Nỗ lực tăng cường ngoại giao với các nước Trung Đông của Tổng thống Nga
Tổng thống Nga muốn tạo ra một liên minh chính trị giữa Nga, Iran và Saudi Arabia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Raisi (trái) trong cuộc gặp tại Moskva. Ảnh: Bloomberg
Theo chuyên gia Raghida Dergham, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Viện Beirut (Liban), ngay sau chuyến thăm Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, Tổng thống Vladimir Putin đã tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Moskva. Ở đó, ông Putin đã kêu gọi người đồng cấp Iran không “đóng cánh cửa” cho những nỗ lực đạt được thỏa thuận về Gaza. Ông Raisi đã đồng ý với yêu cầu của nhà lãnh đạo Nga, đánh dấu một bước phát triển đáng kể.
Tuy nhiên, khi ông Putin kêu gọi Tổng thống Raisi giảm hỗ trợ các nhóm ủy nhiệm trong khu vực, câu trả lời của ông Raisi là điều này phụ thuộc vào hành động của Israel, đặc biệt là liên quan đến Liban.
Tổng thống Raisi đã nói với ông Putin rằng nếu Israel tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Hezbollah ở Liban, Iran sẽ không bị động. Nhưng ông Raisi cũng đảm bảo với Tổng thống Putin rằng Iran sẽ không kích động Hezbollah thực hiện những hành động có thể khiến Israel trả đũa.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga cũng muốn ông Raisi ủng hộ những nỗ lực của Moskva nhằm hòa giải tốt hơn giữa Saudi Arabia và Iran. Tổng thống Putin cho biết ông đã thảo luận vấn đề này với lãnh đạo Saudi Arabia.
Chuyên gia Dergham cho rằng Tổng thống Nga muốn tạo ra một liên minh chính trị giữa Moskva, Tehran và Riyadh, biến Riyadh thành đối tác của các bên tham gia thay vì đối thủ. Tuy nhiên, điều này có thể không phù hợp với các ưu tiên của Saudi Arabia.
Trong số các ưu tiên của Saudi Arabia, có mong muốn Nga thuyết phục Iran kiềm chế các hoạt động gây bất ổn của lực lượng Houthi khi nhóm này khiêu khích Mỹ ở các vùng biển xung quanh, gây ảnh hưởng đến an ninh hàng hải và tự do hàng hải. Riyadh cũng kêu gọi Washington kiên nhẫn và kiềm chế trả đũa.
Video đang HOT
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga đảm bảo với Tổng thống Iran rằng Moskva tiếp tục hiện diện ở Syria nhưng nói rõ rằng trách nhiệm chính thuộc về Tehran trong việc đảm bảo lợi ích chung ở đó. Nga cam kết cung cấp cho Iran mọi hỗ trợ quân sự.
Chuyến đi Trung Đông của ông Putin
Ngày 6/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và khởi hành đến Saudi Arabia ngay sau đó.
Chuyến công du chớp nhoáng kéo dài chỉ trong một ngày, nhằm giúp Moscow nâng cao vị thế của mình như một nhà môi giới quyền lực ở Trung Đông, giữa thời điểm cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Ông Putin đã hạ cánh xuống Abu Dhabi - thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Cùng lúc ấy, thành phố này đang tổ chức hội nghị về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc. Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine năm 2022, đây là lần đầu tiên ông thực hiện chuyến đi đến khu vực Trung Đông. Tuy đã hạn chế công du nước ngoài kể từ khi nổ ra chiến sự ở Ukraine, vào tháng 10 vừa qua, ông Putin đã đến thăm Trung Quốc. Và, trong những tháng gần đây, ông đã thực hiện một số chuyến đi đến những quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Hiện nay, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin, với lời cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về tình trạng bắt cóc trẻ em ở Ukraine trong cuộc xung đột. Thế nhưng, cả UAE và Saudi Arabia đều chưa ký hiệp ước thành lập ICC, tức là họ không có nghĩa vụ phải bắt giam ông Putin theo lệnh của ICC.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Riyadh, ngày 6/12.
