Nợ xấu dềnh lên, ngân hàng tăng chi phí dự phòng
Trong khi tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành giảm, thì nợ xấu của nhiều ngân hàng lại có dấu hiệu tăng lên do các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC) quay về.
Mục tiêu của ngành ngân hàng năm 2019 là đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Ảnh: Dũng Minh
Nợ xấu tăng
Ngân hàng OCB cho biết, kết thúc năm 2018, lãi trước thuế tăng gấp đôi, đạt hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng nợ xấu tăng. Cụ thể, Ngân hàng có 1.288 tỷ đồng nợ xấu, tăng 49% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng từ 1,79% lên mức 2,28%, trong đó có một phần nợ xấu do Ngân hàng đã mua lại từ VAMC sau thời gian bán 5 năm chưa xử lý được.
Dù tín dụng VietinBank tăng chậm hơn trong quý cuối năm 2018, nhưng chất lượng nợ của Ngân hàng lại đi xuống. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay thị trường 1 của VietinBank tăng lên mức 1,56%, thay vì 1,13% vào cuối năm 2017. Tổng cộng nợ xấu của VietinBank lên đến 13.516 tỷ đồng, tăng thêm hơn 4.500 tỷ đồng so với đầu năm và 70% là nợ có khả năng không thu hồi được.
Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 đều cao tính đến cuối năm 2018. Ngân hàng này duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% suốt giai đoạn 2011 – 2016, đến năm 2017 tăng lên 3,39% và năm 2018 đạt 3,51%. Tuy nhiên, xét riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,41%.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác đã nỗ lực xử lý được khá nhiều nợ xấu, song vẫn có tỷ lệ nợ xấu khá cao. Tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank là 2,11%, NCB là 2,12% và SHB là 2,4%.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, lộ trình xử lý nợ xấu của ngân hàng này đang diễn ra nhanh hơn so với đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Trên thực tế, Sacombank đã liên tục phát mãi tài sản đảm bảo bằng bất động sản để đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu, nhưng có những tài sản không thể phát mãi ngay lần đầu mà đến 2 – 3 năm mới có thể bán được tài sản.
Lấp bằng dự phòng
Dự phòng trái phiếu VAMC của Sacombank tính đến cuối năm 2018 đạt 2.570 tỷ đồng, tăng 54% so với thời điểm 30/6/2017, nhưng tài sản có không sinh lời giảm 17%. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tại Ngân hàng đạt 3.523 tỷ đồng, tăng 45% so với thời điểm 30/6/2017.
Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý 149.220 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm sâu dưới ngưỡng 2% – ngưỡng mục tiêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019.
Video đang HOT
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, mục tiêu của ngành năm 2019 là đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%; tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…
Nợ xấu tăng khiến OCB đã phải tăng chi phí dự phòng rủi ro hơn 10 lần so với cùng kỳ, lên mức 397 tỷ đồng trong quý IV/2019. Lũy kế cả năm 2018, chi phí dự phòng rủi ro tăng 3,7 lần, lên 945 tỷ đồng.
Vietcombank và ACB tiếp tục đứng đầu hệ thống xét về năng lực xử lý nợ xấu trong năm qua, với tỷ lệ trích lập dự phòng cao tới 150 – 160% so với nợ xấu. Với mức trích lập này, trong trường hợp tệ nhất là 100% nợ xấu không thu hồi được, họ vẫn còn lại phần 50-60% để hoàn nhập dự phòng.
Việc trích lập dự phòng rủi ro, hay cụ thể hơn là tình hình xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng đã có tác động rất lớn tới kết quả lợi nhuận của các ngân hàng. Nhiều nhà băng phải dùng đến hơn một nửa lợi nhuận cho chi phí dự phòng rủi ro trong năm qua.
BIDV là ngân hàng có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cao nhất trong năm 2018, đạt hơn 28.300 tỷ đồng, cao hơn cả Vietcombank (25.679 tỷ đồng). Song do phải trích cho chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất trong hệ thống, lên hơn 18.800 tỷ đồng, nên đã “ngốn” đến 2/3 lợi nhuận của ngân hàng này trong năm 2018. Theo đó, lợi nhuận trước thuế sau dự phòng của BIDV chỉ còn hơn 9.400 tỷ đồng.
MBB, TPBank và VietinBank cũng là những cái tên xếp hạng cao về năng lực xử lý nợ xấu, mức bao nợ xấu (số dư dự phòng/nợ xấu) quanh 100%, với số dự phòng đã trích vừa bằng mức tổn thất nếu toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi. Techcombank, BIDV, HDBank thể hiện khả năng xử lý nợ xấu đáng kể với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu xấp xỉ 70 – 90%.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc gia tăng dự phòng rủi ro của các ngân hàng là nguồn dự trữ đủ lớn để có thể đối phó với trường hợp xấu nhất mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận. Đây cũng chính là “của để dành” cho những năm khó khăn trong tương lai.
