Nóng bỏng cuộc đua khai thác “vàng trắng” ở Mỹ Latinh
Lithium là một trong những khoáng chất quan trọng nhất khi nói đến quá trình chuyển đổi năng lượng và Mỹ Latinh là một trong những khu vực quan trọng nhất để sản xuất lithium.
Vì thế, cuộc đua khai thác thứ “ vàng trắng” này tại đây đang rất nóng.
Sôi động “tam giác lithium”
Khi các chính phủ và các công ty chạy đua để đảm bảo nguồn cung cấp lithium cho những chuỗi cung ứng pin quan trọng, mối quan tâm đến trữ lượng lithium của Mỹ Latinh tăng lên nhanh chóng. Các công ty khai thác và các nhà sản xuất đang đổ xô đến Chile, Argentina và Bolivia để tìm nguồn cung.
“Tam giác lithium” này được dẫn dắt bởi Chile, nước chiếm khoảng 30% sản lượng lithium khai thác toàn cầu vào năm 2022. Là nhà sản xuất lithium cacbonat (LCE) cấp pin lớn thứ hai thế giới, một phần quan trọng của pin ôtô điện, Chile từ lâu đã vượt qua Argentina và Bolivia trong việc thu hút đầu tư khai thác loại pin này.
Các bể nước muối và khu vực chế biến của mỏ lithium Soquimich trên Cánh đồng muối Atacama, phía bắc Chile. Ảnh: Reuters.
Trong nhóm, Chile có ngành lithium lớn nhất và lâu đời nhất. Và vì lithium được coi là nguồn tài nguyên chiến lược ở Chile nên nhà nước sẽ duy trì vai trò tích cực trong việc phát triển nguồn tài nguyên này. Tháng 4/2023, chính phủ của tân Tổng thống Gabriel Boric đã phát động một chương trình “quốc hữu hóa mềm” yêu cầu các công ty khai thác lithium đang phát triển các dự án mới hợp tác và nhượng lại phần lớn cổ phần cho Codelco, tập đoàn khai thác đồng thuộc sở hữu nhà nước của Chile.
Trong đó, một liên doanh mới được thiết lập giữa Codelco và tập đoàn khai khoáng tư nhân SQM để khai thác tại cánh đồng muối Atacama, nằm ở phía bắc đất nước, là đáng chú ý nhất. Liên doanh này dự kiến cung cấp tới 165.000 tấn lithium cacbonat mỗi năm vào năm 2031. Tháng 12 vừa qua, Pan Asia Metals, tập đoàn khai khoáng của Úc cho biết họ vừa ký kết các thỏa thuận quyền chọn ràng buộc để mua dự án lithium tại Atacama, nơi chứa 90% trữ lượng lithium của Chile. Pan Asia Metals cho biết họ có kế hoạch bắt đầu hoạt động địa vật lý và khoan vào những tháng đầu năm 2024.
Một thành viên khác của “tam giác” là Bolivia vào tháng 12 vừa qua cũng khánh thành nhà máy sản xuất lithium carbonate đặt tại cánh đồng muối lớn nhất thế giới Salar de Uyuni, ở phía Tây Nam nước này. Nhà máy dự kiến có công suất 15.000 tấn vào năm 2024 và đạt tới 100.000 tấn vào năm 2025.
Theo Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ, Bolivia có 21 triệu tấn lithium, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tổng thống Bolivia Luis Arce đặt mục tiêu đưa đất nước của mình trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu không chỉ về sản xuất lithium mà còn phát triển pin lithium mới và các sản phẩm liên quan, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn và giao thông vận tải.
Các công nhân đang làm việc tại một mỏ lithium ở Bolivia, nước có trữ lượng lithium nhiều nhất thế giới. Ảnh: GI.
Trước năm 2023, việc phát triển các dự án ở Bolivia có rất ít tiến triển. Điều đó đã thay đổi trong 10 tháng qua, với điểm nhấn lớn nhất là 2 tập đoàn của Trung Quốc Citic Guoan và CATL đã giành được hợp đồng phát triển các dự án với công ty khai thác lithium quốc gia của Bolivia, Yacimientos del Litio Boliviano (YLB). Trong đó, riêng CATL cam kết đầu tư 1,4 tỷ USD. Và, có thể vẫn còn nhiều giao dịch sắp tới, khi chính phủ Bolivia cho biết họ đang đàm phán với 5 công ty khác đến từ Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Ngược lại với chiến lược tập trung hóa của Chile và Bolivia, nguồn tài nguyên lithium của Argentina thuộc về các tỉnh. Họ – chứ không phải chính phủ liên bang – thu thuế bản quyền 3% đối với hoạt động khai thác lithium và môi trường doanh nghiệp tương đối ít sự giám sát của nhà nước đối với các công ty khai thác nước ngoài đang thu hút nhiều nhà đầu tư khác nhau.
