Nỗi đớn đau của ba người mẹ trong vụ bảo mẫu đạp chết cháu bé
Bị đưa ra xét xử sau khi nhẫn tâm đạp chết cháu bé 18 tháng tuổi mà mình nhận làm “ bảo mẫu”, Hồ Ngọc Nhờ nước mắt ngắn dài trước vành móng ngựa. Sau lưng Nhờ – người cũng đã làm mẹ, trong căn phòng xử án là hai bà mẹ khác cũng mang trong mình những nỗi đau quá lớn. Người mất đi đứa con yêu quý, kẻ gạt nước mắt tiễn con vào tù.
Hồ Ngọc Nhờ được giải ra xe để về trại giam.
Những cú dẫm tước đi mạng người
Được giải ra tòa để xét xử về hành vi của mình, Hồ Ngọc Nhờ cúi mặt trước những ánh nhìn xung quanh. Học chưa đến lớp 6, Nhờ đã phải nghỉ giữa chừng vì nhà quá nghèo. Mang trong mình một cái tên giả, Nhờ đi xin làm công nhân ở TPHCM. Lương không đủ sống, Nhờ lên thành phố kiếm cho mình một việc khả dĩ để nuôi sống bản thân. Gặp anh chàng cùng quê, Nhờ chung sống như vợ chồng rồi sinh được một bé trai kháu khỉnh trong căn phòng trọ chật hẹp tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức.
Chồng nay nghề này, mai nghề nọ nên thu nhập cũng chẳng bao nhiêu. Sống lay lắt qua ngày, Nhờ làm liều nhận mấy đứa trẻ là con em của những người trong xóm trọ để trông nom, kiếm thêm thu nhập dù trong tay chả có thứ bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn nào. Tuy vậy, do giá cả phải chăng, lại gần gũi không cần đưa đón nên cũng có vài cặp vợ chồng mang con đến gửi, trong đó có cháu Đỗ Nhất Long là con trai của chị Võ Thị Huyền (SN 1989, quê Nghệ An) và Anh Đỗ Trọng Đức (quê Bình Định).
Theo lời khai trước tòa của Nhờ thì mặc dù vợ chồng chị Huyền có nhiều lần đưa cháu Long đến gửi nhưng Nhờ không nhận vì cho rằng cháu bé này rất hiếu động, khó quản lý. Tuy nhiên, sau nhiều lần nói chuyện, Nhờ đã đồng ý nhận với mức giá là 1,5 triệu đồng/tháng.
Trong phiên xử, trước những câu hỏi của HĐXX, Nhờ thuật lại cái buổi sáng đã khiến Nhờ và rất nhiều người nữa phải mang một nỗi đau khó thốt thành lời: “Khoảng 7h ngày 16.11.2013, chị Huyền có đưa cháu Long đến phòng của bị cáo như thường lệ. Khoảng 5 phút sau, bị cáo cho bé Long ăn cơm như mọi ngày. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà cháu Long ăn xong thì khóc liên tục. Lúc này, bị cáo cố dỗ cho bé nín nhưng bé không nín. Lúc đó, bị cáo bảo cháu nín đi, nếu không thì bị cáo sẽ đánh nhưng cháu khóc càng to hơn. Trong lúc bực mình, bị cáo đã đưa cháu lên cao rồi lỡ tay làm bé rơi xuống đất”, Nhờ nức nở khai trước tòa.
“Vậy sao bị cáo không xem cháu Long ra sao để có biện pháp cấp cứu hay xoa dầu? Sao lại bỏ mặt cháu bé khóc thét vì đau đớn mà bỏ đi? Bị cáo có biết là rơi từ độ cao hơn 90cm xuống nền ximăng thì cháu bé có thể bị thương tích rất nặng không?”, vị chủ tọa hỏi dồn. “Dạ bị cáo lúc đó cứ nghĩ cháu Long bị nhẹ nhưng khóc to nên không để ý”, Nhờ đáp.
