Nói với con về bố
Bố của con hay bố của mẹ cũng như bao ông bố khác mang trong mình đầy trách nhiệm. Họ chẳng bao giờ kể lể, chỉ âm thầm làm lụng để mang đến cho vợ con một cuộc sống đủ đầy.
Giờ đây mẹ không còn dám so sánh giữa công cha và nghĩa mẹ, bởi đã làm bố, làm mẹ thì đều mang trong mình trọng trách riêng, tựu chung lại vẫn là tình yêu thương vô bờ với con cái và một lòng vun vén cho cả gia đình.
Vì “mẹ yêu con bằng dòng sữa ngọt, cha yêu con bằng giọt mặn mồ hôi”, khi mẹ ôm ấp con ở trong lòng thì ngoài kia bố vẫn đang khó nhọc làm công việc của mình và không cho phép bản thân được dậm chân tại chỗ. Chẳng bao giờ bố kể hết những khó khăn của mình trong công việc, cũng như tình cảm trong lòng bố cứ chôn giấu mãi chả mấy khi thể hiện. Chỉ thi thoảng ghé tai mẹ thì thào “ Sao nhóc con đáng yêu đến thế nhỉ?”.
Không những vậy bố còn phải nghiêm khắc, phải đóng vai “ác”, dù bố hiền khô, có biết quát tháo là gì đâu. Ở với nhau bao năm chưa một lần bố to tiếng đe nẹt mẹ và kể cả những người xung quanh. Với các con đôi lúc bố còn phải đè nén tình cảm của mình, những mong các con lớn lên có kỷ luật và biết rõ tôn ti trật tự, hiểu việc gì nên hay không nên làm.
Video đang HOT
Mà dạo này mẹ dễ khóc quá, mẹ thương bố con mải cặm cụi làm việc, về nhà lại luôn tay giúp mẹ con mình, mới đây ai đến chơi cũng kêu sao bố con gầy quá, bố chẳng còn vẻ trắng trẻo thư sinh, với mái tóc lượn sóng ngày nào. Đôi bàn tay kia đã trở nên gân guốc và thô ráp. Bố không còn lúc nào mà đánh đàn nữa, thời gian ấy bố dành để cùng mẹ nựng nịu hay quấy bột cho con thơ.
Và mẹ vẫn gàn dở giống bố con, hay “tinh tướng” thích một cuộc sống thanh bạch, không phải bần hàn mà là đủ sống thôi, không dám bon chen gì cả. Cũng vì muốn cạnh tranh cũng khó, do bố mẹ chẳng bao giờ muốn xa gia đình, thành ra chỉ làm được việc nhỏ, vừa sức, chỉ mong sao lúc nào nhà mình cũng ở bên nhau chia sẻ mọi buồn vui tâm sự. Vậy nên mẹ thấy chúng ta thật là giàu có, khi “vàng bạc”, thời gian bố mẹ giành hết cho các con, ở bên dìu dắt từng đứa.
Mẹ tin ở khả năng sư phạm của bố con, nhờ suốt thời gian đại học bố đi làm gia sư để trang trải việc học hành. Bố nói sẽ dạy các con phương pháp tư duy, tự vận động, suy nghĩ hướng đến việc tự học là chính, bố mẹ chỉ ở bên để định hướng khi cần, còn chủ yếu vẫn là bản thân con. Nghe bố vạch ra hẳn một “kế hoạch đào tạo” mà mẹ thấy hấp dẫn quá và đang hồi hộp chờ ngày đi vào thực tiễn thực hiện.
Gần đây mẹ hình như đã bớt lãng mạn, còn bố con có lẽ chưa, vẫn tỉ mẩn chiều theo sở thích vu vơ ngày nào của mẹ. Bố dành một khoảng đất giáp tường nho nhỏ để trồng những cây hoa, như bóng nước, dừa cạn, xinh xinh hệt những cánh bướm nhỏ dập dìu. Bố thổ lộ, ngày mẹ sinh, sẽ ôm một bó hoa hái trong vườn nhà vào tặng hai mẹ con.
À, bố con còn cuốc và giâm một luống rau ngót to để mẹ ăn sau khi sinh con đấy. Thế nên đừng bao giờ phải hỏi mẹ vì sao lại yêu bố con nhiều đến thế!
Theo VNE
Lời tỏ tình của...vợ
Chị loay hoay suốt buổi sáng, toát cả mồ hôi vẫn không thể nào nhớ ra khi đăng ký với Yahoo, chị đã "cho" vợ chồng đi trăng mật ở đâu! Giờ tự nhiên nhà mạng hỏi, chị trả lời lung tung, thế là nó khóa.
