Nỗi đau từ ma túy: Mẹ lãnh án tử để lại ba con bơ vơ
Với mong muốn ba đứa con gái có một cuộc sống tốt hơn, người mẹ nhẹ dạ cả tin vào những lời lôi kéo trở thành tay chân của bọn tội phạm ma túy, để rồi cuối cùng phải nhận kết cục cay đắng…
Ước mơ đổi đời
Trong các vụ án vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam, các ông trùm chọn người “ôm hàng” đa phần là phụ nữ, có hoàn cảnh khó khăn. Lý do đơn giản là họ cần tiền, muốn kiếm tiền một cách nhanh nhất nên chấp nhận mọi công việc nguy hiểm, dù biết vi phạm pháp luật.
Đằng sau vụ án Nguyễn Thị Hoa (SN 1966, ngụ quận Gò Vấp TP.HCM) vận chuyển ma túy, nằm trong đường dây tội phạm xuyên quốc gia được TAND TP.HCM đưa ra xét xử mới đây là câu chuyện tình cảm gia đình cảm động.
Năm 25 tuổi, Nguyễn Thị Hoa kết hôn. Những ngày hạnh phúc của cô gái trôi qua nhanh khi lần lượt 3 cô con gái chào đời. Cũng từ đó gia đình vốn không khá giả lại càng khốn khó hơn. Vợ chồng cãi vã thường xuyên, mâu thuẫn lớn dần đến mức không thể hàn gắn được. Hoa và chồng ly dị, người phụ nữ này bất chấp tất cả để giành quyền nuôi ba con gái dù biết cuộc sống phía trước vẫn muôn vàn khó khăn.
Căn nhà nơi bốn mẹ con Hoa sinh sống chỉ vỏn vẹn 25 mét vuông. Cuộc sống khốn khó đến độ mỗi khi trời mưa nhà dột khắp nơi, mẹ con Hoa phải dùng thau chậu hứng trước sau. Ở là vậy, ăn uống thì bữa rau bữa cháo, chồng cũ cũng không màng chu chấp cho con, mọi gánh nặng đều đặt lên đôi vai của Hoa.
Hoa và Trinh tại phiên tòa
Thông qua một người quen Hoa biết Trần Thị Phương Trinh (SN 1984, ngụ quận Gò Vấp). Sau lần gặp đầu Trinh thường xuyên liên lạc, hay rủ Hoa đi cà phê trò chuyện. Biết hoàn cảnh Hoa khó khăn, một mình bươn chải nuôi ba con nhỏ Trinh tỏ ý cảm thông và gợi ý muốn giúp đỡ.
Qua đó, Trinh cho biết có quen một người đang làm ăn kinh doanh thời trang cần tìm người chuyển quần áo từ châu Phi về Việt Nam. Mức lương trả cho công việc từ 10 ngày đến nửa tháng là 40 triệu đồng. Trước hoàn cảnh khó khăn, Hoa đồng ý ngay mà không hề biết đằng sau đó là mưu đồ hiểm ác mà bọn tội phạm ma túy xuyên quốc gia đã giăng sẵn.
Hạ tuần tháng 4/2012, Hoa được Trinh hướng dẫn sang Campuchia rồi từ đó bay sang Bờ Biển Ngà. Tại đây, một người phụ nữ bản xứ đón Hoa về khách sạn nghỉ ngơi. Người này cho Hoa biết được tự do đi chơi vài ngày rồi sau đó mang quần áo về Philippines. Thời gian ở khách sạn, có người tên Thu điện thoại cho Hoa biết thứ “hàng” mà cô sắp mang về Philippines thực chất là ma túy.
Cuối tháng 4/2012, trên chuyến bay từ Bờ Biển Ngà về Philippines, Hoa không được cơ quan an ninh sân bay cho nhập cảnh vì sai lệch tên tuổi trên vé.
Sau đó, cũng được Trinh hướng dẫn Hoa mua vé máy bay về Việt Nam. Khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM, qua kiểm tra lực lượng an ninh tạm giữ Hoa vì nghi ngờ 5,15kg chất rắn được cất giấu trong va-ly là ma túy.
Video đang HOT
Xác minh cho thấy số chất trên chính là ma túy tổng hợp. Hoa bị bắt, Trinh cũng sa lưới sau đó.
“Mẹ ơi! tụi con biết phải làm sao?”
