Nỗi ám ảnh trói con vào mạn thuyền giữ mạng
Chúng tôi về thăm làng vạn chài Thái Hòa ( P. Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) trên nhánh sông Đồng Nai vào một ngày mưa trắng trời…
Chị Tuyết đang dùng dây dù buộc con vào thuyền
Từ bao đời nay, để giữ an toàn cho những đứa trẻ khi lênh đênh trên sông nước, các bậc cha mẹ trong xóm chài nghèo Thái Hòa đều phải dùng dây buộc chặt chúng bên mạn thuyền.
Đằng sau câu chuyện nghe đầy trớ trêu ấy, người tìm đến xóm chài này còn được chứng kiến những phận đời nghèo đói, túng bấn và thất học. Họ khát khao được lên bờ để thoát khỏi “vòng kim cô” túng bấn cha truyền con nối.
Nuôi con trên… “miệng thủy thần”
Chúng tôi về thăm làng vạn chài Thái Hòa (P. Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) trên nhánh sông Đồng Nai vào một ngày mưa trắng trời. Những con thuyền mái thấp lụp xụp, nằm thu mình trong bốn bề dãy nhà cao tầng khiến không gian càng thêm đìu hiu cô quạnh. Từ lâu, xóm nhỏ vẫn được gán cho những cái tên mộc mạc là “làng nổi”, “xóm vạn” hoặc “làng trói con vào mạn thuyền”. Những con người trôi nổi ở đây không ai biết làng hình thành từ bao giờ, chỉ biết sinh ra thì đã ở trên sông, lớn lên làm nghề chài lưới. Để có chỗ trú ngụ, họ phải ghép thuyền bè lại với nhau làm thành những ngôi nhà nổi. Những con tôm, con cá đánh được trên sông là nguồn lương thực chủ yếu cho hàng trăm hộ gia đình.
Nhâm nhi ly nước trà đã nguội lạnh, nhìn ra khúc sông đang cuộn sóng vì mưa, ngư dân Trần Văn Lý (60 tuổi) tâm sự: “Mùa mưa là mùa nguy hiểm nhất đối với người dân xóm vạn. Không những khó kiếm cơm, kiếm gạo, chúng tôi còn phải đối đầu với lũ lụt. Sự nguy hiểm, bất trắc có thể lấy đi tính mạng ngư dân bất cứ lúc nào”. Ông Lý cho biết thêm, vì sống và kiếm ăn trên sông nước nên người dân nơi đây luôn phải đối mặt với nỗi ám ảnh trẻ con bị đuối nước. Để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối, ngoài việc trang bị đủ phao cứu sinh, người dân phải xích con nhỏ của mình vào mạn thuyền. Nhà cửa nổi trên sông nên chỉ cần sơ sẩy thì trẻ con rơi xuống nước chết đuối ngay tức khắc. Ngay tại làng nổi này, người dân đã phải chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng, khi cha mẹ, anh chị phải bất lực nhìn con, em mất hút dưới làn nước đục mà không thể cứu vớt. Biết là hiểm nguy luôn rình rập nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ đành phải liều nhắm mắt đưa chân, học cách sống chung với “thủy thần”.
Dõi mắt ra quãng sông mênh mông trước mặt, ông Lê Văn Lý (53 tuổi) bảo khu vực đó có độ sâu lên đến hơn 10m. Ông bấm ngón tay nhẩm tính rồi cho biết, trong vòng 20 năm trở lại đây, số lượng trẻ em bị “hà bá” đoạt mạng nhiều không thể nhớ hết. Như để minh chứng cho nỗi ám ảnh trẻ đuối nước, ông Lý dẫn chúng tôi đến gặp chị Nguyễn Thị Nga (31 tuổi), người vừa mất con cách đây chỉ nửa năm. Trong nỗi đau nghẹn lời, chị Nga kể: “Hôm đó, tôi vừa tắm cho con xong nên đặt nó ngồi tạm ngoài mạn thuyền vào phòng lấy quần áo. Nhưng khi quay trở ra, thằng bé đã chạy ra phía mép nước. Tôi hoảng quá thét lên, chạy nhào tới nhưng không kịp. Con tôi trượt chân rơi xuống dòng sông rồi chìm nghỉm. Tôi lao xuống theo nhưng không thể tìm thấy cháu. Sau đó, hàng chục người trong làng ngụp lặn, thả câu, dùng chài, lưới để tìm kiếm gần 2 tiếng mới vớt được thi thể cháu để đưa lên bờ. Nó chết khi chỉ đứng cách tôi có mấy bước chân thôi”.