Năm ngoái, Argentina sản xuất 33.000 tấn lithium cacbonat, đứng thứ hai trong khu vực và thứ tư trên toàn cầu. Nước này có một mỏ lithium mới bắt đầu hoạt động vào tháng 6, hai dự án khác dự kiến hoàn thành vào năm tới và ba dự án đang được xây dựng. Ngoài ra, Argentina có 41 dự án giai đoạn đầu khác dự kiến hoàn thành sau năm 2025.
Video đang HOT
Theo dữ liệu của chính phủ, sản lượng lithium của Argentina dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần vào cuối năm 2025, thu về số tiền tương đương khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội hiện tại. Jose Hofer, cựu chuyên gia phân tích của Bộ Khai thác mỏ Chile và giám đốc tình báo kinh doanh tại tập đoàn SQM cho biết: “Argentina hoàn toàn có khả năng nâng công suất lên trên 200.000 tấn lithium cacbonat vào năm 2032-2035″.
Một mỏ lithium của Argentina, nước sản xuất 33.000 tấn lithium cacbonat vào năm ngoái, đứng thứ tư trên toàn cầu. Ảnh: Reuters.
“Tam giác” đang trở thành “tứ giác”
Nhưng trong 18 tháng qua, Brazil đã chứng kiến một số dự án bắt đầu phát triển hoặc đưa vào thị trường, mở rộng “tam giác lithium” của Mỹ Latinh thành tứ giác.
Trong hai năm qua, Brazil đã trở thành nguồn cung cấp lithium bổ sung cho thị trường tăng trưởng nhanh chóng. Trước thực tế thị trường, chính phủ Brazil, khi ấy dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro đã ban hành một pháp lệnh vào năm 2022, miễn xuất khẩu lithium khỏi quy trình phê duyệt của Ủy ban Năng lượng hạt nhân, một cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, để thu hút đầu tư nhiều hơn.
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, Tổng thống Lula da Silva tiếp tục đã áp dụng cách tiếp cận thân thiện với nhà đầu tư, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án lithium, đồng thời cam kết đảm bảo sự ổn định cho các hiệp định đầu tư và đơn giản hóa các quy định nếu có thể.
Brazil có trữ lượng lithium lớn thứ năm trên thế giới, chủ yếu được tìm thấy ở Thung lũng Jequitinhonha (bang Minas Gerais), thường được gọi là “Thung lũng Lithium”. Khu vực này ước tính nắm giữ khoảng 85% trữ lượng lithium được biết đến của Brazil. Chính quyền bang Minas Gerais cũng cam kết tương tự hỗ trợ các công ty tư nhân tiếp cận cơ sở hạ tầng, năng lượng và lao động cần thiết thông qua cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư khu vực. Tháng 7 năm ngoái, các nhà lãnh đạo bang Minas Gerais còn tổ chức một sự kiện hoành tráng tại trụ sở sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ ở New York, nhằm trình bày các sáng kiến thu hút đầu tư vào “Thung lũng Lithium”.
Và hiệu quả cũng đến, rất nhanh sau đó. Tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Marc Fogassa của Tập đoàn khai khoáng sản Atlas Lithium có trụ sở tại Mỹ xác nhận rằng họ trên đường trở thành nhà sản xuất lithium tại Thung lũng Jequitinhonha của bang Minas Gerais, cung cấp spodumene đá cứng “với giá cạnh tranh nhất”.
Fogassa cho biết nhà máy đang được lắp ráp thiết bị, với giai đoạn sản xuất đầu tiên bắt đầu triển khai vào quý 3 năm 2024. Nhà máy này sẽ có khả năng cung cấp 150.000 tấn spodumene đá cứng (thường có nồng độ lithium cao hơn quặng thô) mỗi năm.
Brazil đang gia nhập nhóm “cường quốc lithium” ở Mỹ Latinh nhờ các mỏ spodumene đá cứng ở bang Minas Gerais. Ảnh: Reuters.
Và cuộc chơi ngày càng nóng hơn
Cùng với nỗ lực mở rộng khai khoáng thì việc khai thác yếu tố địa chính trị xung quanh các khoáng sản quan trọng để củng cố vị thế cạnh tranh cũng là một cuộc đua của các quốc gia Mỹ Latinh.
