Nỗi lo sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi
Sa sút trí tuệ (SSTT) là một nhóm các rối loạn nhận thức đặc trưng bởi giảm trí nhớ, khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ, hoạt động, nhận diện đồ vật và rối loạn chức năng thực hiện, khả năng lập kế hoạch, tổ chức…
Bệnh SSTT gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân sa sút trí tuệ
Khi phát hiện, bệnh đã nặng
Dáng vẻ mệt mỏi khi phải chăm mẹ tại Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, chị Trần Thị Hương (ngụ Bình Chánh, TPHCM) buồn bã: “Các bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi mắc SSTT, anh chị em trong nhà phải thay phiên nhau chăm sóc, không dám rời bà nửa bước, sợ bà lẫn quá bỏ đi lung tung”… Trước đó, BV cũng tiếp nhận điều trị cho bà N.T.N. (84 tuổi, ngụ tại Tiền Giang), nhập viện vì cơ thể suy kiệt. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, bà N. rất hay quên, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và thường không dám ra ngoài một mình vì sợ bị ám hại. Bà N. ăn kém dần, không biết cách nhai thức ăn, không cảm giác đói, dẫn đến tình trạng suy kiệt và phải nhập viện cấp cứu. Tại Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, các bác sĩ chẩn đoán bà N. bị SSTT giai đoạn trung bình và tiến hành điều trị kháng sinh đủ liều, tập các bài tập nhận thức, vận động.
Tiến sĩ – bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết nguyên nhân gây SSTT bao gồm di truyền, ảnh hưởng từ các bệnh lý (như bệnh Alzheimer, đột quỵ não, Parkinson…) và lạm dụng thuốc trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm. Bệnh thường xuất hiện ở đối tượng người cao tuổi nhưng hay bị bỏ sót, nếu có phát hiện thì thường là khi đã bước vào giai đoạn trung bình hoặc đã nặng. Hiện có tới 75% trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm trước khi được phát hiện. Do đó, việc nhận biết và phòng tránh những nguyên nhân gây bệnh là điều rất quan trọng, giúp giảm những ảnh hưởng xấu của bệnh gây ra.
Cần hiểu đúng để điều trị sớm
Theo các chuyên gia y tế, SSTT không chỉ xảy ra ở người già (và không phải ai già cũng bị bệnh), thậm chí có những trường hợp mới 50 tuổi cũng mắc. Triệu chứng của bệnh rất đa dạng, tùy vào từng giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn nhẹ, triệu chứng nổi bật nhất là suy giảm trí nhớ ngắn hạn, có những thay đổi tính tình như trở nên khó tính hơn, dễ nóng giận và kích động. Ở giai đoạn trung bình, người bệnh bắt đầu biểu lộ những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu những thông tin mới, bị rối loạn định hướng về không gian và thời gian; các rối loạn hành vi trở nên nặng nề hơn, người bệnh hoang tưởng bị ám hại, trở nên nghi kỵ những người xung quanh hoặc vô cớ tấn công người khác. Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất toàn bộ khả năng độc lập trong sinh hoạt thường ngày, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc do mất trí nhớ, không còn nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại.
Nhiều người khi thấy có biểu hiện suy giảm trí nhớ là nghĩ đến dấu hiệu do tuổi tác, nên bỏ qua cơ hội khám và điều trị. Chính vì vậy, đa phần người bệnh nhập viện đều ở giai đoạn muộn. Cùng với việc sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng nhận thức, rối loạn hành vi tâm thần, việc chăm sóc người bệnh đúng cách, tập luyện chức năng nhận thức cũng góp phần quan trọng trong việc khôi phục nhận thức, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Ngoài ra, cần phải chú ý điều trị tốt các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, Parkinson… khi điều trị cho người bệnh SSTT.
Video đang HOT
Bác sĩ Thân Hà Ngọc Thể cho biết, tình trạng SSTT có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, do đó cần nâng cao sự hiểu biết cũng như cách phòng ngừa trong cộng đồng. Đối với người cao tuổi, nên ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối; tăng cường luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội; luôn sống vui vẻ, lạc quan; chơi các trò chơi trí tuệ cùng con cháu…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo cần chăm sóc, điều trị SSTT khi có 10 biểu hiện: giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày; khó khăn trong việc giải quyết vấn đề; khó khăn trong hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc; nhầm lẫn về thời gian và không gian; khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian; phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết, đọc; đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ; giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định; thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội; thay đổi cảm xúc và nhân cách.
Hưởng ứng Ngày SSTT thế giới 21-9, BV Đại học Y Dược TPHCM tổ chức kiểm tra sinh hiệu đường huyết, đánh giá các hoạt động chức năng cơ bản và sinh hoạt hàng ngày, thực hiện các test tầm soát rối loạn trí nhớ nhận thức. Thời gian từ 7 giờ đến 11 giờ 30, ngày 22-9-2019, tại tầng trệt khu A, BV Đại học Y Dược TPHCM (215 Hồng Bàng, quận 5).
Tại Việt Nam, thống kê của Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức cho thấy, hiện có khoảng 500.000 người cao tuổi mắc SSTT, chiếm khoảng 4,8% – 5% dân số.