Đó chỉ là một trong số hàng chục vụ tai nạn đuối nước từng xảy ra với trẻ em tại xóm vạn Thái Hòa. Chị Nga ngậm ngùi: “Để “giành” những đứa trẻ còn lại với “thủy thần”, không chỉ tôi mà tất cả các gia đình đành chấp nhận dùng dây trói con vào mạn thuyền. Phải làm thế, ai không xót ruột. Nhưng chúng tôi cũng chẳng còn cách nào khác để giữ lấy tính mạng các con”. Vừa nói, chị vừa với tay lấy đoạn dây dù có độ dài 2m, một đầu buộc vào mạn thuyền, đầu còn lại buộc chặt vào lưng áo cậu con trai nhỏ đang chơi gần đó. Chị giải thích: “Con trẻ hiếu động lắm, hễ lơ là một chút là không kiểm soát được. Cứ phải buộc dây ở phía sau lưng, đứa nào quậy quá thì buộc luôn cả vào tay, chân, hoặc bụng để chúng nó không chạy xa được”.
Video đang HOT
Những lúc bọn trẻ đang chơi cùng nhau, người lớn đành cởi đầu dây, chuyển nút buộc từ mạn thuyền xuống những chiếc can nhựa lớn, hoặc buộc vào quả bóng, túi khí, cục xốp. Tuy vậy, nếu tai nạn không may xảy ra, giải pháp này cũng chỉ giúp chống chìm tạm thời trong lúc chờ người lớn. Trường hợp không ai kịp phát hiện, thì những chiếc “phao” này cũng vô tác dụng. Anh Cao Quang Huynh (30 tuổi) chia sẻ: “Mỗi khi đi làm việc, đi đánh cá, tôi thường đưa cháu đi cùng. Những lần như vậy, tôi lại phải dùng dây trói con vào thuyền. Những lúc ngủ, tôi phải dùng dây buộc hai cha con lại với nhau cho chắc ăn. Có thế, mình mới kiểm soát được”.
Lênh đênh những phận người
Sông nước nguy hiểm nhưng những người dân xóm vạn lại không đủ can đảm để lên bờ. Không có đất sản xuất, không bằng cấp, không nghề nghiệp nên từ đời này sang đời khác, nguồn sống của những ngư dân xóm chài vẫn chỉ trông vào con tôm, con cá dưới sông. Gia tài của mỗi một gia đình nơi xóm vạn không gì khác ngoài một chiếc bè lớn làm chỗ ở chung và một chiếc thuyền nhỏ làm phương tiện đánh cá. Ánh mắt xa xăm nhìn về dãy nhà cao tầng của thành phố, bà Nguyễn Thị Sao (52 tuổi) không giấu được nỗi khao khát: “Được lên bờ định cư, có nghề nghiệp là điều mà người dân xóm vạn chúng tôi ai ai cũng mong muốn. Nhưng bao năm qua rồi, nó xa vời quá. Chúng tôi trầy trật kiếm cơm ăn từng bữa dưới sông còn chưa nổi thì mơ chi đến chuyện lên bờ mua đất, dựng nhà cửa (?)”.
Cuộc sống đói khổ đến nỗi, họ không đủ tiền cho các con đi nhà trẻ, khiến tục lệ “trói con” vào thuyền cứ truyền từ đời này sang đời khác. Chị Nguyễn Thị Tuyết (29 tuổi) tâm sự: “Thấy con người ta được đi học nhìn lại mình cũng thấy tủi phận. Nhiều lúc muốn đưa con lên trường để gửi, để nó có cái chữ mai này không chìm nổi như cha mẹ, nhưng rồi nỗi lo tiền bạc lại ập đến đành thôi”. Chị Tuyết cũng cho biết, thu nhập cả gia đình tất cả dựa vào nghề chài lưới và lặn cá trên sông Đồng Nai. Ngày nào đánh được nhiều thì bán có dư ngoài trăm nghìn. Những lúc mưa to gió lớn đành về tay trắng, cả gia đình lại ăn cháo trừ bữa”.
