Nới quy định cho ví điện tử
Thanh toán không dùng tiền mặt luôn được các cơ quan quản lý tìm các giải pháp thúc đẩy. Vì thế, một số quy định cần được “nới” hợp lý để hoạt động này được nhiều người sử dụng hơn.
Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) đã ban hành Thông tư 23/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, NHNN quy định tổng hạn mức giao dịch qua ví điện tử cá nhân của một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng. Đối với tổ chức, NHNN không quy định hạn mức giao dịch ví điện tử.
Nếu so với những quy định tại dự thảo Thông tư này thì đã có sự nới lỏng rất nhiều. Bởi trước đó, dự thảo Thông tư đề xuất hạn mức giao dịch ví điện tử đối với cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; của tổ chức là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng. Theo NHNN, việc quy định hạn mức để phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ, giảm thiểu rủi ro về lợi dụng để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. Nhưng nhiều chuyên gia, DN đã bày tỏ ý kiến không đồng tình, bởi điều này sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN và không phù hợp với nhu cầu sử dụng ví điện tử của khách hàng, đặc biệt là hạn mức theo ngày.
Hiện nay, Chính phủ đã nêu chủ trương thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt, và theo thống kê của Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), tỷ trọng giao dịch không tiền mặt đã cải thiện đáng kể trong 5 năm qua với mức tăng trưởng giá trị giao dịch không tiền mặt bình quân 43%/năm. NHNN cho biết, hiện cả nước có 27 ví điện tử đang hoạt động với 4,2 triệu tài khoản liên kết và 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán. Tổng giá trị giao dịch ví điện tử trong năm dự kiến đạt 91.000 tỷ đồng, tăng 161% so với năm 2018 với 214 triệu giao dịch. Tổng giá trị trung bình một giao dịch qua ví hơn 424.000 đồng. Nhưng đến nay, 80% giao dịch trên thị trường là tiền mặt nên tiềm năng phát triển của ví điện tử là rất lớn.
Do đó, để phát triển hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, những quy định đưa ra phải phù hợp với thực tế, vừa thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước nhưng cũng phải tạo điều kiện cho mọi hoạt động của nền kinh tế được phát triển theo đúng xu hướng. Vì vậy, những hoạt động tham vấn, lấy ý kiến trước khi ban hành quy định mới luôn cần thiết, các cơ quan soạn thảo luật phải có trách nhiệm, lắng nghe các ý kiến để có những thay đổi hợp lý.
Bình Nam
Theo Haiquanonline.vn
Video đang HOT
Thông tư 23/2019 mở đường cho ví điện tử phát triển
Thông tư 23/2019/TT-NHNN vừa được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán có nhiều thay đổi được cho là sẽ mở đường cho ví điện tử phát triển. Thông tư 23/2019 có hiệu lực thi hành từ 7/1/2020.
Hoạt động của ví điện tử đã "mở" hơn với quy định mới.
Cá nhân được giao dịch tối đa 100 triệu đồng/tháng
Cụ thể, về hạn mức giao dịch qua ví điện tử, Thông tư 23/2019 chỉ quy định tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng, mà không quy định hạn mức giao dịch hàng ngày đối với cá nhân, cũng như không quy định hạn mức giao dịch đối với tổ chức.
Trong bản dự thảo trước đây, Ngân hàng Nhà nước đề xuất khống chế hạn mức giao dịch qua ví điện tử đối với cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; còn đối với tổ chức hạn mức giao dịch tối đa cao hơn 5 lần, tức 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.
Theo cơ quan này, quy định hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức là nhằm giảm thiểu rủi ro lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, bởi mục đích của dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.
Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối, bởi trên thực tế, nhiều loại hàng hoá, dịch vụ hiện nay như đồ điện tử gia dụng, điện thoại di động, máy vi tính, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch... có mức chi trả vượt quá hạn mức 20 triệu đồng, còn với doanh nghiệp thì các hoạt động chi trả tiền thưởng, phụ cấp cho nhân viên, hỗ trợ cho đại lý bán lẻ trong các đợt khuyến mãi... cũng có thể vượt quá hạn mức 100 triệu đồng/ngày.