Mới đây, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn hiệp ước thuế Mỹ – Chile nhằm hạn chế thuế khấu trừ mà các nhà đầu tư và công ty Mỹ đầu tư và hoạt động tại Chile phải trả. Quá trình phê chuẩn hiệp ước đang diễn ra và những nỗ lực song song nhằm làm sâu sắc thêm hiệp định thương mại tự do (DCTFA) sâu rộng và toàn diện của Chile với EU nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại và giữa các quốc gia đối với nền kinh tế làm nền tảng cho các dự án khoáng sản quan trọng.
Trong khi đó, mặc dù FTA giữa Mỹ và Brazil chưa có, hai nước đã ký một thỏa thuận công nhận lẫn nhau cho phép các nhà xuất khẩu Brazil được chứng nhận là nhà điều hành kinh tế được ủy quyền đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình “Đối tác Thương mại – Hải quan Hoa Kỳ chống khủng bố”, giảm thời gian kiểm tra và các yêu cầu hải quan để xâm nhập vào thị trường Mỹ.
Có rất ít động lực để đạt được FTA với Mỹ do nền kinh tế Brazil có nhiều hạn chế, nhưng hoạt động ngoại giao đang diễn ra giữa hai nước liên quan đến quản lý lâm nghiệp và bể chứa carbon cũng như các vấn đề sinh thái và môi trường tương tự sẽ mở ra cơ hội cho một thỏa thuận sau này, như cách Argentina đang theo đuổi để đủ điều kiện tham gia Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ.
IRA cung cấp các khoản tín dụng thuế cho người tiêu dùng mua ôtô chạy bằng pin sử dụng nguyên liệu khoáng sản từ Hoa Kỳ hoặc bất kỳ quốc gia nào mà Hoa Kỳ có hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, việc Argentina có thể đáp ứng các yêu cầu IRA là rất quan trọng với ngành lithium của nước này.
Juan Gonzalez, cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden và là Giám đốc cấp cao Tây bán cầu của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết nước này đang thảo luận với chính phủ tân Tổng thống Argentina, Javier Milei về lithium, bao gồm cả hy vọng Argentina được hưởng lợi từ IRA, điều mà họ chưa nhận được vì không phải là đối tác của Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Hiện tại, Argentina có FTA thường trực với EU thông qua tư cách thành viên của Mercosur và các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa EU và Mercosur có thể tạo thêm lực đẩy cho ngành lithium của nước này, khi nó tăng khả năng cạnh tranh của các dự án cung cấp cho thị trường châu Âu.
Nhu cầu về lithium toàn cầu là rất lớn, liên tục cao hơn kỳ vọng kể từ khi đại dịch bắt đầu. Vì thế, tương lai khoáng sản quan trọng của Mỹ Latinh rất tươi sáng. Chừng nào nhu cầu tiếp tục tăng, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội. Và, nhóm “tứ giác lithium Mỹ Latinh” (từ bây giờ nên gọi là tứ giác thay vì tam giác) sẽ còn được hưởng lợi nhiều từ “cơn sốt” khoáng sản quan trọng của thế giới, miễn là họ tiếp tục vận động tích cực để “đón sóng” như thời gian gần đây.
Vì sao xe điện châu Âu còn lâu mới vượt được Mỹ và Trung Quốc?
Thị trường xe điện phát triển kéo theo nhu cầu về nguyên liệu để sản xuất pin cho loại xe này, song châu Âu được cho là đang ở khá xa so với Trung Quốc và Mỹ trong cuộc cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung.
Cuộc cạnh tranh tìm kiếm nguồn tài nguyên công nghệ xanh dùng cho xe điện đang tăng nhiệt trên thế giới, khi cả Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều đã nhập cuộc.
Tuy nhiên, theo một phân tích từ Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu (T&E) có trụ sở ở Bỉ, các nhà sản xuất ô tô châu Âu chỉ mới đảm bảo được 16% lượng lithium, coban và niken cần thiết để đạt được mục tiêu bán ô tô điện vào năm 2030.
Phân tích cho thấy các nhà sản xuất ô tô đã tiết lộ các thỏa thuận sẽ chỉ bao gồm 14% lượng lithium, 17% lượng niken và 10% lượng coban cần thiết để đáp ứng mục tiêu của họ trong 7 năm tới, tờ The Guardian đưa tin.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy 2 nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới là Tesla của Mỹ và BYD của Trung Quốc, đã vượt xa châu Âu trong lĩnh vực này.
Một bộ sạc pin điện được trưng bày tại triển lãm xe điện "The London EV Show" ở London, Anh hôm 30.11. Ảnh REUTERS
Theo kế hoạch, Liên minh châu Âu và Anh sẽ cấm bán ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới ở 2035.