Cái nghèo, sự nổi nênh là vấn đề dường như đã được mặc định với xóm vạn Thái Hòa, không ít đứa trẻ nơi đây bị “thủy thần” tước đi quyền được sống. Những cháu bé có cơ hội sống sót cũng quay quắt trong vòng xoáy túng đói, mù chữ và bệnh tật. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì từ trước đến nay, xóm vạn Thái Hòa chưa có một em nào học lên đến trung cấp chuyên nghiệp. Năm thì mười họa, xóm mới có một học sinh học lên đến cấp ba nhưng rồi cũng đành bỏ ngỏ giấc mơ đổi đời với con đường học thức.
Nhiều hộ gia đình không chịu nổi sự hung dữ của “thủy thần” đã quyết định bán bè, bán thuyền để lên bờ định cư dù trong tay chẳng có nghề nghiệp gì đảm bảo cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Cường (35 tuổi) sau hai lần bị “mất” con đành phải bán “nhà” nổi của mình rồi đưa gia đình lên bờ. Anh tâm sự:”Quen với sông nước rồi, lên bờ đấy nhưng cũng không biết làm gì để sống. Đã có lúc, tôi nghĩ cả đời này sẽ bám nghề. Nhưng khi nghĩ về tương lai mờ mịt của bọn trẻ, vợ chồng tôi đành phải lên bờ. Có điều, cuộc sống thành phố bon chen, vất vả quá. Chúng tôi cũng chẳng biết liệu mình có trụ nổi”.
Rời xóm vạn Thái Hòa cũng là lúc trời hửng nắng sau trận mưa, những con thuyền nhỏ của người dân lại bắt đầu hành trình mới tìm cá tôm cho buổi chợ cuối ngày. Đó cũng là lúc, những bậc cha mẹ, ông bà bắt đầu dùng dây trói con vào mạn thuyền. Tất cả những đứa trẻ ấy không thể hiểu đằng sau sợi dây hữu hình ấy, chúng còn bị trói buộc bởi một thứ vô hình đáng sợ hơn, đó là “vòng kim cô” của nghèo đói, túng quẫn và một tương lai mịt mờ.
Trao đổi cùng phóng viên, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, phó chủ tịch UBND phường Long Bình Tân xác nhận: “Xóm vạn chài Thái Hòa có khoảng gần 100 hộ gia đình, trong đó có 11 hộ gia đình thuộc diện hộ đặc biệt nghèo. Cuộc sống của người dân chủ yếu là nghề đánh bắt cá trên sông Đồng Nai. Thời gian qua, người dân vẫn được hưởng ưu tiên từ các chính sách phát triển kinh tế xã hội, được vay vốn làm ăn, tuy nhiên kinh tế vẫn còn rất khó khăn”.
Theo Xahoi
Xóm "trói" con ở Đồng Nai
29 tuổi, chị Nguyễn Thị Tuyết ở xóm chài Thái Hòa (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã có 4 đứa con. Ngày ngày, hai vợ chồng đi cào hến, đứa lớn đi học cấp 1, ba đứa nhỏ được... buộc vào mạn thuyền.
Đó cũng là tình trạng chung của phần lớn hộ dân ở xóm chài này. Không có tiền cho con đi học mầm non, nhà trẻ, những đứa bé được bố mẹ dùng mọi biện pháp để cách ly với thủy thần.
Cuộc sống nổi trôi trên những chiếc bè, những đứa bé ngay từ khi sinh ra đã phải đối mặt hiểm nguy sông nước. Cách đây 3 năm, chị Nguyễn Thị Nga (31 tuổi), một cư dân của xóm chài Thái Hòa, mất đứa con hai tuổi chỉ vì một phút sơ ý để cháu rơi xuống sông.
"Lúc đó, cháu chỉ mới lẫm chẫm biết đi. Tui nghĩ cháu không thể trèo ra được phía ngoài mạn thuyền. Sau khi tắm cho cháu xong, tui quay trở vào trong lấy áo quần. Vừa bước ra thì không thấy cháu ở đâu. Tui chưa kịp hoảng hồn thì đã nghe cái "ùm". Tôi lao ngay xuống sông. Khi vớt được lên thì cháu đã chết vì ngạt nước", chị Nga đau xót kể.
Đứa trẻ đeo túi khí ngồi trong lòng cha. Ảnh: L.Q.M
Điều khiến người dân xóm chài càng thêm kinh sợ là con sông này ngày càng trở nên hung dữ, chứ không hiền hòa như trước. Những con sóng ngầm, những vùng nước xoáy khiến đứa trẻ vừa rơi xuống đã bị cuốn đi. "Tui lao xuống sông khi vẫn còn thấy bóng con mình vừa rớt xuống. Nhưng rồi cháu bị nước cuốn đi, phải 3 tiếng đồng hồ sau, tui mới tìm được xác cháu", chị Nga kể.
