Nông nghiệp Việt Nam: Thích ứng linh hoạt trước thách thức
Năm 2021, thiên tai, dịch bệnh “vây bủa”, đặc biệt dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản và khiến giá vật tư nông nghiệp tăng cao.
Tuy nhiên, nhờ thích ứng linh hoạt trước những thách thức mới, ngành Nông nghiệp đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực như: Ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp cận các hình thức thương mại cũng như các thị trường trong nước, quốc tế…
Năm 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ ban hành các chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong ảnh: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng).
Khẳng định vai trò “bệ đỡ”
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương nhận định: Vai trò của nông nghiệp đã được thể hiện rõ nét trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế; khẳng định vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế, vừa bảo đảm được an sinh, an dân, lại vừa đạt mức tăng trưởng cả năm 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2021, ngành Nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, tăng tỷ lệ sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế và giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm… Thực hiện “mục tiêu kép” vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đã góp phần tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế cả nước; kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2021 đạt mức cao kỷ lục – hơn 48,6 tỷ USD, tăng 15% so năm 2020.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, trong năm 2021, các địa phương đã tăng cường sử dụng giống chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”; đồng thời đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương. Sản lượng lúa đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020; sản lượng rau, đậu là 18,6 triệu tấn, tăng 325,5 nghìn tấn…
Video đang HOT
Còn Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh thông tin: Năm 2021, chăn nuôi phát triển ổn định, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi, đàn lợn ước đạt 28 triệu con, tăng 7,1% so với năm trước; đàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%…; sản lượng thịt hơi các loại khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%…, nhờ đó, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng, góp phần ổn định giá cả thị trường…
Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Năm 2021 sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hà Nội tăng 3,46% so với năm trước. Sản lượng lương thực đạt 1,05 triệu tấn, tăng 0,9%. Chăn nuôi tăng trưởng mạnh, sản lượng thịt hơi các loại là 405.417 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã triển khai nhiều mô hình trình diễn sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao.
Thu hoạch trứng gà tại một trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã Tiên Dương (huyện Đông Anh).
Thích ứng an toàn, linh hoạt
Năm 2022, ngành Nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh tác động của dịch bệnh cần thời gian dài để xử lý và tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất cũng như cơ cấu lại các kênh phân phối, kết nối cung – cầu… Mặt khác, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai diễn biến khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn tiềm ẩn nhiều nguy cơ…, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải có giải pháp ứng phó kịp thời và chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế thiệt hại.
Dù có nhiều khó khăn, nhưng năm 2022, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu: Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 49 tỷ USD; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9-3%… Để đạt được mục tiêu nêu trên, ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) Đinh Cao Khuê đề nghị, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến sâu các loại nông sản và đa dạng hóa sản phẩm chế biến trên thị trường. Cùng với đó, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; kéo dài thời gian vay vốn từ 8 đến 10 năm để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào trồng và chế biến nông sản.
Để đạt được mục tiêu chung của cả nước, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,5-3%. Theo đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh tập trung, các sản phẩm đặc sản; hình thành các hợp tác xã là chủ thể để tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Sở NN&PTNT tiếp tục đề xuất với thành phố ban hành các chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sơ chế, chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu, bảo quản sản phẩm…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, năm 2022, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực, các ngành, lĩnh vực; đồng thời cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng… Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát, sửa đổi 87 văn bản trong lĩnh vực nông nghiệp; qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở để người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp duy trì sản xuất, giúp nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Hà Nội xây dựng 'vùng xanh' cung ứng nông sản
Hiện nay, do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang nỗ lực tổ chức sản xuất tại các "vùng xanh" đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng ra thị trường, nhất là từ nay cho đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm tăng cao.
Người dân xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội chăm sóc rau màu theo phương châm "sản xuất an toàn". Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã hướng dẫn người dân xây dựng "vùng xanh", bảo đảm hoạt động sản xuất.
Cụ thể, mỗi gia đình hằng ngày chỉ để một người ra đồng làm việc; công nhân ở lại các trang trại chăn nuôi vừa làm việc, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Do đó, tăng trưởng của nông nghiệp Hà Nội trong 7 tháng qua đạt hơn 3%.
Cũng theo ông Tạ Văn Tường, trong vụ Đông sắp tới, Hà Nội sẽ gieo trồng 12.932 ha; đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ Đông sớm với khoảng từ 500-600ha. Về chăn nuôi, Hà Nội duy trì đàn bò 164.000 con, đàn gia cầm 40 triệu con; tiếp tục phát triển đàn lợn lên 1,8 triệu con; đồng thời, tăng diện tích sản xuất thủy sản để đạt sản lượng 120.000 tấn/năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng sẽ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội nắm bắt tình hình sản xuất, xây dựng phương án về cung - cầu nông sản, tổ chức các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời..., bảo đảm cung ứng kịp thời cho thị trường.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp xây dựng "vùng xanh" cho nông sản, duy trì tốt hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, tại các huyện Vùng 2 như: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm... đã chủ động triển khai phương án hoạt động nhằm mục tiêu không để đứt gãy sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho hay, việc phân chia khu vực giúp các xã, thị trấn chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn. Theo đó, địa phương còn ổ dịch và có khu công nghiệp, huyện áp dụng biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 của UBND thành phố. Các xã "vùng xanh" không có ca mắc COVID-19 phát sinh, thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng các biện pháp cao hơn.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, tùy theo tình hình dịch bệnh, UBND huyện sẽ áp dụng linh hoạt biện pháp hành chính theo Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc cao hơn Chỉ thị số 15/CT-TTg (15 ) của Thủ tướng Chính phủ.
Huyện đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện phương án bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, UBND huyện Đông Anh xem xét các đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh được phép hoặc không được phép hoạt động trong các vùng, phân khu, địa bàn từng xã, thị trấn.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, huyện đã chỉ đạo các đoàn thể trên địa bàn chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, huyện cũng tập trung hướng dẫn người dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường để bảo đảm nguồn cung nông sản cho người tiêu dùng, đặc biệt là vào dịp cuối năm.
Trong thời điểm thực hiện phòng chống dịch COVID-19, các chuỗi sản xuất khép kín của Hà Nội cũng phát huy tác dụng, giúp người nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, thành phố đã xây dựng được tổng số 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế từ 15 - 20%, các chuỗi liên kết còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.
Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc nông sản có xuất xứ, nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm.
Về phía các doanh nghiệp cung ứng, sản xuất chế biến thực phẩm cũng cho biết, các đơn vị vẫn đảm bảo tối đa năng lực sản xuất và đang đề xuất các cơ quan chức năng tạo điều kiện hơn nữa cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa ra thị trường.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát nhu cầu thị trường, giá vật tư nông nghiệp để kịp thời triển khai các giải pháp không để tăng giá đột biến.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội còn hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã... điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch COVID-19. Đồng thời chủ động cung ứng nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân.
Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội rất chu trọng đến xây dựng "vùng xanh" cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các loại nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch và thời gian bảo quản ngắn.
Giải cứu doanh nghiệp thủy sản 'mắc cạn' vì COVID-19 Các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục đề xuất các tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo vận chuyển thông suốt để duy trì sản xuất và xuất khẩu. Khó khăn chồng chất Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch...