Nỗi day dứt của cựu Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa
Từng cúi đầu trước những người lính ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa, ở tuổi 60, ông Đặng Công Ngữ (Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa) một lần nữa cúi đầu xin lỗi nhân dân vì thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm chủ tịch huyện đảo.
Có người gọi ông Đặng Công Ngữ là “ông Hoàng Sa”, nhưng vị Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa không dám nhận. Một phần bởi 1.835 ngày giữ chức Chủ tịch, ông vẫn canh cánh nỗi niềm “Hoàng Sa chưa về với đất mẹ”. “Nhiều người dân hỏi tôi đã đi Hoàng Sa chưa? Câu hỏi như kim đâm vào da thịt và tôi thấy xót xa. Làm sao đi được khi lãnh thổ của chúng ta đang bị Trung Quốc chiếm đóng”, ông tâm sự.
Nguyên chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ nói lời xin lỗi khi cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm. Ảnh: Nguyễn Đông.
Mùa xuân năm 2013, những người dự triển lãm “Các tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa” ở Bảo tàng Đà Nẵng ngỡ ngàng khi thấy một vị chủ tịch cúi đầu trước quan khách và nhân chứng Hoàng Sa – những người 39 năm trước đã đối mặt với hạm đội của Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa.
“Dân tộc ta đã đứng lên, đã – đang và sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi lại quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng”, ông Đặng Công Ngữ.
Tròn một năm sau, ngày 19/1/2014, tại triển lãm “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, vị chủ tịch huyện đảo lại cúi đầu nói lời xin lỗi trước những người tham dự vì thấy mình chưa làm được nhiều cho việc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam. Ông cũng xin mọi người thứ lỗi vì không thực hiện được đêm ca nhạc về biển đảo và thắp nến tri ân những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa dịp kỷ niệm 40 năm quần đảo này bị cưỡng chiếm.
Cuối tháng 4 vừa qua, ông Ngữ một lần nữa cúi đầu trước cộng sự của mình. Những người chứng kiến lặng đi khi nghe ông Ngữ cất lời bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” trước lúc về hưu.
Ba lần cúi đầu, ông Ngữ nói luôn canh cánh nỗi niềm đòi lại Hoàng Sa. Với những người đã anh dũng ngã xuống hay nhân chứng sống của cuộc chiến, ông cho hay, bản thân không thể nào diễn tả được sự thành kính bằng lời, ngoài việc chân thành cúi đầu tri ân.
Ông Bùi Văn Tiếng, người được người dân phong là “Bí thư huyện đảo Hoàng Sa”, đã bật khóc khi nghe ông Đặng Công Ngữ nói lời xin lỗi vì cảm thấy chưa làm được nhiều việc cho công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.
Video đang HOT
5 năm trên cương vị Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, ông Ngữ ngày đêm sưu tầm tài liệu, bằng chứng pháp lý về chủ quyền biển đảo, có mặt ở hầu hết các triển lãm, buổi nói chuyện về Trường Sa – Hoàng Sa để khẳng định với thế hệ trẻ sự thật: “Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”. Biết việc ông Ngữ làm, nhiều người đã chủ động tặng UBND huyện đảo những tài liệu liên quan, làm phong phú thêm nguồn tư liệu lịch sử về chủ quyền biển đảo.
Cái tên Đặng Công Ngữ xuất hiện đều đặn trên các phương tiện truyền thông để phản ứng động thái vi phạm chủ quyền lãnh thổ, cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động trên ngư trường truyền thống…
Tháng 7/2012, hay tin Tiến sĩ Mai Hồng (Hà Nội), công bố tài liệu “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cuối đời nhà Thanh (Trung Quốc) không nói đến Hoàng Sa và Trường Sa, ông chủ tịch huyện đảo với mái tóc bạc mừng ra mặt khi trả lời phỏng vấn VnExpress. “Việt Nam cần tuyên truyền những tài liệu, chứng cứ lịch sử cho cả người Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa phải được đưa ra quốc tế, giải quyết bằng hòa bình”, ông khẳng định.
Không ít nhân chứng Hoàng Sa khi gặp ông đã biến cảm xúc thành hành động. Cựu binh Phạm Khôi (Đà Nẵng) tự tay vẽ bản đồ Hoàng Sa tặng huyện đảo. Nhân chứng Nguyễn Văn Cúc, người trực tiếp chứng kiến trận hải chiến trên biển năm 1974, tay run run viết: “Thế hệ mai sau phải hiểu rõ lịch sử của Hoàng Sa, về sự gian khổ, khó khăn của cha ông từ thời chúa Nguyễn khai phá quần đảo này và bằng mọi giá phải đòi lại chủ quyền”.
