Nông dân Việt Nam xuất sắc: Anh chăn vịt trở thành tỷ phú trứng
Đến tổ 3, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hỏi về anh Nguyễn Văn Đường người nông dân giàu lên từ nghề ấp trứng gà chắc hẳn không còn ai xa lạ. Từ một anh nông dân chăn vịt với quy mô nhỏ lẻ rồi bán trứng cho lò ấp, đến nay anh Đường đã sở hữu trong tay nguồn thu nhập từ 2,5 – 3 tỷ đồng mỗi năm từ việc ấp trứng và bán con giống gia cầm
Năm 1990, anh Nguyễn Văn Đường xuất ngũ trở về địa phương rồi lập gia đình năm 1994. Khi đó, do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn nên anh Nguyễn Văn Đường đã trăn trở suy nghĩ đến con đường thoát nghèo.
Ban đầu, tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình, anh bàn với vợ chăn nuôi vịt rồi bán trứng cho các lò ấp. Đồng thời, kết hợp với việc bán trứng vịt của gia đình anh còn đi gom trứng ở khắp các nơi rồi mang xuống địa bàn tỉnh Bắc Giang để giao bán.
Nhằm đáp ứng nguồn trứng tại chỗ cho các lò ấp của gia đình, năm 2018 anh Đường đã quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ
Đến năm 2002, nắm bắt nhu cầu thị trường cùng với nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Hội Nông dân thị trấn Hương Sơn, anh Đường đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình ấp nở gà giống bằng nguồn vốn khởi điểm 2 tỷ đồng.
Lúc này, theo anh Đường thì việc chăn nuôi gia cầm trên địa bàn đang phát triển mạnh, tuy nhiên về chất lượng con giống lại chưa đảm bảo và số lượng ít do chưa có hộ chăn nuôi gia cầm giống tập trung theo hình thức trang trại mà các lò ấp chủ yếu thu mua trứng từ các hộ chăn nuôi lẻ.
Do vậy, anh cùng gia đình đã quyết tâm xây dựng thương hiệu và đầu tư sản xuất con giống gia cầm đảm bảo chất lượng trên địa bàn để đưa ra thị trường. Từ những kinh nghiệm nuôi gà và kỹ thuật nuôi gia cầm đã học được anh Đường đã quyết định đầu tư con giống cho các trang trại, gia trại nuôi gà mái sinh sản.
Anh Đường kiểm tra chất lượng trứng gà trước khi đưa vào lò ấp
Thời điểm đó, do chưa có điều kiện kinh tế và kinh nghiệm nên anh chỉ mở 1 lò ấp trứng thủ công với công suất 6.000 – 8.000 quả trứng. Dần dần, được sự quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cũng như đi tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi ở nhiều nơi, sau một thời gian anh tiếp tục mở rộng mô hình lên quy mô 3 lò, 5 lò, rồi 17 lò và đến nay là 28 lò ấp trứng với công suất 15.000 trứng/1 lò.
Trung bình 1 năm từ 28 lò ấp trứng của gia đình anh Đường cho sản lượng khoảng 5,04 triệu quả trứng tương đương với 4,03 triệu con gà giống. Theo anh Đường, việc lựa chọn con giống phải được tuyển chọn kỹ càng, đảm bảo chất lượng và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ thì tỷ lệ nở mới cao, con giống có khỏe mạnh thì khi đưa ra thị trường mới có uy tín và được chấp nhận.
Theo anh Đường, việc lựa chọn con giống phải được tuyển chọn kỹ càng, đảm bảo chất lượng và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ thì tỷ lệ nở mới cao
Video đang HOT
Khi mới bắt tay vào làm mô hình này gia đình anh Đường phải thu mua trứng từ các trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn. Nhưng lâu dần nhận thấy việc thu mua này số lượng ít lại không ổn định cũng như việc kiểm soát con giống không đảm bảo.
Bởi vậy đến năm 2018 anh Đường đã quyết định đầu tư mua thêm 10.000m2 đất để xây dựng trang trại chăn nuôi gà nhằm đáp ứng nguồn trứng tại chỗ cho các lò ấp của gia đình. Lúc đầu con giống của gia đình anh Đường sản xuất ra chỉ cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh nhưng đến nay thị trường đã phát triển rộng ra phạm vi cả nước.
Ngoài việc phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho gia đình, anh Đường còn thường xuyên giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nguồn vốn và con giống, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng trong 3 năm từ 2016 đến 2018 gia đình anh đã tạo điều kiện cung cấp con giống và hỗ trợ về tiền vốn không lãi suất cho 24 hộ gia đình với tổng số tiền 2 tỷ 485 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Đường còn thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cũng như kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi về nuôi gà mái đẻ cho 30 trang trại vệ tinh và trên 500 hộ gia đình chăn nuôi gà thương phẩm.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, anh Đường cho biết: Để đảm bảo tỷ lệ ấp nở an toàn chất lượng thì gia đình anh luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và quy trình kỹ thuật đã được tập huấn.
