, vô tình hay hữu ý Lan Anh đã khẳng định bolero là một di sản đáng trân trọng của âm nhạc Việt Nam.
Phần cuối, Lan Anh và nhóm Dòng Thời Gian thể hiện những trích đoạn hay nhất của kịch hiện đại (Broadway). Dòng nhạc có thể nói hội tụ cũng là những gì tinh túy nhất của opera, pop, jazz... Chương trình không kết bằng Canto della terra - cũng là một sáng tác thính phòng tiêu biểu ra đời gần đây của F. Sartoli - mà bằng màn hòa ca hai bài hát cùng tên Tình ca của Hoàng Việt và Phạm Duy. Tất cả các khách mời cùng Lan Anh thực hiện tiết mục tri ân này.
Theo Báo Mới
Quang Hà kết hợp cùng Trọng Tấn dệt 'Mùa thu vàng' tại Hà Nội Mùa thu Hà Nội luôn có những hấp dẫn đặc biệt để các nhà thơ, nhạc sĩ thả hồn vào trong những dịu dàng của nắng và gió để cho ra đời những áng thơ, những ca khúc êm dịu lòng người. Nam ca sĩ Quang Hà cho biết anh không hề lo lắng khi đọ giọng với ông hoàng nhạc đỏ Trọng...