Nở rộ mạng xã hội tin nhắn
Dịch vụ tin nhắn WhatsApp kéo theo hàng loạt dịch vụ tương tự, phát triển sôi nổi thành mạng xã hội nhờ trào lưu điện thoại thông minh. Từ đó xuất hiện “ mạng xã hội tin nhắn” (social messaging service), tác động mạnh vào các mạng xã hội lớn.
Năm 2009, hai kỹ sư từng làm việc cho Yahoo! – Brian Acton và Jan Koum – sáng lập Công ty WhatsApp, cung cấp dịch vụ nhắn tin cho điện thoại có kết nối Internet, không phụ thuộc vào nhà mạng nào. Tên gọi WhatsApp là cách nói trại từ câu hỏi “What’s Up?” (có chuyện gì không?), nhấn mạnh mục tiêu của WhatsApp là đáp ứng nhu cầu liên lạc bằng tin nhắn.
Sau khi cài đặt ứng dụng WhatsApp trên điện thoại (giá 1 USD trên iPhone, miễn phí trên Android) và đăng ký dùng dịch vụ, người dùng nhận được mã kích hoạt (activation code), được dùng như mã định danh. Từ đó, người dùng biết ngay trong số những người thân quen (những người có tên trong danh bạ của điện thoại), ai cũng là người dùng WhatsApp để gửi tin nhắn cho họ qua Internet (thay vì gửi tin nhắn SMS và chịu cước tin nhắn). Người dùng WhatsApp được miễn phí trong năm đầu và chỉ phải trả phí thuê bao 1 USD/năm cho những năm sau (không kể cước dữ liệu trả cho nhà mạng). Hai người sáng lập WhatsApp đều không thích phương án cung cấp dịch vụ miễn phí và thu lợi từ quảng cáo.
Tuy không cung cấp dịch vụ miễn phí, WhatsApp thu hút trên 200 triệu người dùng, tạo ra 20 tỉ tin nhắn mỗi ngày (chủ yếu tại Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Nam Phi) nhờ trào lưu Internet di động. Tin nhắn WhatsApp nay có thể kèm âm thanh, hình tĩnh và hình động ( video). Người dùng thích thú với WhatsApp vì cách dùng đơn giản, lại dễ dàng biết được những ai đang trực tuyến (online) trong số bạn bè của mình. Từ khi cho phép tạo ra nhóm tin chat group (cung cấp chức năng trò chuyện trong nhóm), WhatsApp thực sự đáp ứng nhu cầu quan trọng nhất của mạng xã hội. Học sinh, sinh viên thường tạo ra nhóm tin WhatsApp cho cả lớp. Tuổi thiếu niên tuy rất quen thuộc với Facebook nhưng thường xem đó là kênh “nghiêm túc”, không dành cho những hoạt động riêng tư với rất nhiều “bí mật”, phải ở bên ngoài tầm giám sát của người lớn (quá đông người lớn ở Facebook!). WhatsApp hiện là một trong vài ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở các cửa hàng ứng dụng.
Video đang HOT
Thành công của WhatsApp kích thích những dịch vụ tương tự nở rộ: Bistri, Forfone, Fring, Movicha, Nimbuzz, ooVoo, PingMe, Scydo, Sidecar, Snapchat, TalkboxApp, Tango, Viber, VoipBuster, Kik, Hike (chủ yếu ở Ấn Độ), KakaoTalk (chủ yếu ở Hàn Quốc, Đông Nam Á), Line (chủ yếu ở Nhật Bản), WeChat (chủ yếu ở Trung Quốc),… Mỗi dịch vụ tin nhắn qua Internet đều cố tìm cho mình nét đặc thù. Viber cho phép thực hiện cuộc gọi miễn phí qua Internet, Line có thêm cuộc gọi thấy hình (video call) giống như Skype hoặc Google Hangouts, KakaoTalk cho phép thực hiện cuộc gọi nhóm (group call),… Cách thu lợi của các dịch vụ cũng đa dạng, thường miễn phí một phần, thu lợi từ quảng cáo, từ dịch vụ cộng thêm: cung cấp hình biểu cảm hoặc trò chơi (Line, KakaoTalk). Đến cuối năm 2013, doanh số của dịch vụ nhắn tin qua Internet khoảng gấp đôi doanh số tin nhắn SMS thông thường và chắc chắn sẽ gia tăng trong năm 2014 khi điện thoại thông minh ngày càng phổ biến (theo công ty nghiên cứu thị trường Informa Telecoms and Media).
Những người dùng máy tính bảng vẫn có thể tham gia mạng tin nhắn. Người dùng máy tính bảng Nexus 7 thường dùng ứng dụng textPlus để có số điện thoại ảo cần thiết cho việc đăng ký dịch vụ WhatsApp và nhận mã kích hoạt.