Theo anh Đường, đối với trứng gia cầm trước khi đưa vào lò ấp đều được phun chất khử trùng, còn vỏ trứng thì được thu gom vào các thùng rác rồi đem đi xử lý. Đặc biệt là khu lò ấp được gia đình anh xây dựng ở một khu riêng biệt và khép kín theo kiểu nhà lạnh để chống nóng và thông gió, có khả năng chống được bụi khi ra lò, nhờ đó tạo sản xuất an toàn và đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.
Với quy mô sản xuất chăn nuôi như hiện nay trên tổng diện tích đất 17.000m2, trong đó diện tích lò xưởng là 1.800m2 gia đình anh Đường đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 13 – 15 lao động thường xuyên với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng và 25 – 30 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 3 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Với mô hình lò ấp trứng, hiện tại gia đình anh Đường đang giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng
Anh Đường tâm sự: Khi đã vươn lên thoát khỏi cái nghèo và làm giàu anh mong muốn sẽ giúp đỡ được nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tương tự như anh trước đây. Bởi anh thấu hiểu cái đói, cái nghèo đã đeo bám người dân nơi đây bao năm nay. Chính vì vậy, gia đình anh luôn gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động, các phong trào từ thiện ở địa phương, tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp vào các loại quỹ do địa phương phát động với số tiền lớn.
Ngoài ra để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và đáp ứng nhu cầu thể dục thể thao cho người dân trong vùng, năm 2016 gia đình anh Đường đã cho xây dựng một nhà thi đấu cầu lông và bóng chuyền để phục vụ miễn phí việc giao lưu thi đấu cho bà con nhân dân trong và ngoài tổ dân phố. Việc làm này không những tạo ra sân chơi lành mạnh và lý tưởng cho mọi lứa tuổi rèn luyện sức khỏe mà còn góp phần tăng thêm mối quan hệ đoàn kết, tạo điều kiện giúp nhau trong lao động sản xuất tại địa phương.
Bằng việc tham gia lao động sản xuất giỏi cùng những việc làm thiết thực và nhiều ý nghĩa, trong những năm qua anh Nguyễn Văn Đường đã nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, giấy khen của các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên với nhiều thành tích tiêu biểu. Đặc biệt năm 2015, anh Đường vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của tỉnh Thái Nguyên. Với những thành tích đó, anh Nguyễn Văn Đường vinh dự được bình chọn nhận danh hiệu “ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″ đại diện cho tỉnh Thái Nguyên.
Trong thời gian tới, anh Nguyễn Văn Đường dự định sẽ đầu tư xây dựng thêm một trang trại chăn nuôi gà trên diện tích đất trang trại trước đó để đảm bảo cung cấp đủ nguồn trứng cho việc ấp nở trứng gia cầm tại các lò ấp trứng của gia đình.
Bà Dương Thị Sâm – Chủ tịch Hội nNng dân huyện Phú Bình cho biết: Anh Nguyễn Văn Đường là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu, tích cực đi đầu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Trong những năm qua, với mô hình ấp nở gia cầm gia đình anh đã giúp đỡ cho nhiều hội viên có việc làm và thu nhập ổn định. Hàng năm gia đình anh đều đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện và được các cấp, các ngành khen thưởng.
Theo Danviet
Chuyện vợ bán kem nuôi chồng "ôm" mộng làm giàu với cam Canh
Khởi nghiệp từ năm 1997 với 2ha đất đồi trồng vải, sau 3 năm "thành quả" của anh Dương Văn Ký (thôn An Biên, xã Thủy An, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là một khoản nợ lớn. Không nản lòng, người nông dân đất Đông Triều này đã đi qua các vụ na, vải...để rồi đến với cây cam đường Canh như một mối duyên tiền định.
Vợ bán kem nuôi chồng xây mộng làm giàu
Trong cơ ngơi trang trại rộng 4ha xanh rợp bóng cây cam ở thôn An Biên, xã Thủy An (TX Đông Triều), anh Dương Văn Ký luôn cười hồn hậu khi nhắc về quá khứ, dù đó là những ngày tháng cơ cực nhất của vợ chồng anh.