“Bị cáo nói vậy là không thể chấp nhận được. Vì theo lời khai của bị cáo tại cơ quan công an thì bị cáo sau đó đã đạp liên tục vào người cháu Long khiến cháu bị vỡ hai lá phổi, vỡ tim, tràn máu trong cơ thể, gây chết ngay sau đó”. “Dạ bị cáo vì nóng nảy nên đã đạp cháu Long mấy cái. Sau khi đi vệ sinh xong, bị cáo thấy cơm trong miệng cháu Long trào ra nên đã làm động tác hô hấp nhân tạo rồi nhờ người dân chuyển cháu đến bệnh viện để cấp cứu. Quả tình, khi hay tin cháu Long đã chết trên dường đi cấp cứu, bị cáo biết rằng mình đã phạm tội nặng rồi”, Nhờ tiếp tục nức nở.
Có một điều đặc biệt là trong phiên xét xử, thành phần xét xử chiếm số đông lại là những người phụ nữ, kể cả vị đại diện VKSND. Bị hai vị hội thẩm nhân dân hỏi về việc tại sao không có bằng cấp chuyên môn mà lại dám nhận chăm sóc, trông giữ trẻ, Nhờ khai rằng trong xóm trọ cũng đã có nhiều người mang con đến gửi cho Nhờ và không xảy ra điều gì đáng tiếc. Tuy nhiên, khi vị Kiểm sát viên truy hỏi về việc tại sao bị cáo không dừng lại khi thấy cháu Long khóc thét, đau đớn mà lại nhẫn tâm đạp mạnh vào người khiến cháu tử vong thì Nhờ lại rưng rức, cúi gằm mặt xuống đất.
“Bị cáo chọn cho mình nghề trông giữ, chăm sóc trẻ mà không có tình thương của một cô giáo, một người mẹ. Bị cáo thử nghĩ, nếu con mình mà bị người khác cư xử như vậy thì bị cáo sẽ như thế nào?”, một vị Hội thẩm lên tiếng trong tiếng khóc nghẹn ngào của chị Huyền – mẹ cháu Long đang ngồi ở hàng ghế dưới.
Cháu Phan Thanh Nam vô tư chơi đùa cùng đám bạn phía bên ngoài khuôn viên tòa án.
Nỗi đau quá lớn của 3 người mẹ
Trong lời nói cuối cùng trước khi tòa nghị án, Nhờ xin được gửi lời xin lỗi đến cha mẹ cháu Long. Sau khi vụ án xảy ra, cha mẹ cháu Long đã có nhiều hành động cao đẹp như đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì cảm thông đến hoàn cảnh khó khăn mà bị cáo đang đối mặt. Ngoài ra, Nhờ còn xin HĐXX xem xét cho bản án nhẹ nhất để có cơ hội trở lại với gia đình, nuôi con nhỏ, làm lụng để bồi thường tổn thất cho cha mẹ cháu Long.
Video đang HOT
Với nhận định hành vi của bị cáo là xem thường tính mạng con người, đối tượng bị xâm phạm lại là trẻ em nên HĐXX cho rằng mức án mà VKS đề nghị là đúng người, đúng tội; tuy nhiên cũng biểu thị sự khoan hồng của pháp luật đới với hoàn cảnh của bị cáo nên đã chấp nhận ý kiến của VKS, tuyên phạt bị cáo Hồ Ngọc Nhờ bản án 18 năm tù. Về phần trách nhiệm dân sự, do HĐXX chấp nhận tính hợp pháp của Giấy khai sinh có nội dung công nhận Nhờ sinh năm 1995 nên theo đó, khi phạm tội thì Nhờ vẫn ở tuổi chưa thành niên nên bố mẹ bị cáo phải liên đới cùng bồi thường số tiền 100 triệu đồng theo yêu cầu hợp pháp của bên bị hại.
