Nợ xấu khó đòi tăng nhanh: Có lãi ngàn tỷ đừng vội mừng
Báo cáo tài chính quý 3/2018 do các ngân hàng công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tại nhiều ngân hàng tăng cao. Đây là điều bất thường bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô đang có diễn biến tích cực.
Theo thống kê, nợ nhóm 5 tăng 31% so với thời điểm đầu năm, lên hơn 46.973 tỷ đồng tại 23 ngân hàng, chiếm đến 56% tổng nợ xấu (tỷ lệ này hồi đầu năm là 51%). Những ngân hàng có nợ nhóm 5 tăng mạnh gồm có BIDV (tăng 47%), VietinBank (tăng 67,5%), VPBank (tăng 62%), Vietcombank (tăng 136%), ACB (tăng 62%), TPBank (tăng 46%), Saigonbank (tăng 39%).
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đang chiếm hơn một nửa số nợ xấu tại 15 ngân hàng thương mại. Đặc biệt, ở một số ngân hàng, tỷ lệ này lên tới trên 80% như Sacombank, chiếm 93%; VIB khoảng 88% và BacABank là 97%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đều có diễn biến tích cực, GDP tăng khá, DN hoạt động kinh doanh có hiệu quả, vậy nhưng nợ xấu nhóm 5 tăng cao là điều khá bất thường.
Nhiều ngân hàng lộ ra khối nợ khó đòi (ảnh minh họa)
Từ phía các ngân hàng, không đưa ra lý giải nào về nợ nhóm 5 tăng, trong khi đó, giới chuyên môn đang đặt ra nhiều nghi vấn. Có ý kiến cho rằng, những khoản nợ này trước đây đã khó có khả năng thu hồi được tái cơ cấu. Nay khách hàng không trả được nên chuyển qua nợ nhóm 5.
Phải chăng nợ xấu nhóm 5 tăng của nhiều ngân hàng thể hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN không hiệu quả, gặp khó khăn, nên không có khả năng trả nợ vốn vay. Nợ nhóm 5 là nợ quá hạn trên 360 ngày, hoặc là nợ đã được tái cơ cấu lại lần 2 hay lần 3, nhưng chưa được giải quyết. Như vậy, không phải do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gây ra, mà nó đến từ nội tại hoạt động của DN, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim đặt câu hỏi.
Theo số liệu của NHNN, tín dụng của các ngân hàng đổ vào bất động sản hiện ở mức 7-8% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Song, các chuyên gia kinh tế lo ngại, dư nợ cho vay bất động sản thực tế cao hơn con số được công bố. Bởi chưa tính đến dư nợ cho vay bất động sản “núp bóng” tiêu dùng.
Qua báo cáo có thể thấy, những ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản lớn thì tỷ lệ nợ nhóm 5 cũng lớn. Chẳng hạn như Sacombank, có dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 17% tổng dư nợ tín dụng, thì nợ nhóm 5 chiếm tới 93%.
Video đang HOT
Ông Phạm Nam Kim cho rằng, với một ngân hàng, thông thường cơ cấu nợ sẽ giống hình tam giác ngược và nợ nhóm 5 sẽ ở dưới cùng, tức là nhóm có tỷ lệ thấp nhất. Nhưng nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang có nợ nhóm 5 chiếm tỷ lệ lớn nhất là điều đáng quan ngại.
Nợ nhóm 5 coi như mất khả năng thu hồi và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng, vì phải trích lập dự phòng rủi ro 100%. Nợ nhóm 5 lớn sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro lớn và làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.
Theo quy định, vào quý 4 hàng năm, cũng là thời điểm kết thúc năm tài chính, báo cáo tài chính của các ngân hàng phải được kiểm toán độc lập. Ngân hàng phải phân loại nợ chính xác và hạch toán đầy đủ các khoản nợ, thì nợ nhóm 5 sẽ bộc lộ đầy đủ hơn.
