Nồng ấm hương vị nem thính xứ Thanh
Nem chua Thanh Hóa có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Cầu kỳ hơn một chút, có lẽ ít ai biết đến món nem thính, với vị chua đặc biệt của của thịt trộn thính, hòa lẫn mùi thơm nồng của lá chuối nướng cháy, chỉ ngửi thôi đã thấy thèm rồi.
Chấm vào một chút tương ớt cay cay, cảm nhận từng loại mùi vị hòa quện nơi đầu lưỡi, đây quả là một món ăn tuyệt vời của miền quê xứ Thanh.
Để vừa lòng những thực khách khó tính nhất, nem thính phải chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu. Phải là thịt ba chỉ hoặc thịt vai không quá nhiều mỡ, thịt phải tươi, lấy về còn nóng ấm, da bì lợn tươi hồng, lá ổi và lá đinh lăng vừa đủ độ non.
Thịt lợn cắt thật sạch để không phải đem rửa, nước lã sẽ làm hỏng vị nem, sau đó đem thái chỉ. Đây có lẽ là công đoạn vất vả nhất, phải thái thật đều tay, thái quá nhỏ sẽ trở nên tủn mủn, thái quá to sẽ làm gia vị khó ngấm vào trong và làm hỏng quá trình lên men thịt. Bì lợn lọc bỏ sạch sẽ, cũng đem thái chỉ thật mỏng. Trước đây người dân thái thủ công, bây giờ hiện đại hơn, người ta có thể dùng máy để thái ra những miếng đều tăm tắp và đủ tiêu chuẩn, tuy nhiên khi ăn, ai tinh ý sẽ thấy nó tỏa ra cái mùi ngai ngái của máy, không có được cái vị ngon đặc biệt tự tay làm.
Xong công đoạn thái thịt, đem ướp với muối, mắm, bột ngọt và hạt tiêu bắc, băm thêm tỏi trộn vào, lượng tùy vào khẩu vị. Đảo thật đều cho ngấm, rồi rắc thính vào trộn vừa đủ khô. Thính được làm từ gạo tẻ, rang vàng thơm lên rồi xay hoặc giã nhỏ thành bột. Lượng thính trộn vào hoàn toàn là cảm nhận và bí quyết riêng của người làm nem.
Chọn lá chuối để gói cũng là một công đoạn đặc biệt. Lá chuối phải là lá cây chuối hột, khi nướng mới tỏa ra mùi thơm thấm vào từng miếng thịt. Lá chuối đem hong cho héo bớt để gói không bị giòn, lau sạch sẽ, rồi tước ra thành từng mảnh nhỏ, một chiếc nem thính phải được bao bọc bởi 3, 4 lớp lá chuối như vậy.
Video đang HOT
Cuối cùng, thịt sẽ được chia nhỏ thành từng cục để gói. Nắm từng cục thịt thật chắc, quấn thêm một lớp lá ổi và lá đinh lăng đã chuẩn bị từ trước, rồi lần lượt bao bọc bởi các lớp lá chuối, cột lạt thật chặt rồi xâu thành từng xâu treo trong bếp. Hơi nóng của thính và tỏi hòa quyện với các gia vị sẽ làm nem lên men, sau khoảng 2 ngày là nem chín đến.
Khác với nem chua, có thể ăn liền, thì nem thính lại phải nướng lên mới ăn được. Đem cả cái nem còn nguyên lá chuối vùi vào tro nóng, đặt than hồng lên trên ủ chín bằng hơi, để cho cháy xém hết lớp lá chuối bọc ngoài vào tận bên trong, mùi thơm tỏa ra cùng tiếng nổ lép bép, xì xèo của mỡ, chảy ra và quện vào nhau, khiến mấy đứa trẻ cứ hau háu chực chờ nuốt nước miếng.
Bóc hết lớp lá chuối bao ngoài rồi đem chấm tương ớt cay xè, ăn khi còn nóng hổi. Nem thính ít phổ biến hơn cũng vì yêu cầu khó tính phải được nướng trong tro bếp mới thưởng thức hết cái thơm ngon của nó. Giờ ít nhà đun củi nên không có tro than, cho vào lò vi sóng hoặc nướng bằng bếp điện, nhưng không thể có được vị thơm đặc biệt khi nướng bằng tro .
Nem thính xứ Thanh thức dậy vị chua chua, vị thơm bùi của thính, có vị ngọt ngọt của thịt, vị cay cay của tiêu bắc, vị nồng nồng của tỏi, vị thanh thanh của lá đinh lăng và ổi, và đặc biệt là mùi hương nồng của lá chuối cháy, làm nao lòng du khách.
