Nông sản Hải Dương vào tới Sài Gòn, người dân nhận miễn phí
Bất chấp trời nắng chói chang, đông đảo người dân TP.HCM đã đến chung tay giải cứu 10 tấn rau củ của bà con vùng dịch tại tỉnh Hải Dương.
Xem clip: Người Sài Gòn đội nắng ‘giải cứu’ nông sản từ Hải Dương
Đội nắng giải cứu nông sản
Trưa 25/2, chuyến xe chở khoảng 10 tấn nông sản từ tỉnh Hải Dương có mặt tại khuôn viên Tam Tông Miếu (82 Cao Thắng, phường 4, quận 3, TPHCM). Ngay khi chuyến xe dừng bánh, các tình nguyện viên nhanh chóng vận chuyển các loại rau củ tươi xanh xuống khỏi xe, chuyển vào sân chùa, vỉa hè.
Giữa nắng trưa gay gắt, các đoàn viên thanh niên, thành viên hội phụ nữ phường tất bật chuyển, xếp rau củ… Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tấn Phi, Phó Bí thư Đoàn thanh niên phường 4 (Quận 3, TP.HCM) cho biết, đây là lần thứ 2 các mạnh thường quân tại TP.HCM tiến hành giải cứu nông sản giúp bà con bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Khoảng 11h30 trưa 25/2, 10 tấn nông sản từ tỉnh Hải Dương đã có mặt tại TP.HCM. (Ảnh: Thanh Tùng).
Trong khi đó, chị Trần Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 4, Quận 3 chia sẻ, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nông sản tại tỉnh Hải Dương bị ùn ứ rất nhiều. Do đó, các mạnh thường quân có ý định góp sức “giải cứu” số nông sản này.
“Ban đầu, mạnh thường quân nảy ra ý tưởng và bỏ kinh phí thực hiện gian hàng nông sản 0 đồng, giải cứu nông sản Hải Dương. Họ có đề nghị phối hợp với UBND phường 4. Ngay lập tức, các cơ quan đoàn thể của phường 4 tích cực tham gia phối hợp, hỗ trợ cho các mạnh thường quân địa điểm lẫn nhân lực”, chị Tâm nói.
Ngay sau đó, các tình nguyện viên tiến hành làm sạch, phân chia nông sản thành từng túi để phát miễn phí cho người dân. (Ảnh: Thanh Tùng).
Cũng theo chị Tâm, hiện tại, ngoài mạnh thường quân, gian hàng nông sản 0 đồng còn có sự chung tay của Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp phụ nữ phường 4… Ngay sau khi nghỉ trưa, ăn vội gói xôi, gói kẹo, các tình nguyện viên bắt tay vào việc dựng “gian hàng nông sản 0 đồng”.
Các tình nguyện viên phân chia các loại nông sản thành từng phần, gói cẩn thận trong các túi để phát miễn phí cho người dân. Để đảm bảo an toàn trong việc phòng dịch, anh Phi liên tục cầm loa thông báo, yêu cầu người dân đến nhận nông sản phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…
Bất chấp cái nắng chói chang, nhiều tình nguyện viên vẫn ngồi tại vỉa hè vệ sinh số nông sản vừa được “giải cứu”. (Ảnh: Thanh Tùng).
Người dân ghé gian hàng được nhận các phần nông sản là rau, củ sạch miễn phí. Tuy nhiên, nếu muốn, người dân cũng có thể góp tiền tùy theo lòng hảo tâm vào chiếc tủ nhỏ đặt trên bàn để giúp các mạnh thường quân có thêm kinh phí thực hiện các cuộc “giải cứu” khác.
Các tình nguyện viên cho biết, so với cuộc “giải cứu” đầu tiên vào ngày 23/2, nông sản lần này tươi ngon hơn. “Lần trước, rau bảo quản đông lạnh nên bị dập úng khá nhiều. Đợt này vận chuyển bằng xe tải, rau nhìn đẹp hơn hẳn”, một tình nguyện viên cho biết.