Trong phiên tòa sơ thẩm được TAND TP.HCM đưa ra xét xử mới đây, phía sau vành móng ngựa nơi hai bị cáo Nguyễn Thị Hoa và Trần Thị Phương Trinh là những người thân, bà con của hai phụ nữ này. Lẫn trong đó là cô gái mặc áo sơ mi trắng (con gái lớn của Hoa) với nước mắt lưng tròng.
Nghe mọi người nói với lượng ma túy hơn 5kg mà mẹ vận chuyển khó thoát khỏi án tử, cô gái luôn hướng ánh mắt như van xin về HĐXX cầu mong một phép màu. Càng vế cuối phiên tòa cô gái càng thấp thỏm lo sợ hơn.
Tâm sự với phóng viên, cô gái nức nở cho biết, do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên học đến lớp 11 đã phải nghỉ ngang. Lúc hay tin mẹ bị công an bắt vì dính líu đến chuyện buôn bán ma túy em không tin. Trước đó em nghe mẹ nói đi làm ăn, vận chuyển quần áo từ nước ngoài về cho người ta. Em cũng nghĩ như vậy nên ở nhà vừa làm chị, vừa làm mẹ lo hai em từ ăn uống đến học hành.
Để có tiền lo cho hai em con gái lớn của Hoa xin làm công việc rửa chén bát thuê cho một quán ăn với tiền lương chưa tới 2 triệu đồng mỗi tháng. Từ ngày mẹ bị bắt, ngày qua ngày ba chị em nương tựa nhau mà sống.
Theo lời kể của cô con gái lúc phiên tòa đang diễn ra, trong thời gian tạm giam bốn mẹ con có dịp gặp nhau mặt nhau. Lần nào Hoa cũng là người khóc nhiều nhất. Nghĩ đến viễn cảnh phải xa mẹ thời gian dài cô gái càng thấy trách nhiệm của mình đối với hai em ngày càng lớn hơn.
Không muốn các con nhỏ của mình phải chứng kiến cảnh mình bị xét xử, Hoa dặn cô con gái đầu hôm diễn ra phiên tòa không được để hai em đến. Cô gái nghe lời mẹ chỉ đến một mình. Và rồi cái kết mà em không mong muốn cũng đã đến, án tử đã được HĐXX tuyên cho mẹ cô.
Chân không bước nổi, bị cáo Hoa bị dẫn giải ra xe về trại giam, tuy vậy bà vẫn cố ngoảnh mặt lại nhìn con. Bầu trời như sụp đổ trước mắt nhưng cô con gái đầu vẫn chạy ào theo mẹ, tay gạt dòng nước mắt gọi to: “Mẹ ơi! Tụi con biết phải làm sao?”.
Theo Phương Nguyễn (Infonet)
Bát cơm tù cúng chồng ngày giỗ
Từ vai trò của người thụ động, Trần Thị Phương Trinh (còn gọi là Thảo, 30 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM - người bị Tòa án nhân dân TP.HCM kết án tử hình) chuyển sang tổ chức, dụ dỗ hàng chục phụ nữ có hoàn cảnh éo le tham gia đường dây.
Nguyễn Thị Hoa (48 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) là một nạn nhân như thế, bị Tòa án nhân dân TP xử tử hình trong phiên tòa sơ thẩm, sau đó được giảm án xuống chung thân.
Bà Hoa nhớ về ngôi nhà dột nát và những đứa con bơ vơ ngày đêm ngóng mẹ trở về - Ảnh: G.Minh
Uớc mơ vụt mất
Ngày chia tay các con theo Trinh lên đường sang Campuchia, bà Hoa dặn con gái: "Ráng ở nhà ngoan, mẹ đi chừng nửa tháng rồi về, mẹ về sẽ mua xe đạp cho con". "Khi đưa con gái út đi gửi, dặn con phải ngoan rồi mẹ về sớm, vậy mà có ngờ đâu tôi đi một lượt là đi luôn, vào tù ngồi không biết ngày về" - bà Hoa nói.
Từ khi bị bắt tạm giam tại trại tạm giam Chí Hòa tới gần ngày tòa xử là khoảng tám tháng, nhưng bà Hoa không gặp con, phần vì quy định không cho phép thăm gặp khi đang điều tra, phần vì bà sợ gặp con. Gần tới ngày tòa xử, bà xin được gặp mặt con.
