Nồi thịt kho ngày Tết
Còn nhớ mỗi lần Tết đến, cả nhà tôi rộn ràng chuyện mứt bánh, chuyện xắt thịt mỡ dồn lạp xưởng, xẻ khô phơi nắng… Riêng bà ngoại tôi, luôn dành phần hai món, nhất định không cho ai rớ vào. Đó là nồi thịt kho rệu và nồi hủ qua (khổ qua) hầm.
Nồi thịt kho rệu của ngoại thì khỏi nói, ngon tuyệt. Để có nồi thịt kho “tuyệt cú mèo” ngày Tết, ngoại tôi phải tỉ mỉ cắt từng miếng thịt đùi sao cho vuông vức, thật đều, để mỗi miếng đều có phần thịt, phần mỡ cân đối, hài hòa. Để thịt và mỡ khỏi bị tách ra, trước khi ướp, ngoại cẩn thận lấy dây lạt cột ngang từng miếng và không ướp muối, vì như thế miếng thịt sẽ đục. Phải ướp chút tỏi băm và đường rồi đem phơi nắng cả buổi cho miếng thịt trong. Sau đó mới chấy tỏi mỡ, cho thịt vào, đảo đều cho miếng thịt săn lại rồi đổ nước dừa tươi vào, để riu riu lửa trên bếp than cho đến khi thịt rệu.
Ngày Tết, trên mâm cơm cúng ông bà, ngoại tôi múc thịt kho rệu vào một cái đĩa kiểu xưa, nước men xanh bóng, trông rất xinh xắn. Trên mỗi đĩa đồ cúng, ngoại lại thả thêm vài sợi ớt sừng trâu đỏ cho đẹp. Sau này, khi con gái tôi lớn lên, ngày đám hỏi của nó, bà má chồng tôi, tức bà nội cháu, từ quê ra, nhất định dành phần nồi thịt kho rệu đãi đàng trai gốc miệt vườn. Nồi thịt của má chồng tôi cũng khéo, ngon như của ngoại, làm mấy cô gái phải chắt lưỡi khen ngợi.
Những ngày trước Tết, nhìn mọi người đi chợ mua thịt, mua trứng, dừa xiêm chuẩn bị nồi thịt kho rệu đón Tết, tôi lại rưng rưng, bồi hồi. Trước mắt tôi lại hiện ra cái dáng đi khòm khòm của ngoại, tai tôi lại văng vẳng tiếng dép lẹp xẹp ngoại kéo lê trong nhà. Và, hình như thoảng qua mũi tôi là mùi thịt kho nước dừa thơm phức của ngày xưa, một ngày xưa còn đọng lại bao kỷ niệm ngọt ngào, hạnh phúc…
Video đang HOT
Theo PNO
Đi xa nhớ bún nước lèo
Có một món ăn kết hợp hài hòa tinh hoa ẩm thực của cả 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Đó là bún nước lèo, một trong những đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.
Món ăn đoàn kết
"Trong tô bún nước lèo, người ta thấy hương vị mắm của người Khmer (theo đúng truyền thống là mắm prô hốc), thịt heo quay của người Hoa và bún, cá, rau... của người Kinh. Từng món riêng lẻ đã là đặc sản, lại được người Sóc Trăng kết hợp với nhau một cách hài hòa và tinh tế để tạo thành món bún nước lèo vô cùng độc đáo", ông Đoàn Minh Phương, chủ quán bún nước lèo Phương Giang ở TP.Sóc Trăng, phân tích. Ông Phương cho rằng bún nước lèo xứng đáng được xếp đầu trong danh sách đặc sản Sóc Trăng, vì ngoài hương vị thơm ngon nó còn thể hiện rất rõ tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất này.
Món bún nước lèo phổ biến ở nhiều tỉnh miền Tây, mỗi địa phương đều có nhưng biến thể riêng nên hương vị mỗi nơi mỗi khác. Riêng với người dân Sóc Trăng, một tô bún nước lèo ngon thì nước lèo phải trong nhưng vẫn giữ được hương thơm và vị mắm mặn nhẹ ở đầu lưỡi mà người ở quê thường gọi là "măn mẳn". Để nước lèo được ngon đậm đà và không nặng mùi, ngày nay các quán bún thường dùng mắm cá sặc xứ Ngã Năm và Trần Đề (cũng thuộc tỉnh Sóc Trăng), nấu bằng nước dừa. Bên cạnh đó là củ ngải bún và sả nguyên cọng đập dập. Đây là điểm khác biệt của bún nước lèo Sóc Trăng so với các địa phương khác và khác xa bún mắm.
