Ông Trump chọn ai làm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tư pháp và Giám đốc Tình báo Mỹ?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Ngoại trưởng Mỹ, nhà lập pháp Matt Gaetz làm Bộ trưởng Tư pháp và bà Tulsi Gabbard làm Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Bà Tulsi Gabbard (trái), ông Marco Rubio (giữa) và ông Matt Gaetz. ẢNH: AFP
“Ông ấy sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ cho quốc gia của chúng ta, một người bạn thực sự của các đồng minh của chúng ta và là một chiến binh không sợ hãi, sẽ không bao giờ lùi bước trước kẻ thù của chúng ta”, ông Trump nhấn mạnh trong một tuyên bố về việc đề cử ông Rubio làm Ngoại trưởng Mỹ, theo Reuters.
Hôm 11.11, báo chí Mỹ loan tin ông Trump đã chọn ông Rubio (53 tuổi) làm Ngoại trưởng Mỹ. Sau đó, thông tin về việc lựa chọn ông Rubio làm Ngoại trưởng Mỹ đã gây ra sự chỉ trích từ một số thành viên của đảng Cộng hòa coi quan điểm chính sách đối ngoại của ông Rubio là quá truyền thống và mang tính quốc tế.
Nhân vật cứng rắn sẽ làm ngoại trưởng Mỹ trong nội các của ông Trump?
Ông Rubio được cho là ứng viên có lập trường cứng rắn nhất trong danh sách rút gọn của Tổng thống đắc cử Trump cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ, và trong nhiều năm qua, ông đã ủng hộ chính sách đối ngoại cứng rắn đối với các đối thủ địa chính trị của Mỹ, trong đó có Trung Quốc và Iran. Ông Rubio được cho là người có quan điểm cứng rắn nhất về Trung Quốc tại Thượng viện Mỹ, theo Reuters.
Cũng trong ngày 13.11, ông Trump thông báo nhà lập pháp Matt Gaetz là ứng viên của ông cho chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ.
“Chỉ có vài vấn đề ở Mỹ quan trọng hơn việc chấm dứt tình trạng vũ khí hóa hệ thống tư pháp mang tính đảng phái của chúng ta. Ông Matt sẽ chấm dứt chính phủ vũ trang… và khôi phục lại niềm tin và sự tin tưởng đã bị phá vỡ nghiêm trọng của người Mỹ trong Bộ Tư pháp”, ông Trump viết trên mạng xã hội.
Ông Gaetz, một người đến từ bang Florida và là hạ nghị sĩ Mỹ từ năm 2017, là một trong những đề cử gây tranh cãi nhất của ông Trump khi ông tìm cách lấp đầy nội các của mình sau chiến thắng trước ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Ông Trump đã kêu gọi trả thù những kẻ thù chính trị bị ông cáo buộc sử dụng sức mạnh của Bộ Tư pháp chống lại ông trong các vụ truy tố có động cơ chính trị.
Ngoài ra, ông Trump ngày 13,11 đã bổ nhiệm cựu đảng viên đảng Dân chủ Tulsi Gabbard, người phản đối sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và đã gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad, làm Giám đốc Tình báo Quốc gia của Mỹ, theo AFP.
Tổng thống đắc cử Trump nói rằng bà Gabbard sẽ “mang tinh thần không sợ hãi mà đã định hình sự nghiệp lừng lẫy của bà đến cộng đồng tình báo của chúng ta”.
Bà Gabbard đã chuyển phe khỏi đảng Dân chủ và ủng hộ ông Trump trong đầu năm nay, giúp ông trong quá trình chuẩn bị tranh luận với bà Harris, và đã mong đợi một phần thưởng vì đã đứng sau lưng cựu tổng thống, theo AFP. Bà Gabbard từ lâu đã có quan điểm chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập và chấp nhận một số thuyết âm mưu.
'Bộ sậu' mới ở Nhà Trắng dần rõ nét, quan hệ Mỹ - Trung dễ căng thẳng
Nội các sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump dần hình thành với một số vị trí quan trọng là những người được đánh giá rất cứng rắn trước Trung Quốc.
Hôm qua 12.11, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin thân cận tiết lộ ông Trump dự kiến chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ và Hạ nghị sĩ Mike Waltz trở thành Cố vấn An ninh quốc gia khi chính thức quay lại Nhà Trắng vào tháng 1 tới đây. Ông Trump vừa qua cũng đã chọn Hạ nghị sĩ Elise Stefanik làm Đại sứ Mỹ tại LHQ và bà Susie Wiles làm Chánh văn phòng Nhà Trắng.
Nhà Trắng chờ đội hình nhân sự mới cho nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump. ẢNH: N.M.T
Nhiều gương mặt rõ nét
Trong khi đó, thông qua mạng xã hội, ông Trump cũng đã tiết lộ việc sẽ không chọn lựa bà Nikki Haley (cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ và từng cạnh tranh với ông Trump để đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống) vào "đội hình". Tương tự, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng bị loại khỏi danh sách chọn lựa cho các vị trí quan trọng sắp tới.
Trước đó, nhiều thông tin đồn đoán cho rằng ông Pompeo là ứng viên làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, chỉ trong 4 năm từ 2017 - 2021, có đến 5 người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mà nguyên nhân liên tục thay đổi đến từ việc bất đồng với chính ông Trump. Lần này, khi các chọn lựa của vị Tổng thống đắc cử được đánh giá sẽ nhấn mạnh vào tính trung thành, thì vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc càng trở nên quan trọng hơn khi một số nhân vật có ảnh hưởng trong quân đội Mỹ liên tục nhấn mạnh quân đội chỉ trung thành với "hiến pháp" và quốc gia chứ không phải một cá nhân.
