Nỗ lực hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Năm 2023, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 8 bà mẹ mang thai được tư vấn, theo dõi dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Kết quả, 8 trẻ sau sinh đều có xét nghiệm âm tính với HIV. Hai vợ chồng chị P.T.T., trú tại Thành phố đều mang trong mình căn bệnh HIV, nhưng với nguyện vọng sinh con nên đã quyết định đến bệnh viện để được tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Suốt quá trình mang thai cho đến khi sinh, chị T. đều tuân thủ quy trình và các biện pháp can thiệp dự phòng theo phác đồ điều trị nên đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, âm tính với HIV. Đây là niềm vui, động viên lớn cho hai vợ chồng chị T.
Những năm qua, ngành y tế tỉnh tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ, góp phần giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV mới nói chung. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện lồng ghép Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất, khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Do đó, hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh được bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiến hành xét nghiệm HIV cho 2.742 lượt phụ nữ mang thai, trong đó 658 phụ nữ được xét nghiệm HIV lúc mang thai, 2.084 trường hợp được xét nghiệm HIV lúc chuyển dạ. Qua đó phát hiện 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng khi mang thai và chuyển dạ; 1 trẻ được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Những năm gần đây, gần như 100% trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV đã được uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV có kết quả âm tính với vi rút HIV.
Trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ ngày 1 – 30/6) hằng năm, ngành y tế đẩy mạnh công tác truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con bằng nhiều hình thức như: truyền thông trực tiếp cho các đối tượng nguy cơ cao, tuyên truyền qua áp phích, tờ rơi… với nội dung tập trung về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai, thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con, lợi ích của theo dõi tải lượng vi rút HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, lợi ích của việc quản lý thai, khám thai sớm trong 3 tháng đầu để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm, điều trị bằng thuốc ARV sớm ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV…
Video đang HOT
Lấy mẫu xét nghiệm HIV cho người dân tại xã Đình Phùng (Bảo Lạc).
Thạc sĩ, bác sĩ Đàm Thu Hường, Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những năm gần đây, những bà mẹ nhiễm HIV mang thai được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, vì vậy không có trẻ nào sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV khi tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con là khi tải lượng vi rút HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện.
Hiện nay, thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được cấp hoàn toàn miễn phí tại 19 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: 10 trung tâm y tế huyện/Thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tĩnh Túc, Bệnh viện Đa khoa các huyện: Trùng Khánh, Hà Quảng, Quảng Hòa và 4 Trạm Y tế xã: Mai Long (Nguyên Bình), Đình Phùng (Bảo Lạc), Đàm Thủy (Trùng Khánh), Thái Học (Bảo Lâm). Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện có cung cấp dịch vụ sản khoa đều thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai tới khám. Để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh, cần được điều trị theo phác đồ sớm để bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Những phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV có kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ này.
HIV lây qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con, là căn bệnh cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm. HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, chuyển dạ, sinh nở hoặc cho con bú. Nếu không được can thiệp, trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả, có tính nhân văn nhất nhằm làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV, góp phần duy trì các thành quả và tiến gần hơn tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Nỗ lực loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (PLTMC) đang được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Tất cả phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm HIV đều được tư vấn lấy máu xét nghiệm HIV theo đúng quy trình PLTMC của Bộ Y tế. Thông qua việc đẩy mạnh các biện pháp can thiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ PLTMC được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp trẻ sinh ra bị lây truyền HIV từ mẹ, thiết thực góp phần mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Phụ nữ nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ được bác sĩ Phòng khám và điều trị ngoại trú OPC TX Phú Thọ tư vấn các biện pháp PLTMC.
Hơn 9 giờ sáng, nhiều bệnh nhân ngồi xếp hàng dọc hành lang của Phòng khám và điều trị ngoại trú OPC TX Phú Thọ để chờ đến lượt tái khám và lấy thuốc điều trị ARV, trong đó có chị N.T.V.A. 12 năm trước, chồng chị qua đời sau lần ốm nặng không rõ nguyên nhân đối với chị là sự mất mát, hụt hẫng quá lớn. Sau khi lo liệu xong cho chồng, chị được cán bộ trạm y tế phường tư vấn làm xét nghiệm sàng lọc HIV. Biết tin mình bị nhiễm HIV càng khiến chị trở nên hoang mang, suy sụp tinh thần vì đang mang thai đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, nhờ được các bác sĩ hướng dẫn tận tình, chị đã bắt đầu bình tĩnh và chấp thuận điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV theo phác đồ dành cho phụ nữ có thai vì tương lai đứa con và sức khỏe bản thân. May mắn đến với chị khi đứa con sinh ra khỏe mạnh và không nhiễm HIV. Từ đó đến nay, chị tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tải lượng vi-rút dưới ngưỡng cho phép nên sức khỏe chị ổn định và công tác bình thường.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, 10.480 phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm HIV. Trong số phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc không phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV. Việc xét nghiệm HIV sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ biết được tình trạng nhiễm HIV để sớm tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây. Xét nghiệm HIV sớm có thể thực hiện bằng cách lấy máu đầu ngón tay hoặc bằng dịch miệng và tiến hành ngay tại trạm y tế xã, phường, có kết quả sau 15-20 phút. Nhiều năm nay, tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đều được quản lý, chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền, góp phần giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV trong gia đình và cộng đồng.
Nhân viên y tế thôn bản trên địa bàn xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn giữ vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền PLTMC đến từng hộ dân.
Tháng cao điểm PLTMC năm 2024 được triển khai từ ngày 1-30/6 trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu "Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030" đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Qua đó, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị PLTMC sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong PLTMC. Để hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, ngành Y tế đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; lợi ích của theo dõi tải lượng vi-rút HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh con khỏe mạnh; lợi ích của điều trị dự phòng ARV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc mẹ có xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, khi sinh; lợi ích của điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ sang con... Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 38 trẻ nhiễm HIV đang được điều trị tại các phòng khám và điều trị ngoại trú OPC trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ Lương Đình Dụng - Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là truyền thông trực tiếp cho đội ngũ cán bộ y tế phụ trách lĩnh vực PLTMC và nhân viên y tế thôn bản để phổ biến các chương trình, biện pháp PLTMC đến mọi người dân; đồng thời truyền thông gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết và áp dụng các biện pháp dự phòng, giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con".
Tăng cường giám sát các loại bệnh truyền nhiễm Ngày 19-7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần vừa qua (từ ngày 11 đến 18-7), toàn tỉnh ghi nhận 206 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân dưới 15 tuổi chiếm đến 70,8%. So với tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết tăng ở các huyện...