Nông sản xuất siêu 3,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2020
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2020 đều sụt giảm khá lớn.
Thống kê ngày 29/5 của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 5 tháng qua ước đạt gần 27,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5%. Tính chung 5 tháng, nông sản xuất siêu 3,3 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu nông sản vẫn đang gặp khó khăn nhất định
Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng qua ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh một số mặt hàng giảm xuất khẩu như: Cao su, chè, hồ tiêu, quả, cá tra, tôm; vẫn có một số mặt hàng xuất khẩu tăng như cà phê, gạo, rau, sắn quế, mây tre… Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê đạt 1,36 tỷ USD (tăng 2,2%); gạo đạt 1,4 tỷ USD (tăng 18,9%); rau đạt 310 triệu USD (tăng 17,5%); quế đạt 66 triệu USD (tăng 16,6%); mây, tre, cói thảm đạt 197 triệu USD (tăng 4,7%).
Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ và chiếm 23,8% thị phần; tiếp đến là Hoa Kỳ ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ và chiếm 22% thị phần; thị trường EU ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,1% và chiếm 10,5% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 3,5%, chiếm gần 9,0% thị phần; xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 5,5% và chiếm 10,38% thị phần.
Video đang HOT
Về nhập khẩu, tính chung 5 tháng, kim ngạch các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 11,1%.
Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mì và chăn nuôi có giá trị nhập khẩu tăng (lần lượt là 10,9%, 25,5% và 10,6%), các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, phân bón giảm 10,8% (phân URE giảm 81,1%, NPK giảm 13,4%), thuốc trừ sâu giảm 29,0%, thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 14,2%, ngô giảm 28,1%, hạt điều giảm 25,0%, rau quả giảm 43,4%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 8,8%, thủy sản giảm 5,3%.
Đề xuất Trung Quốc kéo dài thời gian thông quan nông sản qua cửa khẩu
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Trung Quốc ưu tiên thông quan, kéo dài thời gian với hàng nông sản xuất nhập khẩu từ 7 - 22h hàng ngày.
Tại cuộc làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đề nghị phía Trung Quốc kéo dài thời gian hoạt động tại các cửa khẩu để việc thông quan hàng hoá tốt hơn.
Theo Bộ trưởng, hiện Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu cho 9 mặt hàng rau quả, hai bên đang hoàn thiện thủ tục ký cấp phép cho mặt hàng thạch đen, xem xét ủy quyền cho các cơ quan chức năng của Việt Nam thẩm định hồ sơ, đánh giá rủi ro....
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị kéo dài thời gian hoạt động tại các cửa khẩu để thông quan hàng hóa. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tác động đến việc thông quan hàng hoá xuất khẩu tại các cửa khẩu. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Đại sứ Trung Quốc quan tâm, trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu theo "luồng xanh" (chủ yếu là bột sắn, hạt điều, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm) được hưởng quy chế ưu tiên miễn kiểm tra để giảm thời gian thông quan qua cửa khẩu.
Bên cạnh đó, phối hợp tích cực triển khai vận hành luồng ưu tiên thông quan, kéo dài thời gian đối với hàng nông sản xuất nhập khẩu của cả 2 bên từ 7h đến 22h hàng ngày qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai - Bắc Sơn).
Hiện tại, lượng xe tồn lại tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đang rất lớn vì vậy Bộ trưởng kiến nghị phía Trung Quốc xem xét tạm thời cho xe không hàng sang bến bãi cách ly tại cửa khẩu Tân Thanh để bốc hàng trong thời gian phòng chống dịch bệnh, nhằm giải quyết lượng xe tồn.
Về phía Trung Quốc, Đại sứ Hùng Ba cho biết, hiện tại do tình hình dịch bệnh, những biện pháp thắt chặt thông quan được áp dụng với tất cả các nước láng giềng với Trung Quốc. Ông Hùng Ba cho rằng hiện tại lưu lượng qua cửa khẩu Tân Thanh quá cao và đề xuất các doanh nghiệp tận dụng đường sắt tại tỉnh Bằng Tường để vận chuyển hàng hoá được nhanh hơn. Bên cạnh đó, phía Việt Nam cần thực hiện lắp hệ thống nhận dạng điện tử và các lái xe Việt Nam thực hiện khai báo y tế điện tử để giảm thời gian thông quan.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam ông Hùng Ba. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Ông Hùng Ba chia sẻ, Trung Quốc và Việt Nam sẽ cùng chung hợp tác để giải quyết những khó khăn vì Việt Nam cần xuất khẩu được nông sản còn Trung Quốc cũng đang cần rất nhiều sản phẩm của Việt Nam.
Trong thời gian qua, thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam - Trung Quốc giảm 6,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD (giảm 10,2%), nhập khẩu đạt 561,7 triệu USD (tăng 4,3%).
NGỌC KHÁNH
Gặp 2 nông dân 'hốt bạc' từ cây cam sạch giữa dịch Covid-19 Trong lúc ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều nông sản rớt giá thê thảm, thì ở Hậu Giang, 2 nông dân nặng nợ với cây cam lại hốt bạc do nhu cầu tăng cường sức đề kháng từ cam gia tăng. Những ngày cuối tháng 5, đưa chúng tôi đi thăm khu vườn cam sành 2 ha của gia đình, anh Huỳnh Công...