Nỗi lòng người vợ
Sắp Tết rồi, thế mà chị vẫn chưa chuẩn bị được thứ gì cho gia đình. Đưa tay quờ lấy chiếc ví, chị bần thần: Làm gì có còn xu nào trong người đâu để sắm sửa nữa chứ!”. Tủi thân, nước mắt chị cứ thế đua nhau trào ra…
Chị và anh cưới nhau từ hơn tám năm về trước, có với nhau hai mặt con và đã từng được khu phố trao tặng cho danh hiệu “gia đình hạnh phúc”. Chị vốn rất tự hào rằng cuộc sống của hai vợ chồng tuy không quá giàu sang, nhưng cũng đủ ăn đủ tiêu và lo cho con cái được bằng bạn bằng bè. Ấy vậy mà đùng một cái, anh mắc bệnh, bao nhiêu tiền nong của cải chị tập trung dồn hết cho anh thuốc thang. Thế là gia đình lâm vào túng thiếu.
Chị có nằm mơ gặp ác mộng cũng chưa bao giờ nhìn thấy cảnh chồng mình lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo ấy: ung thư xương. Gần hai năm trước, chồng chị bỗng nhiên thấy đau lưng dữ dội. Chị đưa anh đến bệnh viện khám thì phát hiện ra anh có một khối u ở gần xương cột sống. Chị chạy đôn chạy đáo, vay mượn của anh em bạn bè mãi cũng được hơn trăm triệu để thực hiện ca mổ cho anh. Ngày anh ra viện, chị mua một bó hoa thật to, cùng hai cô con gái đón chồng về nhà. Chị vui lắm, bởi tin rằng anh đã thoát qua kiếp nạn.
Nhưng tai họa đến với gia đình chị đâu chỉ đơn giản như thế. Một tháng sau ca mổ, vợ chồng chị đến bệnh viện khám lại theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Lần này, cả hai cùng bàng hoàng, chị như không tin nổi vào tai mình khi nghe bác sĩ thông báo khối u trong cơ thể chồng chị vẫn phát triển, và các tế bào ung thư đã lan sang xương từ khối u ban đầu. Chồng chị mắc bệnh ung thư xương giai đoạn đầu.
Thấy vẫn còn khả năng cứu chữa cho chồng, chị lập tức quyết định theo đợt điều trị bằng hóa chất kéo dài 18 tháng mà bác sĩ đưa ra. Biết là sẽ vô cùng tốn kém, nhưng còn nước còn tát, chị muốn làm hết khả năng của mình để chồng được tiếp tục sống. Phút giây đó, nhìn vào cặp mắt đỏ hoe vì cảm động của chồng, lòng chị vô cùng vững tin rằng sau đợt hóa trị này nhất định anh sẽ bình phục.
Từ ngày anh bị bệnh, hai đứa con của chị được cô em gái nhận nuôi hộ. Như vậy cũng là để chị bớt đi mối lo toan và có thêm thời gian chăm sóc chồng. Đã hơn năm nay rồi, chị quyết tâm theo đến cùng để chữa trị cho bằng được mầm mống của căn bệnh hiểm nghèo ấy. Chị cố bám víu vào một tia hy vọng nhỏ nhoi, ngày ngày mòn mỏi, chạy vạy khắp nơi để lo tiền viện phí, thuốc thang. Đến cả căn nhà hai tầng nơi chị và anh đã đổ bao nhiêu mồ hôi công sức mới mua được chị cũng đem thế chấp. “Còn người thì còn của, người làm ra của chứ của không làm ra người”, thâm tâm chị vẫn luôn nhắc đi nhắc lại câu nói ấy.
Tuy vậy, đôi khi chị cũng vẫn chán nản lắm chứ, giống như vừa mới đây thôi, thấy chồng nằm truyền hóa chất mệt mỏi không ăn uống được gì, chị lặn lội mang cặp lồng ra khu chợ ở cách viện 2km mua cháo cho chồng, nghe nói ở đó có hàng cháo ngon lắm. Tới nơi, chị khựng lại vì không khí rộn ràng của ngày giáp Tết. Màu đỏ tràn ngập khắp nơi. Người ta bày bán đủ các loại mặt hàng, nào quần áo, giày dép, đồ ăn, đồ thờ cúng, rồi đến chậu hoa, cây cảnh, cây đào, cây quất… Sắp Tết rồi, thế mà chị vẫn chưa chuẩn bị được thứ gì cho gia đình cả. Đưa tay quờ lấy chiếc ví, chị bần thần: Làm gì có còn xu nào trong người đâu để sắm sửa nữa chứ!”. Tủi thân, nước mắt chị cứ thế đua nhau trào ra…
Chị đưa tay khẽ gạt đi hàng nước mắt, rồi xách chiếc cặp lồng đựng cháo bước vào căn phòng trải ga trắng toát nơi chồng chị đang nằm. Anh vừa mới truyền xong chai hóa chất nên đang nằm ngủ thiếp đi. Nhìn làn da vàng bủng trên khuôn mặt gầy guộc của chồng, cặp mắt anh thâm quầng lại vì gần một tuần nay không ngủ được, thương quá, nước mắt chị lại trào ra. Chị đặt vội chiếc cặp lồng lên bàn, vùng chạy ra mãi tít cuối hành lang bệnh viện. Từ phía sau, người ta chỉ thấy đôi vai chị đang rung lên nức nở.
Theo Bưu Điện Việt Nam