Nóng bỏng cuộc đua thị phần trong Top 20 công ty chứng khoán
Trong bức tranh chung sôi động của thị trường, Top 20 công ty chứng khoán liên tục phải thích ứng, linh hoạt để duy trì vị thế và thứ hạng.
VN-Index tăng hơn 40% trong quý II, khi dịch bệnh trong nước dần được kiểm soát và các biện pháp hỗ trợ kinh tế được Chính phủ đẩy mạnh triển khai. Kèm với đó, thanh khoản thị trường tăng 42,6% so với cùng kỳ lên mức cao nhất 2 năm, đạt 6.505 tỷ đồng đã khiến các công ty chứng khoán lớn có một kỳ kinh doanh bận rộn.
Sở dĩ đề cập đến công ty chứng khoán lớn là bởi sự phân hóa trên thị trường trong vài năm trở lại đây là rất rõ rệt.
Đơn cử, thị trường sôi động như quý II vừa qua song Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên sàn HOSE vẫn chiếm tới 64,8% thị phần. Hơn 60 công ty còn lại chỉ giành thêm được 1,1 điểm phần trăm so với quý trước.
Tương tự, trên HNX, Top 10 chiếm 57,1% thị phần, khối công ty còn lại chỉ giành thêm được 2,2 điểm phần trăm. Trên HOSE, Maybank KimEng bị loại, còn Bản Việt và HSC bị rớt lại khá xa so với SSI.
Còn trên sàn Hà Nội, Mirae Asset và TVB lọt vào Top 10, trong khi BVSC và BSI bị loại. Dù rất nỗ lực đưa ra một loạt công cụ mới như trợ lý tư vấn ảo, được quảng cáo là một trong những giải pháp công nghệ hiện đại nhất nhưng BSI vẫn tuột dốc trong mảng môi giới và thương hiệu ngày càng mờ đi trên thị trường.
Video đang HOT
Với TCBS, dù lọt vào Top 10 thị phần sàn HOSE trong quý II, với 3,5% thị phần nhưng thị trường không mấy tin tưởng vào phong độ của công ty chứng khoán này.
Một trong những cơ sở dẫn đến nhận định như vậy là ngân hàng mẹ của TCBS tỏ ra không mấy “ưa thích” khách hàng “chơi chứng”.
Đơn cử, nếu một khách hàng nào đó mua trái phiếu qua TCBS với giá trị trên 1 tỷ đồng, vị khách này lập tức được coi là khách VIP, được hưởng các chính sách dành cho khách hàng ưu tiên như có khu vực giao dịch riêng tại các phòng giao dịch lớn, được miễn giảm phí giao dịch, ưu tiên thẻ tín dụng… thì khách hàng giao dịch cổ phiếu dù giá trị danh mục có đạt 4 – 5 tỷ đồng vẫn bị coi “hạng thường”.
Ở mảng môi giới chứng khoán phái sinh, với chưa đến 20 công ty chứng khoán gia nhập, cuộc rượt đuổi thị phần cũng không kém phần nóng bỏng.
VCBS quý vừa qua đã lọt Top 10, loại Yuanta Việt Nam khỏi bảng xếp hạng. VPS vẫn duy trì vị trí dẫn đầu nhưng các đối thủ bám đuổi tung ra nhiều chính sách mới đã kéo thị phần của công ty này giảm 4,2%.
Việc đổi ngôi trong bảng xếp hạng thị phần thường chỉ diễn ra từ dưới lên, mà ít khi thay đổi trong Top đầu, có lẽ bởi “phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi” có vẻ vẫn đúng trong ngành chứng khoán.
Đẳng cấp của một số tên tuổi cũng gắn với đầy rẫy những câu chuyện không lấy làm vui trên thị trường.
Dù rằng, đẳng cấp của một số tên tuổi cũng gắn với đầy rẫy những câu chuyện không lấy làm vui trên thị trường, chẳng hạn như đứng sau những giao dịch lớn có tai tiếng, hay tư vấn cho những doanh nghiệp mới niêm yết định giá chào sàn trên giời khiến nhiều nhà đầu tư bị “úp sọt”.
