Nỗi lo học sinh toàn… giỏi!
Có phải là nghịch lý không khi ai cũng kêu than chương trình học của chúng ta nặng, học bở hơi tai chẳng theo kịp mà sao học sinh toàn… giỏi?
Buổi họp phụ huynh cuối năm tại một trường THCS ở TPHCM, giáo viên chủ nhiệm thông báo kết quả học tập: 98% học sinh (HS) đạt loại Giỏi (49 em) và chỉ duy nhất một HS đạt loại Khá.
Học sinh toàn giỏi, học sinh Khá trở thành “của hiếm”.
Hết hồn! Một kết quả quá xuất sắc mà ở đó phải chăng thầy và trò phải là những thần đồng? Mà đây đâu còn là chuyện hiếm, kết quả tỷ lệ HS… toàn giỏi hiện nay có nhan nhản ở các trường học. HS đạt kết quả học tập cao lẽ ra là điều đáng mừng nhưng phải thốt lên: “Chẳng lẽ học trò chúng ta giỏi đến vậy?”. Giỏi đến vậy thì đáng lo vô cùng!
Vì thành tích trên giấy tờ, để tung hô nhau và để tất cả cùng vui, trẻ đang phải gánh trên người những danh hiệu, kết quả mà người lớn mong muốn. Giáo dục thay vì giúp các em khám phá năng lực, phẩm chất bản thân lại đang “thổi phồng” HS bằng điểm số không thực chất. Chưa kể, các em còn phải gánh một áp lực khủng khiếp để cố mặc chiếc áo mà người khác khoác lên mình.
Chưa nói HS Trung bình, HS Khá bây giờ đã thuộc thành phần hiếm và trở nên “cá biệt”. Các em mang về kết quả HS Khá đồng nghĩa là đưa đến… nỗi ê chề cho cả gia đình. Con phải đạt kết quả Giỏi, bằng mọi giá.
Video đang HOT
Ở trường học nọ tại Cần Thơ, phụ huynh còn đi “tố” nhà trường ra đề kiểm tra khó, làm con họ không đạt kết quả giỏi cho dù đã gần 3/4 số em đạt điểm 9 – 10. Nhiều địa phương khác cũng đã có tình trạng này khi nhà trường cho đề “nặng ký” một chút để phân loại HS. Điều nhiều phụ huynh đang cần là con phải đạt điểm cao chứ không phải là năng lực, phẩm chất thật sự của đứa trẻ.
Không chỉ học trò, phụ huynh mà giáo viên cũng là “nạn nhân” của căn bệnh thành tích. Bao nhiêu bi hài cũng từ đây mà ra. Nhiều giáo viên không dám cho học trò điểm thấp, chạy đua theo “chuẩn” HS giỏi. Dù HS không đủ khả năng lên lớp nhưng thầy cô không thể cho ở lại lớp. Tình trạng học trò “ngồi nhầm chỗ” cũng từ đó mà ra.
Họ hiểu rõ hơn ai hết thực chất của kết quả toàn giỏi kia. Có giáo viên lúng túng khi học trò thắc mắc, em nhiều năm đạt HS giỏi, điểm ở lớp toàn 10 mà cô lại nói em không đủ năng lực để thi vào trường chuyên.
Học trò gặp những cú sốc khi không vượt qua được những cuộc thi lớn chưa hẳn vì các em thi trượt mà vì các em sốc khi hàng ngày quá tự tin với những điểm 9, điểm 10 quá dễ dàng có được của mình.
Có cậu học trò lớp 12 nọ đạt điểm trung bình 9,4, khi nhiều phóng viên báo đài liên hệ phỏng vấn viết bài, em ngượng chối đây đẩy. Theo như lời em: Lớp còn nhiều bạn điểm cao hơn nhiều. Điểm như em là bình thường, có gì đâu mà giỏi.
Điều cậu học trò nói quá bất thường mà lại rất trúng. Nhưng đâu phải ai cũng nhận ra điều này như em hoặc ai cũng biết mà không muốn đối diện, thừa nhận. Phụ huynh vẫn quay cuồng nhồi trẻ đến lớp học thêm để con đạt kết quả giỏi. Tỷ lệ HS giỏi cao luôn là niềm tự hào của các trường, thường xuyên được nhắc đến trang trọng, vẻ vang trong các lễ tổng kết hay các báo cáo.
Gia đình và nhà trường như đang cùng nhau “tâng bóng”. Phụ huynh chạy theo áp lực thành tích của ngành giáo dục. Còn ngành Giáo dục lại “ru ngủ” các ông bố bà mẹ bằng những kết quả cao chót vót của học trò.
Giá như kết quả học tập mà cô giáo chủ nhiệm thông báo ở lớp học nọ tại buổi hợp phụ huynh đảo ngược thì đáng để yên lòng hơn. Còn như hiện nay, khi chấm điểm cho HS, giáo viên cần kèm theo một lời chú thích “Phụ huynh, HS đừng vội mừng với những điểm 9, điểm 10 này” – như lời chia sẻ chua xót của một nhà giáo.