Nghị sĩ Mike Waltz. ẢNH: REUTERS
Chính vì thế, chủ nhân Lầu Năm Góc sắp tới được nhận định sẽ là người vừa trung thành với ông Trump vừa có thể điều hành hiệu quả quân đội Mỹ. Đến nay, sau khi cựu Ngoại trưởng Pompeo bị loại khỏi đường đua thì danh sách tiềm năng làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn những ứng viên sau: ông Keith Kellogg (từng là quyền Cố vấn An ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump); nghị sĩ Mike Roger (Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện); ông Richard Grenell (người từng là quyền Giám đốc tình báo quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump) và ông Robert C. O'Brien (Cố vấn An ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump).
Ngoài các vị trí Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng, thì hai vị trí Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại cũng có ảnh hưởng lớn đến chính sách hành động đối ngoại sắp tới. Cựu Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu là ông Robert Lighthizer đang trở thành cái tên sáng giá để làm Bộ trưởng Tài chính hoặc Bộ trưởng Thương mại.
Đội hình "diều hâu" ?
Như vậy, tổng cộng còn 15 vị trí quan trọng trong nội các sắp tới của ông Trump. Tức vẫn còn khoảng 3/4 "bộ sậu" Nhà Trắng cần được ông Trump kiện toàn bộ máy. Tuy nhiên, khác với dự báo trước đó là đến cận kề lễ Giáng sinh thì bộ máy mới được chọn lựa hoàn tất, ông Trump dường như đang đẩy nhanh quá trình xây dựng đội ngũ. Có lẽ, đó là vì ông từng có kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, lợi thế đảng Cộng hòa đang thắng thế ở cả thượng viện lẫn hạ viện cũng có thể giúp ông Trump dễ dàng đạt được các đề xuất nhân sự mà ít bị cản trở ở Quốc hội.
Mặc dù còn khuyết nhiều vị trí, nhưng việc chọn lựa ông Rubio làm Ngoại trưởng và ông Waltz làm Cố vấn An ninh quốc gia báo hiệu nhiều hành động đối ngoại của Nhà Trắng sắp tới sẽ rất cứng rắn. Cả hai nghị sĩ này đều được đánh giá là "diều hâu", có xu thế sử dụng các biện pháp "cơ bắp" trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc cũng như giải quyết các vấn đề đối ngoại.
Nghị sĩ Marco Rubio. ẢNH: REUTERS
Bên cạnh đó, ông Lighthizer cũng là một "diều hâu" và từng nhiều lần nhấn mạnh cần dùng những biện pháp mạnh mẽ trước Trung Quốc. Chính vì thế, nếu nhân vật này nắm giữ Bộ Tài chính hoặc Bộ Thương mại của Mỹ thì gần như chắc chắn Washington sắp tới sẽ "không nương tay" trong cuộc thương chiến với Bắc Kinh. Điều này đồng nghĩa với việc quan hệ Mỹ - Trung sắp tới sẽ còn căng thẳng.
Bên cạnh đó, cả hai nghị sĩ Rubio và Waltz đều nhấn mạnh cần thiết lập hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời cho rằng Mỹ không nên quá tốn kém cho những cuộc xung đột đang xảy ra ở Ukraine và Trung Đông. Tuy nhiên, giải quyết xung đột ở Ukraine là thách thức không nhỏ cho ông Trump trong nhiệm kỳ tới.
Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia tình báo quốc phòng Mỹ nhận xét nhiều khả năng chính quyền mới của Washington sẽ gây áp lực với cả Moscow lẫn Kyiv. Trong đó, đối với Kyiv thì Washington có thể sử dụng "lá bài" viện trợ để khiến Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán và thậm chí phải chấp nhận không đòi hỏi một phần lãnh thổ đã bị chiếm đóng. Với Moscow, Washington có thể tạo sức ép bằng đe dọa cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công tầm xa để thọc sâu vào lãnh thổ Nga. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Mỹ yêu cầu các nước châu Âu phải "gánh vác" nhiều hơn trong việc hỗ trợ Ukraine.
Tất nhiên, vẫn cần thêm thời gian để nhận định chính xác hơn về chương trình hành động sắp tới của ông Trump.
Bà Harris lần đầu xuất hiện sau bầu cử Mỹ
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 11.11 xuất hiện tại lễ tưởng niệm ở nghĩa trang quốc gia Arlington (bang Virginia), sự kiện công khai đầu tiên của bà từ sau bài phát biểu hôm 6.11, thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử Mỹ. Bà Harris dự buổi lễ cùng Tổng thống Joe Biden tại nghĩa trang Arlington nhân kỷ niệm ngày Cựu chiến binh Mỹ, thực hiện nghi lễ đặt vòng hoa tại ngôi mộ của các liệt sĩ vô danh. Phó tổng thống Mỹ không phát biểu tại sự kiện và sau đó trở về Washington D.C, kết thúc lịch trình công khai trong ngày.
Tại buổi lễ tưởng niệm, Tổng thống Biden nói việc chăm lo cho các cựu binh là bổn phận thiêng liêng, đồng thời đề cập đây là lần cuối cùng ông dự buổi lễ với tư cách tổng tư lệnh quân đội Mỹ.
Nghĩa trang quốc gia Arlington là nơi an nghỉ của 2 vị cố tổng thống Mỹ, các vị tướng cấp cao và khoảng 400.000 cựu binh Mỹ.
Đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ Đảng Cộng hòa đã giành thế đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện sau bầu cử, các hãng truyền thông lớn của Mỹ ngày 13/11 dự đoán. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (Ảnh: Reuters). Sau hơn một tuần kiểm phiếu, CNN và NBC dự đoán đảng Cộng hòa đã đạt được 218 ghế cần thiết để giữ thế đa...