Nỗi buồn đèo Thẩm Mã, sông Nho Quế trên cung đường ấn tượng Hà Giang
Tôi đã từng đến tham quan hẻm núi lớn ở phía Bắc Arizona, Hoa Kỳ. Đó là một cảnh quan vĩ đại.
Tuy nhiên, so với những dãy núi rừng hùng vĩ, những cung đường quanh co uốn lượn, những ngọn đèo với nhiều cua tay áo của Hà Giang thì hẻm núi lớn của nước Mỹ, theo tôi còn thua xa.
Đúng là trời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả. Hà Giang gần như toàn núi đá, đất bạc màu, chỉ có thể trồng ngô và tam giác mạch nhưng bù lại là phong cảnh lại tuyệt vời. Du khách nước ngoài quả là tinh tường khi thường chọn các cung đường của Hà Giang để “phượt”. Từng đoàn xe máy mà những người cầm lái đa phần là những nam nữ người nước ngoài, bất chấp hiểm nguy rồ ga nối đuôi nhau leo dốc. Trên những bãi đáp lưng chừng đèo hay trên đỉnh đèo, họ dừng nghỉ, tháo mũ bảo hiểm. Những khuôn mặt hạnh phúc hướng về những dãy núi xanh mướt nơi xa, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành của Hà Giang. Họ ôm nhau, họ hôn nhau, chụp ảnh kỷ niệm và lại tiếp tục cuộc hành trình bằng xe gắn máy. Khi bạn “check in” các cung đường của Hà Giang, bạn sẽ có cảm giác lạc vào tiên cảnh, không lo toan, không buồn phiền, chỉ có niềm vui và hạnh phúc ngập tràn.
Ảnh do tác giả cung cấp.
Lần đầu tiên tôi nghe nói đến khái niệm “hương của người Mông”. Khác với “mùi Tây”, luôn thơm ngát quyến rũ. “Hương của người Mông” là mùi khói quyện với mùi mồ hôi, mùi quần áo lâu ngày không tắm giặt, đôi khi có cả mùi hôi nách. Cái mùi nồng gắt nhưng ấn tượng và quyến rũ không kém “mùi Tây”. Người Mông thường chỉ ăn bột ngô đồ (mèn mén) thay cơm. Thức ăn chủ đạo là mỡ và muối nên mồ hôi cũng không nặng mùi như những người ăn nhiều đạm. Quần áo của người Mông được dệt từ những sợi chỉ lanh làm thủ công , được nhuộm chàm trước khi mang dệt vải. Quần áo được thêu thùa rất đẹp trước khi sử dụng. Một bộ quần áo phải mất vài tháng hoặc cả năm mới hoàn thành. Để các sợi vải của quần áo khỏi bị xô lệch, phai màu nên người Mông thường ít giặt quần áo. Người Mông thường làm nhà trên núi cao, xa nguồn nước nên ít tắm giặt cũng thành thói quen. Trong nhà Người Mông luôn có bếp lửa và lửa củi được lưu giữ ngày đêm. Hơi nóng lửa củi để sấy ngô dự trữ, khói bếp để đuổi muỗi và côn trùng. Thân thể và quần áo người Mông cũng vì thế mà luôn ám khói. Nghe nói cách đây vài tháng, du khách muốn xuống tham quan sông Nho Quế phải thuê xe ôm do các tay “lái lụa” người Mông cầm lái. Quãng đường khoảng tám trăm mét, dốc dựng đứng, cua gấp giống đèo Thẩm Ngựa thu nhỏ. Khách ngồi trên xe ôm đành nhắm mắt phó mặc cho số phận cho các tay lái nam người Mông. Xe lao nhanh, phanh gấp trước cua tay áo rồi lại lao nhanh. Ngồi sau những tay lái ấy giống như đang tham gia các trò chơi cảm giác mạnh nhưng nguy hiểm thật sự luôn rình rập. Khách nam còn có thể bám chặt phía sau yên xe, còn khách nữ thì buộc phải ôm chặt lái xe và sẽ tận hưởng nhiều nhất “hương của người Mông”. “Hương của người Mông” nhờ thế mà bám chặt vào quần áo của chị em, về nhà quần áo đã giặt rồi mà mùi “hương” ấy cứ vảng vất trên quần áo, trong hơi thở đến mức trở thành nỗi nhớ. Du khách bây giờ không còn được hưởng cái mùi “hương” quyến rũ ấy nữa vì chính quyền địa phương cấm phương tiện chuyên chở xe ôm trên con dốc nguy hiểm ấy. Xe ô tô của du khách có thể tập kết gần bến thuyền, xe ô tô trung chuyển của quản lý bến sẽ đưa du khách ra bến để du khách lên thuyền máy du ngoạn sông Nho Quế. Chợt thấy tiếc vì là du khách đến sau.
