Nỗi khổ thầm kín của chị em bị sa lồi tử cung
Xuất hiện phần thịt lồi to bằng quả cam ở cơ quan sinh dục, chị Sinh gặp khó khăn khi đi tiểu và xấu hổ không dám gần gũi chồng.
Chị Bùi Thị Sinh 52 tuổi ở Văn Giang, Hưng Yên, đang điều trị tại Trung tâm Sàn chậu, Bệnh viện Phụ sản Trung ương để chờ phẫu thuật căn bệnh sa sinh dục. 3 năm nay chị sống chung với ‘cục thịt’ ở miệng âm đạo. Căn bệnh xuất hiện sau khi chị sinh con thứ ba, không kiêng cữ và lao động nặng sau sinh.
Chị có cảm giác nặng, tức bụng, đi tiểu nhiều lần trong ngày và xuất hiện những phần thịt lồi ở cơ quan sinh dục. Do xấu hổ không đi khám nên phần lồi ngày càng to. Đến khi gặp khó khăn trong việc đi tiểu, đặc biệt chuyện ‘yêu đương’ với chồng bị ảnh hưởng, chị mới đi khám bác sĩ.
Cũng gặp vấn đề về sàn chậu sau sinh, chị Nguyễn Thị Hường 51 tuổi ở Hà Nội lại gặp chứng són tiểu. Chị cho biết bắt đầu phát bệnh sau khi sinh con thứ ba. Sau sinh chị bị ho, mỗi lần ho là bị són tiểu và không thể nào kiểm soát. Xấu hổ không dám nói với ai, chị đã chấp nhận sống chung với căn bệnh thầm kín này suốt 10 năm qua.
Căn bệnh đã ảnh hưởng lớn đến đời sống hằng ngày của chị, chỉ cần xách một vật nặng, ho, cười, đi mạnh, lên xuống cầu thang… là bị són tiểu. ‘Từ lúc mắc bệnh tôi rất tự ti khi ra đường, chỉ dám đi nhẹ nói khẽ, đặc biệt phải thường xuyên dùng băng vệ sinh suốt cả ngày rất khó chịu…’, chị Hường nói.
Quá trình sinh đẻ làm giãn cơ cổ bàng quang dẫn đến chứng són tiểu hay sa sinh dục (Ảnh minh họa: Internet)
Tương tự, chị Đỗ Thị Tú 49 tuổi cũng mắc căn bệnh khó nói này. Sau 2 lần sinh đẻ, chị phải đối mặt với căn bệnh này. Hằng ngày, chị thường xuyên phải vào phòng vệ sinh để loại bỏ những dấu tích của chứng són tiểu, điều này rất bất tiện cho công việc của chị. ‘Một lần đang đi ngoài ngõ, có một cháu bé hàng xóm chạy ra bất ngờ ôm chầm, lúc ấy nước tiểu són không kiểm soát đã khiến tôi vô cùng xấu hổ.
Sau thời gian dài chịu đựng, tôi đã quyết định đến bệnh viện để chữa trị. Bác sĩ phẫu thuật thành công và hiện tại tôi rất tự tin, được nói cười thoải mái, được vui chơi như bao người khác’, chị Tú tâm sự.
Phó giáo sư Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các bệnh lý về sàn chậu rất dễ gặp ở phụ nữ sau sinh, trong đó chủ yếu là bệnh lý són tiểu và sa các cơ quan trong vùng chậu. Sàn chậu là tổng thể của 3 hệ thống: hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn).
Video đang HOT
Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy. Sàn chậu còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh dễ dàng hơn.
Bác sĩ cho biết, nguyên nhân của rối loạn chức năng sàn chậu và sa cơ quan vùng chậu là do mang thai, thói quen xấu, suy yếu sức cơ theo tuổi. ‘Phụ nữ sau sinh, nhất là sinh đẻ nhiều sẽ dễ mắc các bệnh lý về sàn chậu. Quá trình sinh đẻ làm giãn cơ cổ bàng quang dẫn đến chứng són tiểu hay sa sinh dục’, bác sĩ Quyết nói. Bác sĩ khuyến cáo chị em mắc bệnh không nên giấu bệnh, tự ti mà nên đến bệnh viện để được tư vấn và hỗ trợ chữa bệnh.