Bún nước lèo Sóc Trăng - Ảnh: Chí Nhân
Theo ông Phương, phần nước lèo chính là "linh hồn" của tô bún và người ta đánh giá tài nghệ của người nấu chính ở điểm này. Theo nhiều bậc cao niên, bún nước lèo có nguồn gốc từ người Khmer, nhưng những tiêu chí về nước lèo ngon như ngày nay thì dấu ấn của người Kinh khá rõ nét. Đây chính là điểm thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực của người dân Sóc Trăng và sự kết hợp đằm thắm trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc.
Món bún nước lèo Sóc Trăng không thể thiếu cá lóc, tép và thịt heo quay. Cá lóc sau khi luộc chín phải được tách xương và da bỏ đi, chỉ còn giữ lại những miếng thịt trắng phau. Còn tép thì phải là loại tép đất bóc hết vỏ, chỉ còn lại phần thân đỏ tươi cuộn tròn. Thịt heo quay vừa có nạc vừa có mỡ, được xắt sợi chỉ to hơn đầu đũa ăn một chút. Ăn kèm với bún có rau muống, giá, bắp chuối, hẹ và rau thơm.
Người dân Sóc Trăng có thể ăn bún nước lèo nhiều lần trong một ngày và từ ngày này sang ngày khác vì nó gần như không có chất béo - trừ thịt heo quay. Khi đãi người thân và khách phương xa, người Sóc Trăng thường hay tự nấu bún nước lèo để thể hiện sự hiếu khách. Đứa con Sóc Trăng nào khi đi xa cũng nhớ về cái hương vị bún nước lèo quê nhà và muốn ăn cho đã thèm thì chỉ có về quê mới ăn "sướng miệng" được. Người Sóc Trăng mê bún nước lèo cũng như người Hà Nội ưa phở, người Huế không thể thiếu món bún bò.
Ông Việt kiều bán bún nước lèo
Người mê bún nước lèo đến "nổi tiếng" là ông Đoàn Minh Phương. Ông Phương sinh ra và lớn lên ở Sóc Trăng, đến năm 17 tuổi thì theo gia đình định cư ở Mỹ. Ở nơi xứ người suốt 30 năm nhưng ông không thể nào quên hương vị đặc sản quê nhà - món bún nước lèo và ông đã nhiều lần về thăm quê để được ăn cho đã thèm. Đến năm 2008, ông giúp vốn cho một người bạn thân mở quán bún nước lèo nhưng hoạt động không như mong muốn.
Vậy là ông Phương đích thân trở về quê mở quán, để lại cả một công ty chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và gia đình đầm ấm bên Mỹ. Ông mất gần một năm "tầm sư" ở gần hết các quán bán bún nước lèo ở Sóc Trăng để học cách nấu sao cho đúng chất nhất. Và rồi tháng 9.2009, quán bún nước lèo Phương Giang ra đời, cùng với trang web bunnuocleopg.com để giới thiệu với thực khách khắp nơi về món đặc sản này. "Tôi có mong muốn, mọi người khi nhắc đến Sóc Trăng là nghĩ ngay đến món bún nước lèo và ngược lại. Phải làm sao để thương hiệu "bún nước lèo Sóc Trăng" ngày càng lan xa hơn", ông Phương tâm sự.
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn khuếch trương thương hiệu "bún nước lèo Sóc Trăng" thì phải mở quán ở các nơi khác và cả ở nước ngoài chứ sao lại về ngay chính nơi đã có thương hiệu, thì ông Phương lý giải: "Vì Sóc Trăng là cái gốc của bún nước lèo. Muốn phát triển thương hiệu này thì phải bắt đầu từ đây rồi mới phát triển dần ra các nơi khác. Bắt đầu từ đây cũng chính là xây dựng một cái chuẩn chất lượng thống nhất cho món ăn này".
Theo Thanh Niên
Rét về, lại nhớ bánh tiêu Chiếc xe đạp cũ kỹ chở tủ kính nhỏ phía sau, bên trong xếp đầy những chiếc bánh màu vàng, thơm phức mùi vừng nếp... Với nhiều người, nỗi nhớ mùa đông Hà Nội đã gắn với hình ảnh và hương vị "bánh tiêu Sài Gòn". Chiếc bánh tiêu vàng ươm, thơm ngậy trong tiết trời đông Hà Nội - Ảnh: Phan Thanh...