Để bảo vệ con của mình, những ông bố, bà mẹ ở xóm chài đành phải buộc con vào mạn thuyền, vào bàn ghế, kèo cọc trong nhà bè. Những đứa bé mới tập đi chỉ có thể đi loanh quanh trong bán kính chưa đầy 1m.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (29 tuổi) có 3 đứa con nhỏ đều bị buộc vào mạn thuyền. Ngày ngày, chị Tuyết cùng chồng ngược sông Đồng Nai để kiếm tôm, cá mưu sinh qua ngày. Không có tiền gửi con vào nhà trẻ, hai vợ chồng lấy dây dù quấn quanh bụng con, chỗ quấn dây chèn thêm một lớp áo để con khỏi bị bầm tím. Đứa con lớn buổi ngày đi học, trưa về một tay thay bố mẹ chăm sóc 3 em nhỏ.
Chị Tuyết buộc con trước khi cùng chồng đi đánh cá
Hết trói lại buộc
Những đứa bé con em xóm vạn chài vốn đã nghèo khổ, nay càng thêm mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa. Lớn thêm một chút, tụi nhỏ không còn bị buộc dây nữa, có thể chạy nhảy từ bè này sang bè khác, hoặc lên bờ chơi nhảy dây, bắn bi.
Tuy nhiên, đề phòng lũ trẻ sảy chân rơi xuống nước, người dân xóm chài lại buộc vào người mỗi cháu một can nhựa, túi khí. "Mấy đứa này đang độ tuổi hiếu động, nhưng lại chưa biết bơi. Vợ chồng tui đành phải buộc cái can nhựa vào người cháu. Nếu sơ sảy, cháu còn bám được vào đó mà trồi lên thở", chị Nga cho biết.
Lũ trẻ xóm chài đứa nào cũng lếch thếch cái can nhựa, túi khí, chỉ mong lớn thêm chút nữa để được học bơi. Nhưng dường như với độ tuổi còn quá nhỏ của chúng, học bơi xong chưa chắc đã thoát khỏi tay hà bá, khi ngay cả những người lớn trong xóm chài cũng khiếp sợ con sông này.
Hỏi về khát vọng lên bờ, chị Nguyễn Thị Tuyết thở dài: "Dẫu biết lên bờ là không phải lo con rớt xuống sông, nhưng lên bờ công ăn việc làm không có, lấy gì nuôi nhau? Cả nhà tui chỉ có đứa lớn nhất học lớp 1 được miễn học phí, ba đứa nhỏ đi nhà trẻ đều tốn tiền cả, nên đành buộc con vào thuyền thôi"...
Những đứa trẻ sau khi đã học bơi thuần thục đều theo cha mẹ trên chiếc thuyền nhỏ ngược sông Đồng Nai đánh cá. Giấc mơ đến trường càng thêm xa vời khi những con cá, con tôm ngày càng vơi dần, lũ trẻ phải lên bờ nhặt ve chai, bán vé số...
Xóm vạn chài Thái Hòa gồm hơn 100 chiếc bè san sát nằm trên khúc sông Đồng Nai chảy qua Biên Hòa. Những người già trong xóm vạn chài kể rằng, từ những năm 1970, nhiều người miền Bắc đã vào đây sinh sống, đánh bắt cá và dựng nhà, kết bè trên khúc sông này. Dần dần, những người dưới miền Tây cũng ngược con nước tìm về đây kiếm kế sinh nhai.
Xóm chài ngày một đông đúc. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân, cho biết, xóm vạn chài Thái Hòa có gần 100 gia đình, trong đó có 11 hộ thuộc diện nghèo. "Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, kinh tế bấp bênh, nên nhiều trẻ em không được đến trường", bà Hà nói.
Theo Lê Quang Minh
Nỗi lo ngày nhập trường của nữ sinh nghèo đậu 2 trường đại học Biết tin mình đậu 2 trường đại học, Quỳnh mừng vui khó tả, nhưng nghĩ đến ngày nhập học em lại hết sức lo lắng, bởi hoàn cảnh gia đình em bây giờ đang sống nhờ vào nguồn thu nhập ít ỏi từ mớ cá, con ốc của ba và mấy sào ruộng khô cằn. Theo ba bắt ốc vẫn đậu 2 trường...