Nội thành Hà Nội có 31 điểm ngập sâu
Do lượng mưa lớn trên diện rộng, tập trung trong thời gian ngắn nên Hà Nội đã xảy ra úng ngập tại 31 vị trí với mức độ ngập sâu từ 0,2 – 0,4m.
Mưa ngập hơn nửa bánh xe máy trên đường Giải Phóng sáng nay. Ảnh: T.Đảng.
Chiều 22/8, công ty Thoát nước Hà Nội đã có báo cáo về tình hình ngập úng do ảnh hưởng bão số 3 gửi UBND thành phố. Theo lãnh đạo công ty này, nước lũ trên một số sông trên địa bàn vẫn đang dâng cao và nhiều tuyến phố còn có nguy cơ ngập.
Báo cáo của công ty Thoát nước cho biết, từ ngày 18/8 đến 22/8 trên địa bàn thành phố xảy ra bão số 3 và gây mưa trên diện rộng. Tổng lượng mưa đo được trong 4 ngày qua là khá lớn. Cụ thể, tại Vân Hồ là 222,2mm; Nguyễn Khuyến 274,3mm; Mễ Trì là 265,6mm; Hoàn Kiếm 241,9mm; Xuân Đỉnh là 227,6mm; Yên Sở 246mm…
Mưa lớn đã làm mực nước một số sông lên cao, như sông Tô Lịch tại Hoàng Quốc Việt là 4.34m, tại Thanh Liệt là 4.11m; sông Nhuệ tại Đồng Bông I là 4.60m, tại Thanh Liệt là 4.12m.
“Mực nước lên cao đã khiến sông Nhuệ không tự chảy ra sông Hồng, đập Thanh Liệt đóng. Trước tình hình trên Cty đã vận hành tối đa công suất trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm Đồng Bông I, II, Thanh Bình… để hạ mực nước trên hệ thống, giải quyết ngập úng cho khu vực nội thành”, ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Cty Thoát Nước Hà Nội nhấn mạnh.
Video đang HOT
Cũng theo ông Hùng, với hệ thống máy bơm tiêu úng ở hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa, Linh Đàm… những ngày qua đã được mở để điều hoà nước cho các quận trung tâm.
Nội thành có 31 điểm ngập sâu
Tuy nhiên do lượng mưa lớn trên diện rộng, tập trung trong thời gian ngắn nên ông Hùng cũng phải thừa nhận, đã xảy ra úng ngập tại 31 vị trí với mức độ ngập sâu từ 0,2 – 0,4m. Cụ thể là trên các tuyến phố: Thụy Khuê – dốc La Pho, Đội Cấn, Cao Bá Quát, Phan Văn Trường, Phạm Văn Đồng, Hoa Bằng, Trần Hoàng Mai, Thanh Đàm, Minh Khai, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, đường Tố Hữu – chân cầu vượt Yên Nghĩa đến chung cư HH2, bến xe Yên Nghĩa…
Đánh giá về tình hình mưa lũ hiện nay, ông Hùng cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên trên địa bàn thành phố vẫn đang xuất hiện những trận mưa vùng, ví dụ như sáng 22/8. Lúc 8h sáng nay, mực nước trên một số sông vẫn dâng cao, trên sông Tô Lịch tại đập Thanh Liệt đo được là 4.19m, trên sông Nhuệ là 4.22m.
“Đập Thanh Liệt mở, đang vận hành trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm khác hỗ trợ giảm mực nước trên sông Nhuệ, hạ mực nước trên hệ thống về cao trình quy định, chuẩn bị đối phó với các trân mưa tiếp theo”, ông Hùng thông tin.
Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)
Mưa lũ ở Bắc Bộ làm 9 người chết, mất tích
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, vùng núi phía Bắc đã có mưa lớn khiến 7 người chết, 2 người mất tích và 8 người bị thương; thiệt hại nhiều tài sản khác.
Mưa lũ ở vùng núi phía Bắc khiến 17 người bị thương vong, mất tích
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, ngày 21/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn có mưa to đến rất to (100-200mm), một số nơi lớn hơn như trạm Km 46 (Sơn La), Cao Phong (Hòa Bình), Kim Bôi (Hòa Bình) 210mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 260mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 315mm.
Tình hình mưa lũ phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 7h sáng nay (21/8), mưa lũ đã khiến 7 người chết, 2 người mất tích và 8 người bị thương.
Ngoài ra, 2.206 nhà bị cuốn trôi, tốc mái, ngập nước; 2.154 nhà được di dời khẩn cấp; 10.032 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 595ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 252 cây xanh bị gãy đổ.
Hoàn lưu bão số 3 cũng khiến 1.956 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Có 14 cầu nhỏ, ngầm tràn bị cuốn trôi, ngập nước hoặc bị đất đá vùi lấp. 4 đập xây bị hư hỏng, 4.482 m kênh mương, 3.445m kè bị sạt, trôi, hư hỏng. Có 63 cột điện bị gãy, đổ, nhiều trạm điện biến áp bị hư hỏng gây mất điện ở một số nơi.
Nhận định tình hình mưa lũ còn diễn ra phức tạp, Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương vẫn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến mưa lũ để ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn.
Khu vực các tỉnh miền núi tiếp tục rà soát và triển khai ngay việc sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối có nguy cơ xảy ra ngập úng tránh tình trạng chủ quan.
Bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy siết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho người dân.
Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa bão, huy động nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác về sinh môi trường, bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân.
Tổ chức rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả các trận thiên tai vừa qua để bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó đảm bảo sát với thực tế.
Tổ chức đảm bảo đê điều, hồ đập, van xả lũ để ứng phó khi cần thiết. Thường xuyên trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
[Đồ họa] Lái xe qua vùng ngập, đừng quên những điều này Lái xe qua vùng ngập không chỉ gây hỏng xe mà còn gây nguy hiểm cho người lái. Để hạn chế tối đa rủi ro, cần lưu ý những điều này. Theo Lê Trung Đức (Dân Việt)