So với lần “giải cứu” vào hôm 23/2, nông sản lần này tươi, ngon hơn rất nhiều. (Ảnh: Thanh Tùng).
Chung tay đùm bọc
Anh Phi cho biết, các loại nông sản được mạnh thường quân giải cứu, tặng miễn phí cho người dân đều trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt.
“Trước khi vào TP.HCM, các loại nông sản này đã được các cơ quan chức năng liên quan cấp phép, qua các trạm kiểm dịch, phun khử khuẩn để đảm bảo an toàn”, anh Phi thông tin thêm.
Trước đó, chị Thái Nguyệt Nhi (mạnh thường quân tham gia Gian hàng nông sản 0 đồng) cùng những người khác phát tâm giải cứu nông sản cho bà con nông dân tại Hải Dương.
Chị Nhi đã liên hệ với các hội, nhóm đang hoạt động giải cứu nông sản tại tỉnh này để được hỗ trợ, giúp đỡ việc thu mua, vận chuyển nông sản vào TP.HCM.
Hoạt động giải cứu nông sản được nhiều mạnh thường quân, tình nguyện viên tham gia, ủng hộ. (Ảnh: Thanh Tùng).
Hoạt động giải cứu nông sản thu hút đông đảo người dân TP.HCM. Ngay từ khi gian hàng 0 đồng chưa mở cửa, rất nhiều người dân đã đến trước khuôn viên Tam Tông Miếu đợi nhận rau củ.
Dù được nhận nông sản miễn phí nhưng người dân đều chủ động gửi lại tiền vào hộp đựng tiền tùy tâm tại gian hàng. Thậm chí, có nhiều người còn gửi số tiền lớn gấp nhiều lần giá trị của số nông sản được nhận.
Rất nhiều người dân đến nhận rau, củ với hy vọng có thể góp sức vào việc giải cứu nông sản giúp bà con tại Hải Dương. (Ảnh: Thanh Tùng).
Chị Nguyễn Ngọc Hoa (40 tuổi, ngụ Quận 3) cho biết, khi đi ngang qua Tam Tông Miếu, chị nhận thấy gian hàng nông sản 0 đồng nên ghé vào tìm hiểu. “Khi được biết đây là hoạt động giải cứu nông sản cho bà con Hải Dương, tôi rất xúc động. Đây là hoạt động thật ý nghĩa, thể hiện rõ nét nhất truyền thống tương thân tương ái của người Việt ta”, chị Hoa nói.
Ngồi phân chia các loại nông sản cho người dân, một nữ tình nguyện viên tâm sự, đây là hoạt động thiện nguyện đầy thực tế, ý nghĩa. “Nhiều người đến lấy bắp cải rất dễ thương. Chúng tôi cho 2 bông nhưng họ chỉ lấy 1 bông. Họ nói ăn không hết. Vậy mà, họ bỏ tiền vào thùng ủng hộ rất nhiều”, chị này nói thêm.
Dù được phát miễn phí nhưng nhiều người dân vẫn gửi lại tiền vào hộp đựng tiền tùy tâm giúp mạnh thường quân có thêm kinh phí thực hiện các chuyến giải cứu tiếp theo. (Ảnh: Thanh Tùng).
Được biết, trong đợt giải cứu này, mạnh thường quân ưu tiên dành nông sản cho các cơ sở tôn giáo, điểm nuôi trẻ khuyết tật, mồ côi … “Chúng tôi đã giải cứu được 2 ngày số lượng là 20 tấn nông sản. Đây là ngày thứ hai. Đợt 1, chúng tôi chỉ vào được bắp cải, đợt thứ 2 này, chúng tôi có thêm su su, súp lơ…”, anh Phi cho biết.
Trong khi đó, các mạnh thường quân thông tin, sau khi hoàn tất đợt giải cứu nông sản lần thứ 2 tại TP.HCM, nhóm sẽ tiếp tục chuyển sang giải cứu rau củ từ tỉnh Đắk Lắk.
