Nợ lương cắt thưởng, dân văn phòng kêu trời
Sắp hết năm 2012 nhưng lương vẫn còn bị nợ, thưởng chưa có hy vọng gì khiến cho nhiều nhân viên văn phòng đang lâm vào tình cảnh bi đát.
Đòi lương khó như lên trời
Làm việc tại một công ty truyền thông tại Cầu Giấy đã gần 3 năm nhưng năm nay là năm anh Hoàng Đình Nguyên phải sống chật vật bởi đồng lương eo hẹp. Công ty gặp khó khăn từ cuối năm ngoái, tiền lương cán bộ công nhân viên từ việc chậm hàng tháng tới cắt giảm và giờ chỉ tạm ứng vài triệu đồng mỗi tháng. Số nhân sự của công ty cũng giảm từ hơn 40 người nay chỉ còn vẻ vẹn chưa đầy 5 người. Mọi hoạt động kinh doanh gần như ngừng hẳn, chỉ mang tính duy trì.
Anh Nguyên cho hay, số tiền công ty nợ lương của anh lên tới hàng chục triệu đồng nhưng không có cách nào để đòi được. Chưa kể, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội từ tháng 5/2011 đến nay công ty vẫn chưa đóng. Anh Nguyên ngậm ngùi: “Tình cảnh bi đát thế này chỉ mong có đủ lương đã vui lắm rồi chưa dám nghĩ gì tới Tết nhất.”
Cùng cảnh ngộ với anh Nguyên, nhiều nhân viên khác trong công ty này cũng đã bị thôi việc do cắt giảm nhân sự nhưng đến nay vẫn chưa đòi được đủ lương và các chế độ bảo hiểm.
Video đang HOT
Anh Mai Quốc Tùng, nhân viên công ty tài chính ở Hoàn Kiếm – Hà Nội cũng ngao ngán vì đã nghỉ việc cả nửa năm nay nhưng tổng số tiền lương 6 tháng trước đó cũng chưa được công ty trả. Trước khi có quyết định thôi việc, công ty cũng đã từng cam kết toàn bộ số lương sau khi nghỉ việc 3 tháng sau đó. Hàng tháng, anh vẫn liên tục thúc giục bộ phận nhân sự kế toán nhưng đều vô vọng.
Anh Tùng lo lắng: “Công ty cũ giờ cắt giảm hết nhân sự, những người phụ trách cũng không còn, hỏi người mới thì không biết gì, nên đòi lương cũng khó như lên trời.”
Bi bét nhất trong thời gian vừa qua phải kể tới các công ty bất động sản. Số lượng các công ty bất động sản làm ăn thu lỗ đóng cửa hàng loạt tăng mạnh, kéo theo đó số lượng nhân sự bị cắt giảm cũng ồ ạt.
Một công ty bất động sản ở Trung Hòa – Nhân Chính, một thời đình đám về các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đến nay cũng đã thu hẹp hoạt động từ 3 tầng của một tòa nhà giờ chỉ còn duy nhất một phòng chưa tới 10 người. Hầu hết các nhân viên kinh doanh đều đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Lý do nhân viên công ty này vội tháo chạy bởi một thời gian dài công ty đều trả chậm lương, hiện vẫn đang nợ cán bộ công nhân viên nửa năm tiền lương, chưa kể các chế độ bảo hiểm bị cắt. Không chỉ vậy, tiền thưởng doanh số bán hàng của nhân viên cũng bị sếp chiếm dụng.
Tương tự như vậy, các ngân hàng, công ty tài chính cũng đang lao đao bởi khủng hoảng nhân sự, số lượng nhân viên bị sa thải tăng mạnh. Điều đáng nói ở đây, chế độ đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị thôi việc đều bỏ ngỏ.
Anh Nguyên, nhân viên công ty truyền thông tỏ ra bi quan khi sắp tới là thời điểm cuối năm. “Đòi công ty trả đủ lương đã khó nên việc nghĩ tới thưởng cuối năm Tết là chuyện xa vời. Nếu tình hình này tiếp tục tiếp diễn, mình cũng phải nghỉ việc ở nhà bán hàng hay chạy chân gì đó có khi còn hơn. Cũng may, nhà mình ở Hà Nội nên còn đỡ, chứ không thì chỉ biết kêu trời”.
Trong tình cảnh bi đát, chị Đinh Thu Huyền, kế toán một công ty may mặc đang chạy đôn chạy đáo lo khoản tài chính để trả nợ tiền vay. Năm trước, còn làm ở công ty bất động sản, chị cùng hai người đồng nghiệp chung tiền đầu tư một lô đất nhưng đến nay vẫn chưa thoát được được hàng.
Chị Huyền cho hay, khi nghỉ tại công ty cũ, tiền lương bảo hiểm vẫn chưa được thanh toán, chưa nói gì tới số lãi mà mỗi tháng chị phải trả do vay hơn 100 triệu đồng để đầu tư đất. Chính vì thế, khi thấy tình hình tài chính của công ty có dấu hiệu sa sút chị đã vội bỏ chạy. “Đi làm không đủ tiền trả lãi và nuôi con, năm nay bên công ty mới cũng làm ăn kém nên chẳng mơ gì tới thưởng. Giờ chỉ mong đòi nốt nợ công ty cũ là an ủi nhất rồi”, chị Huyền buồn rầu.
