Nỗi ân hận của tử tù gây án vì ám ảnh từ giấc mơ
6 năm trời trong phòng biệt giam, Khương luôn dằn vặt về tội lỗi của mình khi nhẫn tâm tước đoạt đi mạng sống của đứa trẻ hàng xóm mới lên 9 tuổi chỉ vì một giấc mơ “giết chóc” lạ lùng ám ảnh y.
Gây tội ác vì chuyện không đâu
Sở hữu khuôn mặt khá nam tính nhưng ít ai có thể ngờ được Lăng Văn Khương (SN 1987, trú tại thôn Đồng Thủy, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) lại mang trên mình bản án tử hình vì tội giết người.
Ám ảnh bởi giấc mơ mà Khương đã phải lĩnh án tử hình vì tội danh giết người (ảnh minh họa).
Ngược dòng thời gian về thời điểm cách đây hơn 6 năm, cái ngày mà Khương phạm trọng tội – gây án vì ám ảnh từ giấc mơ, giọng của Khương như chùng hẳn xuống.
Theo đó, do khu vực đồi Hối Vai, nơi Khương thả trâu khá um tùm và rậm rạp nên mỗi khi dắt trâu đi, nam thanh niên này đều không quên mang theo một con dao quắm (dao mà người dân vùng cao thường dùng để phát nương rẫy).
Khoảng 8h ngày 28.5.2009, sau khi thả trâu xong, Khương lững thững đi về phía nhà mình. Tuy nhiên, vừa mới đi được vài bước, Khương gặp mẹ con bà Hoàng Thị Pen và cháu Đàm Văn Đ.
Video đang HOT
Đứng đợi một lúc, thấy bà Pen thả trâu xong, Khương nói với người phụ nữ này: “Cô Pen ơi! Cô ở đây trông trâu cho cả cháu với nhé. Cháu với em Đ xuống dưới kia tìm bắt mấy tổ chim. Chiều hôm qua, lúc dong trâu về, cháu phát hiện được mấy tổ chim nhưng chưa kịp bắt”.
Thấy Khương nói vậy, hơn nữa, nhà mình và Khương lại khá gần nhau nên bà Pen đã gật đầu mà không mảy may suy nghĩ bất cứ điều gì.
Được sự cho phép của bà Pen, ngay sau đó, Khương dẫn cháu Đ xuống vườn vải của một người trong thôn, vặt vải ăn. Chờ mãi không thấy Khương đưa đi bắt chim, cháu Đ nằng nặc đòi quay về chỗ mẹ đang trông trâu.
Muốn giữ chân cháu bé ở lại, Khương lại nghĩ ra cách rủ cháu Đ chơi cờ chặn nhưng bị cháu Đ khước từ. Không còn cách nào khác, Khương đành phải dẫn cháu Đ đi bắt tổ chim như đã hứa lúc trước.
Tuy nhiên, thay vì dẫn cháu xuống chân đồi như đã nói, Khương lại dẫn cháu Đ ngược lên đồi. Không chỉ có vậy, trước khi đi, Khương còn chặt thêm một đoạn cây, làm gậy dài khoảng 76cm. Nhưng khi đến đỉnh đồi, Khương không tìm được tổ chim nào, lại dụ dỗ cháu Đ quay trở về khu thả trâu lúc trước.
Thế nhưng, đi được nửa đường, bất ngờ Khương cầm đoạn gậy vụt thẳng vào người cháu Đ. Bị đánh bất ngờ, cháu Đ co rúm người, nhìn chằm chằm Khương, nói không nên lời.
“Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà em trở thành một tên “đao phủ” dữ tợn trong chớp mắt”, Khương đau đớn chia sẻ với PV.
Gây án xong, sợ bị bà Pen phát hiện, Khương vội giấu thi thể của cháu Đ vào lùm cây. Tiếp đó, y lau rửa những vết máu dính trên người rồi quay về chỗ thả trâu. Thấy Khương về một mình, bà Pen hỏi Đ đâu thì kẻ sát nhân này dửng dưng trả lời: “Nó mải bắt chim nên chưa về đâu. Chắc lát nữa nó về thôi”.
Thế nhưng, chờ đến tối vẫn không thấy con về, bà Pen và gia đình mới hốt hoảng bủa đi tìm kiếm. Sau hai ngày lùng sục, cuối cùng người thân bàng hoàng phát hiện thi thể cháu Đ trong một lùm cây. Còn về phần Khương, lo sợ tội ác của mình sẽ bị trừng trị, kẻ thủ ác này đã nhanh chân bỏ trốn.