Hải Phòng quyết liệt, Hải Dương lao đao
Dù lãnh đạo tỉnh Hải Dương liên tục ban hành các văn bản gửi Chính phủ, các bộ NN&PTNT, Công thương, các địa phương, đặc biệt Hải Phòng, thậm chí gọi điện trực tiếp tháo gỡ từng chuyến xe nhưng vẫn chưa có tháo gỡ thực chất.
Các phương tiện đến từ vùng dịch không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và không có lý do chính đáng đều phải quay đầu xe tại chốt kiểm soát cuối tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn ra cảng Đình Vũ - Ảnh: TIẾN THẮNG
"Để đảm bảo yêu cầu phòng dịch có nhiều cách, chúng ta đã có kinh nghiệm với hàng xuất nhập khẩu nhưng nay lại vướng với hàng tiêu thụ, vận chuyển trong nước. Chúng tôi đã trao đổi với Bộ NN&PTNT nhưng không có thông tin gì.
Một lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói
Ngày 22-2, chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục có văn bản trong ngày thứ hai liên tiếp gửi Hải Phòng "một lần nữa đề nghị UBND TP Hải Phòng sớm tạo điều kiện để nông sản của Hải Dương lưu thông vào Hải Phòng để kịp thời xuất khẩu"...
Như vậy, tính từ đầu tháng 2-2021 đến nay, UBND tỉnh Hải Dương đã có 4 công văn gửi tới TP Hải Phòng. Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn rất kiên quyết.
Nghẽn trước cửa ngõ Hải Phòng
Ghi nhận của Tuổi Trẻ trong ngày 22-2, tại chốt kiểm soát liên ngành ở cuối tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khu vực cửa ngõ ra vào cảng Hải Phòng, người và phương tiện tại các địa điểm không phải vùng dịch đều phải vào khu vực khai báo y tế. Riêng phương tiện và tài xế từ vùng dịch được "quan tâm" đặc biệt, hỏi kỹ thông tin.
Với các xe chở hàng đến từ Hải Dương nếu không bảo đảm các điều kiện như có hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng...), lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất sẽ phải quay đầu xe.
Thời điểm phóng viên Tuổi Trẻ có mặt trưa 22-2, cán bộ làm nhiệm vụ ghi chép thông tin tại đây cho biết từ sáng đến trưa cùng ngày đã có khoảng 50 lượt phương tiện thuộc các vùng dịch không đáp ứng yêu cầu bị buộc quay đầu.
Nhiều doanh nghiệp phải đưa hàng ra cảng Hải Phòng xuất khẩu cho rằng yêu cầu kiểm soát gắt gao mà Hải Phòng đưa ra khiến việc vận chuyển hàng hóa bị ách tắc. Trong đó, yêu cầu lái xe qua Hải Phòng phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR chỉ do CDC Hải Dương thực hiện... gây quá tải.
Hải Phòng lại đưa thêm quy định được đánh giá là "chặt" nữa là giấy xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong 3 ngày, dẫn tới nhiều lái xe vừa xin xong được giấy xét nghiệm thì... hết thời gian vận chuyển, đi về lại phải cách ly.
Công ty TNHH may mặc Makalot Việt Nam (trụ sở tại Thanh Hà, Hải Dương) cho hay đang bị ảnh hưởng rất nặng nề tới sản xuất.
Ông Tsai Hung Lin, tổng giám đốc công ty, cho rằng yêu cầu lái xe cần có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày để đi qua chốt kiểm dịch là không thể thực hiện được, bởi CDC Hải Dương đã quá tải và tạm dừng nhận xét nghiệm nhỏ lẻ, dù doanh nghiệp đã liên hệ với cơ sở có thẩm quyền nhưng đều không được.