Không kỳ vọng vào thưởng năm nay, anh Trung, nhân viên công ty kinh doanh về thiết bị xăng dầu đang lo lắng không biết bấu víu vào đâu để lo cho gia đình. Kinh tế khó khăn, doanh số bán hàng giảm mạnh, chính vì thế anh đang phải hớt hải lo chạy cho đủ doanh số. Năm vừa rồi, công ty anh đã cắt giảm nhiều hoạt động nghỉ mát của cán bộ công nhân viên cũng như chế độ sinh nhật hiếu hỉ bị giảm bớt. Bên cạnh đó, mức thưởng Tết năm nay, như giám đốc anh vừa thông báo có thể giảm mạnh, thậm chí là không có đối với một số bộ phận.
Mặc dù chưa hết năm, chưa có doanh nghiệp nào công bố về mức thưởng Tết năm nay nhưng nhìn chung khối doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước tình trạng khó khăn nên có thể nhiều đơn vị không có thưởng Tết.
Anh Nguyễn Thành Nam, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản phân trần, công ty đang tìm mọi cách để trả dần lương cho cán bộ công nhân viên, tuy nhiên cũng ít nhất phải 6 tháng nữa mới có thể trả hết được. Chia sẻ khó khăn với người lao động lúc này, anh Nam chỉ còn cách thưởng bằng chia cổ phần cũng như chuyển bằng đất cho nhân viên nhưng không ai dám nhận.
Theo Dantri
Quảng Bình: Người lao động Cty liên doanh Vina - Siam kêu cứu
Suốt nhiều tháng nay, nhiều người lao động (NLĐ) ở Cty Vina - Siam chuyên sản xuất phụ tùng, lắp ráp xe máy thuộc TCty Đại Trường Phát có trụ sở tại F325 phường Bắc Lý (TP.Đồng Hới) đã liên tục có đơn khiếu nại gửi đến các ban ngành để kêu cứu về việc họ bị Cty nợ lương nhiều tháng, nợ BHXH..., khiến đời sống lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.
Ông Phạm Văn Ngà - một trong những NLĐ ở Cty liên doanh Vina - Siam - cho biết: "Tình cảnh CNLĐ chúng tôi ở Cty kể cả người đã thôi việc hoặc đang làm việc đều rất khó khăn. Cty hiện vẫn chậm lương NLĐ và không biết họ đóng BHXH cho mọi người thế nào. Cuối năm 2009 đến 3 tháng đầu năm 2010, trong khi chờ thôi việc tại Cty, tôi vẫn tham gia đóng BHXH. Ngày 1.3.2010 tôi nhận được quyết định thôi việc từ Cty, nhưng lại không biết bao giờ mình mới lấy được sổ BHXH".
Trao đổi với PV Báo Lao Động về tình trạng nợ lương, nợ BHXH của Cty Vina - Siam, ông Mai Duy Vinh - nguyên Chủ tịch CĐCS Cty liên doanh Vina - Siam - cho biết: "Hiện nay Cty nợ tiền BHXH của NLĐ đã lên tới hơn 1,3 tỉ đồng. Chúng tôi đã đề nghị Cty giải quyết để tránh thiệt thòi cho NLĐ, nhưng lãnh đạo Cty chỉ trả lời chưa có nguồn tiền nên Cty chưa thể trả. Từ tháng 5 đến giờ, chúng tôi làm việc cầm chừng và chưa nhận được đồng lương nào nên không có tiền đóng BHXH. Từ năm 2008 đến nay, Cty gần như không đóng BHXH cho chúng tôi mà có đóng cũng chỉ đóng chiếu lệ, không đầy đủ".
Nói về tình hình khó khăn tại Cty liên doanh Vina - Siam, Chủ tịch CĐ Công thương tỉnh Quảng Bình Trần Quốc Tuấn cho biết: "Do sản phẩm không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên Cty làm ăn thua lỗ. Thành lập từ năm 2001, từ chỗ ban đầu Cty có tới 250 LĐ thì nay chỉ còn khoảng 30 người. NLĐ bị nợ lương, nợ BHXH nên rất khó khăn. Chúng tôi và CĐCS Cty đã vào cuộc yêu cầu Cty có giải pháp giải quyết quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, nhưng do việc sản xuất bị đình đốn, nên Cty không biết giải quyết bằng cách nào, nhất là Cty đã bị tỉnh thu hồi mã số thuế, hóa đơn giá trị gia tăng do nợ ngân sách nhà nước".
Ông Mai Duy Vinh cho biết thêm: "Tình hình rất khó khăn, nhưng DN không đề cập đến chuyện phá sản, trong khi NLĐ lại mong chờ DN phá sản, bởi theo họ chỉ có như vậy họ mới được giải quyết quyền lợi. Đã có nhiều người ở Cty xin nghỉ việc, một số người đóng BHXH bằng tiền nhà để duy trì chờ nghỉ hưu, một số khác đã làm việc gần 30 năm nay, nhưng Cty không đóng BHXH hoặc đóng chút ít theo kiểu chiếu lệ, lại không giao sổ BHXH cho họ thì thiệt thòi cho họ quá, kể cả khi họ tìm được chỗ làm mới".
Tình cảnh của nhiều NLĐ ở Cty liên doanh Vina - Siam là rất đáng lo ngại. Đề nghị các cơ quan chức năng về lao động và CĐ tỉnh Quảng Bình vào cuộc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.
Theo laodong
Viện đủ lý do để nợ lương người lao động Doanh nghiệp viện đủ lý do để không trả lương cho người lao động, cũng không đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... Nhiều nhân viên Công ty CP M&C không được trả lương Hứa, nhưng không biết bao giờ trả! Nhiều nhân viên làm việc tại Công ty CP M&C, quận 1 - TPHCM đã phản ánh việc bị doanh nghiệp (DN)...