Lưu lượng dữ liệu tăng lên ở mạng tin nhắn tác động vào mức độ phát triển của mạng xã hội thông thường. Facebook, Google và Twitter đều cố gắng cải tiến dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhắn tin. Người dùng Facebook Messenger nay có thể nhắn tin cho người dùng khác không phải là “bạn Facebook” nếu biết số điện thoại. Google Hangouts (bộ phận đảm nhiệm chức năng nhắn tin của mạng xã hội Google ) nay cho phép dùng hình động GIF trong tin nhắn và “kiêm nhiệm” cả việc gửi/nhận tin nhắn SMS/MMS thông thường. Về chức năng, mạng xã hội Google nằm lưng chừng giữa Facebook và Twitter, vừa có những mối liên hệ bạn bè gần gũi như ở Facebook, vừa thể hiện xu hướng tập hợp theo sở thích, theo sự hâm mộ những người nổi tiếng như ở Twitter.
Những người sáng lập Twitter năm 2006 vốn có ý định thực hiện dịch vụ nhắn tin trên Internet giống như WhatsApp, nhưng vào lúc ấy, thị trường Internet di dộng chưa phát triển. Twitter dần dần trở thành “mạng xã hội thị hiếu”, thể hiện sở thích của thành viên hơn là liên hệ bạn bè. Dù Twitter đang chú ý đến nhu cầu gửi/nhận tin nhắn trực tiếp (direct message) giữa hai thành viên, cho phép trò chuyện riêng tư dễ dàng hơn, giới truyền thông nhận định rằng Twitter có thể triển khai dịch vụ tin nhắn riêng, có nét văn hóa riêng, khác với nét văn hóa đặc thù của Twitter đã trở nên sâu đậm: tính ngắn gọn và tính công cộng.
Dù chức năng gửi/nhận tin nhắn của các mạng xã hội lớn thuận tiện hơn, các dịch vụ tin nhắn sẽ vẫn phát triển thành mạng xã hội theo cách riêng. Đối với người tham gia mạng xã hội tin nhắn, khái niệm “xã hội” nhỏ hơn, chỉ gồm phần cốt lõi: những người có tên trong danh bạ điện thoại. Trong phạm vi những mối liên hệ thực (thường là bạn bè gặp mặt hằng ngày), người dùng không vướng bận với “tiểu sử” hay “thương hiệu cá nhân” như ở Facebook.
Căn cứ vào đặc điểm của não người, nhà nhân chủng học Robin Dunbar cho rằng số lượng mối liên hệ xã hội bền vững của một người có giới hạn, một người khó duy trì liên hệ bền vững với trên 150 người khác. Khẳng định ấy tạo nên khái niệm số Dunbar (150) nổi tiếng. Số lượng mối liên hệ xã hội ở Facebook có thể vượt xa số Dunbar, nhưng mạng xã hội tin nhắn dường như đang chứng tỏ giới hạn ấy là có thực.
Theo Echip
Instagram giới thiệu tính năng nhắn tin, tăng tính kết nối giữa người dùng
Tính năng mới giúp người dùng Instagram có thể tương tác dễ dàng hơn với nhau.
Ứng dụng di động nổi tiếng Instagram đã vừa giới thiệu tính năng mới mang tên Instagram Direct cho phép người dùng có thể gửi tin nhắn, hình ảnh cũng như những đoạn video ngắn tới bạn bè của mình. Hiện tại, Instagram Direct đã được triển khai trong phiên bản cập nhật mới của Instagram cho hệ điều hành iOS cũng như Android.
Sử dụng tính năng mới của Instagram, bạn có thể thiết lập một nhóm bạn bè thân thiết khoảng 15 người để gửi tin nhắn, hình ảnh hay video riêng tư hơn. Từ bây giờ, khi đã chỉnh sửa xong một bức ảnh bất kì trên Instagram, người dùng gửi ảnh đó đến tối đa 15 người. Nếu gửi thông điệp tới người dùng đang trực tuyến, đèn avatar của họ sẽ thay đổi theo thời gian thực trong cuộc trò chuyện, cho thấy rằng họ đã nhìn thấy hoặc thích thông điệp của bạn.
Thông thường chỉ những người đang "theo dõi" bạn trên Instagram mới có quyền gửi hình ảnh, video và tin nhắn cho bạn nhưng người dùng cũng có thể trực tiếp gửi tin nhắn đi kèm hình ảnh hoặc nếu có người nhắn không nằm trong danh sách bạn bè, ứng dụng sẽ tự động hỏi người dùng có muốn nhận thông tin từ người gửi không trước khi hiển thị hình ảnh. Điều này được thực hiện để hạn chế những bức ảnh hoặc thông tin với nội dung spam cũng như những hình ảnh không phù hợp có thể làm ảnh hưởng tới người xem.
Đây được cho là nâng cấp đánh dấu bước đột phá của Instagram ở lĩnh vực tin nhắn. Nếu nhìn kĩ lại quá trình phát triển của những ứng dụng như WhatsApp, Viber, Zalo và gần đây nhất là Snapchat, có thể dễ dự đoán rằng dịch vụ gửi tin nhắn trên Instagram sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Theo VNE
Nhà mạng tìm cách chặn dịch vụ miễn phí Hàng triệu người đang được hưởng lợi từ dịch vụ gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh miễn phí nhưng để 'giữ nồi cơm' của mình, các nhà mạng đang tìm mọi cách ngăn chặn dịch vụ này. Đề xuất chặn vì thất thu Theo Công ty tư vấn viễn thông Ovum, các dịch vụ gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh (OTT)...