Nợ xấu tại VAMC đang “tìm về” ngân hàng?
Nhìn vào bức tranh kết quả kinh doanh quý III của ngành ngân hàng có thể nhận thấy rằng cùng với lợi nhuận khủng là tỷ lệ nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng, trong đó một số ngân hàng đã mua lại hoàn toàn nợ tại VAMC có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt.
Trong 9 tháng năm 2018, hầu hết các ngân hàng trong hệ thống đều đạt lợi nhuận cao dù tăng trưởng tín dụng có giới hạn chật hẹp hơn, không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới như những năm trước (giới hạn toàn ngành 15 -17%).
Để có được kết quả này, đa số các ngân hàng kể trên đều có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu, gia tăng lợi nhuận từ đóng góp của dịch vụ, thu lãi bên ngoài (thẻ tín dụng, bảo hiểm, tư vấn…).
Đứng vững “ngôi số 1″ là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lãi hợp nhất trước thuế 9 tháng đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là Techcombank đạt 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ, Vietinbank đạt 7.596 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, BIDV (7.254 tỷ đồng), VPBank (hơn 6.100 tỷ đồng), MB (hơn 6.000 tỷ đồng)…
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh lợi nhuận sáng, diễn biến nợ xấu của các ngân hàng cũng mang lại nhiều bất ngờ khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh.
Điển hình như ACB với hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối năm 2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017; Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5%; VietinBank, nợ xấu cuối quý 3 năm 2018 ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ, tương đương 34,6% so với đầu năm. Nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này. Tại Vietcombank, đến cuối quý III, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng…
Đáng chú ý, lượng nợ xấu từng “ra đi” trước đây sang VAMC nay lần lượt trở về vào đúng giai đoạn các ngân hàng thương mại nói chung có lợi nhuận cao.
Video đang HOT
Tháng 10/2013, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động ngân hàng Việt Nam một đầu mối xử lý nợ xấu rất đặc thù ra đời – Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), mua lại nợ xấu các tổ chức tín dụng nhưng không trả bằng tiền mặt, mà bằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn 5 năm.
Agribank là trường hợp đầu tiên, bán những khoản nợ xấu đầu tiên (đợt đầu này ghi nhận hơn 1.700 tỷ đồng) sang VAMC. Đến nay, đã tròn 5 năm, với những khoản không xử lý được, trái phiếu VAMC lần lượt đáo hạn và ngân hàng phải ghi nhận lại nợ xấu đã bán. Sau khi ký với Agribank, đến tháng 11/2013, VAMC lần lượt ký mua nợ xấu từ một loạt thành viên khác như SCB, SHB, PG Bank…Tổng giá trị những khoản nợ xấu mà VAMC đã mua đạt khoảng 40.000 tỷ đồng.
Hiện không rõ trong 40.000 tỷ đồng nợ xấu này đã xử lý được bao nhiêu, phần đáo hạn trong năm 2018 này sẽ bao nhiêu. Ngoài ra, thời gian qua một số thành viên như Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, VietinBank… đã lần lượt chủ động tất toán lượng nợ xấu đã bán sang VAMC trước đây. Nhưng chắc chắn, từ thời điểm này và dự báo sẽ dần thể hiện trên báo cáo tài chính nhiều tổ chức tín dụng quý IV tới, nợ xấu có chiều hướng tăng lên.
Ngày 7/11 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lần lượt có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cũng như có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành đề nghị tăng cường phối hợp trong công tác này.
Trong đó, với các tổ chức tín dụng, Thống đốc yêu cầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định.
Theo thuonggiaonline.vn
Giật mình khi nợ xấu của các ngân hàng bất ngờ tăng mạnh
Nhiều ngân hàng báo lãi khởi sắc nhưng cùng với đó là nợ xấu cũng gia tăng mạnh.
Nhiều ngân hàng báo lãi khởi sắc
9 tháng năm 2018, các ngân hàng đều đạt lợi nhuận ở mức cao dù tăng trưởng tín dụng không "thoải mái", do không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới room như những năm trước.
Hiện tại, 26 ngân hàng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Một số ngân hàng lớn đã hoàn thành gần 90% kế hoạch năm nay chỉ trong 9 tháng. Các ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất là VIB (175%), ACB (147%), EIB (142%), TPB (109%).
Trong đó, Vietcombank giữ vị trí đầu bảng với lãi hợp nhất trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Techcombank với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Xếp thứ ba về lợi nhuận là VietinBank với lũy kế 9 tháng đạt 7.596 tỷ đồng trước thuế, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. BIDV xếp vị trí thứ tư khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 7.254 tỷ đồng...
Nợ xấu bất ngờ tăng mạnh
Bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 9 tháng qua nổi lên một "điểm tối", đó là tại nhiều ngân hàng thương mại, nợ xấu có xu hướng tăng lên, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh.
Dư nợ xấu tại 23 ngân hàng tính đến cuối quý III. Đơn vị: tỷ đồng
Trong số 17 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, có 13 nhà băng tăng tỷ lệ nợ xấu. Trong đó, một số cái tên có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh là: VPB tăng từ 4,07% quý 2 lên 4,7% quý 3, VIB tăng từ 2,33% lên 2,5%, BID tăng từ 1,49% lên 1,76%, CTG tăng từ 1,29% lên 1,36%.
Cụ thể, trong khối ngân hàng cổ phần Nhà nước, nợ xấu cuối quý 3 của VietinBank là 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm 2018.
Tỷ lệ tăng dư nợ xấu của các ngân hàng tại thời điểm cuối quý 3 so với đầu năm. Đơn vị: %
Còn tại BIDV, tính đến hết quý 3, ngân hàng này có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Hay tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...
Tương tự, Ngân hàng Quân đội mặc dù có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng ấn tượng, nhưng số dư nợ xấu của ngân hàng này cũng ghi nhận sự tăng vọt. Cụ thể, nợ xấu của MB sau 9 tháng đầu năm tăng đến 45% so với hồi đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng so với đầu năm. Đỏ: 30/9/2018; Xanh: 31/12/2017. Đơn vị: %
Đối với các ngân hàng thương mại tư nhân, VPBank dẫn đầu mức tăng nợ xấu với hơn 3.200 tỷ (tương đương 51,7%) lên 9.401 tỷ đồng. Tại ngân hàng VIB, tính đến hết tháng 9/2018, nợ có khả năng mất vốn tăng lên hơn hơn 7% so với cuối 2017. Với ngân hàng Bắc Á, nợ xấu cũng tăng 23% so với đầu năm, lên 431 tỷ đồng....
Một số ngân hàng có nợ xấu sụt giảm đó là Sacombank, Eximbank, ABBank và NamABank.
Theo lý giải của nhiều nhà băng, nguyên nhân nợ xấu tăng là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trước đó. Đây là điều bình thường trong hoạt động của ngành ngân hàng, chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%.
Quang Sơn
Theo danviet.vn
Tài chính 24h: Cạnh tranh thị phần tài chính tiêu dùng, lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm Sự gia nhập của ngày càng nhiều doanh nghiệp mới đang làm cho thị phần thị trường tài chính tiêu dùng bị chia nhỏ và khiến lợi nhuận của nhiều công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận chung của ngân hàng mẹ. Ảnh minh họa. Thị phần bị chia cắt, lợi nhuận tài chính tiêu...