Bà Hoa nói: "Cũng vì nhớ quá không chịu được chứ tôi chủ ý là không gặp cho các con khỏi đau lòng vì thấy người mẹ bị tù tội, giam cầm".
Ngày thăm gặp, ba đứa nhỏ dắt díu nhau vào thăm mẹ, đứa nhỏ không hiểu chuyện hỏi: "Mẹ ơi sao mẹ đi lâu thế? Mẹ đi nấu cơm cho mấy chú công an sao mãi không về với con!". "Con hỏi mà tôi chết lịm người đi, chỉ hét lên được một tiếng "Con ơi!" rồi khóc, sau đó mẹ con lìa xa nhau" - bà Hoa nhớ lại.
Hai phiên tòa xét xử, lần đầu là tử hình, lần hai được giảm xuống chung thân, nhưng lần nào bà cũng như người trong mộng, mơ màng nghe, trả lời mọi việc chứ không biết, không nhớ gì.
"Từ lúc được chuyển về trại này (trại Thủ Đức - PV), đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy mái nhà dột, ba đứa nhỏ co kéo nhau tránh mưa trong ngôi nhà mà nước mắt đầm đìa.
Ba chúng nó chết rồi mà tôi vẫn tưởng như đang sống, lúc nào cũng dặn dò rằng: "Anh ráng chăm lo cho con, đừng để con đói khổ quá". Ngày giỗ đầu của ảnh là ngày 8/9/2013, lúc tôi đã về trại Thủ Đức. Tới bữa, tôi đặt bát cơm trên bàn ăn của phạm nhân thay bàn thờ, từ trong lòng cầu khấn: Em chỉ có bát cơm tù cúng anh, xin anh sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho con tai qua nạn khỏi, làm sao cho con gặp nhiều người tốt cưu mang thành người" - bà Hoa tâm sự.
Ở trong tù, bà không yên được giây phút nào về cuộc sống của ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn mà thiếu bàn tay mẹ chăm sóc, giáo dục: "Giờ đang mùa mưa rồi, các con có biết trèo lên mái vét nước mưa đọng không, sợ đêm về mưa lớn, sập mái xuống thì chết hết cả. Tôi cố đi làm để sửa mái nhà, vậy mà giờ ngay cả ở gần con cũng không thể được nữa".
Hơn ba tháng trước, các con bà Hoa tới trại giam thăm nuôi, hai cô con gái nhỏ đang học lớp 9 và lớp 7 hứa sẽ vừa đi học vừa đi làm kiếm tiền để dành đi thăm mẹ khiến bà vô cùng xót xa: "Làm ơn nhắn với tụi nhỏ giúp tôi, nói ráng học hành làm người tử tế, đừng cố đi làm kiếm tiền thăm mẹ làm gì, lỡ xảy ra chuyện gì thì mẹ không còn muốn sống nữa. Mẹ sẽ tự chăm sóc bản thân, sẽ cố gắng cải tạo tốt để mong có ngày về bên các con...".
Giấc mơ sửa được mái nhà che nắng mưa của bà Hoa không những không thành mà còn khiến căn nhà đổ nát, tan hoang hơn - Ảnh: G.Minh
Đổ nát
Sáng 14/8, chúng tôi tìm tới nhà bà Hoa trong con hẻm nhỏ sâu hun hút trên đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp. Ngôi nhà có diện tích 2,5m3,5m, nằm cuối con hẻm cụt, lối đi chỉ vừa cho hai người tránh nhau. T. - cô con gái lớn nhất của bà Hoa đã ngoài 20 tuổi - cho biết mình đi làm tạp vụ, dọn dẹp cho một nhà hàng từ 12-23h, nhưng thường phải làm thêm tới 1-2h sáng mới về tới nhà, thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng.
Sáng ra, sau khi đưa hai em tới trường, ai có việc gì kêu là làm để kiếm thêm chút đỉnh lo tiền cơm cho ba chị em. "Hai đứa em em đang đi học, nhưng lúc nào cũng chỉ nghĩ tới việc kiếm tiền phụ chị và đi thăm mẹ nên không tập trung học lắm" - T. buồn bã nói.
T. cho biết hiện gia đình T. đang chờ được duyệt vào hộ nghèo, hi vọng khi được là hộ nghèo thì gánh nặng đè lên vai T. sẽ giảm, các em đi học được miễn học phí, có bảo hiểm y tế khám chữa bệnh lúc đau ốm.