Chiến lược khoáng sản
Bà Julia Poliscanova, nhà phân tích cấp cao tại T&E, cho biết: "Có sự khác biệt rõ ràng giữa mục tiêu xe điện [EV] của các nhà sản xuất ô tô và chiến lược khoáng sản quan trọng của họ. Tesla và BYD đang đi trước hầu hết các công ty châu Âu, những người chỉ mới kịp 'thức tỉnh' trước thách thức về nguồn cung".
T&E cho biết Mercedes-Benz, BMW và Hyundai/Kia là những nhà sản xuất ô tô có hoạt động lớn ở châu Âu nhưng đang tụt hậu xa nhất so với các đối thủ.
Một mẫu xe được trưng bày tại triển lãm xe điện "The London EV Show" ở London, Anh hôm 30.11. Ảnh REUTERS
Một số nhà sản xuất ô tô có thể có những thỏa thuận bí mật với các công ty khai thác hoặc tinh chế để cung cấp đủ khoáng chất, trong khi một số đang tìm cách giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng coban và niken đắt tiền. Tuy nhiên, mức độ thiếu hụt được nêu chi tiết trong các hợp đồng được tiết lộ công khai cho thấy các nhà sản xuất ô tô sẽ phải khá vất vả để đạt được mục tiêu xe điện của mình.
Phân tích này phù hợp với dự báo từ công ty dữ liệu khoáng sản Benchmark Mineral Intelligence (Anh) rằng nhu cầu đối với một số nguyên liệu chính sẽ vượt xa nguồn cung trong thập niên tới.
Benchmark dự đoán rằng nhu cầu lithium sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 khi Trung Quốc, châu Âu và sau đó là Mỹ nhanh chóng rời xa xăng và dầu diesel. Tuy nhiên, nếu dự báo này là chính xác, lượng thiếu hụt lithium vào năm 2030 sẽ tăng lên 390.000 tấn.
Bên cạnh đó, Benchmark còn cho rằng nguồn cung coban và niken cùng sẽ bị thiếu hụt vào năm 2030.
Chuyên gia Caspar Rawles, giám đốc dữ liệu của Benchmark, cho biết: "Trong trung và thậm chí dài hạn, lithium có thể sẽ là yếu tố hạn chế tốc độ mà ngành công nghiệp pin có thể mở rộng".
Theo chuyên gia này, các dự án khai thác lớn thường mất ít nhất 5 năm để bắt đầu sản xuất nguyên liệu trên quy mô lớn và có thể mất tới 7 năm nếu cần gây quỹ. Điều đó có nghĩa là các quyết định đầu tư sẽ cần được đưa ra trong 1 hoặc 2 năm tới để tăng nguồn cung vào năm 2030.
Pháp và Ý tính hạn chế trợ cấp cho xe điện châu Á sản xuất
Hy vọng cho xe điện châu Âu?
Trong một báo khác được The Guardian công bố vào tháng 11, Northvolt, nhà sản xuất pin điện nội địa lớn duy nhất ở châu Âu, cho biết họ đã tạo ra loại pin natri-ion "đột phá".
Theo nhà phát triển Thụy Điển, pin loại này có chi phí thấp hơn, bền vững hơn, được thiết kế để lưu trữ điện mà không cần đến lithium, niken, than chì và coban. Qua đó, các ngành công nghiệp năng lượng và xe điện của châu Âu có thể giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô khan hiếm từ Trung Quốc.
Northvolt cho biết loại pin mới của họ có mật độ năng lượng hơn 160 watt/giờ, được thiết kế cho các nhà máy lưu trữ điện nhưng trong tương lai có thể được sử dụng trong các phương tiện chạy điện, chẳng hạn như xe máy 2 bánh.
"Việc sử dụng công nghệ natri-ion không phải là mới nhưng chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm đầu tiên hoàn toàn không chứa các nguyên liệu thô quan trọng. Đó là một bước đột phá cơ bản", ông Patrik Andreasson, phó chủ tịch chiến lược và tính bền vững của Northvolt cho biết.
Khi được hỏi liệu Northvolt có mở hoạt động ở Anh hay không, ông Andreasson nói: "Chúng tôi đang bận rộn. Chúng tôi có một con đường rõ ràng về nơi chúng tôi sẽ đến".
Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua giành 'vàng trắng' tại Bolivia Nga gần đây đã có được quyền tiếp cận một trong những trữ lượng lithium lớn nhất thế giới, tương tự Trung Quốc. Lithium được mệnh danh là "vàng trắng" hoặc "dầu mỏ của thế kỷ 21". Lithium từ Bolivia. Ảnh: DW Theo thông tin chính thức, tập đoàn Uranium One của Nga có kế hoạch đầu tư khoảng 450 triệu USD vào...