Nỗi lo của Nga khi bán công nghệ tên lửa S-400 cho Hàn Quốc
Theo RBTH, công nghệ hàng đầu của Nga sẽ có mặt trong các hệ thống phòng không và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Hàn Quốc nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.
Đặc biệt, công nghệ tên lửa tiên tiến trên hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga sẽ tăng sức mạnh cho các chương trình tên lửa phòng không và phòng thủ tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc.
Tờ Russia Beyond the Headlines (RBTH) cho hay, nhằm đáp trả việc Triều Tiên triển khai tên lửa hạt nhân và tàu ngầm, Seoul đã tăng cường cho ngành công nghiệp vũ khí trong nước các công nghệ Nga. Trong số những dự án quan trọng nhất là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và tên lửa đất-đối-không tầm trung đến xa M-SAM Cheolmae-2.
Hàn Quốc hy vọng có thể vượt hơn hẳn Triều Tiên khi Bình Nhưỡng cũng đang áp dụng công nghệ tên lửa S-300 của Nga vào SLBM.
Theo Lee Choon-geun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học & Công nghệ Hàn Quốc, Seoul sẽ “sử dụng công nghệ ổn định hơn” từ S-400, phiên bản cải tiến của S-300.
Hệ thống phòng không S-400
S-400 là tên lửa tiên tiến sử dụng công nghệ phóng lạnh. Đối với các tàu ngầm mới lớp Jangbogo-III của Hàn Quốc (lượng giãn nước 3.000 tấn), các tên lửa phóng lạnh rất quan trọng.
Ở cơ chế phóng lạnh, khi tên lửa đạt đến một độ cao nhất định, động cơ chính của tên lửa mới được kích hoạt. Nhờ thế, tàu ngầm có thể phóng tên lửa đạn đạo ngay từ dưới mặt nước, khi vẫn đang lặn.
Tờ Korea Joongang Daily dẫn lời một quan chức quân đội cấp cao cho biết công tác phát triển SLBM mới của Hàn Quốc dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2020.
Tờ Daily cho hay, Hải quân Hàn Quốc hiện nay đã có tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM). Tuy nhiên, do Triều Tiên sắp hoàn tất chương trình phát triển công nghệ SLBM nên nhu cầu đáp trả của quân đội Hàn Quốc trở nên cấp thiết hơn.
“Mặc dù SLBM có thể không đạt độ chính xác như SLCM (do SLCM có hệ thống dẫn đường) nhưng tốc độ và khả năng phá hủy của nó lớn hơn đáng kể” – ông Kim Hyeok-soo, cựu Chuẩn Đô đốc, đồng thời là chỉ huy đầu tiên của đội tàu ngầm Hàn Quốc nhận định.
“Chương trình phát triển các SLBM với tốc độ cao và khả năng tàng hình sẽ cho phép Hải quân Hàn Quốc giáng một đòn mạnh mẽ về phía Triều Tiên trước khi tình hình leo thang tới cấp độ khẩn cấp” – ông Kim nói.
Video đang HOT
Mạng lưới phòng không của Hàn Quốc
Trong lúc này, tập đoàn Thales (Pháp) và tập đoàn Samsung đang hợp tác phát triển hệ thống M-SAM.
Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị – Quân sự tại Viện Hudson cho hay: “M-SAM sẽ sử dụng công nghệ tên lửa S-400 do công ty Almaz Antey (của Nga) cung cấp, trong đó có các dữ liệu độc quyền từ radar đa chức năng X-band của S-400. Hệ thống dẫn đường dành cho tên lửa của tập đoàn LG dự kiến cũng sẽ sử dụng các thành phần thiết kế của Nga”.
Hệ thống M-SAM Cheolmae-2 được thiết kế để đánh chặn cả tên lửa đạn đạo và máy bay. Nếu Hàn Quốc có thể tiếp cận hệ thống S-400 của Nga, họ sẽ có trong tay một loại vũ khí đáng gờm để đối phó với các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Với phạm vi theo dõi 600km và khả năng tấn công mục tiêu cách xa 400km, di chuyển với tốc độ 17.000 km/h (tức là nhanh hơn vận tốc của bất cứ máy bay nào hiện nay), S-400 thực sự là thứ vũ khí đáng sợ.
Hệ thống S-400 phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu.
Được quân đội Nga triển khai lần đầu tiên vào năm 2010, mỗi tiểu đoàn S-400 có 8 bệ phóng, 1 xe chỉ huy, 1 đài radar và 16 tên lửa dự phòng.
