Nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu
Khoa học công nghệ (KHCN) hiện đã tham gia vào hầu hết các công đoạn sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện đang chiếm gần 35% tỷ trọng tổng sản phẩm nông nghiệp.
Thay đổi phương thức canh tác
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học đang dần trở nên phổ biến ở các địa phương. Tại Lào Cai, địa phương này đang đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa giá trị bình quân sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 150 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: “Lào Cai xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một nhiệm vụ quan trọng trong đề án tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. Chúng tôi dành nguồn vốn gần 192 tỷ đồng để thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: Quang Hiếu/VGP
Theo đó, tỉnh Lào Cai sẽ có 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch ở các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương, Sa Pa, Văn Bàn và TP.Lào Cai.
Còn ở tỉnh Bình Phước, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài cũng đang đem lại những kết quả khả quan. Tổng diện tích của trung tâm khoảng 50ha đã được đầu tư khoảng 100 tỷ đồng theo mô hình đa chức năng, tập trung cho trồng trọt. Các hợp tác xã nông nghiệp tại đây đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà kính và thay đổi kỹ thuật canh tác. Ví dụ như thay vì gieo hạt trên mặt đất theo cách thông thường, nông dân ươm hạt trong hỗn hợp xơ dừa và chất dinh dưỡng. Hệ thống tưới dung dịch thủy canh hồi lưu được dẫn thẳng bên dưới luống cây trồng. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho biết để xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đã hợp tác với nhiều chuyên gia trong và ngoài tỉnh.
Video đang HOT
Trong chuyến thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao mô hình sử dụng các thiết bị, công cụ sản xuất trong nước để hạ giá thành sản phẩm, trong khi đạt năng suất cao. Thủ tướng mong muốn Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Bình Phước cùng các nhà khoa học, hợp tác xã, doanh nghiệp liên quan nhân rộng mô hình này, không chỉ ở Bình Phước mà cả các vùng trên cả nước có điều kiện phù hợp.
Tăng giá trị sản phẩm
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, các tiến bộ KHCN đã đóng góp khoảng 30 – 40% vào tăng trưởng nông nghiệp, tùy theo lĩnh vực cụ thể. Tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1 – 2% so với năm 2015.
Có thể thấy, kết quả KHCN đã được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại. Cụ thể, từ chỗ nhập khẩu 70% giống cây trồng, vật nuôi, hiện nay nước ta chỉ còn nhập dưới 30%.
Ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ KHCN cho biết: “Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu chọn, tạo được trên 100 giống cây trồng mới. Các kết quả KHCN được ứng dụng trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD”.
Trong trồng trọt, nhiều tiến bộ KHCN đã được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất rau, hoa như: Nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô; trồng trong nhà lưới, nhà kính; sản xuất rau, hoa, quả theo quy trình GAP, công nghệ cao. Việc chọn tạo giống đột biến bằng ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã có bước tiến đáng kể bằng việc tạo ra, đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng. Còn đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, KHCN đã đóng góp tăng trưởng cho ngành thủy sản trên 35%. Nổi bật nhất là công nghệ chọn tạo, sản xuất giống cá tra, góp phần đưa sản lượng cá tra đạt trên 1 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD/năm.
Bộ KHCN cho biết đây là đàn cá tra chọn giống duy nhất tại Việt Nam và trên thế giới, cá có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 20%, rút ngắn thời gian nuôi 20%.
Theo Dantri
TP HCM kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Ban Quản lý sẽ phối hợp với các sở ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút nhanh hơn các bước trong quá trình đầu tư.
Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm lần thứ 5 (Hi-tech Agro 2016), sáng nay (11/11), tại TP HCM diễn ra "Hội nghị Xúc tiến đầu tư các Khu Nông nghiệp công nghệ cao mở rộng năm 2016" với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà sản xuất nông nghiệp.
Sau hơn 5 năm hoạt động, Khu Nông nghiệp công nghệ cao của TP HCM góp phần hình thành một số vùng sản xuất hoa lan tại các xã Tân Thông Hội, Tân An Hội (huyện Củ Chi); vùng sản xuất rau an toàn tại các xã thuộc huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh, Hóc Môn với gần 330 mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap trên tổng diện tích canh tác gần 150 ha...
Mô hình trình diễn trồng cà chua công nghệ cao.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Khu Nông nghiệp công nghệ cao đề ra mục tiêu hỗ trợ 5 doanh nghiệp ươm tạo được chứng nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ, từ 1-2 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đào tạo và cung ứng ít nhất 2.500 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, mở rộng liên kết, hợp tác với các địa phương và các nước có nền nông nghiệp phát triển...
Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM cho biết, Ban Quản lý đang trình UBND thành phố có thể ủy quyền phân cấp hoặc giao nhiệm vụ để có thể cấp phép đầu tư, phối hợp với các sở ngành theo hướng một cửa để doanh nghiệp rút nhanh hơn các bước trong quá trình đầu tư.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp mong muốn được Ban Quản lý, các cơ quan chức năng hỗ trợ các thủ tục hành chính từ xin cấp phép đầu tư, đến các thủ tục khác trong hoạt động như phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, thủ tục hỗ trợ vay vốn...
Ông Lê Duy Thắng, Giám đốc Công ty Nấm Trang Sinh hy vọng, trong thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư cho Ban quản lý bài bản hơn, có chính sách rõ ràng hơn.
"Ban Quản lý cần trực tiếp đến với doanh nghiệp giống như khu công nghệ cao. Nông nghiệp công nghệ cao còn quá mới, nên các chủ trương chưa thực hiện, dẫn đến nhà đầu tư rất mệt mỏi trong thực hiện các thủ tục hành chính", ông Thắng đề xuất./.
Hà Khánh/VOV.VN
Theo_VOV
Ở chung cư vẫn tha hồ ủ phân trồng rau trong nhà Không phải ở ban công mà là ngay bên trong căn hộ chung cư chỉ vài chục m2, bạn vẫn có thể trồng rau, ủ phân bình thường nhờ thiết kế thông minh cho một mô hình nông trại thu nhỏ. Nắm bắt xu hướng tận dụng không gian trồng trọt của người dân thành thị, hai nhà thiết kế người Đức Charlotte...