NÓNG: Họp khẩn về XK nông sản sang Trung Quốc thời virus corona
Chiều nay 3/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ chủ trì họp bàn khẩn về tình hình thương mại nông sản Việt – Trung với đại diện các Bộ, ngành trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các đơn vị thuộc Bộ; Văn phòng Chính phủ (Vụ Kinh tế Tổng hợp, Vụ Nông nghiệp); Đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc (Vụ Đông Bắc Á, Vụ Tổng hợp kinh tế); Lãnh đạo Bộ Công thương và các đơn vị trực thuộc (Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Vụ Thị trường trong nước); Lãnh đạo Bộ Y tế.
Về phía địa phương, sẽ có đại diện lãnh đạo UBND 6 tỉnh biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu tham dự cùng lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng, tập đoàn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản.
Thanh long đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh do virus Corona (nCoV) gây ra. Ảnh: Đình Huệ
Theo thông tin cập nhật đến sáng ngày 3/2, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 362 người chết, trong đó đã có người đầu tiên chết ngoài Trung Quốc (tại Philipinese), hơn 17.000 người nhiễm. Tại Việt Nam đã có 8 người mắc, trong đó có 5 người Việt Nam.
Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, hàng trăm contener chở các mặt hàng nông sản của Việt Nam như: thanh long, dưa hấu… đang chịu cảnh ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu. Tại các vùng trồng, giá mua các loại nông sản đang sụt giảm thê thảm mà vẫn vắng khách đến thu mua.
Trước đó, chiều 31/1, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và PTTTNS (Bộ NN-PTNT) cho biết, trước lo ngại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới gây ra, doanh nghiệp cung cấp nông sản Hồng Thái Dương (Trung Quốc) hủy 300 container thanh long ruột đỏ, tương đương 6.000 tấn.
“Phía công ty đã có thiện chí hỗ trợ 50 triệu/container, nhưng so với giá trị chưa tương xứng”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: “Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo vào cuộc chủ động, không chủ quan vì dịch bệnh là bất khả kháng. Bộ trưởng mong muốn bà con bình tĩnh, phối hợp với các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp, tránh tư thương ép giá, lợi dụng tình hình”.
Theo ông Toản, mặc dù cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa trở lại ngày 3/2, nhưng Trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) – địa bàn trung chuyển- lại thông báo nghỉ giao dịch đến hết 8/2. Cùng với đó, các chợ dọc biên giới các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng hạn chế giao dịch đến 8/2.
“Các cửa khẩu quốc tế sẽ quay trở lại làm việc từ 3/2. Hàng hóa vẫn chạy sang, nhưng chợ đầu mối vẫn chưa mở, người chưa đến; đến rằm tháng Giêng (8/2) mới mở thì sẽ gặp chênh lệch thời gian. Dự báo, tình hình cung cục bộ của thanh long sẽ gặp khó khăn” – Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Video đang HOT
Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất trên thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Theo Tổ chức Thương mại thế giới, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD/năm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (rau quả 9-10 tỷ; thủy sản 8-10 tỷ; thịt và sữa 9-10 tỷ; gạo 2-2,5 tỷ…).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.
Trong giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng bình quân khoảng 12,5%. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị chững lại và giảm sâu sau nhiều năm tăng trưởng khá (năm 2018 giảm 5,5%, 11 tháng năm 2019 tiếp tục giảm 5,85% so với cùng kỳ, chỉ đạt 6,31 tỷ USD).
Nguyên nhân do phía Trung Quốc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định mà Trung Quốc đã ban hành từ lâu về kiểm nghiệm – kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác…, đồng thời tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới. Trong khi đó, nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, bao bì nhãn mác.
Trong các cuộc họp bàn để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc, các nhà quản lý luôn khuyến cáo các doanh nghiệp, các nhà sản xuất cần sớm thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường Trung Quốc theo hướng tôn trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng và kiên quyết chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu theo hình thức “trao đổi cư dân” sang xuất khẩu chính ngạch theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức.
9 loại quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc
Tính đến nay, chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt.
Yêu cầu chung về quả tươi nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc là: Hàng hóa phải từ các vườn trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; Không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; Phải ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu.
Chính vì thế, trong năm 2019, Bộ NN&PTNT đã dành sự quan tâm đặc biệt để khai mở thị trường đầy tiềm năng này với việc xuất khẩu lô sữa tươi đầu tiên sang Trung Quốc, rồi tiếp tục đàm phán mở cửa nhiều mặt hàng khác như sầu riêng, khoai lang tím, thạch đen (sương sáo)… để tăng cường giao thương chính ngạch giữa hai nước.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Cục BVTV cho thấy, đối với thị trường Trung Quốc, đến nay Bộ NN&PTNT đã cấp 1.567 mã số vùng trồng mới đối với 8 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít) và hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói mới.