Theo VNE
Gỏi cá mè 'đè' cá chép
Cá mè là loại cá đứng đầu hàng tanh. Vậy mà loại cá này lại được chọn để làm món gỏi ở rất nhiều làng quê miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên...
Nhiều người cứ nghĩ gỏi cá là ăn sống, mất vệ sinh, người yếu bụng không dám ăn nhưng thực tế đó lại là món ăn rất mát và lành.
Món gỏi cá mè dân dã đậm chất quê lại kinh tế bởi giá cá mè rẻ hơn so với các loại cá khác nên nó đã trở thành món khoái khẩu của dân sành nhậu.
Cá dùng để ăn gỏi phải là cá còn sống, được nuôi ở ao cát. Chọn con tầm 700-800g là có thể dùng làm gỏi được. Nếu nhỏ quá thịt nhão, to hơn sẽ bị béo không còn ngon thịt nữa.
Trước hết, bắt cá về rửa sạch, đánh vẩy sạch sẽ, dùng rơm hoặc lá tre khô hay giấy bản lau khô con cá. Mổ cá dọc theo sống lưng, moi ruột, cắt đầu, vây, đuôi, róc xương để riêng những thứ này dùng chế biến nước chấm.
Dùng giấy thấm khô phần cá nạc đã róc, dùng nhíp rút hết các xương dăm của cá sau đó dùng giấy thấm gói cá ủ vào trong gạo khoảng 2-3 tiếng thì đem ra thái. Khi thái cá phải dùng dao thật sắc, thái vát để tạo thành từng miếng to, mỏng. Thái từ trong ra, đến phần da cá thì để lại. Cá thái trộn đều với bột riềng và bột đỗ tương rang xay thành thính, dùng giấy cứng bọc kín để riềng thẩm thấu vào cá.
Để có một bữa gỏi cá bảo đảm chất lượng, ngoài việc chủ động chuẩn bị được những con cá tươi sống còn phải tìm các loại gia vị. Trong đó các gia vị phải chuẩn bị là: riềng, mẻ, bánh đa mềm, chuối xanh, khế chua, thịt ba chỉ, lạc, vừng, đỗ tương, nước mắm, mì chính, lá thơm.
Riêng lá thơm phải chuẩn bị trên dưới 10 loại lá gồm: lá sung, lá mơ lông, lá vọng cách, lá đài bi, lá rấp cá, tía tô, kinh giới, mùi tàu, lá ổi, lá sắn thuyền, lá đinh lăng...Các loại lá có thể thái nhỏ, trộn đều, cũng có thể để nguyên để người ăn có thể chọn loại lá hợp sở thích, chú ý lá phải khô.
Để làm nên thành công cho món gỏi cá không chỉ ở cách chế biến mà còn ở khâu pha chế nước chấm. Nước chấm được chế biến rất công phu với nguyên liệu chủ yếu là da và gan cá, thịt ba chỉ, trứng vịt và các gia vị như hành tỏi khô, mẻ, mắm muối, mì chính, đường, hột tiêu (ớt) ...
Da và gan cá được băm nhỏ cùng với thịt ba chỉ rồi ướp với mẻ và các gia vị nói trên cho mỡ lợn hoặc dầu ăn vào xong đun sôi để phi thơm hành tỏi, cho hỗn hợp trên vào xào qua rồi cho thêm vào một ít nước, đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 - 20 phút. Trứng vịt đập vào bát, đánh tan cho vào nồi khuấy đều, nêm thêm muối và bột ngọt cho vừa ăn là được.
Ăn gỏi cá cũng là cả một nghệ thuật. Thực khách dùng thìa san một ít nước chấm vào bát của mình, có thể dùng bánh đa mềm hoặc trực tiếp dùng lá sung, lá vọng để gói. Đặt miếng cá vào giữa rồi cuộn lại, nhúng ngập vào bát nước chấm rồi đưa lên miệng nhai ...
Vị ngọt thơm của cá gỏi, mằn mặn, cay cay, beo béo của nước chấm hòa quyện với mùi vị của các loại rau thơm, cộng thêm một chén rượu nhỏ để đưa cay, trong phút lâng lâng chắc thực khách sẽ tự mỉm cười và cảm ơn cuộc đời lại có một món ăn lạ lùng và kỳ thú đến như vậy.
Ngô Thu Hường
Theo VNE
Ngọt thơm canh sườn lá đinh lăng Lá đinh lăng không chỉ dùng để kho cá, làm thứ rau ăn kèm với nem chua, gỏi...; đun nước uống chữa bệnh đau lưng, mỏi gối, nóng trong, chán ăn mà ngày nay người ta còn dùng để nấu canh với sườn non. Đây là món ăn lạ miệng và bổ dưỡng. Từ bao đời nay, ta vẫn biết đến đinh lăng...