Khi giải ra xe để về trại giam, Nhờ ngoái đầu để được nhìn thấy đứa con trai bé bỏng của mình đang vô tư chơi đùa cùng đám bạn phía bên ngoài khuôn viên tòa án. Nhác thấy bóng mẹ, cháu Phan Thanh Nam bỗng gọi “mẹ ơi, mẹ ơi” rồi hỏi bố là anh Phan Thanh Sơn đang đứng bên cạnh: “Sao mẹ đi lâu thế mà không về với con hả bố?”. Bị câu hỏi đắng lòng từ đứa con ngây dại, anh Sơn không cầm được dòng nước mắt nói “Mẹ đi vài hôm là mẹ về với Nam”.
Chiếc xe khuất dạng ra khỏi khuôn viên tòa án, anh Sơn vẫn đang bên đứa con ngóng theo. Anh kể, bản thân không có công ăn việc làm ổn định nên thu nhập cũng rất bấp bênh. Ngày nghe tin vợ mình đã làm cháu Long chết, anh rất hoảng sợ, vội chạy về quê thông báo cho gia đình biết sự tình, anh bàn gia đình bán đi mảnh đất hơn 30 chục mét vuông để lấy tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, mảnh đất đó chưa có thứ giấy tờ gì nên dù đã bán rẻ cũng chẳng ai mua. “Thôi thì bây giờ chỉ mong bên gia đình chị Huyền tha thứ cho tội lỗi của vợ tôi. Tôi biết, cha mẹ nào mất con mà chả xót xa, căm phẫn. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cũng chưa có khoản nào để bù đắp. Bây giờ tòa tuyên bồi thường 100 triệu đồng, tôi sẽ cố làm để chuyển dần chứ biết làm sao bây giờ”, anh Sơn thổ lộ.
Là đại diện bị hại, vợ chồng chị Huyền ngồi dưới hàng ghế, cách vành móng ngựa không xa nhưng cũng đủ để nghe tiếng khóc vì ăn năn của Nhờ. Lúc Nhờ cúi đầu xin được tha thứ, nhiều người đã thấy dòng nước mắt lăn tràn trên khuôn mặt của người mẹ trẻ. Có lẽ, do cũng là người mẹ nên chị hiểu rằng, lời xin lỗi hay cái cúi lạy xin tha thứ là điều không ai mong muốn, đặc biệt là vào lúc này.
Phiên tòa kết thúc, hai vợ chồng lại bước ngắn, bước cao trên con đường ghập ghềnh trong nỗi đau vô bờ bến. Phía sau lưng, mẹ của Nhờ – bà Hồ Ngọc Anh lẳng lặng đi theo sau như muốn níu lấy bờ vai của chị Huyền để ngỏ một lời xin lỗi nào đó, nhưng bà không làm được. Tiễn đứa con gái những bước chân cuối cùng trước khi chiếc xe ra khỏi sân tòa, bà cũng đau đớn – nỗi đau của người mẹ phải tiễn con về với những chuỗi ngày tháng mất đi tự do của một con người.
Trước mắt của bà lúc này là một núi gánh nặng. Làm sao để những đồng tiền bán được từ những tấm vé số có thể nuôi được người chồng tâm thần, nay lại dành dụm để nuôi con tù tội? Câu hỏi đó cứ bám riết lấy người phụ nữ tuổi lục tuần trên con đường trở về ngôi nhà chỉ còn là cái nền, trống huơ, trống hoác.
Theo Laodong
Bảo mẫu đạp chết bé trai bị kết án 18 năm tù
Với hành vi thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn đã giết chết cháu bé mới 18 tháng tuổi, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ phải nhận mức án cao nhất đối với người chưa thành niên.
Bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ tại phiên tòa sáng nay
7h50, Hồ Ngọc Nhờ cúi gằm đầu khi bước xuống xe cảnh sát, tỏ vẻ lúng túng khi có khá đông người dự khán đã có mặt tại tòa.
Tòa khai mạc, Nhờ vẫn cúi gằm đầu nhưng ánh mắt tỏ rõ sự hoang mang. Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo thừa nhận nội dung bản cáo trạng là hoàn toàn đúng với diễn biến sự việc xảy ra.