Với thị trường, bảng xếp hạng thị phần môi giới là điều gì đó để nhìn vào thứ bậc của các công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, khi ngồi với nhau, thị phần môi giới lại không phải là điều được người trong ngành kiêng nể, mà phải là hiệu quả hoạt động, hay nói khác là lợi nhuận của công ty chứng khoán. Dẫn dắt lợi nhuận của khối công ty chứng khoán trong thị trường sôi động như năm 2020 được nhìn nhận là mảng tự doanh.
Riêng quý II, cả 20/20 công ty chứng khoán dẫn đầu đều có lãi từ tự doanh với giá trị danh mục đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, nhờ đó riêng lợi nhuận từ tự doanh đạt 2.373 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.
Điểm đáng chú ý là có 14/20 công ty chứng khoán đầu tư vào trái phiếu, trong đó 9/14 tăng quy mô đầu tư vào sản phẩm này so với cùng kỳ.
Tất nhiên, không hẳn công ty chứng khoán nào cũng bỏ tiền tươi thóc thật ra mua trái phiếu rồi để đó, mà họ có thể kinh doanh, tạo thị trường thứ cấp phân phối đến các nhà đầu tư cá nhân.
Đây có thể là lý do kênh trái phiếu sôi động trong suốt thời gian qua, với sự nhập cuộc của nhiều khách hàng mở tài khoản chứng khoán.
Bức tranh rộng hơn cho thấy, quý II vừa qua, trong số 76 công ty chứng khoán báo cáo thì có tới 78,9% công ty chứng khoán có lãi, trong đó 68,4% là tăng trưởng so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 2 năm gần đây.
Xu hướng tích cực này được nhìn nhận tiếp tục được duy trì trong quý III khi VN-Index duy trì điểm số và giá trị giao dịch trên thị trường tiếp tục khả quan.
Chứng khoán KIS Việt Nam tăng vốn thêm 700 tỷ đồng
Sau khi hoàn tất tăng vốn thêm 700 tỷ đồng đầu quý III/2020, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam hiện có vốn điều lệ 2.596 tỷ đồng, nằm trong Top 8 công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất thị trường.
Nguồn vốn huy động được KIS Việt Nam đầu tư nhiều hơn mảng khách hàng cá nhân và đẩy mạnh mảng IB với trọng tâm là tư vấn phát hành trái phiếu.
Trong tháng 06/2020, KIS Việt Nam đã tư vấn phát hành thành công thương vụ trái phiếu hoán đổi đầu tiên tại Việt Nam cho đối tác An Phát Holding (APH).
Ông Park Won Sang, Tổng giám đốc KIS Việt Nam cho biết, Công ty cũng tăng cường tuyển dụng nhân sự cho mảng CW, ETF, các công cụ phái sinh. Ngoài ra, Công ty có kế hoạch nâng cấp nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và giao dịch.
Hiện KIS là công ty chứng khoán nước ngoài đầu tiên cung cấp dịch vụ ETF AP và LP phục vụ các quỹ đầu tư, đồng thời cũng là công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công hệ thống OMS phái sinh cho nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam được thành lập vào tháng 12/2010 bởi Công ty TNHH Đầu tư và Chứng khoán Hàn Quốc (Korea Investment & Securities Co., Ltd, KIS Hàn Quốc) đầu tư cùng Tập đoàn dệt may Việt Nam và các cổ đông khác.
Từ tháng 11 năm 2010, KIS Hàn Quốc thực hiện nâng cao tỷ lệ sở hữu dần qua các năm, tăng tỷ lệ vốn góp từ 48,8% lên 99,7% ở thời điểm hiện tại.
Công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải duy trì chỉ tiêu an toàn tài chính Đó là nội dung tại dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến. Công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải có nghĩa vụ về chỉ tiêu an toàn tài chính....