Các chuyên gia cũng cho biết, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng sẽ tăng lên trong quý 4/2018. Nhiều ngân hàng sẽ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để bù đắp cho nợ nhóm 5. Như vậy sẽ giảm lợi nhuận và uy tín của các ngân hàng. Cùng với đó, các khoản thuế phải nộp cho Nhà nước sẽ giảm và lợi nhuận chi trả cho các cổ đông bị ảnh hưởng.
Lợi nhuận của ngân hàng giảm sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Để có lợi nhuận cao, chỉ có cách nâng lãi suất cho vay hoặc tăng phí dịch vụ bù đắp. Vì vậy, lãi suất cho vay và phí dịch vụ nhiều ngân hàng có thể sẽ tăng trong thời gian tới.
Điều này sẽ bất lợi cho khách hàng. Nếu phí dịch vụ tăng, khách hàng sẽ chịu thiệt thòi vì chi phí tăng. Nếu lãi suất tăng, DN vay vốn thêm khó khăn. Nhất là với các DN nhỏ, phải chịu lãi suất cao thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gặp khó khăn, không thể mở rộng đầu tư.
Trong khi đó, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng giảm lãi suất, giảm chi phí để hỗ trợ cộng đồng DN, thì xu hướng tăng lãi suất hay phí dịch vụ sẽ đi ngược lại mong muốn này.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cạnh tranh ngày càng gay gắt, những năm tới DN Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các ngân hàng. Nhưng ngân hàng trong tình trạng hiện nay sẽ khó hỗ trợ tốt các DN.
Trần Thủy
Theo vietnamnet.vn
Nợ xấu ngân hàng tăng cao: Gánh nặng với nền kinh tế là rất lớn!
Theo các chuyên gia, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Việt Nam không phải là vấn đề mới phát sinh mà thực chất là kết quả được tích tụ từ nhiều năm trước. Và gánh nặng nợ xấu của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn, nó có tác động trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia.
Sáng nay (15/11), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Quốc tế IPAF lần thứ 4 với chủ đề: "Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện".
Nợ xấu của ngân hàng vẫn giữ ở mức cao
Theo ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc Công ty mua bán nợ Việt Nam - DATC, tăng trưởng kinh tế sẽ giúp tạo ra thành quả hoạt động cho doanh nghiệp, tạo ra sinh lời cho nhà đầu tư và gia tăng thu nhập cho mỗi cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế, kết quả là cải thiện khả năng thanh toán lãi vay và nợ của người đi vay và do đó sẽ làm giảm tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng. Ngược lại, hệ thống ngân hàng khi duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp sẽ kiểm soát được rủi ro và làm tốt vai trò kênh truyền dẫn vốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một số nghiên cứu đối với Việt Nam cho thấy, giữa nợ xấu với tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ nghịch chiều, theo chu kỳ kinh tế và có những độ trễ nhất định. Đặc biệt, nợ xấu tăng cao trong những giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng chậm và suy thoái.
Tại Hội nghị diễn ra sáng nay (15/11)
Dẫn chứng về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc DATC cho hay, trong các giai đoạn 1998 - 2000; 2008 - 2010; 2012 - 2014 do ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á và thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu và những nhân tố nội tại của nền kinh tế trong nước đã khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. "Nợ xấu tăng cao đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. Bởi nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền khi mà ở Việt Nam hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng với dự nợ ước đạt 122% GDP - gấp 2 đến 3 lần các nước Asean. Do đó, gánh nặng nợ xấu của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn và có tác động trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia", ông Thường nhấn mạnh.