Cũng theo bác sĩ Quyết, hiện nay bệnh viện đã áp dụng những phương pháp hiện đại để điều trị bệnh lý sàn chậu hiệu quả. Bệnh nhân són tiểu được bác sĩ phẫu thuật để đưa một dải băng tổng hợp vào cơ thể đỡ phần sau niệu đạo nhằm tạo ra một vùng đệm tựa chắc chắn thay thế cho vòng cơ đã rão yếu. Vòng này có tác dụng chặn lại dòng tiểu són. Bệnh nhân bị sa sinh dục trước kia phải cắt bỏ bộ phận này, nay được tạo hình, nâng lên để đảm bảo thiên chức của người phụ nữ và có đời sống tình dục viễn mãn.
Theo VNE
Tuổi dậy thì và sự khác biệt giữa hai giới
Ở giai đoạn dậy thì, các em thường muốn khẳng định mình, muốn tự lập, muốn tranh luận, bảo vệ ý kiến của mình..
Tuổi dậy thì được coi là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của cuộc đời từ một đứa trẻ thành người lớn, thể hiện bằng cả một tập hợp những biến đổi hình thể, tâm sinh lý, nhất là tính dục. Đó là kết quả sự chín muồi của các tuyến sinh dục nam và nữ. Để có cái nhìn thực tế hơn về lứa tuổi này, bài viết dưới đây sẽ là một cẩm nang cho cả các bậc cha mẹ và các em.
Sự khác biệt giữa nữ và nam
Dậy thì ở con gái:
Vóc dáng cơ thể: Từ một em gái nhỏ, cơ thể bạn bắt đầu có vóc dáng thiếu nữ. Trong vài năm trước khi có hành kinh, chiều cao bạn tăng lên khá nhiều. Mông tự nhiên nở to ra, mô mỡ dưới da dày lên làm cơ thể bạn mềm mại và giàu nữ tính.
Vú phát triển: Tuyến vú phát triển, lớp mỡ ngực dầy lên làm cho đôi vú nhú lên và ngày càng đầy đặn. Dấu hiệu phát triển đầu tiên thường là quầng vú (vùng sẫm quanh núm vú). Núm vú to ra tương ứng với một quầng sắc tố bao quanh. Sau đó là bầu vú nhú lên, vú lớn dần và tròn trịa dần. Trong thời gian này, vú bạn có thể ngứa hoặc hơi đau tức một chút.
Mọc lông: Cơ thể bạn gái bắt đầu xuất hiện nhiều lông, cơ bản là lông mu xung quanh cơ quan sinh dục. Lúc đầu chỉ lơ thơ mấy sợi, sau nhiều hơn, có thể quăn. Tiếp đến mọc lông nách.
Cơ quan sinh dục phát triển: Trong thời kỳ dậy thì, cơ quan sinh dục bạn gái phát triển mạnh. Tất cả các bộ phận môi lớn và môi bé, âm vật... của cơ quan sinh dục ngoài cũng phát triển to và dày lên, màu sắc âm hộ sẫm hơn trước. Bên trong bộ phận sinh dục nữ ở tuổi dậy thì cũng diễn ra những biến đổi lớn mà mắt ta không nhìn thấy được như âm đạo, tử cung đều lớn lên.
Hai buồng trứng bắt đầu chức năng tiết hoóc-môn sinh dục nữ và phóng noãn (rụng trứng). Niêm mạc tử cung bắt đầu tăng trưởng và tự thải theo chu kỳ cùng với một lượng máu ra theo mà người ta gọi là chu kỳ kinh nguyệt. Đó chính là dấu hiệu đánh dấu dậy thì thực sự. Từ đây, người con gái bắt đầu có khả năng thụ thai và sinh con.
Ở giai đoạn dậy thì, các em thường muốn khẳng định mình (Ảnh minh họa: Internet)
Tuổi dậy thì ở con trai:
Vóc dáng cơ thể: Từ dáng hình một cậu bé, cơ thể bạn có nhiều đổi thay. Chiều cao tăng lên đáng kể, vai nở ra, bụng và mông thon lại, cơ bắp to lên trông thấy, dần dần bạn sẽ có dáng vóc của một chàng trai.
Lông và râu: Lông mu thường bắt đầu mọc trước tiên. Ban đầu, quanh cơ quan sinh dục xuất hiện vài ba sợi, sau nhiều thêm, quăn hơn. Có người chỉ có một dúm lông nhỏ, nhưng cũng có người lông dày và mọc cả lên phía bụng và xuống đùi, hậu môn. Ngoài ra, bạn cũng mọc lông nách, lông chân, thậm chí cả lông ngực. Ria và râu thường mọc sau lông mu khoảng 1-2 năm.