“Nhờ tầm bắn siêu xa và khả năng tác chiến điện tử hiệu quả, S-400 là hệ thống vũ khí “thay đổi cuộc chơi”, đặt ra thách thức cho nhiều phương tiện quân sự hiện nay ở cấp chiến dịch” – Paul Giarra – chủ tịch công ty tư vấn Global Strategies & Transformation nói với Defense News.
Còn theo tổ chức tư vấn Air Power Australia, “Gia đình tên lửa đất-đối-không (SAM) S-300P/S-400 rõ ràng là hệ thống SAM mạnh nhất được sử dụng rộng rãi tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Air Power Australia nhận định thêm rằng: “Mặc dù các hệ thống S-300P/S-400 thường bị gọi là “phiên bản Patriot của Nga” nhưng ở nhiều khía cạnh then chốt, chúng mạnh hơn nhiều so với hệ thống Patriot của Mỹ. Các phiên bản sau (của S-300) có khả năng di động và sống sót cao hơn nhiều so với Patriot”.
Trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc đã luôn nơm nớp lo sợ mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Các tên lửa phòng thủ thế hệ mới sẽ cho phép Hàn Quốc loại bỏ cơ hội tấn công của Bình Nhưỡng.
Thay đổi quan hệ hợp tác quốc phòng Nga – Hàn
Do Hàn Quốc vốn là một đồng minh quan trọng và khách hàng trung thành của vũ khí Mỹ nên trước nay nhiều luồng ý kiến dự đoán Seoul khó lòng mua vũ khí Nga.
Tuy nhiên, trên thực tế, giao dịch quốc phòng giữa Seoul và Moscow lại diễn ra theo cách không tưởng.
Năm 1991, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hàn Quốc mở rộng khoản vay 1 tỷ USD tiền mặt và khoản vay 470 triệu USD tín dụng hàng hóa như một món quà để đáp lại sự công nhận của Moscow đối với đất nước Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, Liên bang Xô viết sụp đổ.
Không đủ khả năng trả khoản vay tiền mặt, Nga bắt đầu cung cấp thứ mà nước này sẵn có – đó chính là các thiết bị quân sự như xe tăng T-90, xe chiến đấu bộ binh và trực thăng. Hai thỏa thuận vũ khí đầu tiên để trả nợ được ký kết vào năm 1995 và 2003.
Tuy nhiên, Seoul không muốn tiếp tục nhập khẩu các loại vũ khí đã chế tạo sẵn. Có 2 lý do cho điều này: Một là, do các hệ thống của Seoul được tích hợp chặt chẽ với hệ thống quân sự của Mỹ, trong khi vũ khí Nga lại không dễ dàng tích hợp vào đó. Vì thế, Hàn Quốc đã quyết định ngừng mua vũ khí Nga.
Tất nhiên, điều này được Nga xem là một “chiêu trò” cũ rích của Washington nhằm chiếm ưu thế trước các đối thủ và tăng thị phần cho vũ khí Mỹ.
Thứ hai, Hàn Quốc đã trở nên tham vọng hơn. Họ muốn xây dựng một tổ hợp công nghệ-quân sự tầm cỡ thể giới, từng bước thống trị một số lĩnh vực thương mại.
Sáng kiến cải cách quốc phòng năm 2020 của chính phủ Hàn Quốc đã hướng tới mục tiêu phát triển năng lực nội địa thông qua các chương trình nghiên cứu và phát triển quốc phòng. Việc đề nghị Nga chuyển giao công nghệ tiên tiến của S-400 cũng nằm trong kế hoạch này.
Trong cuốn “Hàn Quốc thế kỷ 21, hai tác giả Seung-Ho Joo và Tae-Hwan Kwak cho biết, “Hàn Quốc có thể tìm thấy những lợi ích kinh tế trong mối quan hệ hợp tác quân sự với Nga.
Seoul và Moscow có thể hợp tác phát triển công nghệ tiên tiến và vũ khí công nghệ cao, sau đó bán chúng ra thị trường thế giới. Mối quan hệ giữa 2 quốc gia có thể bổ trợ cho nhau: Nga có 2 lợi thế trong lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ tiên tiến, trong khi Hàn Quốc mạnh về vốn và kỹ năng tiếp thị”.
Mặt trái của việc chuyển giao công nghệ
Chắc chắn rằng Nga sẽ phải đối mặt với một số bất lợi khi chuyển giao những vũ khí hàng đầu như vậy cho Hàn Quốc.
Mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Hàn Quốc với Mỹ đồng nghĩa rằng công nghệ nhạy cảm của Nga có nguy cơ rơi vào tay Washington.
Trước nay, một trong những lý do khiến Nga không quá lo ngại về máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ là bởi chúng không thể vượt qua hệ thống phòng không của Nga.
S-400 là một trong những siêu vũ khí của Nga để vô hiệu hóa mối đe dọa từ các máy bay chiến đấu thế hệ 5.
S-400 khai hỏa trong đêm.
Tuy nhiên, nếu Hàn Quốc tiết lộ bí mật của S-400 cho Mỹ, nó sẽ gây bất lợi cho hệ thống phòng không của Nga và Trung Quốc ở một mức độ nhất định. Chẳng hạn, năm 1976, khi viên phi công Liên Xô đào tẩu làm lộ bí mật của máy bay chiến đấu MiG-25, Nga đã phải nghiên cứu sản xuất radar và hệ thống tên lửa mới cho mẫu máy bay này với chi phí khá tốn kém.
Ngoài ra, nếu Hàn Quốc tích hợp hệ thống M-SAM (dựa trên S-400) vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Nga có nguy cơ phải chống lại chính tên lửa của mình nếu xảy ra xung đột với Mỹ trong tương lai.
Song, do hệ thống tên lửa thế hệ mới S-500 đã sắp hoàn thiện, Nga sẽ không bị thiệt hại quá nhiều nếu lộ mật S-400.
Theo Soha News
Nga triển khai radar phát hiện máy bay tàng hình F-35
Ngày 3-7, báo Svobodnaya Pressa đăng tải, Nga đã phát triển và triển khai các hệ thống radar cảnh giới và giám sát ngoài đường chân trời Podsolnukh có khả năng phát hiện các phương tiện bay tàng hình, trong đó có máy bay F-35 Lightning II của Mỹ.
Nga triển khai radar phát hiện máy bay tàng hình F-35
Theo tờ Svobodnaya Pressa, hệ thống radar Podsolnukh là sản phẩm của Tổ hợp thiết kế NIIDAR tại Moscow. Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng Nga đã lên kế hoạch triển khai các hệ thống radar Podsolnukh tại vùng cực, khu vực Đông Nam và phía Tây nước này. Hiện tại, Nga đã triển khai 3 hệ thống Podsolnukh tại khu vực Viễn Đông và Biển Caspian.
Nguồn tin trên cho biết, radar Podsolnukh cung cấp khả năng giám sát rộng tới 500km đối với các mục tiêu trên không và trên biển. Tầm giám sát của radar Podsolnukh phụ thuộc vào độ cao hoạt động của mục tiêu (tầm quét của radar bị ảnh hưởng do độ cong của Trái đất). Còn theo nguồn tin Global Security, radar Podsolnukh có khả năng phát hiện và giám sát cùng lúc tới 300 mục tiêu trên biển và 100 mục tiêu trên không
"Công nghệ hiện đại áp dụng trên radar Podsolnukh cho phép phát hiện mục tiêu trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết. Đặc biệt, với băng tần sóng ngắn, radar này có thể "vạch mặt" các mục tiêu trang bị công nghệ tàng hình, bắt chúng hiện rõ ràng trên màn hình hiển thị như máy bay ở thời Thế chiến 2, tờ báo Nga Svobodnaya Pressa đăng tải, khi đánh giá về khả năng của radar Podsolnukh khi đối phó với các mục tiêu tàng hình như máy bay F-35.
Nhờ khả năng tự động hóa cao, kíp điều khiển radar Podsolnukh chỉ cần 3 người, tiêu thụ điện năng thấp và dễ dàng bảo dưỡng. Mỗi trạm radar dạng này cần đặt cách nhau 370km để đạt được khả năng giám sát tối ưu.
Tờ Svobodnaya Pressa đánh giá, các hệ thống radar cảnh giới và giám sát ngoài đường chân trời đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới có đường bờ biển dài để đối phó với nhiều mối nguy cơ khác nhau.
Theo Soha News
Hải quân Việt Nam lột xác hạm đội săn ngầm Theo tờ Economictimes (ET), rất có thể Ấn Độ đã được chọn để nâng cấp vũ khí cho hai tàu săn ngầm lớp Petya của Hải quân Việt Nam. Hải quân Việt Nam lột xác hạm đội săn ngầm ET tiết lộ rằng, gói nâng cấp tàu săn ngầm lớp Petya cho Việt Nam bao gồm hệ thống sonar mới, bệ phóng bom...