Lê Đăng Đạt
Theo Dantri
Việt Nam sẽ có thực phẩm biến đổi gene
Bộ NN&PTNT đang soạn thảo Thông tư cho phép đưa thực vật biến đổi gene vào làm thức ăn gia súc và thực phẩm. Nếu được thông qua thì Việt Nam sẽ chính thức gia nhập các quốc gia trồng, sử dụng sản phẩm biến đổi gene.
1,5 triệu tấn ngô phải nhập khẩu mỗi năm, trong đó có sản phẩm biến đổi gene
Đã dùng ngô, đậu tương biến đổi gene nhiều năm nay
Hiện, trên thế giới có khoảng 170 triệu ha chuyên trồng cây biến đổi gene (GMO), chiếm 12% diện tích canh tác toàn cầu, con số này đã tăng gấp 100 lần so với cách đây gần 17 năm (năm 1996 diện tích chỉ khoảng 1,7 triệu ha). Hiện tại, có 28 nước trồng cây GMO với tốc độ tăng trưởng diện tích khoảng 11%/năm, trong đó, chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển với diện tích chiếm tới 52% như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Mỹ, Argentina... Ba loại cây biến đổi gene đang được trồng phổ biến là ngô, đậu tương và cây bông vải. Tại Việt Nam, từ năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt và giao cho Bộ NN&PTNT thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Từ năm 2010, Bộ NN&PTNT đã triển khai khảo nghiệm ngô biến đổi gene trên diện hẹp và hiện tại vẫn đang tiếp tục tiến hành.
Trong khi đó, dù chưa chính thức công bố cho phép sử dụng sản phẩm biến đổi gene nhưng thực chất, những sản phẩm này đã tràn vào thị trường nước ta từ nhiều năm nay.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết, gần 10 năm nay, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn đậu tương, gần 1,5 triệu tấn ngô. Lượng nhập chủ yếu từ Argentina, Mỹ, Ấn Độ... vì giá thành rẻ. "Những nước này, tỷ lệ cây ngô, đậu tương biến đổi gene lên tới 90-95%, khó có thể tìm được sản phẩm ngô, đậu tương không biến đổi gene. Chúng ta cứ trốn tránh cây trồng biến đổi gene, nhưng thực chất, đã sử dụng nhiều năm nay", ông Lịch nhấn mạnh.
Còn GS. Nguyễn Quang Thạch, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cho rằng, trong vấn đề ATTP đáng sợ và đáng lo nhất là tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi, quá dư lượng cho phép. Trong khi, có cây trồng kháng sâu bệnh thì chúng ta lại lảng tránh, không đề cập đến. "Chúng ta nên tiếp nhận và kiểm soát chặt chẽ loại cây trồng này. Còn hiện nay, sản phẩm biến đổi gene vẫn được nhập khẩu về làm thức ăn gia súc song chúng ta lại không kiểm soát được", GS Thạch nói.
Khảo nghiệm mãi chưa xong?
Nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã tiến hành khảo nghiệm một loạt trên cây ngô biến đổi gene kháng sâu và thuốc diệt cỏ. Ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, có 10 giống ngô biến đổi gene đã được khảo nghiệm, đánh giá, Hội đồng an toàn sinh học của Bộ NN&PTNT đã thông qua, tiến tới sẽ trình lên Hội đồng an toàn sinh học quốc gia. Cũng theo ông Lê Huy Hàm, đến nay, chưa có tài liệu nào cho thấy, sản phẩm thực vật biến đổi gene gây hại cho con người cũng như gia súc. Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Di truyền nông nghiệp cũng nhìn nhận, tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gene mới được khảo nghiệm an toàn với môi trường, sinh học, còn trong chăn nuôi và làm thực phẩm cho con người thì chưa được khảo nghiệm, đánh giá. "Dù muốn hay không chúng ta vẫn đang nhập khẩu nhiều thực phẩm biến đổi gene về bán cho người tiêu dùng".
Mặc dù việc nhập khẩu và sử dụng sản phẩm biến đổi gene diễn ra đã nhiều năm nay, nhưng đến nay, Bộ NN&PTNT mới đang xây dựng Thông tư quản lý loại thực phẩm này. "Việc xây dựng, ban hành Thông tư này nhằm quản lý chặt chẽ hơn các loại thực vật biến đổi gene trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam để sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, góp phần đảm bảo ATTP và tạo điều kiện cho công nghệ sinh học phát triển, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng", ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định.
Theo dự thảo Thông tư, thực vật biến đổi gene được cấp Giấy xác nhận phải đáp ứng các điều kiện: Được Hội đồng thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và kết luận thực vật biến đổi gene đó không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khỏe con người và vật nuôi. Thứ hai, thực vật biến đổi gene được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó.
Theo ANTD
Tăng tuổi lao động hay tiền đóng bảo hiểm để chống vỡ quỹ lương hưu? Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra dự báo, nếu không điều chỉnh chính sách, Quỹ hưu trí và tử tuất có số thu bằng số chi vào năm 2021. Đến năm 2034 thì số thu bảo hiểm xã hội trong năm và số dư tồn tích Quỹ không đảm bảo khả năng chi trả... Chiều 18/4, UB Thường vụ Quốc hội thảo...