Trên lưng chừng đèo Thẩm Mã có một bãi nghỉ cho du khách ngắm và chụp ảnh con đèo thử ngựa tuyệt đẹp. Tại bãi nghỉ này có nhiều bé gái người Mông, tuổi học sinh tiểu học cơ sở, đầu đội vòng hoa tết bằng hoa Tam giác mạch, gùi hoa tam giác mạch trắng tím để bên cạnh hoặc nằm trên lưng. Các cháu đa phần vui vẻ làm nền hoặc cho du khách mượn gùi hoa để chụp ảnh. Không thấy có sự mặc cả giá thuê, không có sự chèo kéo khách, khách cho bao nhiêu tiền các cháu nhận, khách không cho tiền cũng không sao. Không hiểu có được chính quyền giáo dục cách tiếp thị khách du lịch như vậy hay cái chất chất, thật thà, hiền lành là phẩm chất của người Mông. Tôi chợt buồn khi nghĩ các cháu đang phải nghỉ học để kiếm tiền cho gia đình ở cái tuổi được học được chơi. Tôi thấy một cháu gái ngồi chụp ảnh với khách mà mặt buồn rười rượi, nước mắt luôn trào xuống má. Người bạn gái ngồi cạnh cứ phải luôn tay gạt nước mắt cho cháu. Thời gian quá ít để cho tôi tìm hiểu cội nguồn nỗi buồn của cháu. Tôi chỉ chụp vội được gương mặt biểu cảm nỗi buồn của cháu mà tôi đặt tên cho bức ảnh là “Nỗi buồn đèo Thẩm Mã”.
Video đang HOT
Nỗi day dứt của tôi về cháu gái trên bãi nghỉ đèo Thẩm Mã được nhân lên khi tôi cùng các bạn của mình và các du khách khác trên đường xuống thuyền du ngoạn cảnh quan sông Nho Quế. Quãng đường chỉ hơn một trăm mét mà có khoảng năm mươi cháu bé cùng độ tuổi các cháu trên đèo Thẩm Mã. Các cháu đứng thành từng tốp khoảng năm bảy đứa dọc theo đường đi của khách. Các cháu khoanh tay đứng chào khách rất lễ độ “cháu chào chào cô, chào chú”; “cháu chào ông, chào bà”; “cháu chào các bác”… Lúc đầu tôi tưởng các cháu đi học về gặp khách du lịch thì chào, nhưng không phải vậy. Các cháu không thay đổi vị trí đứng và luôn miệng chào khách. Tôi chợt nhận ra là các cháu đang chờ khách du lịch cho tiền bằng cách “chào hỏi” được dạy dỗ bởi người lớn. Du khách hầu hết không dám rút tiền ra cho vì các cháu đông quá, sợ một sự tranh giành sẽ xảy ra. Thật buồn cho các cháu đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học mà phải đứng đường “xin ăn” kiểu vậy.
