Nợ xấu Maritime Bank tăng, lãi giảm hơn nửa
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam ( Maritime Bank, mã chứng khoán MSB) cho thấy, nhà băng này chỉ đạt 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, nợ xấu tăng 23,2%, riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 27,1%.
Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế của Maritime Bank 9 tháng đạt hơn 289,5 tỷ đồng, giảm 50,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 588,8 tỷ đồng. Riêng trong quý 3 chỉ đạt 21,3 tỷ đồng, giảm 63,8%.
Nguyên nhân lợi nhuận trước thuế sụt giảm do Maritime Bank đã thực hiện trích lập dự phòng khá cao, hơn 815,7 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần trong khoảng thời gian trên là hơn 1.595 tỷ đồng, tăng mạnh so với hơn 1.174 tỷ đồng năm 2017 (tăng 35,9%).
Trong đó, thu nhập thuần từ các hoạt động dịch vụ tiếp tục được đẩy mạnh, hơn 319 tỷ đồng, tăng gần 42%. Tính riêng trong quý 3, khoản thu này đạt hơn 115,5 tỷ, tăng 35%.
Lợi nhuận trước và sau thuế của Maritime Bank 9 tháng đầu năm giảm mạnh.
Cũng trong quý 3, thu nhập lãi thuần ngân hàng đạt 547 tỷ đồng, tăng 22,3%. Thu thuần từ dịch vụ của ngân hàng cũng tăng mạnh, đạt 76 tỷ đồng, tức tăng 85,3%.
Video đang HOT
Trong khoảng thời gian trên, hoạt động kinh doanh ngoại hối giúp ngân hàng thu về lợi nhuận 126 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Cộng dồn 9 tháng, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng gấp gần 4 lần cùng kỳ với 295 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong ba tháng 7, 8, 9 chứng khoán đầu tư của ngân hàng cũng khá ổn khi đạt hơn 85 tỷ đồng, tăng 165%.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lại chỉ đạt hơn 11,5 tỷ đồng, giảm 58,6%.
Nợ xấu ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng 23,2% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới chuẩn tăng 3,1%, nợ nghi ngờ tăng 27,2%, nợ có khả năng mất vốn tăng 27,1%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng hiện ở mức 2,03%.
Tổng tài sản hiện có của Maritime Bank là hơn 128 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2017.
Hoàng Hưng
Theo vtc.vn
Chuyển động ở các ngân hàng lớn: Nợ xấu ngày càng xấu
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của 7 ngân hàng lớn (Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, VPBank và Techcombank) cho thấy một xu hướng rõ rệt: tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng và nợ xấu ngày càng xấu.
Tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng và nợ xấu ngày càng xấu ở các ngân hàng lớn
Xét 3 ngân hàng gốc quốc doanh, 9 tháng năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Vietcombank tăng từ mức 1,14% hồi đầu năm lên 1,18%; trong khi con số này tăng từ 1,14% lên 1,36% ở VietinBank và tăng từ 1,36% lên 1,62% ở BIDV.
Nợ xấu nội bảng là nợ xấu chỉ ghi nhận trong bảng cân đối kế toán, không bao gồm các khoản nợ xấu chưa xử lý tại một tổ chức khác ngoài tổ chức tín dụng (nợ xấu ngoại bảng). Tại Việt Nam, tuyệt đại đa số các khoản nợ xấu ngoại bảng của ngân hàng là nằm ở VAMC, một lượng không đáng kể nằm ở DATC. Trong số 7 ngân hàng lớn đã đề cập, Sacombank, BIDV và VPBank vẫn còn nợ xấu tại VAMC, với khối lượng không nhỏ, đặc biệt là Sacombank.
Tương tự như 3 ngân hàng gốc quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng tư nhân lớn cũng tăng. Tỷ lệ này ở MB tăng từ 1,2% lên 1,57% sau 9 tháng; ở VPBank tăng từ 3,39% lên 4,7%; ở Techcombank tăng từ 1,61% lên 2,05%.
Riêng Sacombank, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 4,67% xuống 3,18%, mặc dù cũng phản ánh tình hình nợ xấu tốt lên nhưng cũng cần lưu ý rằng, nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank vẫn ở mức rất cao, khoảng 16%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của 7 ngân hàng lớn đều trong xu hướng tăng rõ rệt
Bên cạnh việc tỷ lệ nợ xấu gia tăng, còn một tín hiệu kém tích cực hơn là việc tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trong tổng nợ xấu nội bảng tăng mạnh ở các ngân hàng lớn, cho thấy nợ xấu ngày càng xấu.
Ở Vietcombank, nếu như tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 hồi đầu năm chỉ là 31% thì chỉ sau 9 tháng, con số này đã lên đến 62%, nghĩa là gần 1/3 nợ xấu của Vietcombank là nợ có khả năng mất vốn. Trong khi đó, tỷ trọng này cũng tăng mạnh ở VietinBank và BIDV, lần lượt tăng từ 58% lên 72% và 37% lên 45%.
Các ngân hàng tư nhân lớn cũng trong tình cảnh tương tự. Tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 trong tổng nợ xấu nội bảng của MB tăng từ 37% lên 41% sau 9 tháng; của Sacombank tăng từ 80% lên 93%; của VPBank tăng từ 17% lên 18%. Riêng Techcombank, tỷ trọng này giảm nhẹ từ 60% xuống 59%.
Mặc dù nợ xấu tăng cả về lượng lẫn "chất" nhưng 9 tháng năm 2018, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên lợi nhuận thuần của nhiều ngân hàng lớn vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xảy ra ở Vietcombank (giảm từ 36% xuống 30%), BIDV (giảm từ 68% xuống 66%), MB (giảm từ 33% xuống 28%), Techcombank (giảm từ 34% xuống 19%).
Đây là nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng của nhiều ngân hàng tăng mạnh, bất chấp nợ xấu có chiều hướng xấu đi.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng thì xu hướng xấu đi là rõ rệt, nhưng câu chuyện ở từng ngân hàng là khác nhau. Có ngân hàng mặc dù tỷ lệ nợ xấu và tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh nhưng tình hình tài chính vẫn rất lành mạnh; có ngân hàng tỷ lệ trích lập dự phòng giảm dù nợ xấu tăng là do cùng kỳ năm ngoái đã trích lập nhiều, hoặc do lợi nhuận thuần tạo ra thêm từ việc chấp nhận rủi ro cao hơn chi phí dự phòng rủi ro...
Ngược lại, nợ xấu ngày càng xấu hàm chứa câu chuyện riêng của từng ngân hàng, nhưng cũng chứa câu chuyện chung: các ngân hàng đang ngày càng tập trung vào hoạt động bán lẻ - hoạt động đem về lợi nhuận cao hơn nhưng rủi ro cũng lớn hơn.
Kình Dương
Theo vietnamfinance.vn
Moody's nâng hạn tín nhiệm ngân hàng VIB lên mức B1 Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) lên mức B1 và chỉ số đánh giá rủi ro đối tác (CRA) của VIB lên mức Ba3. Trước đó, ngày 14/8/2018, cùng với việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B1 lên...