Riêng măng cụt, đã cấp 1 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói măng cụt xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục BVTV hiện vẫn đang tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của các địa phương/doanh nghiệp.
Theo Danviet
'Nghỉ học vì dịch virus corona, con vui, cha mẹ đau đầu'
Để tránh tình trạng dịch virus corona diễn biến phức tạp khi học sinh đi học lại sau Tết, nhiều trường học quyết định cho học sinh nghỉ thêm một tuần đợi tình hình ổn định.
Tối 2/2, được sự đồng ý của Thủ tướng, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học một tuần, từ ngày 3/2, đến hết ngày 9/2 để đối phó tình hình phức tạp của dịch virus corona gây bệnh viêm phổi cấp.
Theo lịch dự kiến trước đó, học sinh TP.HCM đến trường ngày 3/2. Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp và đáp ứng nguyện vọng của nhiều phụ huynh, sở đã xin ý kiến UBND TP.HCM và quyết định cho học sinh nghỉ thêm một tuần.
Nhiều tỉnh, thành phố và các trường đại học, học viện cũng cho học sinh, sinh viên kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ còn số ít trường vẫn cho học sinh đi học bình thường từ 3/2.
Trong thời gian nghỉ, các trường sẽ làm công tác vệ sinh phòng học, chuẩn bị phương án đối phó dịch.
Trên mạng xã hội, thông tin nhiều trường cho học sinh nghỉ thêm một tuần thu hút nhiều ý kiến bàn luận của dân mạng.
Nhiều trường học cho học sinh nghỉ thêm một tuần phòng tránh dịch corona. Ảnh: Quỳnh Trang.
Tại nhiều diễn đàn, về phía học sinh, phần lớn đón nhận thông tin được nghỉ học khá tích cực vì còn tâm lý "ăn chơi" dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, một số học sinh cuối cấp tỏ ra lo lắng khi sợ ảnh hưởng tới chương trình học và kế hoạch ôn tập sắp tới. Bên cạnh đó, một số sinh viên có lịch thi trong tuần tới cũng băn khoăn về thời gian thi lại.
"Khoa mình có lịch thi hết môn trong tuần tới, nhưng giờ nghỉ thế này có lẽ phải đợi lịch xếp lại của nhà trường. Một số kế hoạch cá nhân của mình cũng bị ảnh hưởng vì lỡ lên lịch sau khi thi mất rồi", Quỳnh Trang, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền nói với Zing.vn.
Tuy nhiên, vì Trang cũng đang bị dị ứng, cô cho hay có thể nhân cơ hội này nghỉ ở nhà chữa bệnh mà không mất vào ngày phép đi học.
"Mình mong là tình hình dịch được kiểm soát nhanh chóng vì sau Tết là bọn mình bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp rồi. Được nghỉ nghe ban đầu có vẻ thích nhưng kéo theo đó là lịch học cũng bị ảnh hưởng nhiều", Hoàng Nhi, học sinh lớp 12 nói.
Việt Nam phát hiện 7 ca dương tính với virus corona. Ảnh: TK.
Về phía các phụ huynh, nhất là gia đình có con nhỏ, việc trẻ được nghỉ học tránh dịch phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
"Nhà mình có 2 cháu, một lớp 5, một mẫu giáo, giờ trường cả hai đứa đều cho nghỉ tránh dịch, hai vợ chồng phải gửi nhờ ông bà trông giúp để đi làm. Nghỉ học thì các con vui, cha mẹ lại đau đầu phết", chị Hoàng Thoa (Hà Nội) chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng yên tâm hơn khi con được nghỉ học ở nhà, tránh tới nơi đông người trong tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Bên cạnh việc các trường cho học sinh nghỉ học, nhiều địa phương trên cả nước cũng cho dừng hẳn các lễ hội dịp năm mới để phòng dịch lây lan.
Bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào đầu năm 2020, dịch viêm phổi cấp do virus corona hiện lây lan nhanh chóng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện, nước ta ghi nhận có 7 ca mắc virus này.
Trong đó, 2 trường hợp người Trung Quốc (phát hiện ngày 23/1), 3 công nhân Việt trở về từ Vũ Hán, một nữ lễ tân ở Nha Trang và một nam Việt kiều Mỹ quá cảnh tại sân bay Vũ Hán 2 tiếng trước khi bay về Việt Nam.
Theo Zing
Số người chết vì virus corona tăng lên 304 Số nạn nhân thiệt mạng vì bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới tăng lên tới 304 người, tính đến hết ngày 1/2. Giới chức tỉnh Hồ Bắc hôm 1/2 báo cáo về 45 trường hợp tử vong mới và 1921 ca nhiễm mới. Các con số này nâng tổng số người chết vì dịch viêm phổi cấp lên 304 người,...