Le lói một cuộc đàm phán hòa bình
Khi phát biểu mở đầu hội đàm với Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan, ông Putin đề nghị thảo luận về những chủ điểm sau: Hợp tác năng lượng, xung đột ở Trung Đông và "cuộc khủng hoảng Ukraine". Ông ca ngợi mối quan hệ hiện tại giữa Nga và UAE, đồng thời chúc mừng nước này đã đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28. Ông Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao UAE, đã bắt gặp hình ảnh ông Putin tươi cười trong lúc bước xuống cầu thang máy bay của tổng thống. Có 4 máy bay chiến đấu Su-35 theo hộ tống máy bay chở vị Tổng thống Nga. Tất cả đều hạ cánh xuống sân bay thương mại Abu Dhabi, vì căn cứ không quân AlDhafra trong khu vực là trung tâm quân sự lớn của Mỹ. Mặc dù là đồng minh của Mỹ, nhưng UAE có quan hệ chặt chẽ với Nga. Thật vậy, UAE tiếp đón ông Putin tại cung điện Qasr al-Watan ở Abu Dhabi với 21 phát đại bác chào mừng. Và, trên cao, một hàng máy bay phản lực quân sự của UAE bay ngang bầu trời, vẽ ra làn khói mang màu cờ Nga.
"Tôi rất vui khi được gặp lại ông", trích lời nói của Sheikh Mohammed khi ngồi cùng Tổng thống Putin. Sau đó, ông đưa ra tuyên bố cho biết họ đã thảo luận về "tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại và hợp tác nhằm đảm bảo ổn định và tiến bộ". "Màn trình diễn" của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - đất nước cần đến "ô dù" bảo vệ của Mỹ, cho thấy UAE đã mở rộng mối quan hệ kinh doanh đến Nga. Kể từ khi phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế vào Moscow, mối quan hệ không ngừng lớn mạnh thêm. Các nhà bình luận người Nga cho rằng UAE là lựa chọn quan trọng nhằm giúp Nga lách các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan trong buổi lễ chào mừng chính thức tại Qasr Al, ngày 6/12.
Các cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Nga và UAE cùng Saudi Arabia được công bố rất đột ngột. Chúng diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang cố gắng kêu gọi phương Tây tăng cường viện trợ cho nỗ lực chiến tranh của mình, vì họ nhận thấy Mỹ có dấu hiệu cắt giảm hỗ trợ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến có bài phát biểu trước Thượng viện Mỹ vào ngày 5/12 nhằm nhấn mạnh tính cấp bách của việc duy trì hỗ trợ tài chính và quân sự từ phía Mỹ. Thế nhưng, phiên họp đã bị hủy bỏ vào phút chót.
Saudi Arabia đã cố gắng thực hiện vai trò trung gian hòa giải trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Vào tháng 8, nước này đã mời khoảng 40 quốc gia khác cùng tham dự một hội nghị hòa bình. Vào năm 2022, họ cũng đã giúp tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân thành công. Trong số các tù nhân có công dân Mỹ và Anh. Thái tử Mohammed bin Salman đứng ra làm trung gian cho toàn bộ tiến trình. Giờ đây, nội bộ Nga lại tiếp tục suy đoán về khả năng diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình, trong bối cảnh xuất hiện nhiều hoài nghi về khả năng phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Hơn nữa, các quan chức Ukraine thừa nhận rằng cuộc phản công năm nay đã không đạt được bước đột phá đáng kể.