Theo Báo Đầu Tư
Ngân hàng nỗ lực tất toán nợ xấu
Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu của Quốc hội đi vào thực tiễn đã tác động tích cực lên quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của các nhà băng. Nhưng sau 5 năm, các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó bắt đầu quay lại ngân hàng nếu chưa được xử lý. Đó cũng là lý do các ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC để nỗ lực tất toán sớm.
ACB đã xóa sạch nợ bán cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu về 0,84% vào cuối tháng 9/2018
Tất toán trái phiếu VAMC
Theo cơ chế mua nợ xấu, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt cho các tổ chức tín dụng bán nợ, có kỳ hạn 5 năm. Đến thời điểm này, tròn 5 năm đã trôi qua, các trái phiếu lần lượt đáo hạn, các tổ chức tín dụng nhận lại những khoản nợ xấu đã bán sang VAMC nếu vẫn không xử lý được, dẫn đến nợ xấu nội bảng của nhiều ngân hàng tăng lên.
Còn nhớ tháng 10/2013, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động ngân hàng Việt Nam một đầu mối xử lý nợ xấu đặc thù ra đời - VAMC, mua lại nợ xấu các tổ chức tín dụng nhưng không trả bằng tiền mặt, mà bằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn 5 năm.
Tính từ tháng 10/2013 đến 31/12/2017, VAMC đã mua tổng dư nợ gốc nội bảng là trên 307.930 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.
Từ năm 2018, công ty này đã hạn chế mua thêm, chuyển dần sang mua theo giá thị trường. VAMC cũng đặt mục tiêu xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua vào năm 2022; kế hoạch năm 2018 là xử lý 34.504 tỷ đồng dư nợ gốc; đã thu hồi 30.641 tỷ đồng trong năm 2017; đã bán 865 khoản nợ với giá 6.472 tỷ đồng và 4.865 tỷ đồng tài sản đảm bảo...
Quả thực, 5 năm về trước, nếu hạch toán và ghi nhận đúng mức nợ xấu, hệ thống các tổ chức tín dụng không đủ sức để gánh vác, cũng như không đủ điều kiện để thực hiện các yêu cầu tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất... nên VAMC ra đời như một giải pháp tạm giãn một phần gánh nặng đó. Nhưng sau 5 năm, nợ xấu lại quay về.
Với những ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh và nỗ lực trong xử lý nợ xấu thì việc tất toán trái phiếu VAMC và xử lý các khoản nợ nhận lại không quá khó. Trong số các ngân hàng, Vietcombank là nhà băng sớm tất toán trái phiếu VAMC từ năm 2017. Techcombank cũng tất toán trái phiếu VAMC hơn 400 tỷ đồng vào 2017.
Tương tự, ACB, MB... cũng là các nhà băng đã xóa sạch nợ bán cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu về lần lượt 0,84% và 1,57% trên tổng dư nợ tính đến cuối tháng 9/2018, từ đó, kéo dự phòng rủi ro giảm, thậm chí hoàn nhập vào tổng lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, ACB đạt 4.476 tỷ đồng trước thuế 3 quý đầu năm 2018 nhờ dự phòng nợ xấu 9 tháng đầu năm giảm mạnh 56% xuống còn 660 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 312.778 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 218.543 tỷ đồng, tăng 11%. Trong khi đó, huy động tiền gửi của khách hàng cũng tăng 11%, đạt 267.975 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng 461 tỷ đồng, lên 1.850 tỷ đồng, nhưng chỉ chiếm 0,84% dư nợ cho vay khách hàng tại ACB. Tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức 0,71% hồi đầu năm, song nhìn chung đang ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng các ngân hàng hiện nay. Sau 5 năm kể từ vụ án bầu Kiên, ACB đã và đang từng bước lấy lại hình ảnh của một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất nhì hệ thống.
Sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận
Giới phân tích đưa ra nhận định, ACB có thể lãi 6.333 tỷ đồng trong năm 2018 nhờ hoàn nhập dự phòng và thu hồi nợ xấu, cao hơn mục tiêu lợi nhuận trước thuế nhà băng này đề ra đầu năm 2018 ở mức 5.699 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, với việc đã xử lý hết nợ xấu tại VAMC và nợ nhóm G6 liên quan đến "bầu" Kiên, thu nhập từ thu hồi nợ xấu sẽ tăng cao và cùng với hoàn nhập dự phòng thúc đẩy lợi nhuận tăng trong năm 2018 của ACB lên mức cao. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của ACB ổn định ở mức 3,56% cao hơn so với mức 3,53% trong năm 2017.