Vào năm 1997, khi mà lớp thanh niên ở thôn An Biên bắt đầu chán nản với ruộng đồng, kéo nhau bỏ làng đi làm thuê xa xứ, thì người thanh niên Dương Văn Ký vẫn quyết bám trụ với mảnh vườn, sào ruộng quê nhà. Thấy ông cậu có 2ha đồi trồng cây kém hiệu quả, anh Ký đề xuất "chung lưng đầu cật" với cậu chuyển sang trồng cây vải.
Ít ai biết rằng, để có cơ ngơi trang trại như ngày hôm nay, anh Dương Văn Ký đã phải trải qua nhiều năm sống trong cảnh cơ cực, bần hàn.
Bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu vốn liếng đã đổ xuống để cải tạo khu đồi, hơn 300 gốc vải sau 3 năm đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Anh Dương Văn Ký và người cậu chưa kịp mừng thì vụ vải năm đó giá rớt thê thảm. Vải thiều năm đó ra quả rất sai, mã quả rất đẹp, nhưng giá bán thì thật là rẻ. Mà bán rẻ cho thương lái còn bị chê lên chê xuống thật là cơ cự.
"Mấy chục triệu đồng ngày ấy lớn lắm, thế mà vay mượn dồn hết vào vườn vải, cuối cùng lại thất bại, sa vào cảnh nợ nần..." - anh Ký nhớ lại.
Mấy năm đầu tư công sức, tiền của vào khu đồi chưa thu được đồng nào, chỉ thấy tiền trong nhà cứ "đội nón" ra đi.Túng thiếu, chị vợ anh Ký phải bỏ việc phụ giúp chồng trên đồi, ngày ngày đạp xe lên tận thị xã Đông Triều bán từng que kem, rao từng chai mắm kiếm đồng rau đồng gạo nuôi chồng con.
Cảnh nhà sa sút không làm cho anh Ký nản lòng. Năm 2000, khi vừa thu vụ vải đầu tiên bị thua lỗ, anh liền đưa ra quyết định táo bạo là chặt hết vải thiều để trồng na. Giống na Việt Dân (cách làng An Biên chỉ 2 Km) ngày đó chưa có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý như bây giờ, nhưng anh Ký đã nhìn thấy hiệu quả từ loại cây trồng này.
Học mót được cách thụ phấn cho hoa na của một lão nông trong làng, anh Ký trồng thử nghiệm 1ha. Những ngày đầu trồng na, đến thời kỳ hoa nở ngày nào a Ký cũng ra vườn ngóng. Cây na được thụ phấn nhân tạo sai trĩu quả, khiến vợ chồng anh Ký khấp khởi mừng thầm và đặt biết bao nhiêu kỳ vọng vào những trái na đẹp. Vụ na đầu tiên năm 2003 trúng đậm, anh đã trả được hết nợ nần. Đây cũng là động lực quan trọng để anh Dương Văn Ký mạnh dạn bước đi theo hướng làm giàu từ trồng cây ăn quả.
Ngay vụ na tiếp theo, anh Ký lấy luôn sổ đỏ của khu đất đồi 2ha để cắm vay ngân hàng, tiếp tục thầu thêm 5ha đất đồi nữa ở khu Hổ Lao xã Tân Việt để trồng na. Ngày đó dân trồng na ở đây chưa nắm vững được kỹ thuật chấm thụ phấn cho hoa na, chỉ có anh Ký nắm được kỹ thuật này, nên vườn na của vợ chồng anh vào mùa sai trĩu quả, quả to, tròn đều, vị ngọt sắc, giá bán ngày đó đã là 20.000 đồng/gg mà các thương lái tranh nhau đến tận vườn thu mua.
Những vụ na ngọt trái với bí quyết thụ phấn thủ công của anh Dương Văn Ký đã tạo động lực lớn để vợ chồng anh tiếp tục chinh phục đất đồi cằn ở vùng than xây dựng khát vọng làm giàu từ trang trại nông nghiệp...
Làm trang trại phải biết thức thời, quyết đoán
Ngay thời điểm thu tiền tỷ mỗi vụ từ cây na, anh Dương Văn Ký đã nhận thấy thời điểm thoái trào, để rồi nghiên cứu chuyển sang một giống cây mới phát triển kinh tế. Năm 2008, bao nhiêu tiền thu được từ những vụ na, anh dồn tất cả mua gom đất, đầu tư cho khu trang trại rộng 4ha ngay tại An Biên quê nhà.
"Thời điểm này vợ chồng tôi gần như khởi nghiệp lại từ đầu. Trước khi xây dựng trang trại đã có hướng trồng cây cam đường canh, nhưng xây dựng xong thì vốn liếng gần như cụt hết. Thế là phải vay mượn lại để đầu tư vào giống cây hoàn toàn mới" - anh Ký nói.