Nổi cục yết hầu: Cục yết hầu là sụn tuyến giáp. Hoóc-môn nam ở tuổi dậy thì khiến bộ phận này thay đổi, do vậy, bạn thấy cục yết hầu nhô to ra.
Vỡ giọng: Giọng các em bé trai và giọng người lớn khác hẳn nhau. Chính thời gian dậy thì là khi giọng chuyển. Thanh quản rộng ra, dây thanh đới dày lên và dài ra. Giọng bạn trầm xuống. Việc chuyển giọng có thể đột ngột, có thể dần dần. Thường ta ít để ý quá trình đó, nhưng có một số bạn phải bối rối vì biến cố 'vỡ giọng', nhưng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời thôi, sau đó bạn sẽ có được 'chất giọng ấm áp của đàn ông'.
Cơ quan sinh dục phát triển: Lúc dậy thì là cơ quan sinh dục phát triển nhiều nhất. Bao tinh hoàn (bìu) to ra, sậm màu hơn, hai tinh hoàn cũng lớn lên theo. Nhưng quan trọng nhất là chuyện mộng tinh. Cậu bé ngủ say thấy mộng mị ngọt ngào rồi xuất tinh cả ra quần rất xấu hổ để lại những ấn tượng kỳ lạ đầu tiên trong đời.
Hiện tượng này chứng tỏ bộ phận sinh dục của cậu bé hoạt động bình thường. Các hoóc-môn đã vào việc, tinh trùng bắt đầu được sản xuất. Dương vật dài ra, to ra, có độ cứng lớn khi bị kích thích cơ học bằng tay (thủ dâm). Ngược lại, nếu trong suốt những năm tuổi dậy thì không một lần mộng tinh, dương vật không phản ứng linh hoạt và mạnh mẽ thì sự phát triển tính dục không bình thường.
Một số vấn đề chung của hai giới
Trứng cá: Là sản phẩm của các tuyến chất nhờn bên dưới da. Khi bạn dậy thì, các tuyến này hoạt động mạnh, việc đào thải qua da mạnh hơn. Bã nhờn nếu không thoát mà nằm lại ở lỗ chân lông thì dần dần tích lại thành một cục nhỏ màu trăng trắng vàng vàng dưới da, đó chính là trứng cá. Thường thì ngoài 20 tuổi trứng cá sẽ giảm dần và có thể hết hẳn. Thông thường trứng cá không phải là vấn đề lớn, nhưng nếu thường xuyên bị nhiều nốt trứng cá bọc, to, có mủ, hoặc để lại sẹo xấu, bạn có thể tìm đến bác sĩ da liễu để khám và điều trị.
Mùi cơ thể: Khi dậy thì, các tuyến mồ hôi tăng cường hoạt động, chất tiết ra thay đổi khiến cơ thể nhiều bạn có mùi khác đi, rõ nhất là mùi ở nách và cơ quan sinh dục. Mùi cơ thể mỗi người mỗi khác, có người thính mũi coi nó là một đặc điểm nhận dạng, là sự hấp dẫn riêng. Nhưng nhiều bạn khó chịu vì nách có mùi hôi. Thực ra mồ hôi mới ra khỏi cơ thể không hôi, nhưng sau đó bị vi khuẩn phân huỷ nên có mùi, có người hôi có người không.
Lời khuyên của thầy thuốc
Ở giai đoạn dậy thì, các em thường muốn khẳng định mình, muốn tự lập, muốn tranh luận, bảo vệ ý kiến của mình, do đó có sự thay đổi về tính nết, có em đang ngoan ngoãn thì có vẻ trở nên ương bướng, lơ đãng, học không tập trung, thích làm dáng... Cũng có trường hợp nếu bố mẹ không tâm lý lại cho là bố mẹ không quan tâm nên đã có những suy nghĩ lệch lạc hoặc trầm cảm... Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy để ý và quan tâm hơn khi con mình ở tuổi dậy thì nhé.
BS. Nguyễn Kim Dung
Theo Danviet.vn
Vô sinh ở nam giới: Cách nhận biết sớm khi còn bé Dị tật từ khi còn nhỏ, tinh hoàn ẩn và bất thường ở cơ quan sinh dục là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh. Vô sinh ở nam giới có thể xuất phát từ nguyên nhân như không có tinh trùng, tinh trùng quá ít, tinh trùng di động yếu và tinh trùng dị dạng. Ngoài ra có một...