Giọng nấc nghẹn, Nhờ nói: "Lúc cho cháu Long ăn, bị cáo dỗ mãi mà cháu không nín nên đã cầm hai chân dốc lên ngang người để dọa. Bị cáo lỡ tay làm rớt cháu Long xuống đất".
"Sau khi cháu Long té xuống đất bị cáo làm gì?" vị thẩm phán hỏi. Nhờ vừa khóc, vừa khai tiếp: "Cháu Long cứ khóc hoài, bị cáo có đạp thêm một cái vào bụng và một cái vào ngực. Bị cáo bỏ đi vệ sinh và khoảng 20 phút sau bị cáo quay ra...".
Dưới khán phòng, vợ chồng chị Võ Thị Huyền ngồi thẫn thờ. Nữ công nhân thỉnh thoảng lại khóc nấc theo từng lời khai của Nhờ.
Vẫn không ngừng thút thít, Nhờ cho biết: "Từ nhà vệ sinh ra, thấy cháu Long nằm bất tỉnh, bị cáo đã hô hấp nhân tạo và sơ cứu để cho cơm trào ra. Sau đó, bị cáo gọi mọi người đưa đi cấp cứu".
Vào thời điểm gây án, Nhờ chưa đủ 18 tuổi nên tại tòa hôm nay, mẹ cô cũng được mời đến với tư cách là người đại diện hợp pháp. Được mời lên thẩm vấn, bà cho biết đã nghe rõ lời khai của con mình. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi về trách nhiệm của gia đình bà với gia đình người bị hại, người phụ nữ luống tuổi nói: "Cũng chia sẻ với gia đình bị hại nhưng nghèo quá không có tiền hỗ trợ".
Tham gia thẩm vấn, vị Hội thẩm nhân dân hỏi: "Trẻ con nó cần được che chở, yêu thương. Bị cáo có thương con mình không?". Nhờ nói nhanh: "Dạ có". "Bị cáo có bao giờ đánh con mình không?" - "Không", Nhờ đáp.
"Vậy sao bị cáo tàn nhẫn với cháu Long như vậy?", vị này nghiêm giọng hỏi. "Bị cáo cũng không biết vì sao mình lại làm thế", cô ta trả lời.
Được mời lên thẩm vấn, chị Huyền, mẹ cháu Long vẻ mặt thất thần, khóc và cho biết chi phí lo tiền viện cho con hết 12 triệu đồng. Gia đình yêu cầu bồi thường tổng cộng 100 triệu đồng, trong đó có thiệt hại về tinh thần.
Nhờ khóc lóc nhận tội. Ảnh: Hải Duyên.
Đại diện Viện kiểm sát tiếp tục thẩm vấn: "Bị cáo nói lúc dốc cháu Long ở trên cao, lỡ tụt tay làm rớt cháu xuống đất. Thông thường người ta chỉ bị tụt một tay, còn tay kia sẽ đỡ theo phản xạ. Đằng này bị cáo nói tụt cả hai tay là không thuyết phục". Nhờ im lặng, mặt cúi gằm.
"Với những thương tổn mà bị cáo gây ra cho cháu Long thì chắc chắn bị cáo phải dùng một lực rất mạnh. Bị cáo có thừa nhận điều đó không?", đại diện Viện kiểm sát hỏi tiếp. Nhờ vẫn không trả lời, chỉ gật đầu nhẹ, nhưng cho rằng mình không biết sẽ gây tổn thương cho cháu bé.
Bước qua phần tranh luận, phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong thời gian gần đây tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra thường xuyên. Đây là một trong những vụ án gây bức xúc trong dư luận nên cần phải xử lý nghiêm. Hành vi của bị cáo để mặc cháu Long dưới đất khóc trong đau đớn suốt thời gian dài (Nhờ khai đi vệ sinh khoảng 25 phút mới quay trở ra). Hành vi của bị cáo là không thể chấp nhận được.
"Hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện sự coi thường đạo lý làm người, thỏa mãn sự tức giận tức thời, phạm tội cố ý gây hậu quả nghiêm trọng, giết chết cháu bé mới 18 tháng tuổi là con trai duy nhất trong gia đình bị hại", kiểm sát viên nói. Do vậy, Viện Kiểm sát cho rằng, cần phải có mức án nghiêm khắc để phòng ngừa răn đe đối với loại tội phạm đang gia tăng. Tuy nhiên, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải đang có con nhỏ dưới 3 tuổi, lúc phạm tội chưa thành niên... Từ đó, Viện đề nghị mức án 18 năm tù đối với Nhờ về tội Giết người. Đây là mức án cao nhất đối với người chưa thành niên phạm tội.
Trước khi đi vào phần bào chữa, luật sư thay mặt thân chủ gửi lời xin lỗi và chia sẻ với những mất mát với gia đình cháu Long. Gia đình bị hại có yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng tiền viện phí, mai táng, tổn thất tinh thần. Dù rất mong muốn khắc phụ hậu quả cho gia đình bị hại, tuy nhiên gia đình bị cáo cũng rất khó khăn chưa có điều kiện bồi thường.
Bản thân Nhờ, theo luật sư, bị cáo vẫn có tình thương với cháu Long nên sau khi đi vệ sinh ra thấy bé bất tỉnh đã hô hấp nhân tạo, gọi người đi cấp cứu, túc trực ở bệnh viện... Từ đó, luật sư xin Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt đối với Nhờ nhẹ hơn mức Viện Kiểm sát đề nghị.
Không bổ sung hay có thêm ý kiến về phần bào chữa của luật sư đối với mình, Nhờ chỉ quay xuống khóc và nói lời xin lỗi gia đình bị hại. "Em không biết nói gì hơn, ngàn lần xin lỗi anh chị. Mong anh chị tha thứ cho em", Nhờ cúi thấp người vừa khóc, vừa nói.
Được nói lời sau cùng, Nhờ giọng nấc nghẹn: "Bị cáo xin lỗi gia đình chị Huyền. Mong chị tha thứ để em sớm được về với con nhỏ của em. Bị cáo rất hối hận về những gì mình đã gây ra, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo...".
Sau 3 tiếng làm việc, chủ tọa Nguyễn Văn Hà thay mặt Hội đồng xét xử tuyên án, cho rằng hành vi của Nhờ thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn, xem thường pháp luật, gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận. Thời điểm phạm tội, bị cáo chưa đủ 18 tuổi. Mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, song cần áp dụng mức án nghiêm khắc mới đủ tính răn đe. Từ những căn cứ này, tòa tuyên phạt bị cáo 18 năm tù về tội Giết người.
Nhờ khóc ngất, không thể bước đi khi phiên tòa kết thúc nên các cảnh sát phải dìu bị cáo ra xe đặc chủng.
Theo cáo trạng, tháng 7/2012, chị Võ Thị Huyền (25 tuổi, quê Nghệ An) cùng chồng là anh Đỗ Trọng Đức đến thuê trọ ở khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Phòng của đôi vợ chồng này ở gần nơi trọ của Hồ Ngọc Nhờ (19 tuổi, quê Cần Thơ). Thấy Nhờ cũng có con nhỏ nên chị Huyền thuê trông con là cháu Đỗ Ngọc Long (18 tháng tuổi) với giá 1,5 triệu đồng/tháng.
Nhờ được đưa đến tòa sáng nay. Ảnh: Hải Duyên
Khoảng 7h sáng ngày 16/11/2013, chị Huyền mang con đến gửi Nhờ rồi đi làm. Khi bảo mẫu cho Long ăn sáng thì cháu quấy khóc, Nhờ liền cầm chân bé lên cách nền nhà khoảng 80cm rồi dọa "nói hoài không nghe gì hết, tao ném luôn bây giờ".
Vừa dứt câu nói thì Nhờ tuột tay làm cháu Long rơi xuống nền nhà. Bị ngã đau, Long càng khóc to hơn. Tức giận, bảo mẫu liền dùng chân phải đạp mạnh 2 cái vào ngực và bụng của cháu bé tội nghiệp rồi thản nhiên khóa cửa, bỏ đi vệ sinh.