"Cũng may có cô tổ trưởng dân phố, cô ở hội phụ nữ thương tình. Có việc gì các cô cũng đứng ra giúp, các nhà hảo tâm cho cái gì ở phường, ở chùa các cô cũng xin cho tụi nhỏ được một suất. Sách vở, đồ dùng học tập thì các anh chị làm chung với em biết hoàn cảnh hay cho nên tụi em cũng cố gắng sống được qua ngày" - T. nói.
Bà Hoa sinh ra trong một gia đình nghèo có 10 anh chị em, năm người đã lần lượt mất đi, bản thân bà cũng chỉ được học tới lớp 7 thì phải nghỉ để giúp gia đình. Kết hôn xong, gia đình mâu thuẫn vì những lý do tế nhị, hai vợ chồng ly dị trên danh nghĩa nhưng vẫn thương yêu nhau, chung sống và chăm lo cho các con.
Năm 2011, chồng mất do tai nạn. Từ khi chồng mất, bà Hoa một mình lo gánh nặng kinh tế gia đình, nuôi các con chỉ bằng những đồng tiền chắt bóp qua việc đi dọn dẹp, giúp việc theo giờ cho các gia đình trong xóm và phụ bán cơm, mỗi ngày được 50.000-100.000 đồng.
Giữa lúc cuộc sống cùng cực như thế, bà Hoa gặp một người quen giới thiệu với Trinh. Gặp Trinh, nghe Trinh nói đi nước ngoài vận chuyển quần áo hàng hiệu từ nước này qua nước khác, giá chênh lệch nhau nhiều lắm nên có tiền, thu được 1.000 USD/chuyến đi.
Bà Hoa kể: "Tôi thắc mắc mình không biết một chữ tiếng Anh, liệu có đi được không? Trinh nói: Không cần tiếng Anh, đi tới đâu có người đón, hướng dẫn hết rồi, chỉ cần mang đồ từ nơi này giao qua nơi khác là được".
Những ngày sau đó, Trinh nhiều lần liên lạc lại, hỏi bà Hoa có muốn đi thì Trinh giúp. "Tôi cũng lo lắng lắm, nhưng lúc đó mùa mưa, mái nhà dột khiến đêm đêm mẹ con cứ dời chỗ này, tránh chỗ kia không ngủ được. Thợ sửa nhà nói chỉ cần có 8 triệu đồng là sửa được hết mái nhà.
Mỗi đêm mưa, nhìn các con co ro tránh dột, nước mắt tôi ứa ra, lời hứa được hơn 10 triệu đồng sau chuyến đi của Trinh cứ vang lên trong đầu, phải kiếm tiền sửa lại mái nhà cho các con có đêm ngon giấc. Còn tiền dư ra tôi có thể mua cho con chiếc xe đạp, mua cho mỗi đứa bộ đầm mặc cho bằng với người ta, vì từ nhỏ chúng chỉ mặc quần áo xin của người khác" - bà Hoa nhớ lại.
Trước khi đi, bà Hoa nói với Trinh là không phạm pháp mới làm, vì bà còn ba đứa con, chưa bao giờ xa con một ngày nên sợ lắm. Trinh nói: "Cứ yên tâm đi đi, việc phạm pháp không ai dại mà đưa chị đi, chỉ là mang quần áo hàng hiệu trốn thuế thôi, nếu bị phát hiện, bỏ số hàng đi là xong".
Bà Hoa đã đi theo sự sắp xếp của Trinh và tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, đi châu Phi nhận hàng về giao tại Philippines nhưng bị từ chối nhập cảnh ở Philippines. Trinh buộc bà Hoa phải mang lô hàng về VN giao cho Trinh, khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất thì bị công an cửa khẩu sân bay bắt giữ với gần 5kg hỗn hợp ma túy, trong đó có gần 2,3kg ma túy đá tinh khiết.
Theo báo Tuổi trẻ
Ông lão 60 bị tố hiếp dâm bé gái vì "không biết giữ mồm" Theo đơn tố cáo của gia đình, khi đó con gái họ mới 15 tuổi nhưng đã bị người hàng xóm ngoài 60 nhiều lần dụ dỗ, hãm hại trong lúc đi chăn bò. Tưởng như mọi chuyện đi vào quên lãng thì bất ngờ chính thủ phạm lại "tự khai" hành vi tội lỗi của mình. Bé gái bị hàng xóm hãm...