Nộp phạt cho CSGT: Vì sao thực hiện lại?
Theo Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT đường bộ, đường sắt, có thể hiểu việc áp dụng biện pháp nộp phạt trực tiếp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân.
Ngày 11/2, phóng viên NTNN trao đổi với thiếu tá Phạm Quang Huy – Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an), về đề xuất cho người vi phạm giao thông nộp phạt tại chỗ mà báo chí đã thông tin.
Thưa ông, việc người vi phạm giao thông nộp phạt trực tiếp cho CSGT ở những lỗi vi phạm nhỏ trước đây đã được thực hiện nhưng rồi lại bãi bỏ. Tại sao bây giờ Bộ Công an lại đề xuất thực hiện lại?
Thiếu tá Phạm Quang Huy – Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an)
Ngày trước chúng ta làm ở tất cả mọi miền đất nước, ở một số lỗi vi phạm với mức phạt thấp có thể xé biên lai với các mệnh giá mà kho bạc đã in sẵn như 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng để phạt. Sau khi xé biên lai, CSGT sẽ lưu lại một phần để đưa sang kho bạc đối chiếu nộp lại số tiền đã thu của người vi phạm.
Còn trong dự thảo thông tư lần này quy định việc nộp phạt tại chỗ sẽ áp dụng cho người vi phạm ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn. Có thể hiểu đây là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân. Các cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trên đường trong thẩm quyền xử phạt của mình có quyền xé biên lai để ghi phạt, tạo điều kiện cho người dân khi vi phạm đỡ phải đến kho bạc nộp phạt.
Việc xử lý của CSGT cũng sẽ được kiểm tra, chấn chỉnh để ngăn ngừa tiêu cực (ảnh minh họa).
Còn lý do vì sao đã từng áp dụng biện pháp này nhưng rồi lại bỏ, thì thực ra quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Ở cấp tỉnh, thành phố, cơ quan công an phải cử người sang kho bạc đối chiếu so sánh. Quá trình đó có vướng một số vấn đề, ví dụ như ở kho bạc có lúc cán bộ chiến sĩ của chúng tôi phạt 100.000 đồng, kho bạc in biên lai 10.000 đồng thì phải xé tới 10 lần. Sau đó người ta thấy xé nhiều thế viết biên lai mất công, nên lại áp dụng biện pháp cho người vi phạm ra thẳng kho bạc nộp…
Việc đề xuất nộp phạt tại chỗ được áp dụng cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Vậy còn với người dân thành thị, thông tư này có điều chỉnh gì không, thưa ông?
Video đang HOT
“Dự thảo thông tư lần này quy định việc nộp phạt tại chỗ sẽ áp dụng cho người vi phạm ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn”. Thiếu tá Phạm Quang Huy
Để thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, hiện nay C67 đã ký với Tổng cục Bưu điện thỏa thuận nhằm tiến tới đơn giản hóa cho người vi phạm. Ví dụ người ở phía Nam vi phạm giao thông ở phía Bắc, để giải quyết họ phải ra Bắc nộp phạt mất nhiều thời gian, mất cả chuyến đi dài nên chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ vi phạm vào nơi người vi phạm cư trú, họ chỉ việc đến đó giải quyết. Việc này được triển khai sẽ rất thuận lợi và tiết kiệm cho người dân.
Tại thành thị cũng có những bước tiến chứ không chỉ có vùng sâu, vùng xa, còn thực ra dự thảo vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến đóng góp của người dân và các đơn vị liên quan. Sau khi có ý kiến đóng góp, có sự nhất trí, triển khai thí điểm, nếu thấy thuận lợi sẽ triển khai đồng bộ. Còn nếu gặp vướng mắc sẽ điều chỉnh để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Để giám sát việc xử phạt và nộp phạt tại chỗ, C67 có cơ chế giám sát thế nào để tránh nảy sinh tiêu cực?
Thực ra triển khai một vấn đề gì mới cũng có 2 mặt, nhưng tiêu cực từ việc thu tiền theo tôi khó xảy ra vì quyển biên lai xé bao nhiêu tờ kho bạc sẽ đếm đủ bấy nhiêu tờ, thiếu 1 tờ thì CSGT phải tự bỏ tiền túi ra đền. Bên cạnh đó C67 cũng lên kế hoạch, phương án nhằm kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ngọc Lương (Dân Việt)
Có thể phạt vi phạm giao thông qua thẻ?
Theo Tiến sỹ Lương Thanh Cường, phạt vi phạm giao thông qua tài khoản cũng giống như thanh toán điện nước qua thẻ mà một số địa phương đang triển khai.
Dự thảo Thông tư cho phép người vi phạm giao thông có thể nộp phạt trực tiếp cho CSGT vẫn đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, trả lời chúng tôi, một cán bộ CSGT tại Hà Nội cho biết, quy định này không có gì mới. Trước đến nay, họ vẫn được phép áp dụng hình thức này.
Theo cảnh sát này, lâu nay, người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp đối với một số lỗi mà mức tiền phạt khoảng 200.000 đồng trở xuống. Quy định trong dự thảo Thông tư mới chỉ làm rõ hơn điều này và chuẩn theo Luật xử lý vi phạm hành chính mà thôi.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Lương Thanh Cường (Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật - Học viện Hành chính) về vấn đề này. Tiến sỹ Cường nhận định, hiện nay đã có thể áp dụng xử phạt vi phạm giao thông qua thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng đối với một bộ phận cán bộ, công chức.