Đèo Mã Pí Lèng có lẽ là con đèo đẹp nhất Việt Nam. Đèo có độ dốc cao, uốn lượn quanh các sườn núi. Đi ở đoạn trên của con đèo có thể quan sát mặt đường của đoạn đèo phía dưới. Tầm mắt của du khách dù ngồi trên xe hay dừng nghỉ lưng chừng đèo đều có thể quan sát những dãy núi cao thấp đẹp như tranh ở cuối tầm mắt. Phía dưới đèo Mã Pí Lèng là dòng sông Nho Quế màu xanh ngọc uốn lượn như một dải lụa. Cứ tưởng dòng sông Nho Quế làm đẹp cho con đèo Mã Pí Lèng, nhưng không chỉ thế, dòng sông Nho Quế được con đèo tôn vẻ đẹp lụa là lên nhiều phần. Tôi cảm nhận vậy vì khi xuống sát dòng sông và cả khi ngồi trên thuyền để du ngoạn trên sông mới thấy dòng sông Nho Quế không còn huyền ảo như nhìn xuống từ trên đèo Mã Pí Lèng. Điểm nhấn ấn tượng nhất khi du ngoạn trên dòng sông Nho Quế là được ngắm nhìn khe Tu Sản trong ánh nắng chiều tà. Khe Tu Sản với vách đá cao 700800 mét, dài 1, 7 ki lô mét, là “Đệ nhất hùng quan” trong các danh thắng kỳ vĩ của Hà Giang. Cảm giác nếu đi qua khe Tu Sản là sẽ đến với thế giới của những câu chuyện cổ tích…
(Còn nữa)
Chèo sup trên sông Nho Quế
Sông Nho Quế quanh năm êm đềm chảy qua những vách đá, tạo thành một đường ranh giới màu xanh biếc giữa các con đèo ở Hà Giang.
Nằm dưới chân đèo Mã Pì Lèng huyền thoại, được bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn - Vân Nam (Trung Quốc), sông Nho Quế quanh năm êm đềm chảy qua những vách đá, tạo thành một đường ranh giới màu xanh biếc giữa các con đèo ở Hà Giang.
Sông Nho Quế và Hẻm Tu Sản là những địa danh vô cùng nổi tiếng của Hà Giang. Với những tay phượt chạy xe máy, con đường Hạnh Phúc vắt qua Đồng Văn và Mèo Vạc là con đường phải chinh phục. Đứng trên đèo Mã Pí Lèng cheo leo, khung cảnh như mở ra với những những vách núi đá hùng vĩ, hiểm trở, dòng sông xanh biếc đẹp tựa tranh vẽ. Sông Nho Quế tựa dải lụa mềm thu thút bất cứ ai yêu thích mạo hiểm. Nếu là người đam mê khám phá, đảm bảo bạn sẽ không chần chừ mà muốn chinh phục nó ngay lập tức.
Tận tay sờ vào làn nước xanh màu rêu của dòng Nho Quế huyền thoại khiến mọi khó khăn đều tiêu tan.
Góc "kinh điển" của sông Nho Quế nhìn từ điểm dừng chân đèo Mã Pì Lèng trên con đường Hạnh Phúc. Từ đây có thể thấy rõ toàn bộ đại hẻm vực sông Nho Quế, trong đó có hẻm vực Tu Sản. Đây cũng là góc được xem là "must-to -go" của mọi khách du lịch khi đến Hà Giang.
Lần đầu tiên chạy xe trên con đường đất để xuống sông Nho Quế là một cảm giác "run". "Run" vì con đường đất đỏ cứ trôi mãi xuống, ngoằn nghoèo giữa một bên là vực thẳm, một bên là vách núi dựng đứng. Và "run" vì không biết phía dưới kia có gì chờ đợi mình. Con đường xuống thôn Tà Làng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc vốn trước kia ít người lui tới. Đây cũng là xã vùng cao xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang. Đường đất nên nếu chẳng may dính chút mưa ướt là trơn ngã bất cứ lúc nào. Con sông nổi bật bên đoạn đường cua dốc có khả năng thử thách tay lái với bất kỳ ai muốn xưng là "phượt thủ".
Với địa hình vô cùng hiểm trở, vực sông Nho Quế được xem là một trong những thung lũng có kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Dịch vụ đi thuyền trên sông Nho Quế mới phát triển vài năm trở lại đây. Du khách có thể chọn đi xuôi dòng từ bến thuyền Tà Làng hoặc đi ngược dòng từ bến thuyền xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc).
Tận tay sờ vào làn nước xanh màu rêu của dòng Nho Quế huyền thoại khiến mọi khó khăn đều tiêu tan. Ở phía trên đèo nhìn xuống, sông Nho Quế hiền hòa là thế. Giờ đi thuyền trên con sông, mới thấy những vách núi dựng đứng vô cùng hùng vĩ. Còn gì bằng khi được chèo thuyền lững lờ trôi trên dòng nước tĩnh lặng, băng qua những vách núi đá dựng, tận hưởng không khí mát lạnh trong lành. Nếu đến đây vào tháng 2 - tháng 3, bạn còn được ngắm mùa hoa gạo rực đỏ hai bên dòng sông.