Vào ngày 5/12, một nguồn tin ẩn danh cấp cao của Nga tiết lộ với nhật báo Izvestia rằng Nga sẽ không phản đối ý tưởng tiến hành đàm phán với Ukraine tại một quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Hungary. Ông Grigory Yavlinsky - một chính trị gia lâu năm người Nga, đã từng gặp gỡ ông Putin vào tháng 10. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo kinh doanh RBC của Nga, ông Yavlinsky cho biết ông Putin đã đề nghị làm người trung gian trong những cuộc đàm phán như vậy. Ông Zelensky, người đã thề rằng Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu nhằm giải phóng lãnh thổ của mình, cho hãng tin AP biết trong một cuộc phỏng vấn tuần trước rằng các đồng minh vẫn chưa thúc giục ông tham gia đàm phán với Nga, mặc dù "vẫn có một số tiếng nói". Còn ông Mykhailo Podolyak - cố vấn cấp cao của ông Zelensky, thì bác bỏ những đề xuất mới nhất rằng Nga sẽ sẵn sàng đàm phán. Theo ông, đó chỉ là một nỗ lực nhằm "tạm dừng hoạt động" và "chuẩn bị cho những giai đoạn tấn công tiếp theo".
Trong một tuyên bố, ông viết: "Đối với Nga, từ "đàm phán" chỉ có thể mang nghĩa là tối hậu thư, là đầu hàng và đảm bảo Nga không thể bị truy tố vì tội ác chiến tranh và có thể tiếp tục chiến tranh bất cứ lúc nào. Và, Ukraine sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về quan điểm này". Ông Ushakov - Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, nói với Shot rằng Điện Kremlin xem cuộc đàm phán với Thái tử Mohammed là sự kiện "rất quan trọng".
Chiến cơ UAE tạo vệt khói màu cờ Nga để chào đón Tổng thống Putin.
Tìm lối thoát cho cuộc đụng độ Israel - Hamas
Chuyến đi của ông Putin cũng diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Israel-Hamas. UAE và Saudi Arabia, nơi tổ chức buổi gặp mặt giữa ông Putin và vị Thái tử Mohammed bin Salman đầy quyền lực, là những nước chủ chốt trong số nhiều chủ thể quốc tế cố gắng tham gia đàm phán về một giải pháp cho cuộc chiến Israel-Hamas. Ông Putin có mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với cả hai nhà cầm quyền. Nguyên thủ Nga đã tìm cách nâng cao hình ảnh Nga như một nhà môi giới quyền lực giữa làn sóng xung đột ở Trung Đông. Ông cũng thách thức Washington, gọi cuộc chiến là một thất bại trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Ông gợi ý cho Moscow đóng vai trò làm trung gian hòa giải, thông qua mối quan hệ thân thiện với cả Israel và Palestine. Cuộc xung đột này đã có đóng góp vào những mục tiêu địa chính trị mà Nga muốn đạt được: Đánh lạc hướng các nhà lãnh đạo phương Tây khỏi cuộc chiến ở Ukraine; tạo cho Nga một cơ hội mới nhằm thu hút chú ý của công chúng toàn cầu trong thời buổi nhiều quốc gia bày tỏ đồng cảm với người Palestine.
Tuy gọi cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas là một hành động khủng bố, ông Putin cũng ví cuộc chiến ở Ukraine với cuộc kháng chiến của người Palestine, đồng thời tuyên bố cả hai nước đều đại diện cho cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của giới tinh hoa phương Tây. Chiến tranh Israel-Hamas vẫn là mối lo ngại lớn đối với Trung Đông, nhất là với UAE - quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 2020. Nhiều cuộc tấn công gần đây vào Yemen - do phiến quân Houthis có Iran hậu thuẫn thực hiện, đang đe dọa hoạt động vận chuyển thương mại tại Biển Đỏ trong giai đoạn Iran tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân với tiến bộ nhanh chóng, kể từ lúc thỏa thuận hạt nhân năm 2016 sụp đổ.
Chuyến thăm của ông Putin diễn ra sau hàng loạt bài phát biểu tại COP28 của các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và nhiều người khác ủng hộ Ukraine. Sau khi trở về Nga, Tổng thống Putin lại tiếp tục lịch trình ngoại giao vào ngày 7/12, thông qua việc tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Điện Kremlin.