Một lãnh đạo doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP Hải Phòng trần tình việc Hải Phòng yêu cầu lái xe chở hàng từ Hải Phòng vào Hải Dương phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc UBND xã, phường, thị trấn; doanh nghiệp phải bố trí nơi ăn ở tập trung cho tài xế, chưa kể phải làm xét nghiệm... khiến không còn mấy lợi nhuận.
"Nhiều doanh nghiệp lẫn tài xế tại Hải Phòng không nhận chở hàng từ Hải Dương nữa" - vị này nói.
Do quy định khắt khe của Hải Phòng nên nhiều xe chở hàng xuất khẩu của Hải Dương phải quay đầu trở về - Ảnh: T.THẮNG
Kêu rồi, vẫn chưa có lối ra
Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Phạm Thanh Hải - giám đốc Sở Công thương Hải Dương - cũng cho rằng việc Hải Phòng đưa ra những yêu cầu trên khiến hàng hóa vận chuyển khó khăn. Với lĩnh vực nông nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất, với công nghiệp có thể gây đình trệ sản xuất, tác động dây chuyền đến nhiều địa phương.
Tuy nhiên, điều khiến ông Hải sốt ruột hơn cả là dù lãnh đạo tỉnh liên tục ban hành các văn bản gửi Chính phủ, các bộ NN&PTNT, Công thương, các địa phương, đặc biệt Hải Phòng, thậm chí gọi điện trực tiếp tháo gỡ từng chuyến xe nhưng vẫn chưa có tháo gỡ thực chất.
Theo ông Hải, yêu cầu "lái xe phải có giấy xét nghiệm của CDC Hải Dương chỉ có hiệu lực trong 3 ngày" khiến việc tháo gỡ lưu thông hàng hóa vẫn... không có lối ra.
Một lãnh đạo của tỉnh Hải Dương cũng cho rằng dịch bệnh ở Hải Dương đã diễn ra cả tháng, nhưng đến nay sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương vẫn chưa rõ nét. Việc không "ngăn sông cấm chợ" là yêu cầu của Thủ tướng, nhưng các bộ ngành liên quan vẫn chưa ban hành một quy trình vận chuyển hàng hóa thống nhất nên mỗi nơi áp dụng tùy tiện.
Một số địa phương cũng "té nước theo mưa" giống Hải Phòng, đưa yêu cầu kiểm tra xe vận chuyển chặt hơn. Vị lãnh đạo Hải Dương cho biết thêm đã phối hợp với các đơn vị cấp vụ của Bộ Công thương để kết nối, tiêu thụ nông sản cho bà con, nhưng quy mô chưa được nhiều.
"Chúng tôi mong muốn lãnh đạo bộ phải xử lý khẩn cấp hơn vì nông sản không để lâu được. Trong lúc người dân đang e ngại về hàng hóa nông sản ở vùng dịch, lẽ ra cơ quan quản lý ngành nông nghiệp phải có quy trình phòng dịch với hàng nông sản để người tiêu dùng yên tâm nhưng chưa có.
Rồi ngành y tế khi thấy tắc trong vận chuyển hàng hóa cũng cần ban hành quy định kịp thời" - vị này lo lắng nói.
Mua nông sản ủng hộ bà con vùng dịch tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Gỡ chưa như mong muốn
Trao đổi với Tuổi Trẻ , Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay đã nắm được vấn đề của Hải Dương. Đến nay, Hải Phòng đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho phương tiện, lái xe nhưng chưa được như thực tiễn yêu cầu.
Theo ông Dũng, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là phải đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, không để "ngăn sông cấm chợ", cản trở việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, sản xuất kinh doanh.
Do đó, tới đây Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng sớm tìm cách tháo gỡ và triển khai thống nhất ở các địa phương.
Bắc Ninh "tạo điều kiện tối đa"
Chiều 22-2, ông Vương Quốc Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết tỉnh vừa có văn bản gửi các sở, ban ngành và các huyện, thành thị về việc tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Theo ông Tuấn, ngày 16-2 tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản, trong đó có nội dung cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa của các tỉnh, TP được phép vào Bắc Ninh khi có đầy đủ giấy tờ tùy thân, hàng hóa, khai báo y tế.
Tuy nhiên, thời gian qua các chốt liên ngành kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh thực hiện chưa đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, chỉ cho phép mỗi xe có một lái xe được phép vào Bắc Ninh.
Ông Tuấn cho biết tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chỉ tạm dừng lưu thông với các xe chở hành khách, xe tư nhân từ vùng có dịch (như Hải Dương) vào địa phận tỉnh Bắc Ninh trong thời gian cách ly xã hội, chứ không dừng các xe chở hàng hóa, nông sản.
Lý giải thêm về thực hiện chưa đúng tinh thần, ông Tuấn cho biết thực tế các chốt kiểm soát dịch COVID-19 của Bắc Ninh chưa gây khó dễ gì đối với các xe chở hàng hóa, nhưng qua quá trình triển khai, các đơn vị đề nghị tỉnh có hướng dẫn cụ thể.
"Chúng tôi nêu như vậy để các đơn vị thực hiện có trách nhiệm hơn, đồng cảm hơn với Hải Dương. Nếu chúng tôi "ngăn sông cấm chợ", chắc chắn Hải Dương sẽ có phản ánh ngay. Tất cả xe nông sản, hàng hóa của Hải Dương đi vào Bắc Ninh chúng tôi tạo điều kiện tối đa" - ông Tuấn nói.
CHÍ TUỆ
Ông nguyễn Dương Thái (chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương):
Thiệt hại lớn, mất uy tín
Trong văn bản gửi UBND TP Hải Phòng, chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề xuất: phương án phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương (lái xe có giấy xác nhận kết quả âm tính bằng phương pháp PCR của CDC tỉnh Hải Dương) sẽ đến tập kết tại khu vực chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng, sau đó để lại xe và lái xe từ phía Hải Phòng sẽ đến lái phương tiện vào địa bàn Hải Phòng.
Với hàng hóa vận chuyển bằng xe đầu kéo, có thể thực hiện bằng việc đổi đầu kéo và lái xe của Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe của Hải Phòng.
Việc giao hàng không đúng tiến độ không những gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm mất uy tín hàng nông sản Việt.
Hiện nay rau màu vụ đông của Hải Dương đang vào mùa thu hoạch rộ với sản lượng còn lại khoảng 90.000 tấn hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá; 1.000 tấn lợn sữa và rau chế biến bảo quản trong kho...
Theo kế hoạch, 80% lượng nông sản sẽ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2-2021.
Ông Nguyễn Đức Thọ (phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng):
Phương án Hải Dương đưa ra chưa hợp lý
Hải Phòng đã nhận được các công văn của Hải Dương nhưng phương án mà tỉnh Hải Dương đưa ra là chưa hợp lý trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan ngày càng phức tạp.
Cụ thể, phương án tỉnh Hải Dương đưa ra cũng khó khả thi do khu vực chốt kiểm soát có diện tích hạn chế, không đảm bảo cho việc tập kết xe, đổi tài xế cũng như công tác giám sát, quản lý của lực lượng làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp của Hải Phòng cũng không chấp nhận giao, đổi đầu xe.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Hải Dương cần phải có thông tin số lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu, địa điểm tập kết hàng hóa trong tỉnh và lịch trình xuất hàng, lịch trình phương tiện di chuyển điểm đi, điểm đến một cách cụ thể để hai bên cùng phối hợp kiểm soát, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
T.THẮNG - N.AN
Doanh nghiệp kêu trời, lo mất thị trường
Sốt ruột khi có tới hàng nghìn tấn rau củ còn tồn lại, ông Tăng Xuân Trường - giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Hưng Việt (Hải Dương) - cho hay đang như "ngồi trên đống lửa" do không thể đưa hàng ra được cảng vì sự kiểm soát chặt chẽ của Hải Phòng.