Ông Phạm Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính Bộ Tài chính cũng cho biết, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Việt Nam không phải là vấn đề mới phát sinh mà thực chất là kết quả được tích tụ từ nhiều năm trước. Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, tình hình kinh doanh ngày càng xấu đi, tình trạng nợ xấu càng thế hiện rõ nét với khối lượng lớn, tốc độ gia tăng cao và vấn đề nợ xấu vì thế ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Đạt cũng cho biết, nợ xấu có xu hướng tăng kể từ năm 2007 và trở thành vấn đề nóng hổi từ năm 2011. Tốc độ tăng nợ xấu lên tới 51% trong giai đoạn 2008 - 2011, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trong cùng giai đoạn. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng lên mức cao nhất vào năm 2012 (17% tổng dư nợ), sau đó có xu hướng chậm lại kể từ giữa năm 2012 cho đến năm 2017.
Nếu tính cả nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản WAMC đã mua mà chưa xử lý được trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ thì tỷ lệ nợ xấu thực tế là 5,8% tổng dư nợ. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn tính đến tháng 9/2017 là 566.000 tỷ đồng (chiếm 8,61%) và giảm 1,47% so với năm 2016 (600.000 tỷ đồng, chiếm 10,08%.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc giá, năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 9,5%, mặc dù có giảm so với đầu năm 2017 (11,5%) nhưng vẫn cao gấp 3 lần so với "tỷ lệ dưới 3% tổng dư nợ" của nợ xấu.
Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, nợ xấu là một trong những nhân tố quan trọng nhất tác động đến an toàn của hệ thống tài chính. Nguyên nhân do cung ứng vốn từ các tổ chức tín dụng chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn từ thị trường tài chính cho nền kinh tế, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm hơn 95% tổng tài sản các định chế tài chính. Đối với các tổ chức tín dụng, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng chiếm trên 70% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.
Cần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu
Theo ông Lê Việt Dũng - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, từ năm 2012 đến nay, công tác xử lý nợ xấu đã có sự tiến triển qua từng năm và đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Nợ xấu được xử lý khá đồng bộ và căn bản, các tổ chức tín dụng vừa tự xử lý trên cơ sở các cơ chế chính sách được ban hành, vừa bán nợ cho WAMC.
Tuy vậy, ông Dũng cho rằng, Việt Nam cần phải phát triển thị trường mua bán nợ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Và để thực hiện mục tiêu này, cần hình thành sàn giao dịch mua bán nợ. Đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư.
Theo ông Dũng, cần đa dạng hàng hóa trên thị trường mua bán nợ. Đồng thời, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ. Phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập đối với các khoản nợ, qua đó giúp cho bên mua và bán xác định được giá trị của khoản nợ, từ đó xem xét, quyết định việc mua bán.
Trong khi đó, ông Phạm Mạnh Thường cũng chia sẻ, cần sớm xây dựng bộ quy tắc cho phép áp dụng cơ chế work - out (tái cơ cấu doanh nghiệp không qua tòa án) với nguyên tắc chung là từ 51% so chủ nợ với từ 75% giá trị nợ đồng ý thì phương án tái thiết được thông qua.
Đồng thời, đối với những trường hợp doanh nghiệp mà Nhà nước yêu cầu tái cấu trúc thì cần cho phép áp dụng cơ chế trả giá mua nợ bằng tiền tương ứng phần giá trị nợ được đánh giá theo phương án tái cơ cấu, và phần thặng dư do giá chào bán của tổ chức tín dụng cao hơn sẽ được trả bằng trái phiếu đặc biệt do tổ chức tái thiết doanh nghiệp phát hành, để chia sẻ rủi ro/lợi ích thu được sau này và đẩy nhanh việc đám phán mua bán nợ.
Yến Nhi
Theo vnmedia.vn
Nới trần vay nợ nước ngoài thêm 60.000tỷ: Tăng nợ công Vấn đề tôi lo ngại không phải là tăng vay nợ trong nước hay nước ngoài mà là tổng nợ công quốc gia sẽ tăng, giảm thế nào? Tăng nợ công PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho rằng, việc nới nợ vay nước ngoài hay vay trong nước đều có nguy cơ làm tăng nợ công...