Đi thuyền, bè hoặc chèo kayak trên dòng Nho Quế cho bạn cảm nhận đặc biệt khi đi giữa con hẻm Tu Sản - với chiều cao vách đá lên tới 700 - 800 m, chiều dài tới 1,7km, sâu 700 - 900m. Chèo Sup trông có vẻ khá thư thái nhưng thực ra là bộ môn đòi hỏi sự vận động cao. Chèo kayak đôi hai người sẽ dễ dàng hơn. Hoạt động thư thả nhất là ngồi thuyền máy. Lướt trong Nho Quế, ngẩng đẩu lên là trời xanh thẳm, là đèo và núi mảnh như tơ chỉ vắt ngang lưng trời, mới thấy thiên nhiên thật kì vĩ biết bao, mới thấy con người nhỏ bé làm sao.
Ẩn trong làn nước xanh ngọc quyến rũ là một câu chuyện lỳ kì về sự ra đời của sông Nho Quế. Chuyện rằng, khi quả núi vẫn còn nguyên vẹn, nước từ trên núi chảy xuống bị ứ lại nhiều. Bên này núi, nước ngày càng dâng cao, còn sườn bên kia quả núi vì chưa có sông, đất lúc nào cũng nứt toác, khô cằn, cỏ cây trơ trụi.
Một ngày nọ, thần Sông có lời đề nghị thần Núi nằm dịch qua một bên để dòng nước thoát ra, không bị ứ đọng và tưới mát cho những vùng khô hạn. Nhưng thần Núi cứ nằm im, giả vờ không nghe thấy. Thần Sông bèn thưa với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ra lệnh cho thần Núi tránh sang một bên nhưng không hiểu vì lý do gì, thần Núi vẫn tiếp tục giả vờ ngủ. Núi cứ ngủ mãi, ngủ từ đông sang hè, rồi từ hè sang đông.
Thế rồi vào một đêm mưa gió, thần Sét rút gươm rạch cắt màn đêm. Sau tiếng nổ vang vọng rung chuyển cả đất trời, thần Núi vỡ đôi. Nước bên này núi tuôn xối xả. Dòng nước đi tới đâu, cỏ cây được hồi sinh xanh tốt tới đó. Qua một đêm, bên sườn núi khô cằn đã phủ kín một màu xanh mượt mà. Từ đó, nước cứ xuyên qua đá núi sừng sững, chảy mãi, tụ hội thành dòng Nho Quế, chia đôi đèo Mã Pì Lèng với dãy núi Săm Pun.
Với địa hình vô cùng hiểm trở, vực sông Nho Quế được xem là một trong những hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, là một trong những thung lũng có kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Sông Nho Quế là nguồn nước tưới quan trọng cho ruộng nương, cây trồng dọc dòng chảy và cung cấp nước cho sinh hoạt người dân dọc đôi bờ sông chảy.
Khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống náo nhiệt của chốn đô thị, hãy thử một lần đến Hà Giang và dạo thuyền trên dòng Sông Nho Quế, hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp của nơi này.
Lưu ý: Đường đi xuống sông Nho Quế khá dốc và bạn sẽ phải leo bộ. Cẩn thận khi đi xe máy xuống đây. Giá thuê Sup khoảng 100.000 - 120.000 đồng tùy thời điểm. Nên liên hệ trước để đặt Sup tránh trường hợp hết Sup và chờ đợi lâu. Mặc áo phao và cẩn thận khi chèo sup trên sông.
Top 10 địa điểm nhất định phải đến khi du lịch Mèo Vạc (Hà Giang) Mèo Vạc là huyện nằm trong địa bàn Công viên Địa chất Toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang. Địa hình của huyện Mèo Vạc chủ yếu là núi đá vôi và có sông Nho Quế chảy qua. Vẻ đẹp xanh ngọc của con sông Nho Quế, vẻ hùng vĩ của đèo Mã Pí Lèng hay một bầu không...