Sau hai ngày vật lộn với trang mạng, chị gọi điện cho chồng: "Anh coi cứu hộp thư lại giùm em, nó nói khóa trong 12 tiếng". Anh nói tỉnh bơ: "Thì đợi đến giờ đó mở ra". Nhưng anh không biết rằng hôm qua đến giờ chị đã 3 lần đợi chờ như vậy! "Vô vọng rồi, chị mở hộp thư mới đi!". Cậu nhân viên IT của công ty khẳng định, chị thẫn thờ ngồi xuống ghế: "Chết rồi, trong đó biết bao nhiêu dữ liệu!".
Khi chắc là mình đã hết hy vọng, chị mới bắt đầu lôi mớ name card ra, truy cập vào hộp thư mới, nhắn tin chào mời bạn bè và đối tác. Hai ngày liên tục bận bịu tự giới thiệu mình với những người thân quen, xong việc, lẽ ra thở phào nhẹ nhõm, chị lại cảm giác nặng trĩu lòng. Như vậy là chị đã chính thức mất hết những trang thư mang đầy kỷ niệm một thời...
Chị và chồng không có kỳ trăng mật, phần vì ngày đó quá nghèo, phần cũng vì tham công, tiếc việc... Từ khi lấy nhau, anh chị thoả thuận: cơ quan ai tổ chức đi nghỉ mát, người đó tự đi một mình cho đỡ tốn kém. Vậy là tự nhiên anh chị chẳng bao giờ được "tay trong tay" đến khắp mọi nơi như ngày yêu nhau vẫn hứa. Rồi thì anh chị có con, đi đâu, làm gì cũng phải đồng hành cùng con.
Mười năm chung sống, chị thương nhất là quãng thời gian anh đi học ở Hà Nội. Chị ở nhà, vừa đi làm, vừa tất tả đưa đón hai con. Cứ tầm trưa, anh tan học, hai người lại "hẹn hò" trên mạng... Những lời yêu thương, nhung nhớ lâu ngày không nói, giờ có dịp tỏ bày. Ngày nào chị bận việc quá, nhắn vội cho anh qua điện thoại, chắc chắn, đêm đó, hộp thư email của chị sẽ có một lá thư của anh. Lá thư ngắn ngủi chừng năm bảy dòng, chỉ nói về những công việc của anh trong ngày, những bài tập hôm nay anh phải làm, rồi thăm hỏi tình hình con cái. Nhưng chị trông chờ thư đó lắm. Bởi lá thư nào anh cũng bắt đầu bằng hai chữ: "Vợ yêu!"...Thảng lâu, anh viết vội; "Anh nhớ em và hai con nhiều lắm!".
Thời gian hai năm rồi cũng hết. Anh hoàn thành khoá học và trở về, lại cùng chị chung vai gánh vác gia đình. Hai đứa con ngày một lớn khôn, thông minh, ngoan ngoãn. Nhưng anh vốn kiệm lời, chưa bao giờ anh khen vợ một câu, cũng chẳng bao giờ anh nói lại hai chữ "yêu em" như những ngày xưa cũ.
Chạnh lòng, nhưng rồi chị tự an ủi mình: "Chồng như vậy là quá tốt rồi!". Xong, chị lại len lén mở email, tra lại những email của quãng thời gian hai năm "trăng mật". Mỗi lá thư đều làm cho chị nhoẻn cười. Khi thì anh nói hôm nay dắt tay chị đi ở vườn hoa Đà lạt, lúc anh bảo để anh chèo xuồng cho chị hái trái cây ở sông Tiền... Những lá thư an ủi chị, giúp chị vui vẻ hơn khi đứng hàng tiếng đồng hồ để nấu nướng, dọn dẹp hay ủi áo quần cho chồng con.
Nhưng, nay cả những lá thư ấy cũng đã không còn tồn tại! Chị hụt hẫng nhận ra hôn nhân của mình đã quá cũ mòn. Suốt cả đêm không ngủ, chị viết một lá thư "tỏ tình" với anh: ...Em muốn nhận lời yêu mỗi ngày để có đủ sức lực tiếp tục những công việc cũ mòn, mệt mỏi ở góc bếp nhà mình; nên anh hãy làm ơn viết lại giúp em vài lá thư với những lời yêu xưa cũ, em sẽ save nó vào hộp thư, chép nó vào usb, cất nó vào ổ cứng di động... Để từng ngày, em vẫn có cõi của mình mà mơ mộng...
Theo VNE
Một đời cho con Buổi chiều cơm nước xong, anh bắc ghế ra ngồi trước nhà. Mặt trăng lên sớm, đã ló dạng sau ngọn cây dừa. Trong nhà, dọn dẹp đâu đó xong, chị bước đến bên cái cát - xét cũ kỹ, nhấn nút, có tiếng nói phát ra. Đó là tiếng học bài của thằng con lớn. Hồi còn ở nhà, thằng bé thường...