Nỗi đau TNGT: Bé 8 tháng tuổi, mồ côi cha mẹ
8h sáng 6/10/2012, điện thoại của chúng tôi rung lên bần bật. Tôi bắt máy, đầu dây bên kia là tiếng đàn ông nấc nghẹn: “Em Quân đây chị ơi! Em Hồng lại vừa bị tai nạn giao thông mất rồi. Bây giờ mọi người đang thay quần áo cho em ấy để đưa về nhà”.
Chưa đầy bốn tháng trước, chồng của Nguyễn Thị Hồng (Ngọc Kiên, Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) đã mất trong một vụ tai nạn giao thông! Hai vợ chồng mất đi, để lại con gái chưa đầy tuổi.
Bốn tháng mất hai đứa con
Chưa hết bàng hoàng và đau xót vì cái chết tức tưởi của con trai cách đây chưa đầy bốn tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Hải tiếp tục đón nhận hung tin: con dâu tiếp tục bị tử nạn ngay trên đoạn quốc lộ chỉ cách nhà chưa đầy 6km.
“Ca là lao động chính. Nhà đông người nhưng toàn người đau yếu, hai bác bị khuyết tật không thể làm việc. Bản thân tôi cũng ốm đau luôn. Cả nhà 10 miệng ăn chỉ trông chờ vào 8 sào ruộng và chăn nuôi thêm con lợn con gà”- ông Hải cho biết. Bởi thương bố mẹ, hai bác hay đau ốm mà không có tiền thuốc thang nên Nguyễn Trường Ca (con ông Hải) đi làm thuê ở cửa hàng cơ khí để lo tiền trang trải cho gia đình.
Bé Nguyễn Thị Mai Trang được một phụ nữ hàng xóm cho bú nhờ
Mới đi làm được vài tháng sau khi cưới vợ, sinh con, một buổi chiều sau khi rời xưởng, Ca đã không thể về nhà nữa. Đến giờ, trong gia đình ông Hải không ai biết rõ Ca bị tai nạn như thế nào, va chạm với ai trên đường. Khi tìm thấy con trong bệnh viện, Ca đã bị bất tỉnh nhân sự. Chỉ vài ngày sau đó, Ca vĩnh viễn ra đi để lại con thơ vợ dại trong ngôi nhà nhỏ bé cùng hai người bác tật nguyền và bố mẹ đau yếu.
Bốn tháng sau cái chết của chồng, khi vụ mùa vừa thu hoạch xong, Hồng xin bố mẹ cho đi chợ để có đồng ra đồng vào. 4h30 sáng Hồng lấy xe ra khỏi nhà thì 6h30 gia đình nhận được hung tin cô đã bị ôtô đâm trực diện trên quốc lộ.
“Vụ này mất mùa, cả 10 miệng ăn trông vào 8 sào ruộng mà chỉ có 8 tạ thóc. Vừa thu hoạch lúa má xong thì con dâu tôi xin được đi chạy chợ để kiếm đồng ra đồng vào. Tôi cũng nghĩ thôi cho cháu đi để khuây khỏa chứ hằng ngày ở nhà nhìn di ảnh chồng rồi cháu héo mòn đi mất. Tôi đâu ngờ…”.
Video đang HOT
Sau tiếng nói “tôi đâu ngờ” là tiếng thở dài não nùng của ông Hải. So với ngày con trai bị tai nạn mất cách đây bốn tháng, cả ông và vợ đều gầy sọp trông thấy. Chút sức tàn tuổi già của ông dường như không thể gượng nổi sau cú đánh như trời giáng vào gia đình.
Bé Nguyễn Thị Mai Trang bên người cô và bà nội
Phận mồ côi
Đấy là nỗi đau của những người lớn. Còn đối với Nguyễn Thị Mai Trang, con gái của anh Nguyễn Trường Ca và chị Nguyễn Thị Hồng, cháu chưa thể hiểu được. Mất mẹ. Không có sữa. Những người hàng xóm nuôi con nhỏ tốt bụng hằng ngày chạy sang vừa thăm cháu vừa cho cháu bú nhờ.
“Lạy mụ, cháu ngoan lắm, không quấy khóc gì cả. Không được bú mẹ nữa thì cháu ăn sữa ngoài, ăn bột và ăn chực hàng xóm, bú bác. Cháu mới được 8 tháng tuổi, đã biết nói đâu nhưng đêm qua đang ngủ bỗng nhiên hét lên một tiếng “mẹ” khiến cả nhà tỉnh dậy. Bồng cháu lên mới biết cháu ngủ mê”. Bà Nguyễn Thị Sợi mếu máo khóc khi nhìn cháu nội 8 tháng tuổi nhỏ như viên kẹo đang tòm tọp bú người hàng xóm.
Ngày bố mất, người mẹ héo rũ trong tấm áo tang mỏng mảnh như không thể đứng vững. Bé Nguyễn Thị Mai Trang chưa đầy 4 tháng tuổi cứ chuồi lên khỏi vòng tay của bác ruột.
Cuộc sống khốn khó
Ông Hải có bốn anh chị em thì hai người bị khuyết tật bẩm sinh, căn nhà nhỏ ông đang ở do cha mẹ để lại. Sống cùng với cả hai anh chị bị khuyết tật nên mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai của vợ chồng ông.
“Cháu nó ngoan lắm, khỏe mạnh nhất nhà nhưng bị tai nạn mất rồi” – bác của Ca nói như vậy khi đẩy chiếc xe lăn dưới rặng duối cổ thụ. Có lẽ ông là người cảm nhận nỗi đau sâu sắc nhất trong gia đình bởi sự ra đi của Ca: “Tôi bị bệnh từ nhỏ, chân phù lên rồi lại xẹp xuống, khi đi được khi lại không. Mấy năm gần đây không còn đứng lên được nữa mà gắn liền với chiếc xe lăn”.
Đứa cháu trai mà ông đã chơi cùng từ ngày nhỏ, lớn dần lên thành một chàng trai vạm vỡ trụ cột của gia đình. “Em tôi sinh được ba người con nhưng chỉ có Ca khỏe mạnh hơn cả. Trong nhà mọi việc nặng nhọc đều đến tay Ca”. Cả nhà chỉ làm nông nghiệp và trông vào mấy sào lúa nên Ca là người duy nhất trong gia đình đi làm công nhân hàn ở cửa hàng cơ khí tư nhân cách nhà mấy kilômet.
Một buổi chiều Ca đi làm mà không thấy trở về dù đã 7h tối. Linh cảm mọi điều chẳng lành nên gia đình bủa đi tìm. Và Quân (anh trai của Ca) đã nhặt được một chiếc dép của em trai bên vệ đường quốc lộ.
“Người ta nói lại đó là một vụ tai nạn giao thông khi tôi vào Bệnh viện Sơn Tây tìm em. Người đưa em vào bệnh viện không còn ở đó nên cũng không rõ Ca bị tai nạn thế nào. Chỉ thấy bác sĩ nói được đưa vào viện sớm hơn thì em đã không ra đi tức tưởi đau đớn như thế” – Quân cho biết.
Bà Thơm ngồi như không muốn động đậy, không cất được tiếng nào. “Chuyện của Ca còn chưa nguôi ngoai, mọi người cứ đến bữa cơm vẫn còn tránh nói chuyện. Mới được dăm bữa nay, Hồng mới nói cười trở lại được đôi câu, xin bố mẹ cho chạy chợ loăng quăng. Sáng hôm thứ bảy, như mọi khi Hồng ra khỏi nhà từ 4h30 sáng, chưa kịp ăn gì. Đến hơn 6h thì nghe tin sét đánh này. Thật chẳng còn biết diễn tả thế nào nữa. Đưa thi thể cháu về nhà rồi mà cả nhà vẫn chẳng hiểu có chuyện gì đang xảy ra” – ông Hải nói.
“Giờ con dâu lớn của tôi nuôi cả hai đứa con, một đứa 1 tuổi, một đứa 8 tháng. Vật chất khó khăn thì gắng gượng được nhưng giờ tinh thần cả nhà suy sụp quá. Chưa đầy bốn tháng tôi mất liền hai đứa con. Không biết ngày tới sẽ sống ra sao”.
Mấy ngày sau đám tang của Hồng, buổi chiều và buổi tối những người hàng xóm đến chật nhà để chia sẻ. Nhưng tất cả đều ngồi ngoài sân, ngoài hè, có lẽ cũng để tránh nhìn ánh mắt đen thăm thẳm nơi di ảnh của vợ chồng Ca – Hồng trên ban thờ song đôi giữa nhà.
Theo 24h
Đường đi của nỗi đau
Trong rất nhiều cái chết và cách chết, có lẽ những tai nạn giao thông bất thần ập tới luôn gây ra day dứt, tiếc xót hơn cả. Tử thần đến rồi đi rất nhanh nhưng nỗi đau sẽ còn mãi đó.
6 năm, 2 lần tiễn đưa
Đã gần một năm từ ngày xảy ra thảm nạn, căn nhà nhỏ của chị Hương - anh Liêm ở ấp Thọ Tân, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, vẫn nghi ngút khói nhang, tiếng tụng kinh văng vẳng từ chiếc cassette đặt dưới bàn thờ. Đôi vợ chồng trẻ cùng cô con gái nhỏ vẫn là một gia đình sum họp trong nỗi tiếc thương vô hạn của người thân.
Làm thầu xây dựng nhưng anh Liêm vẫn chưa xây xong căn nhà của mình. Chị Trinh, chị ruột của Hương, gạt nước mắt kể: "Hai đứa cưới xong, má cắt cho một rẻo đất. Tụi nó tích góp được ít tiền liền làm cái nhà nhỏ xíu, một phòng ngủ, một bếp. Ai cũng nói xây nhà gì kỳ cục, Liêm bảo nó có nghề xây dựng, khỏi lo, đã chừa sẵn rồi, từ từ có tiền sẽ làm thêm một phòng ngủ nữa cho con gái rồi tới phòng khách ngoài cùng...". Dự tính ấy không bao giờ thành được nữa sau một buổi chiều anh cùng vợ bế con ra thị xã Long Khánh khám bệnh và gặp một chiếc xe khách đổ dốc lao xuống.
Tiếng cười của cô con gái bé bỏng như còn khúc khích đâu đây nhưng những tấm ảnh cưới, ảnh gia đình đã phải tháo xuống, đặt úp vào tường. Đang ngồi bên bàn thờ con gái, con rể, cháu ngoại, bà mẹ chị Hương vội đứng lên, ra vườn cuốc đất, vun đi vun lại mấy hàng đậu bắp đang đơm bông. Chị Trinh phân bua đầy xót xa: "Mẹ không muốn nhắc đến mất mát nữa, mẹ khóc hoài, lúc thì nước mắt chảy lặng lẽ, lúc thì kêu trời kêu đất. Bà đau lòng nhiều quá rồi. Cả bố mẹ tôi giờ ở ngoài vườn từ sáng đến tối, lấy công việc mà lấp nước mắt".
Dốc Cua Heo (Long Khánh, Đồng Nai), điểm đen giao thông, nơi nhiều người nằm lại nơi đây
Sáu năm trước, một người con trai của bà, anh ruột chị Hương, đã thiệt mạng ngoài quốc lộ khi đang trên đường đi làm. Sáu năm chưa đủ để nguôi nỗi mất người con trai lớn, chưa vợ chưa con thì bà lại phải tiễn đưa cả gia đình con gái út. Mất mát, đổ vỡ làm bà thu mình lại và rùng mình lắc đầu khi ai đó rủ ra đường. Thế nhưng các con trai, con gái, cháu ngoại còn lại của bà vẫn phải đi lại ngoài quốc lộ để đến trường, đi làm, đi chợ mỗi ngày. Đi trong sợ hãi.
"Mỗi lần phải lên thị xã, qua dốc Cua Heo là tôi lại nín thở, quay đi, mong cho mau qua đoạn đường ấy, chỗ mà em mình, cháu mình đã nằm lại", chị Trinh bảo thế. Rồi chị lại run rẩy kể về một vụ tai nạn mới xảy ra cách nay chừng nửa tháng ngay trên con đường qua ấp Thọ Tân, chỉ cách nhà chị có bốn căn. Ám ảnh đã đến ngay trước cửa nhà như thế.
Rời căn nhà nhỏ vắng lạnh, chúng tôi đi trên con đường mà mọi người dân xã Xuân Thọ đều đã và sẽ đi để ra thị xã Long Khánh. Tám cây số thì đến dốc Cua Heo, nơi gia đình anh Liêm, chị Hương gặp thảm nạn. Con dốc cong khuất tầm nhìn, mặt đường nghiêng chênh chao, tấp nập xe cộ.
Ghé vào quán nước bên đường, chưa cất lời hỏi, chỉ thấy chúng tôi chăm chú quan sát con dốc, dòng xe, chị Liên chủ quán đã thở dài: "Tôi từ Bình Định theo chồng vào đây, buôn bán ở đoạn đường này mấy năm mà đã lắm phen rớt tim vì chứng kiến tai nạn".
Rồi chị kể từng vụ việc, nào đầu dốc, nào cuối dốc, tai nạn nào ở đây cũng lấy đi mấy mạng người: "Mỗi lần nghe tiếng người kêu, chân người chạy rầm rập là chân tay tôi run lẩy bẩy, tim đập thình thình không dám bước ra ngoài. Sống ở đây thấy cuộc đời sao phù du quá".
Bà Quỳnh Hương và những trang bản thảo dở dang của chồng - dịch giả Nguyễn Tôn Nhan
Trang bản thảo dở dang
Cuộc đời thì không phù du, mà ngược lại, ngổn ngang khó khăn và đầy ắp yêu thương, đam mê, nỗ lực. Chỉ có những tai nạn giao thông bất ngờ cắt đứt cuộc sống là phù du, phù du đến không thể tin được. Đã một năm rưỡi, đã bận rộn bởi đứa cháu nội sáu tháng tuổi, nhưng bà Quỳnh Hương bảo vẫn chưa thể tin vào mất mát mỗi khi ra vào nhìn những tấm thư pháp, những cuốn sách, những tập bản thảo dở dang của chồng, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Tôn Nhan.
Chiều 28 Tết Mậu Dần ấy ông đi xem hoa, rồi bị một chiếc xe máy đi cùng chiều va quẹt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ông vừa ngã xuống thì có chiếc xe khách trờ tới. Ông ra đi như thế, nhanh như câu thơ ông viết: Xác thân để lại cho em/ Thiết tha anh đến mép viền vô vi/ Thõng tay chẳng đem chút gì. Ông không mang theo chút gì, để lại cho bà cả một trời thương tiếc, "đến độ không khóc được khi nghe báo tin khi vừa gói xong cái giò thủ, không khóc được khi lên nhà tang lễ, khi sắp đặt đám tang phải xong trước giao thừa...".
Hôm nay bà vẫn còn thẫn thờ. Và rất nhiều bạn văn, độc giả của Nguyễn Tôn Nhan vẫn còn thẫn thờ. Những công trình tâm huyết mà ông đang làm dở dang thế là đành xếp lại, bao nhiêu chờ đợi của bạn bè, độc giả, giới xuất bản về Từ điển thơ Đường, công trình để đời mà ông đau đáu đam mê thế là cũng đành phải tiếp tục chờ. Mà chờ biết bao giờ mới có người đủ tài, đủ đam mê, đủ kiến thức, đủ tài hoa để làm công trình ấy nữa.
Không có mấy ngày mà các bản tin thời sự trên các báo, truyền hình lại thiếu tin về tai nạn giao thông. Nghe những bản tin, những con số lạnh người, chúng tôi lại nhớ đến một bà mẹ mình đã gặp ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Từ ngày cậu con trai út tử nạn trên đường từ TP.HCM về nhà để khoe mẹ kết quả tốt nghiệp đại học, chiều nào bà cũng một mình ra nghĩa trang, nắng cũng đi, mưa cũng đi. Lẻ loi, lặng lẽ, bà ngồi bên mộ con, khi thì thủ thỉ trò chuyện, khi thì nước mắt chen mưa, không thể tin núm ruột của mình đang ngời ngợi tương lai bỗng chốc lại yên ngủ dưới đám cỏ xanh, mà tất cả lại chỉ vì một khoảnh khắc bất cẩn, đánh tay lái lấn tuyến của người tài xế xe tải.
Với những người mẹ, người vợ, nỗi đau cũng bất tận như tình yêu thương. Đường đời có ngắn có dài nhưng nỗi đau không đi. Nỗi đau sẽ còn ở lại.
Hai tuần sau khi xảy ra vụ tai nạn tại ngã ba Tam Hiệp làm em Hoàng Quốc Việt (sinh năm 1994) tử nạn, ngôi nhà trở nên vắng vẻ, khói hương nghi ngút.
Nước mắt nuốt ngược vào tim, mẹ Việt nói trong lặng lẽ: "Việt là con út, được cả nhà yêu thương. Việt mất. Chị gái Quỳnh Anh cứ mãi kêu khóc đến khủng hoảng, một mực nói tại mình chở em đi làm em chết. Bố, anh trai đều suy sụp tinh thần. Làm mẹ phải làm được chỗ dựa cho con, cho chồng nên tôi phải gượng, phải giấu đau, giấu xót, giấu nước mắt, giấu nỗi muốn được chết thay con để cả nhà tiếp tục sống". Bà động viên Quỳnh Anh tiếp tục tham gia kỳ thi cao học, động viên chồng tiếp tục đứng vững làm trụ cột gia đình, động viên mình vượt qua sợ hãi mỗi khi người thân dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà.
Bà thở dài kể tiếp nỗi lòng: Cũng vì lo sợ xe cộ, sợ tai nạn giao thông mà gia đình đã gửi Việt vào học trường cấp III nội trú ở TP.HCM để đỡ đi lại nhiều. Việt vừa thi đại học, bố mẹ vẫn đang ngại ngần chưa mua cho em xe riêng. Thế rồi cũng chẳng tránh được...
Theo 24h
Từ nhà tù bước thẳng vào giảng đường ĐH Chàng trai không cha, mồ côi mẹ từng sa vào lầm lạc và trong lúc cùng quẫn, Hợi toan tìm đến cái chết. Mãn hạn tù, anh trở về quê, tự ôn thi, vượt qua nhiều sóng gió để theo học đại học. Phan Hợi (mặc áo đen, ngồi giữa) và các bạn SV mồ côi "Mái ấm trường Vinh". Mẹ mất, con...