Việc cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho CSGT có phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính không, thưa ông?
Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định một số vi phạm được phép xử phạt tại chỗ. Về góc độ luật pháp là hoàn toàn phù hợp.
Theo ông, xử phạt trực tiếp có phải là cách làm văn minh?
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, chỉ có 2 phương án: Nộp phạt ở kho bạc hoặc trực tiếp. Mỗi phương án đều có ưu điểm và hạn chế nhất định. Vấn đề là mỗi phương án đều có một mục tiêu khác nhau.
Để hạn chế tiêu cực trong xử phạt, mọi trường hợp đều nộp kho bạc là hợp lý nhất. Nhưng nộp phạt tại chỗ lại thuận lợi hơn với người dân. Với những vi phạm nhỏ, người dân không phải đi lại nhiều lần. Nếu quy định, tất cả vi phạm đều phải nộp kho bạc, chắc chắn nhiều người lại nói rằng quá rắc rối, mất thời gian.
Tôi cho rằng, để đạt đến tất cả mục tiêu, vừa minh bạch vừa phát triển, một thông tư về xử phạt vi phạm giao thông như vậy không thể giải quyết được. Ngoài quy định này ra, còn có nhiều giải pháp khác, trong đó có cơ chế giám sát, kiểm tra, giáo dục,...
Nộp phạt tại chỗ tạo thuận lợi cho người dân (Ảnh minh họa)
Nộp phạt tại chỗ tạo thuận lợi cho người dân nhưng có ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của CSGT là điều tiết giao thông không, thưa ông?
Tất nhiên là quy định này sẽ tạo thêm việc cho CSGT. Mỗi khi ra đường tuần tra kiểm soát, CSGT phải mang các loại biên lai xử phạt theo người. Quá trình xử phạt, họ phải tính toán, xuất biên lai. Cuối ngày hoặc ngày hôm sau, người làm nhiệm vụ lại phải mang một ôm tiền đã thu được đến kho bạc nộp. Họ phải ngồi tính toán, cộng trừ nhân chia, đếm tiền, cất tiền. Như vậy, CSGT phải làm thêm những việc không đáng làm. Điều này có thể gây quá tải và ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của CSGT là điều tiết giao thông.
Ông nghĩ thế nào về cái nhìn của xã hội, cụ thể là người đi đường khi thấy một CSGT và người vi phạm đứng kiểm đếm tiền, trao đổi qua lại tiền chẵn lẻ?
Cuộc sống chỗ nọ chỗ kia luôn còn sự hiểu nhầm. Người đi đường đôi khi khó hiểu hết được. Tất nhiên, mọi cách áp dụng pháp luật đều dần từng bước. Nếu có sự giám sát, CSGT lẫn người vi phạm đều thực hiện đúng, đương nhiên xã hội sẽ tự đánh giá câu chuyện khác đi.
Tại sao Việt Nam không áp dụng cách xử phạt vi phạm giao thông qua thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng như các nước phương Tây vẫn thường làm?
Cần phải thấy rằng, cách thực thi pháp luật ở mỗi nước khác nhau, tùy điều kiện, trình độ phát triển kinh tế xã hội. Ở phương Tây, hệ thống tín dụng ngân hàng phát triển. Người phương Tây ít khi mang tiền mặt, chủ yếu giao dịch qua tài khoản.
Ở Việt Nam, mới chỉ một bộ phận rất nhỏ mở tài khoản ngân hàng. Đó là cán bộ công chức, làm công ăn lương ở thành phố. Đa số là người dân nông thôn, lao động tự do. Hiện nước ta có khoảng 70% nông dân. Họ không có tài khoản ngân hàng thì làm sao xử phạt qua thẻ?!
Chắc chắn nhà nước đang hướng đến mục tiêu đó. Nhưng tạm thời, phương thức xử phạt vẫn tạm theo các cách nói trên: Mức tiền nhỏ được nộp phạt trực tiếp, mức tiền lớn phải ra kho bạc. Như vậy là phù hợp với xã hội chúng ta hiện nay. Tất cả đều phải đi từng bước một và tùy mức độ phát triển kinh tế xã hội.
Vậy có nên áp dụng hình thức xử phạt qua thẻ với một bộ phận cán bộ, công chức và người làm công nhận lương qua tài khoản ngân hàng?
Tôi nghĩ cách này cũng có thể thực hiện được. Tất nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào máy móc, hệ thống phần mềm quản lý. Muốn áp dụng, Nhà nước lại phải đầu tư, lắp đặt máy móc, đào tạo,... Phạt qua tài khoản cũng giống như thanh toán điện nước qua thẻ mà hiện nay một số địa phương đang triển khai.
Khoa học công nghệ nước ta hiện nay cũng khá phát triển. Cách này hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, người dân nên được lựa chọn các hình thức nộp trực tiếp, qua thẻ hay kho bạc để thuận tiện nhất cho mình.
Xin cảm ơn ông!
Điều 56. Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: 1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản. 2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
Theo Khampha
Khi nào nộp phạt trực tiếp cho CSGT? Quy định người vi phạm luật giao thông được nộp thẳng tiền cho CSGT theo dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến đang gây nhiều tranh cãi. Đại diện Bộ GTVT đã giải thích rõ hơn về quy định này. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động...