Mới đây, cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do ông Ngữ làm chủ biên được phát hành. Cuốn sách lưu dấu hàng trăm tư liệu, hiện vật và lưu bút của nhân chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Ông bày tỏ, đó là thành quả không của riêng ông hay UBND huyện đảo, mà là của những người dân đã chung tay cho sự nghiệp đòi lại Hoàng Sa.
Ông Đặng Công Ngữ cùng cộng sự hát “Tổ quốc gọi tên mình” trước lúc về hưu. Ảnh: Nguyễn Đông.
“Đau đáu với một phần lãnh thổ chưa về với đất mẹ đã thôi thúc tất cả đồng bào ta quyết tâm đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam”, ông Ngữ chia sẻ trong phần Lời ngỏ của Kỷ yếu Hoàng Sa và kêu gọi: “Hãy thể hiện lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với Hoàng Sa – vùng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”.
Theo ông, thông tin chưa đến với nhân dân đầy đủ, có người vẫn thắc mắc Việt Nam còn mấy đảo ở Hoàng Sa, dân cư thế nào. Và chính ông, trên cương vị chủ tịch huyện đảo, cũng chưa trả lời thẳng thắn với người dân.
Những tháng cuối nhiệm kỳ, ông dành thời gian đến thăm hỏi gia đình cố Trung tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) tử trận khi bị tàu Trung Quốc bắn cháy ở Hoàng Sa năm 1974 và gia đình cố thiếu tá Nguyễn Thành Trí, người thương nặng trong trận hải chiến và mất trên đường vào bờ. Vị Chủ tịch lặng lẽ cúi đầu thắp nén hương trước người đã khuất và khẳng định với gia đình họ “UBND huyện Hoàng Sa luôn ghi nhận công lao, sự hy sinh của những người lính trong trận hải chiến để bảo vệ lãnh thổ”.
Ông Nguyễn Trước, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, người từng đề xuất thành lập hội nghề cá Hoàng Sa, chia sẻ: “Anh Ngữ là người hết sức trăn trở và gắn bó với cương vị của mình. Dù ngừng công việc chuyên môn nhưng người như anh luôn đau đáu và sẽ tiếp tục cộng tác với công cuộc đòi lại Hoàng Sa”.
Trước khi rời nhiệm sở, ông Đặng Công Ngữ đã khởi động dự án xây Bảo tàng Hoàng Sa, diện tích 700 m2, trên đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Đây sẽ là nơi lưu giữ, giới thiệu với công chúng các hình ảnh, hiện vật về quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Theo ông Ngữ, công trình là tiếng nói quan trọng, củng cố niềm tin về sự hiện hữu phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Trên cương vị Giám đốc Sở Nội vụ, ông Đặng Công Ngữ đã đưa Đà Nẵng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về công tác cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Nội vụ; thi tuyển chức danh lãnh đạo sở, ban, ngành; chấm điểm công chức qua mạng; tham mưu cho thành phố xây dựng đề án chính quyền đô thị…
Theo VNE
1.835 ngày đảm nhiệm Chủ tịch huyện Hoàng Sa
"Chúng ta không thể phủ nhận từ khi có UBND H.Hoàng Sa thì công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã nâng tầm rất nhiều", ông Đặng Công Ngữ khẳng định trước khi khép lại 1.835 ngày ở cương vị Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa của TP.Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chúc mừng ông Đặng Công Ngữ (trái) trong ngày công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa, 25.4.2009 - Ảnh: Nguyễn Tú
Ngày 5.5, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa, về hưu sau nhiệm kỳ 5 năm.
Theo ông Nguyễn Chước, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, "Ở Hoàng Sa hằng ngày riêng Đà Nẵng có khoảng 200 tàu luôn có mặt, cho dù phải vật lộn, đối đầu với các lực lượng mạnh hơn của Trung Quốc nhưng ngư dân vẫn bám giữ ngư trường đó để sống, để gìn giữ lợi ích chủ quyền Tổ quốc". Và đúng như lời ông Chước, ông Ngữ chưa bao giờ dừng lại hay ngơi nghỉ trong sứ mạng của mình.
Tại triển lãm Quần đảo Hoàng Sa, Chủ quyền Việt Nam ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng hôm 21.4, ông Ngữ đề nghị khi ông hô "Hoàng Sa" thì sinh viên hô "Việt Nam" 3 lần như thế để thể hiện quyết tâm qua triển lãm này tạo dựng một hình ảnh Hoàng Sa của Việt Nam đang trỗi dậy, đồng thời kêu gọi sinh viên phải làm nhiều việc hơn nữa cho Hoàng Sa để Hoàng Sa luôn luôn của đất mẹ Việt Nam. Chứng kiến ông Ngữ cùng hàng ngàn sinh viên giơ nắm đấm thẳng lên trời sau tiếng hô có lẽ không ai nghĩ đây là một ông già 60 tuổi sắp về hưu.