Cùng với đó, giới phân tích cho rằng, trong tương lai, ACB có thể hạch toán thu nhập không thường xuyên từ thu hồi được nợ xấu hoán đổi với trái phiếu VAMC đã trích lập hết. Đây được xem là cơ sở tác động tích cực lên lợi nhuận của ACB.
Mặt khác, ACB là ngân hàng tập trung vào khách hàng SME và cá nhân. Trong việc mở rộng các khách hàng SME, Ngân hàng đặt mục tiêu thu hút các nhà cung cấp và nhà phân phối của các doanh nghiệp cốt lõi trong chuỗi cung ứng thông qua chính sách giá hợp lý về lãi suất và phí. Hơn nữa, ACB áp dụng các giải pháp dài hạn và đồng bộ trong việc cung cấp các gói sản phẩm cho khách hàng.
Nhân viên của các khách hàng SME cũng là nguồn khách hàng cá nhân trả lương qua ngân hàng, trong đó ACB đặt mục tiêu tăng doanh thu bằng các hình thức gia tăng sản phẩm, cho vay tín chấp bằng thẻ tín dụng và cung cấp các khoản vay tiêu dùng khác. Phân khúc này hiện có trên 1,8 triệu khách hàng và đang phát triển tốt. ACB đặt mục tiêu có 5 triệu khách hàng vào năm 2019.
Đối với phân khúc khách cá nhân siêu giàu, ACB đặt kế hoạch tăng huy động và tăng thu nhập từ bancassurance và thẻ tín dụng. ACB có thế mạnh về cho vay tiêu dùng, nhưng các khoản vay này chủ yếu có thế chấp, thay vì tín chấp.
Dư nợ cho vay tín chấp đạt khoảng 900 tỷ đồng, chỉ bằng 0,41% tổng dư nợ cho vay, chủ yếu là thông qua thẻ tín dụng cho các khách hàng phân khúc thu nhập khá (có thu nhập cao hơn 200 triệu đồng mỗi năm) với tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
Ngân hàng bắt đầu tiến hành lắp đặt máy giao dịch tiền mặt - CDM trong quý IV/2018, cho phép ACB mở rộng cho vay tín chấp tới khách hàng phổ thông với chi phí hoạt động thấp kể từ năm 2019, nhưng Ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín chấp ở mức vừa phải.
Để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tập trung khách hàng cá nhân, ACB tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin. ACB dành 30 - 35 triệu USD/năm để đầu tư vào công nghệ thông tin, bao gồm hai loại chi phí chí là chi phí hoạt động (giải pháp công nghệ thông tin, bảo trì phần mềm, thay thế phần cứng,...) và chi phí vốn (máy chủ, thiết bị, ngân hàng số,..).
Đại hội đồng cổ đông 2018 đã thông qua việc đầu tư 500 tỷ đồng vào các quỹ khoa học và công nghệ. Kể từ quý IV/2018, ACB sẽ bắt đầu thay thế các máy ATM với CDM hiện đại hơn. Số lượng máy CDM lắp đặt vài năm tới là 500 máy.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, ACB sẽ phát hành trái phiếu cấp 2 hàng năm để cải thiện tỷ lệ ant toàn vốn (CAR) bên cạnh các biện pháp nhằm nâng cao vốn cấp 1 thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ CAR hiện tại theo Basel II là trên 8%, dự kiến sẽ đạt gần 10% vào cuối năm 2019.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, các ngân hàng đã tăng cường đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, trong số đó cũng không ít ngân hàng còn đối mặt thách thức với quý trình xử lý nợ xấu vì nhiều thương vụ đấu giá tài sản đảm bảo bất thành, phải đấu giá lại nhiều lần.
Điển hình là khu phức hợp Saigon One Tower ở trung tâm TP.HCM, với mức đấu giá được VAMC đưa ra hơn 6.110 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ gốc và lãi trên 7.000 tỷ đồng. Dù vậy, hơn một năm trôi qua, đến nay, khoản nợ này cũng chưa tìm được người mua.
Tương tự, cuối năm 2017, Sacombank chào bán 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III (Long An) với giá khởi điểm gần 10.000 tỷ đồng, nhưng không bán được. Sau đó, Sacombank phải giảm giá gần 800 tỷ đồng mới bán được 3 tài sản này với giá 9.200 tỷ đồng, đồng thời chấp nhận cho bên mua trả chậm trong vòng 7 năm.
Mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng có văn bản số 8425/NHNN-TTGSNH ngày 07/11/2018 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Vân Linh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ tăng trong quý IV? Tuy các ngân hàng công bố lợi nhuận tích cực trong 3 quý đầu năm, song nợ xấu của nhiều ngân hàng cũng có xu hướng tăng, kéo theo dự phòng rủi ro nợ xấu lớn hơn. Theo Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISercurities), nếu như lợi nhuận quý I của ngành ngân hàng tăng vọt đến...