Giấc mơ ám ảnh và nỗi khắc khoải mong được gặp con
Tâm sự với chúng tôi, Khương lí nhí giãy bày: “Sau khi sát hại cháu Đ, tối hôm đó, em đã kể chuyện với dì ruột của mình. Mặc dù được dì khuyên can ra đầu thú nhưng sợ sự trừng phạt của pháp luật nên em đã bỏ trốn. Thế nhưng, gần hai tháng lẩn trốn bên Trung Quốc, chẳng đêm nào em có thể ngủ được, dù chỉ một vài tiếng đồng hồ. Hình ảnh cháu Đ cứ hiện về mỗi khi em chợp mắt. Biết rằng, mình sẽ chẳng thể trốn chạy được mãi, ngày 21.7.2009 em đã về Việt Nam và đến Công an huyện Lạng Giang đầu thú”.
Trả lời câu hỏi của PV, tại sao lại sát hại cháu Đ, trong khi đó giữa hai bên gia đình và bản thân lại không hề có sự mâu thuẫn nào? Cháu Đ cũng rất ngoan, không hề hỗn láo gì khi đi cùng…? Gạt những giọt nước mắt đang lăn trên đôi gò má, Khương trần tình: “Nói thật, đến thời điểm này, em vẫn chẳng thể giải thích nổi tại sao lại xảy ra chuyện đó. Em cũng chẳng giải thích được tại sao giấc mơ ấy lại đến với em? Giá như em suy nghĩ thấu đáo hơn thì đâu có xảy ra nông nỗi này”.
Theo như lời giải thích của Khương vào một đêm hè, trước thời điểm xảy ra vụ án chừng nửa tháng, bỗng nhiên hắn nằm mơ.
Trong giấc mơ điên loạn đó, Khương nhận được sự “chỉ giáo” của một người mà hắn không nhìn thấy rõ mặt: “Mày không làm, tao sẽ cho mày điên”, Khương giật mình tỉnh giấc, mồ hôi vã ra như tắm và từ đó đến sáng, tên này cứ trằn trọc suy nghĩ về giấc mơ ám ảnh. Thế rồi, một suy nghĩ điên rồ thôi thúc Khương phải hại chết một ai đó để giải trừ giấc mơ.
Cũng trong buổi trò chuyện này, chúng tôi được biết, Khương là con út trong một gia đình có 5 anh chị em. Là người dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình lại khó khăn, nên chỉ đến lớp 7, Khương đã phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ.
Thời điểm gây án, con gái của Khương mới được vài tháng tuổi. Nhắc về người vợ và đứa con gái bé bỏng, hắn nói mà như khóc: “Hôm vừa rồi qua người thân, em được biết, con gái em đã đi học lớp 1. Có lẽ, vợ em không muốn con biết cha là một tử tù anh ạ”.
Khương cũng cho hay, từ khi bị tuyên án tử hình và bị giam trong phòng biệt giam cho đến nay, hắn mới chỉ được gặp con hai hay ba lần gì đó. Những lần ngắn ngủi ấy, hắn dành trọn tâm trí để khắc cốt, ghi tâm mọi hành động của cô con gái bé bỏng.
“Em làm như thế để khi về phòng, em nhớ lại được hình ảnh của con. Con em xinh và hiếu động lắm. Cứ mỗi lần gặp con, về phòng em khóc suốt. Thương cháu và cũng giận mình quá anh ạ. Lúc này, em lại càng thấm thía nỗi đau của người mẹ, người cha cháu Đ khi họ mất con”, Khương nói.
Khi hỏi về niềm mong mỏi lớn nhất của Khương lúc này là gì? Khương sụt sùi cho hay: “Em cũng muốn gặp con lắm. Nhưng chỉ sợ giờ cháu lớn và nhận biết mọi chuyện được rồi thì cháu sẽ buồn. Em đành cam chịu vậy…”.
Nói về người vợ của mình, Khương buồn rầu bày tỏ: “Cô ấy có lên thăm nuôi em vài lần, rồi thôi. Chắc cô ấy cũng lập gia đình rồi. Em gây ra tội ác thì phải chịu thôi. Cũng mong cô ấy được hạnh phúc và chăm nuôi cho con gái em trong điều kiện tốt nhất có thể”.
Cuối năm 2009, trong 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang và Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao đều tuyên phạt Lăng Văn Khương mức án tử hình về hành vi giết người. Đặc biệt trong thời gian điều tra, các cơ quan thực thi luật pháp của tỉnh Bắc Giang đã đưa Khương đi giám định tâm thần. Tuy nhiên, trong lần giám định này đã xác định được, trước, trong và sau khi gây án Khương hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện của bệnh tâm thần.
Mong được gia đình nạn nhân tha thứ Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, Khương nói với chúng tôi: “Hơn 6 năm qua, kể từ khi gây ra cái chết cho cháu Đ, ngoài những suy nghĩ về gia đình, về vợ con thì em luôn mong muốn sẽ gặp được bà Pen để xin họ tha thứ về lỗi lầm mà em đã gây ra. Kể cả mai này, trước khi thi hành án tử thì điều cuối cùng em muốn được thực hiện chính là viết lên lời xin lỗi đến gia đình họ “.
Theo Nguyễn Bắc – Nguyễn Hường (Người Đưa Tin)