"Khách hàng lo lắng tình trạng này không biết đến bao giờ. Malaysia nhập nhiều cải bắp của Hải Dương, trước mỗi ngày vài chục container, nay chỉ còn vài container. Họ chuyển sang mua của Indonesia và Trung Quốc" - ông Trường cho hay.
Hải Phòng: lương thực thực phẩm có nguy cơ lây dịch
Sơ chế cà rốt để chuyển kho bảo quản tại Hải Dương - Ảnh: NGUYỄN NINH
Ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng - khẳng định việc dừng tiếp nhận công dân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng là những biện pháp để đảm bảo an toàn cho nhân dân, không có chuyện Hải Phòng "ngăn sông cấm chợ".
Theo lãnh đạo TP Hải Phòng, trong sân bay Tân Sơn Nhất, một số nhân viên bốc dỡ hàng hóa cho kết quả xét nghiệm dương tính, nguồn lây nhiễm đang nghi là do hàng hóa. Ngay cả các loại hàng đông lạnh, Bộ Y tế cũng đã cảnh báo nhiều lần có thể là nguồn lây nhiễm. Do vậy, việc áp dụng các biện pháp mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng là cần thiết.
UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh Hải Dương đang giãn cách xã hội toàn tỉnh, tức đang phong tỏa. Các mặt hàng lương thực thực phẩm, người ra vào khu vực phong tỏa đều có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, trong thời gian giãn cách xã hội, Hải Phòng thực hiện những biện pháp trên nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân.
TIẾN THẮNG
Ông Trần Đắc Phu (cố vấn Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế):
Chưa ghi nhận lây COVID-19 từ thực phẩm
Đến nay vẫn chưa có trường hợp nào lây COVID-19 từ thực phẩm được ghi nhận. Rất nên cho hàng hóa thông thương và giao thông trở lại bình thường, chỉ áp dụng 5K (khẩu trang, khai báo y tế...) với người, nhất là trong vùng dịch.
Để đảm bảo an toàn, có thể áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: đeo găng tay và khẩu trang khi thu hái và bốc xếp hàng hóa, thực hiện xét nghiệm COVID-19 với lái xe...
Đến nay chống dịch đã tốt hơn, giới y khoa đã hiểu biết hơn về căn bệnh này, có thể tiếp tục "làm chặt" ở các ổ dịch, mở cửa những nơi đã trở về bình thường để đời sống tiếp tục được vận hành, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
LAN ANH
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng những gì?
Báo cáo của Bộ Công thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký gửi Thủ tướng ngày 21-2 khẳng định bộ này đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương và hệ thống phân phối thực hiện việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Đồng thời, bộ cũng đã làm việc với hệ thống phân phối lớn để hỗ trợ tiêu thụ.
Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và mặt hàng nông sản tại các thị trường.
Tuy nhiên, bộ này kiến nghị Thủ tướng cần chỉ đạo để Bộ Y tế sớm có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa các địa phương có dịch, đảm bảo việc xét nghiệm để đáp ứng tối đa nhu cầu đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn, hướng dẫn thống nhất và quy định rõ an toàn phòng dịch cho người và phương tiện, hàng hóa lưu thông giữa các địa bàn có/không có dịch.
Bộ Công thương cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT cần hướng dẫn quy trình sản xuất nông, lâm, thủy sản đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông thị trường, cung cấp thông tin về hàng hóa nông sản an toàn để tiêu thụ, các địa phương tránh tình trạng "ngăn sông cấm chợ"...
Có một Hà Nội nghĩa tình, Hà Nội kết nối trong đại dịch Ở Hà Nội, từ người đứng đầu thành phố đến nhân dân Thủ đô có cách nhìn, cách nghĩ rất nhân văn, khoa học, "giúp bạn là tự giúp mình" trong đại dịch. Trong những ngày qua, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hải Dương, một số địa phương và người dân vì quá lo lắng bảo đảm an...