Vườn cam đường canh 5.000 gốc của anh Dương Văn Ký đều đặn mỗi năm cho thu hơn 1 tỷ đồng.
Ngày đó cả xã Thủy An chưa ai trồng cây cam đường canh, anh Ký mày mò lên tận huyện Văn Giang, Hưng Yên để tìm hiểu về giống cây ăn quả này. Cam đường canh trồng không tốn công như cây na, nhưng năng suất lại lớn hơn rất nhiều. 1 cây vào vụ có thể cho thu bình quân 50 Kg, giá bán thấp nhất cũng 50.000 đồng Kg, thu về ít nhất hơn 2 triệu đông/cây.
Thế là, cả 2 tỷ đồng vay mượn, cộng thêm chút vốn liếng tích cóp, anh Ký dồn toàn lực cho cam đường canh. Nói là ít công chăm bón hơn na, nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất từ cây cam đường canh, cũng phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu ghép thân với gốc cây bưởi, chăm sóc cây, bắt hoa, giữ quả, hãm cho quả nhỏ vừa phải...mọi công đoạn đều hết sức tỉ mỉ.
"Năm 2017, giời thương cho vườn cam đậu quả đạt 50 tấn, thu về hơn 2 tỷ đồng. Toàn bộ nợ nần được trang trải xong xuôi cũng từ vụ này. Sang năm 2018, thời tiết khắc nghiệt hơn nên năng suất giảm, nhưng cũng đạt 30 tấn, thu hơn 1 tỷ đồng" - anh Ký nở nụ cười phấn chấn, khoe.
Trải qua nhiều năm kinh nghiệm với trồng cây ăn quả, anh Ký khẳng định cam vẫn là giống cây cho thu nhập ổn định nhất. Với 5.000 gốc cam, diện tích trồng 4ha, trang trại cam của gia đình anh Dương Văn Ký đều đặn mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại trang trại của anh đã tham gia vào tổ hợp tác, liên kết sản xuất hoa quả sạch, an toàn nên sản phẩm thu đến đâu được các thương lái tới tận vườn mua đến đó.
Cũng như thời điểm thắng lợi với cây na lần trước, đến bây giờ khi đã bước sang năm thứ 10 trồng cam đường canh, anh Ký lại bắt đầu tính đến xoay chuyển hướng đi mới. "Cây cam đã bước sang tuổi thoái hóa, nhưng trước mắt tôi vẫn giữ cây cam là cây trồng phát triển kinh tế chủ đạo, sắp tới sẽ thử nghiệm trồng thêm một số giống mới là nho, táo đỏ và thanh long" - anh Ký chia sẻ.
Ngoài trồng cây ăn quả, quy mô trang trại của gia đình anh Ký ngày càng được mở rộng, xây dựng một cách khoa học để trồng trọt kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Hiện tại anh đang chuẩn bị đầu tư nuôi lợn thịt, kết hợp nuôi cá rô phi đơn tính. Hỏi tại sao lại bắt tay vào nuôi lợn, giữa thời điểm dịch tả lợn Châu Phi đang làm kiệt quệ biết bao hộ nuôi trên cả nước, anh Ký chỉ mỉm cười, nói: "Chính vì thế tôi mới chọn thời điểm này để bắt tay vào nuôi lợn. Làm giàu từ nghề nông phải cần có sự thức thời, quyết đoán. Chần chừ một chút thôi là cơ hội đi qua rồi!".
Từ một hộ khó khăn về kinh tế, anh đã mạnh dạn vay vốn xây dựng mô hình kinh tế gia trại, trang trại, đến nay anh Ký đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại kết hợp trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, để mở rộng quy mô sản xuất, anh Ký đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vườn đồi, xây dựng hệ thống chuồng trại.
Vẫn biết làm giàu từ nghề nông phải trải qua biết bao cơ cực, nhưng từ trong đôi mắt còn sáng rực lửa đam mê, tôi tin anh Ký sẽ không khuất phục trước bất cứ thất bại nào.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng, sự cần cù chăm chỉ là nhiệt tình với phong trào nông dân giúp nhau làm giàu, giảm nghèo ở địa phương, anh Dương Văn Ký đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi của cấp T.Ư và địa phương. Anh Dương Văn Ky là nông dân tiêu biểu đại diện cho nông dân tỉnh Quảng Ninh vừa được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".
Theo Danviet
Ông Hà Trọng Hải được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Sáng 22/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 đã khai mạc kỳ họp thứ 10. Ông Hà Trọng Hải được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (người thứ 3 từ trái sang). Tại kỳ họp, các đại biểu đã bầu ông Hà Trọng Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu đảm nhiệm chức...