Nga là một phần của OPEC , một nhóm gồm những nước thành viên hợp tác với nhau và nhiều quốc gia mạnh về khai thác dầu mỏ khác. Mục tiêu chung hiện nay của OPEC là cố gắng thúc đẩy giá dầu thô. Vào tuần trước, tổ chức này đã kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng sang năm tới và chào đón nước cung cấp dầu mới nổi Brazil vào hàng ngũ của họ.
Những nỗ lực điều phối chung trong hoạt động khai thác dầu - thông qua tổ chức OPEC , đã góp phần phát triển nên mối quan hệ bền chặt nhiều năm giữa Nga và Arab Saudi, cũng như giữa ông Putin và Thái tử Mohammed. Tuy nhiên, trong năm nay, nhiều điểm xung đột đã nảy sinh giữa hai nước, từ khi Arab Saudi thuyết phục OPEC tham gia cắt giảm sản lượng dầu và nâng giá. Cho đến nay, quyết định này mang về rất ít thành công. Trong khi vương quốc này đã tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày, Nga chỉ đóng góp thông qua mức cắt giảm xuất khẩu nhỏ chứ không chạm vào sản lượng của họ, bất chấp Arab Saudi cố gắng thuyết phục giới quan chức Nga có thêm hành động.
Phi đội Su-35 bảo vệ chiếc Il-96 chở Tổng thống Nga Putin trong chuyến công du Trung Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News ngày 5/12, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia và là người em trai cùng cha khác mẹ của Thái tử Mohammed, chia sẻ: "Chúng tôi đã cố gắng". Dù vậy, ông nhấn mạnh rằng hai nước vẫn tin tưởng nhau trong mảng dầu mỏ. Ông nói: "Tôi thành thật tin rằng họ đang làm điều đúng đắn".
Trong vài năm qua, Thái tử Mohammed đã tìm cách nâng Saudi Arabia lên vị trí của một cường quốc toàn cầu có khả năng đưa những bên tham chiến vào bàn đàm phán; vương quốc này đã làm trung gian cho nhiều cuộc đàm phán hòa bình trong nội chiến Sudan và thiết lập lại mối quan hệ với đối thủ trong khu vực là Iran. Lãnh đạo UAE Sheikh Mohammed bin Zayed đang từng bước đảm nhiệm vai trò hòa giải. Vào năm 2022, ông có vai trò trong sự kiện Nga trả tự do cho cầu thủ bóng rổ người Mỹ Brittney Griner. Tiến trình trả tự do cho cô Griner diễn ra tại đường băng sân bay ở Abu Dhabi.
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Mỹ và châu Âu đã gây áp lực lên Saudi Arabia và UAE, kêu gọi hai nước tránh xa Nga. Tuy nhiên, hai nước đã kháng cự lại. Theo họ, trở thành nhà hòa giải tiềm năng là một vai trò hữu ích hơn so với việc phải chọn một phe.
Nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Đông, hãng tin Bloomberg cho rằng nỗ lực của Washington nhằm cô lập Moscow đã thất bại. Theo hãng tin, chuyến thăm "báo hiệu sự tự tin ngày càng tăng của ông Putin khi đi ra ngoài nước Nga bất chấp những nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm cô lập ông trên trường quốc tế". Hãng tin này cho biết nền kinh tế Nga đang "trên một nền tảng chắc chắn hơn", trong khi Ukraine không nhận thấy thành công quân sự nào bất chấp sự hỗ trợ của Washington. Bloomberg viết: Khi nhà lãnh đạo Nga đang tăng cường mối quan hệ với các nhà lãnh đạo vùng vịnh Ba Tư, sự bền vững trong sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đang bị đặt dấu hỏi"
Tổng thống Nga Putin trở lại trường quốc tế Sáng thứ Ba (5/12), Tổng thống Nga đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê-út vào thứ Tư (6/12). Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại trường quốc tế, bất chấp những nỗ lực của phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp...