Nồi cá bống cát kho khô của mẹ
Mẹ ở quê gọi điện thoại bảo: “Mẹ gửi một hộp cá bống cát kho khô lên cho con với mấy đứa bạn cùng phòng trọ ăn. Nhớ chiều ra bến xe lấy sớm”.
Rồi mẹ tỉ mẩn đọc từng số điện thoại, biển số xe, giờ đỗ bến. Ngay khi dứt cuộc trò chuyện, tôi hí hửng thông báo với đám bạn: “Tụi bây ơi, chiều nay có món cá bống cát kho khô. Chắc là phải nấu hai nồi cơm mới đủ à”.
Mẹ nói là gửi một hộp nhưng tôi biết chắc đổ ra là đầy nồi, kèm theo đó là rau quê. Đây là món tôi thích ăn, cũng như tụi bạn cùng phòng. Món này ăn với cơm, canh nóng, hoặc rau sống thì khỏi chê.
Mùa này ở quê, cá bống cát không biết từ đâu lũ lượt kéo nhau về những con mương, rạch. Tuy nhiên, loài cá này đổ đáy, cất vó rất ít được mà phải đi mò hoặc xúc. Cũng như bao người phụ nữ làng quê, mẹ học việc đi xúc cá từ thời con gái nên khi về sống chung với ba, mẹ thạo, lo chu toàn bữa ăn cho gia đình. Và thói quen này mẹ vẫn duy trì tới giờ dù tuổi đã ngoài 60. Cứ mỗi buổi sáng, khi con nước lớn ngập ngực, mẹ mang xà neng (công cụ xúc tép, cá của người Khmer) to bằng cái thúng, qua nhà hàng xóm rủ rê các dì, các cô đi xúc cá. Xuống kênh, mỗi người chia nhau một đoạn hoặc những con mương song song cùng nhau xúc và trò chuyện rôm rả. Mẹ mang theo một cái nồi nhôm to, bên trong bỏ lá cây vào rồi úp chiếc rế lên. Làm như thế là để cho những chú cá năng động không nhảy ra ngoài được. Rồi mẹ dùng sợi dây nhựa dài, một đầu buộc vào quai xoong, đầu kia buộc vào bụng. Mẹ đi xúc đến đâu thì chiếc xoong trôi theo đến đó. Cá bống cát là loài cá ưa lạnh, nhát, nên hay nấp vào những đám lá. Mẹ chỉ cần đưa rổ vào mục tiêu, dùng tay quơ quào lùa vào rổ nhanh lẹ rồi đưa rổ lên cao. Bảo đảm không dưới 3 con cá bống cát to. Đến khi nước rút xuống, buổi chợ tan, mẹ và mọi người đứng lên ra về. Lúc này, xoong người nào cũng đầy ắp cá bống cát.
Cá bống cát rất yếu đuối như cá lòng tong, khi lên cạn giây lát là chết. Vì thế khi về nhà, mẹ để nguyên bộ đồ còn ướt rồi làm cá ngay, kẻo ươn không ngon. Mẹ tỉ mẩn làm sạch từng con. Khi đã rửa sạch sẽ, mẹ dùng nước màu dừa cùng với gia vị ướp cho cá có màu đỏ au đẹp mắt. Để nồi cá qua một bên cho cá thấm đều gia vị, mẹ đi tắm rửa kẻo xót da. Sau đó mẹ bắc nồi cá lên bếp, bật lửa lớn kho cho cá săn thịt, chắc lọi, rồi đổ vào nồi một ít nước dừa (hoặc nước lọc). Khi cá ngập nước, lửa sẽ chỉnh ở độ liu riu cho đến khi nồi cá sền sệt nước thì tắt bếp. Mẹ không quên rắc một ít tiêu cay xay để xúc tác mùi thơm thêm nồng. Thịt cá bống cát đồng ngọt, chắc, thơm, ít xương nên ăn rất ngon. Dù hiện nay loài cá này trên thị trường rất đắt tiền do hiếm nhưng mẹ không bao giờ mang bán mà chỉ để cho nhà ăn và gửi lên cho tôi ăn.
Tôi đón nhận món quà từ mẹ một cách cảm động và nể phục. Mẹ chẳng những lo cho anh em tôi có cuộc sống chu toàn, quán xuyến gia đình yên ấm mà còn tạo ra những món ăn ngon miệng. Cứ mỗi lần ăn món cá bống cát kho khô là tôi nhớ đến mẹ – người phụ nữ cả đời sống vì chồng, vì con.
"Se duyên" món cá lóc chiên với xoài sống
Cá lóc chiên giòn thường dùng kèm với nhiều loại rau, nhưng kết hợp với xoài sống được xem là ngon nhất.
Ở quê tôi, mỗi khi chiên cá lóc (hoặc cá trê, diêu hồng, tai tượng...), người ta thường kèm theo món xoài sống để ăn kết hợp. Thay vì dùng với các loại rau sống khác, bà con dùng món cá lóc chiên "se duyên" với xoài sống để chứng tỏ rằng, hai thực phẩm này sinh ra là... thuộc về nhau.
Cá lóc được bắt ở sông hoặc mua ngoài chợ mang về làm sạch, để ráo nước (cá lóc đồng là ngon nhất). Bắc chảo dầu cho sôi mạnh rồi thả cá lóc vào. Chiên cho đến khi vàng ươm, mềm đầu, mềm xương thì gắp ra đĩa.
Kế đến là bào xoài sống thành sợi. Rất nhiều loại xoài non (xoài nào cũng chua, trừ xoài Thái) để làm món này. Tuy nhiên xoài Ấn Độ và xoài tượng được xem là ngon nhất vì lúc non, hai loại này to, có cả độ giòn, mềm và có vị chua. Càng chua càng ngon khi "se duyên" với cá lóc chiên.
Phần cuối mới công phu và tỉ mẩn. Đó là pha chế nước mắm. Phải nêm nước mắm sao cho ngọt và cay vừa mới hấp dẫn; và việc kết hợp khi đó mới hoàn hảo. Tìm loại nước mắm ngon, thường được người dân ủ ở nhà. Nấu tí nước sôi cho đường và bột ngọt vào tan chảy ra. Cho nước mắm, ớt và tỏi băm nhuyễn vào pha sao cho vừa ăn. Nếu không dùng tỏi thì thay thế bằng gừng mài nhuyễn. Rót nước mắm vừa pha ra đĩa to, cho xoài thái sợi và rau răm xắt nhuyễn vào. Kế đến là cho ra đĩa hết. Xoài gặp nước mắm sẽ giảm vị chua, biến thành chua chua ngọt ngọt. Khi ăn kèm với cá, vị giác sẽ cảm nhận được mức độ ngon ở chỗ chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện. Món "se duyên" này ăn với bún tươi hoặc cuốn bánh tráng ngon đáo để.
Cơm nghêu Tối trước khi đi ngủ, nhỏ chị rù rì với thằng em nhắc mẹ về lời hứa nghỉ hè sẽ đưa các con đi du lịch, tắm biển, ăn đặc sản... Công việc bộn bề, năm học đã kết thúc mà vẫn chưa sắp xếp được thời gian để đưa con đi chơi, nên mẹ tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần vào bếp...