Khoảng 20 phút sau, Nhờ quay lại thì thấy cháu Long bất tỉnh và có dấu hiệu co giật, sùi bọt mép. Cô ta liền làm động tác sơ cứu nhưng nạn nhân vẫn không có dấu hiệu hồi phục. Hốt hoảng, Nhờ chạy ra ngoài nhờ người đưa Long đi cấp cứu nhưng do bị tổn thương quá nặng nên cháu đã tử vong. Ngay sau đó bảo mẫu này đã bị công an bắt giữ khẩn cấp để tiến hành điều tra.
Nhờ bị Viện KSND TP.HCM truy tố về tội Giết người theo điểm c, khoản 1 điều 93 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Chồng bảo mẫu đạp chết bé trai 18 tháng tuổi
Trao đổi với PV, luật sư Trương Quang Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) đưa ra những nhận định về vụ án: "Với một cháu bé mới 18 tháng tuổi, cơ thể còn non nớt thì một cú va chạm nhẹ cũng có thể gây tổn thương. Khi Long bị Nhờ ném xuống đất, cháu đau đớn khóc, đáng lẽ bảo mẫu phải xem cháu bị thương ở đâu không rồi sơ cứu, đằng này bị cáo nhẫn tâm đạp mạnh 2 cái vào ngực, bụng nạn nhân.
Cháu bé chưa có khả năng tự vệ thì việc làm này của Nhờ là cực kì nguy hiểm. Chưa dừng lại ở đó, khi thực hiện xong hành vi, bảo mẫu còn khóa cửa bỏ mặc bé đang bị thương nặng trong phòng rồi đi ra ngoài.
Hành vi này đã phạm vào tội Giết người với nhiều tình tiết tăng nặng, như động cơ đê hèn, giết trẻ em, cố tình phạm tội với tính chất dã man (ném cháu xuống đất rồi đạp nhiều cái vào người) và thấy người chết mà không cứu (thấy nạn nhân bị thương nặng vẫn bỏ mặc đi ra ngoài).
Tuy nhiên, bên cạnh đó Nhờ cũng có một số tình tiết giảm nhẹ quan trọng như hoàn cảnh khó khăn nên phải nhận nuôi Long để có thu nhập; sau khi xảy ra chuyện, thấy cháu bé có biểu hiện nguy kịch đã sơ cứu và đưa đi cấp cứu và bị cáo đang có một đứa con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Với các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ nêu trên thì mặc dù bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất ở tội Giết người, nhưng Nhờ chắc chắn không bị tử hình (do có con nhỏ dưới 36 tháng), khả năng bị tù chung thân cũng khó có thể xảy ra. Nhiều khả năng, bị cáo này sẽ bị tuyên từ 12 - 20 năm tù".
Trả lời câu hỏi của PV vì sao Nhờ có con nhỏ dưới 36 tháng nhưng không được tại ngoại để hầu tra?, luật sư cho biết: "Theo điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự, bị can/bị cáo là phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi sẽ được tại ngoại để nuôi con, nhưng với điều kiện phải có nơi cư trú rõ ràng để chính quyền địa phương áp dụng biện pháp ngăn chặn thay cho tạm giam.
Nhưng trong trường hợp này, Nhờ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và bị cáo cũng không có chỗ ở ổn định. Vì thế cơ quan điều tra không cho tại ngoại là có căn cứ".
Theo Xahoi
Bảo mẫu đạp chết bé trai khóc liên tục trong 3 giờ xét xử Tại phiên tòa diễn ra sáng 30/5, Hồ Thị Nhờ liên tục khóc khiến một vị trong hội đồng xét xử bực mình nói: "Bị cáo không được khóc, nếu khóc tôi sẽ không hỏi nữa". Bảo mẫu 9X Hồ Thị Nhờ khóc liên tục từ khi bắt đầu phiên xét xử đến khi toà tuyên án bị cáo 18 năm tù về...