Nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất huy động
Nếu lãi suất tiết kiệm ở mức khó hấp dẫn thì hệ thống ngân hàng khó thu hút được vốn cho nền kinh tế, các chuyên gia lưu ý.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hiện nay vẫn có sự mất cân đối trong hệ thống tài chính Việt Nam khi khu vực tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản hệ thống và đảm nhận cả vai trò chính trong cung ứng vốn cho nền kinh tế. Chính vì thế, chênh lệch đầu vào – đầu ra của lãi suất tương đối thấp: 2,6-2,7% so với khu vực là 2,9%.
Giảm lãi suất huy động
Kể từ cuối năm 2019 đến nay, trên thị trường 1 (giữa ngân hàng thương mại và các tổ chức doanh nghiệp, dân cư), lãi suất tiền gửi ghi nhận bước giảm 30 – 50 điểm cơ bản với kỳ hạn trên 6 tháng ở một số ngân hàng thương mại nhỏ, thu hẹp khoảng cách với các nhóm ngân hàng thương mại còn lại.
Hiện, lãi suất huy động nằm trong khoảng 4,1 – 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3 – 7,4%/ năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 – 7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
“Chủ trương hạ lãi suất từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục có tác động đến xu hướng lãi suất khi vừa bước sang năm mới, thời điểm các chỉ tiêu an toàn của năm cũ đã phải hoàn tất”, các chuyên gia của SSI nhấn mạnh.
Sang năm 2020, SSI cho rằng lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất.
Việc giảm lãi suất ở kỳ hạn dài sẽ vẫn có khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng vì định hướng giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ còn gần 3 năm nữa mới kết thúc.
Tuy vậy, SSI khẳng định “những diễn biến vừa qua cho thấy việc kiểm soát các ngân hàng nhỏ đã có hiệu quả, từ đó hạn chế bớt các cuộc chạy đua lãi suất trong tương lai”.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, năm 2019, các nước trên thế giới đa số giảm lãi suất. Thống kê có 63 ngân hàng trung ương giảm lãi suất và tổng số 148 lần giảm, chẳng hạn Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) giảm 3 lần.
Video đang HOT
Tuy nhiên, năm nay, các nước cũng đã giảm đà cắt giảm lãi suất, nghĩa là có thể tiếp tục giảm nhưng tần suất không nhiều do lãi suất hiện nay thấp, không còn nhiều dư địa để giảm, nên bắt buộc các nước phải dùng chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, một số nước quan ngại về lạm phát nên sẽ không muốn giảm lãi suất quá nhiều, nhất là trong bối cảnh giá dầu và giá vàng vẫn còn nhiều biến động sẽ khiến lạm phát bùng phát trở lại.
Lãi suất huy động khó tăng mạnh trong thời gian tới
Chênh lệch đầu vào và đầu ra thấp
Ts. Cấn Văn Lực cho biết quan điểm của Việt Nam trong năm nay là lãi suất cơ bản theo hướng ổn định. Lãi suất đầu vào có thể nhích lên ở một số thời điểm. Nguyên nhân là do nhu cầu huy động vốn cho nền kinh tế vẫn còn lớn, nhất là vốn trung dài hạn. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng phải đáp ứng chuẩn Basel II; tuân thủ Thông tư 22 theo hướng giảm dần dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống còn 37%.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng các ngân hàng phải để ý hơn trong việc huy động tăng vốn trung và dài hạn. Nguyên nhân là bởi dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển tích cực nhưng không quá đột biến, tăng 7-10%. Trong khi đó, nhu cầu về tín dụng còn khá lớn. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 14%.
Đối với lãi suất đầu ra, trong bối cảnh các nước trên thế giới ít giảm lãi suất, Việt Nam cũng lưu ý các kênh có biến chuyển như vàng, chứng khoán, bất động sản nên cần phải cân nhắc, nếu lãi suất tiếp kiệm ở mức khó hấp dẫn thì hệ thống ngân hàng khó thu hút được vốn cho nền kinh tế.
Do đó, lãi suất đầu ra rất khó giảm, bởi lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn về tín dụng của nền kinh tế. Theo tính toán của ông Lực, lãi suất thực sau khi đã trừ đi lạm phát đang ở mức trung bình so với khu vực.
Cụ thể, trung bình 5 năm qua lãi suất thực ở mức 4,8-5%, vẫn ở mức trung bình cao. Nguyên nhân là do chi phí giao dịch toàn bộ nền kinh tế còn cao, thị trường vốn chưa phải là phát triển, chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Chính vì thế, chênh lệch đầu vào – đầu ra tương đối thấp: 2,6-2,7% so với khu vực là 2,9%.
Bên cạnh đó, thách thức đối với nền kinh tế năm nay là lạm phát tăng hơn so với năm ngoái do giá thịt lợn tăng mạnh những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, dự báo lạm phát tháng 1/2020 tương đối cao.
Đồng thời, căng thẳng Mỹ – Iran cũng khiến giá dầu và vàng tăng những ngày đầu năm. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ phải thật sự thận trọng mới đảm bảo được mục tiêu lạm phát trong năm nay.
“Nếu lãi suất đầu vào vẫn được giữ như thời điểm cuối năm 2019, nghĩa là giảm nhẹ một chút thì đã là thành công”, ông Lực đánh giá.
Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn
'Tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng sát tăng trưởng GDP danh nghĩa'
Theo MBS, tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ giảm so với năm 2019 và ngày càng sát hơn với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Cùng với đó, tín dụng sẽ tăng trưởng yếu hơn ở các ngân hàng quốc doanh và cạnh tranh tín dụng bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt.
'Tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng sát tăng trưởng GDP danh nghĩa'
Trong Báo cáo chiến lược năm 2020 vừa công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã chỉ ra nhiều xu hướng chi phối ngành ngân hàng năm 2020.
Theo MBS, tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ giảm xuống so với năm 2019 và ngày càng sát hơn với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.
MBS nhận định chính sách thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãi suất đang có khuynh hướng tăng là hai yếu tố làm tín dụng tăng thận trọng hơn trong năm 2019.
Cùng với đó, cạnh tranh từ các kênh dẫn vốn khác cũng là một xu hướng khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng phát triển (quy mô đã đạt trên 9% GDP), phần nào tác động dẫn tới tăng trưởng tín dụng khiêm tốn hơn các năm trước.
Thêm vào đó, tỷ lệ tín dụng/GDP đạt trên 130% cũng là một yếu tố làm NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng chậm lại. Ngoài ra, thông tư 22 đang siết dần cho vay lĩnh vực bất động sản do giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Tỷ lệ tín dụng/GDP giữ xu hướng tăng trong suốt vài chục năm qua
Vẫn theo MBS, năm 2020, tín dụng sẽ tăng trưởng yếu ở các ngân hàng quốc doanh và mạnh hơn ở các ngân hàng tư nhân, do sự đồng nhất quy định tỷ lệ LDR về mức 85% thay vì 90% đối với ngân hàng quốc doanh và 80% đối với ngân hàng tư nhân như trước đây.
Đi sâu hơn vào cơ cấu tín dụng, MBS cho rằng tín dụng bán lẻ đang dần giảm tốc.
Công ty chứng khoán này cho hay tín dụng bán lẻ đang được các ngân hàng khai thác triệt để nhờ cấu trúc dân số vàng. Tuy nhiên, cạnh tranh trong tín dụng bán lẻ đang ngày càng khốc liệt do tốc độ tăng trưởng thời gian qua đã ở mức cao, đồng thời nền kinh tế vĩ mô phát triển bớt nóng hơn cũng như chính sách siết dần của NHNN đối với lĩnh vực tai chính tiêu dùng.
Bên cạnh xu hướng tăng trưởng tín dụng giảm và cạnh tranh tín dụng bán lẻ ngày càng khốc liệt, MBS cũng dự báo nhu cầu vốn năm 2020 sẽ thiếu hụt ở từng nhóm ngân hàng.
MBS dẫn đánh giá của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, chuẩn mực Basel II (áp dụng từ ngày 1/1/2020) sẽ tăng các tài sản rủi ro các các ngân hàng Việt Nam thêm khoảng 60% so với năm 2017, tổng cộng 463 nghìn tỷ đồng cho toàn hệ thống. Hệ thống ngân hàng theo đó sẽ thiếu hụt vốn cấp 1, diễn ra chủ yếu tại các ngân hàng chưa niêm yết.
Thống kê cho thấy, lợi nhuận liền kề 4 quý gần đây của cả hệ thống đạt kỷ lục 79.000 tỷ đồng (tăng 22,3%) cũng như huy động vốn từ các đối tác chiến lược làm cải thiện vốn cấp 1 khá tích cực. Tuy nhiên, MBS cho rằng việc áp dụng hệ số rủi ro tín dụng cao hơn vào các khoản cho vay với doanh nghiệp và cho vay bán lẻ là yếu tố cơ bản làm tăng các tài sản có rủi ro (Risk-weighted asset).
Trong khi đó, 18 ngân hàng đã đạt tiêu chuẩn Basel II phần lớn là các ngân hàng thương mại niêm yết. BIDV sau khi bán vốn cho KEB Hana Bank cũng đã được áp dụng Basel II. VietinBank là ngân hàng quốc doanh dự kiến sẽ không kịp áp dụng Basel II do phải tái cấu trúc danh mục các khoản vay cũng như do tỷ lệ LDR cao.
Thời điểm chính thức áp dụng Basel II (1/1/2020), hệ thống ngân hàng Việt Nam ước tính thiếu gần 150.000 tỷ đồng vốn cấp 1 và cấp 2
Một xu hướng đáng chú ý khác được MBS dự báo sẽ diễn ra trong năm 2020 là tăng trưởng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) sẽ kém khả quan hơn năm ngoái.
4 lý do dẫn đến xu hướng này gồm: mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng; cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong cho vay tiêu dùng; lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm và các ngân hàng sẽ định hướng cho vay an toàn hơn (lãi suất thấp hơn) để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Ngoài ra, MBS cũng dự phóng thanh khoản hệ thống sẽ tiếp tục dồi dào và không gây áp lực từ bên ngoài cho lãi suất, nhờ nguồn vốn FDI và xuất khẩu mạnh tạo ra thặng dư thương mại.
MBS kỳ vọng năm 2020, định giá ngân hàng trên thị trường chứng khoán sẽ được nâng cao hơn. Công ty chứng khoán này ưa thích các ngân hàng có hệ sinh thái khách hàng lớn và bền vững cho phép việc huy động vốn có chi phí cạnh tranh, khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao, được định giá hợp lý và có các yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu như các thương vụ bán vốn hay hợp tác Bancassurance.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Tín dụng 2020: Tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14% và lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN sẽ là rào chắn đối với ngân hàng trong hoạt động tín dụng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm 2020 ở mức 14%. Tăng trưởng tín dụng không quá...