Theo giới chuyên gia, ngoài cản trở sự phát triển của thương mai điện tử, việc kiểm soát quá chặt chẽ hoạt động của ví điện tử còn dễ gây ra tình trạng khách hàng phải duy trì hai hay nhiều tài khoản thanh toán cùng một lúc, gây tốn kém chi phí và không phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế số.
Để giúp thúc đẩy thanh toán điện tử nói chung, ví điện tử nói riêng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất, cần xem xét lại quy định về hạn mức giao dịch đối với tổ chức, bởi "ngay cả với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạn mức như vậy cũng là quá thấp".
"Với việc Thông tư 23/2019/TT-NHNN được ban hành chỉ còn khống chế hạn mức giao dịch hàng tháng của ví điện tử cá nhân cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực tiếp thu ý kiến đóng góp. Điều đó sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử, cũng như góp phần thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam", bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Fintech Việt Nam nói.
Bỏ quy định hạn chế số lượng ví điện tử
Một trong những thay đổi đáng chú ý khác là việc bỏ quy định hạn chế số lượng ví điện tử. Theo đó, tại bản Dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung quy định về việc một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép phát hành hơn một ví điện tử cho một khách hàng tại tổ chức đó.
"Quy định này được đưa ra nhằm tránh lãnh phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng đăng ký mở ví điện tử tràn lan, dẫn đến việc sử dụng ví điện tử là không thực chất, hoặc hành vi lợi dụng mở nhiều ví điện tử để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp", đại diện , Ngân hàng Nhà nước lý giải.
Theo một chuyên gia ngân hàng, việc bỏ quy định trên là hoàn toàn xác đáng bởi lo ngại về sự lãng phí mà , Ngân hàng Nhà nước đưa ra là "hơi thừa" khi mà bản thân người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp đều tự ý thức được sự lãng phí hay cần thiết của việc mở thêm ví mới.
Hơn nữa, ngay cả các ngân hàng hiện cũng đã cho phép một khách hàng được mở nhiều tài khoản, nên việc một khách hàng mở nhiều ví điện tử cũng là bình thường.
Trong khi trên thực tế cũng chưa ghi nhận tình trạng lợi dụng việc mở nhiều tài khoản thanh toán tại cùng một ngân hàng hoặc nhiều ví điện tử tại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để thực hiện hành vi bất hợp pháp.
Chưa kể, việc tách thành nhiều ví điện tử hoặc nhiều tài khoản thanh toán thậm chí còn phù hợp với nhu cầu của một số khách hàng có nhiều giao dịch và muốn hạch toán riêng từng nhóm giao dịch.
Ví dụ, doanh nghiệp muốn mở nhiều ví để tách bạch chi phí cho nhân viên, chi phí hoặc doanh thu cho đại lý bán lẻ, hoặc chi phí cho từng chương trình khuyến mãi...
"Việc bỏ quy định hạn chế số lượng ví điện tử đối với mỗi khách hàng tăng thêm tính hấp dẫn cho ví điện tử, qua đó sẽ tạo điều kiện cho ví điện tử phát triển mạnh mẽ hơn", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định cấm các tổ chức cung ứng ví điện tử cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử, hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử.
Bên cạnh đó, so với bản Dự thảo, Thông tư 23/2019 đã bổ sung thêm quy định về việc liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) tại ngân hàng liên kết.
Cụ thể, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết trước khi khách hàng sử dụng ví điện tử...
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Doanh nghiệp niêm yết cần vượt lên sự tuân thủ và những thông lệ Để tối đa hóa hiệu quả hoạt động, các lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến mục tiêu thúc đẩy kinh doanh trong ngắn hạn, mà cần từng bước tập trung nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế để đảm bảo khai thác các nguồn lực của doanh nghiệp một cách hiệu quả, tạo giá trị bền...