Dấu ấn Hoàng Sa
Theo ông Ngữ, dấu mốc đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ 5 năm mà ông nhẩm tính tổng cộng 1.835 ngày làm Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa chính là khi UBND TP.Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm hôm 25.4.2009. "Đây đã là sứ mệnh lịch sử và cũng nhân dịp này, bạn bè quốc tế, nhân dân Việt Nam mới có cơ hội hiểu hơn về Hoàng Sa của Việt Nam", ông Ngữ nói.
Nhận chức, ông Ngữ đã nhớ ngay đến những nhân chứng làm việc, canh giữ Hoàng Sa từ trước 19.1.1974, ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Họ đã ở bên kia triền dốc cuộc đời mà suốt 35 năm sau ngày Hoàng Sa thất thủ họ đã bị lãng quên với nhiều lý do. 5 năm trong nhiệm kỳ của mình, ông Ngữ cùng các cộng sự tập hợp họ lại, ghi chép, thu thập những tư liệu, hiện vật quý giá, cho ra đời, bổ sung, tái bản cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa.
Đây được xem là bằng chứng sống động nhất về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa bởi bên cạnh bằng chứng pháp lý, lịch sử, cuốn sách còn hiện diện nhân chứng sống kể về mùa xuân tủi hận 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm đảo, bắt và cầm tù người Việt Nam, các văn bản quản lý nhà nước đối với quần đảo thiêng liêng qua nhiều giai đoạn.
Điều đáng nhớ tiếp theo với vị Chủ tịch là triển lãm lần đầu công bố các tư liệu về bằng chứng lịch sử chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1.2013, bên cạnh các tư liệu lịch sử Việt Nam và còn lần đầu công bố tư liệu của chính người Trung Quốc. Đó là những Atlas xuất bản từ đầu thế kỷ 20 do chính quyền Trung Quốc xuất bản khẳng định cực nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
"Một bên là chúng ta khẳng định, một bên là chính quyền Trung Quốc tự thừa nhận về giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc, chứ không có "đường lưỡi bò" như hiện nay, đó là những bằng chứng tố cáo sự ngụy biện của Trung Quốc", ông Ngữ nói.
Sau triển lãm đó các tài liệu này được tổ chức đưa đi khắp cả nước, và triển lãm trở lại TP.Đà Nẵng vào ngày 19.1.1974 do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.
Trả nợ tiền nhân
Ông Ngữ về hưu khi công việc còn dở dang, đó là bên cạnh việc tập hợp những nhân chứng từng sống ở Hoàng Sa thì UBND H.Hoàng Sa cũng đang thu thập thông tin những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa. Đặc biệt trong thập niên 1960 thế kỷ trước có rất nhiều địa phương quân đến nhân viên khí tượng làm nhiệm vụ giữ đảo từ 3-6 tháng/đợt mà do điều kiện thông tin còn hạn chế nên hiện danh sách đang bị thiếu rất nhiều.
Điều ông Ngữ đau đáu là những người lính thuộc Đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn có công thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa, được đặt tên đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm như Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, những người khai phá từ xa xưa... cũng chưa có một sự công nhận nào. Do đó, việc chuẩn bị các cứ liệu, sử liệu là việc làm cấp thiết.
"Cương vị tôi đến thời điểm này sắp hết, để nhường lại cho những đồng chí trẻ hơn tiếp bước công tác đấu tranh cam go, gian khổ này, phức tạp, lâu dài này. Chúng tôi mong đợi rằng, những người tiếp bước sau đây sẽ giải quyết được các câu hỏi mà người dân Việt Nam luôn trăn trở", ông Ngữ tin tưởng.
Ngày 4.2.1982, Việt Nam đã quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và đến ngày 1.1.1997, Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc T.Ư, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền TP.Đà Nẵng. Trong giai đoạn này, Trưởng ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ) của Đà Nẵng đều kiêm phụ trách UBND H.Hoàng Sa. Ngày 21.4.2009, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh ký quyết định và ngày 25.4 công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ kiêm nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa nhiệm kỳ 2009 - 2014.
Theo TNO
Ông Võ Công Chánh làm Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa Sáng 5.5, ông Võ Công Chánh (43 tuổi, quê Quảng Nam) trình độ thạc sĩ văn học, cử nhân luật đã được UBND TP.Đà Nẵng bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa (thời hạn 5 năm; thay ông Đặng Công Ngữ nghỉ hưu theo chế độ). Ông Chánh đồng thời được Ban Thường vụ Thành ủy...