THÀNH AN
Theo SGGP
Ám ảnh căn bệnh 3 giây có một người mắc mới
Có trường hợp không nhớ nổi chồng, con, không còn tình cảm gắn kết với gia đình. Ông chồng chỉ cần trái ý là đánh, chửi ngay. Có trường hợp gia đình phải cất hết bật lửa, chuyển từ bếp ga sang bếp từ vì cứ đêm bệnh nhân đốt nến châm hương khắp nhà...
Sa sút trí tuệ ở người già là gánh nặng không chỉ cho gia đình mà cả xã hội
Đây là thông tin được nêu ra tại hội thảo phổ biến kiến thức về "Sa sút trí tuệ trong bối cảnh già hóa dân số" tại Việt Nam được Viện Sức khỏe Tâm thần- Bệnh viện Bạch Mai tổ chức vào chiều nay 9/4.
TS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Người già - Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, năm 2010, tổng số người trên 65 tuổi toàn cầu ước tính vào khoảng 8% dân số và ở VN là khoảng 5,73%. Tỷ lệ này được dự đoán tăng lên gấp đôi vào năm 2050. Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số với tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng ngày càng nhanh. Kéo theo đó, các bệnh lý liên quan đến tuổi già cũng tăng lên đáng kể, trong đó có tình trạng sa sút trí tuệ. Ước tính, mỗi 3 giây có thêm một người mắc sa sút trí tuệ và số người mắc này sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.
BS Hà An nhấn mạnh, đây là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác,... Ngoài ra, người bệnh sa sút trí tuệ có thể có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý, hành vi và suy giảm chức năng nặng nề tùy từng thể, từng giai đoạn của bệnh.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân vào viện thường có triệu chứng bệnh Alzheimer, có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát.
Có trường hợp không nhớ nổi chồng, con, không còn tình cảm gắn kết với gia đình. Chợt vui chợt buồn, thậm chí ông chồng chỉ cần trái ý là đánh, chửi ngay. Có người thì không thể phân biệt được đêm và ngày. Ngày thì gà gật nhưng đêm lại thức. Cứ nhè nửa đêm là làm ầm ĩ cả nhà gọi các con dây nấu ăn. Thậm chí có trường hợp gia đình phải cất hết bật lửa, chuyển từ bếp ga sang bếp từ vì cứ đêm bệnh nhân đốt nến châm hương khắp nhà...
BS Hà An cho biết thêm, qa thực tiễn điều trị cho thấy, bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ không chỉ là người già mà còn là những người có tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì/ đái tháo đường type 2... Trong đó, nữ giới mắc bệnh nhập viện nhiều hơn. Người có trình độ học vấn cao ít mắc bệnh này hơn.
"Sa sút trí tuệ là bệnh của người già nhưng không phải tất cả người già đều mắc bệnh, cũng không phải người trẻ thì không mắc bệnh này. Mặt khác, rất ít người già chỉ mắc sa sút trí tuệ đơn thuần mà thường là mắc kèm theo các bệnh lý khác" - TS Hà An nói.
Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy những người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ hay bị ốm hơn so với người thường, số lần phải đi khám bệnh tăng, dùng nhiều thuốc hơn, nguy cơ phải nhập viện cao hơn, nguy cơ trầm cảm cao hơn. "Vì thế mới có chuyện ở Viện chúng tôi, bác sĩ chăm sóc cho người bệnh sa sút trí tuệ 1 thì cũng phải tư vấn, hỗ trợ cho người chăm sóc 2" - TS Hà An chia sẻ.
TS Trần Thị Hà An khuyến cáo, khi có 10 biểu hiện sau đây, người bệnh cần đi khám bác sĩ sớm để được tư vấn, điều trị kịp thời:
1. Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày.
2. Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề.
3. Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc.
4. Nhầm lẫn về thời gian và không gian.
5. Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian.
6. Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/ đọc.
7. Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ.
8. Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định.
9. Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội.
10. Thay đổi cảm xúc và nhân cách.
Các bác sĩ nhấn mạnh, sa sút trí tuệ gây ra gánh nặng lớn cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Vì thế, việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị có thể dùng thuốc, không dùng thuốc hoặc chăm sóc toàn diện sẽ giúp làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Ngoài ra, BS Hà An cũng lưu ý hiện có tình trạng lạm dụng thuốc bổ não. Khoảng 90% bệnh nhân đến viện đều lạm dụng loại thuốc này, "tôi thường khuyên người bệnh thay vì uống thuốc thì nên ra ngoài tập một bài thể dục, tăng cường vận động, giao tiếp còn hiệu quả hơn là uống thuốc", BS Hà An lưu ý.
Theo infonet
Căn bệnh khiến người phụ nữ đi chợ quên đường về nhà Mỗi lần đi chợ, người phụ nữ ở Tiền Giang là mất cả nửa ngày mới về nhà. Nguyên nhân là đi chợ xong, lại quên đường về nhà và thường xuyên đi lạc sau khi ra khỏi nhà. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, gần đây nhiều bệnh nhân có dấu hiệu sa sút trí tuệ để thăm khám...