Nô lệ tình dục bị phiến quân IS cưỡng hiếp đến ngất lịm
Cô gái người Yazidi, bị Nhà nước Hồi giáo (IS) giam giữ làm nô lệ tình dục trong ba tháng, nghẹn ngào kể về ký ức kinh hoàng trước Liên Hợp Quốc, và cầu xin các nhà lãnh đạo thế giới xóa sổ nhóm cực đoan.
Nadia Murad Basee Taha phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: UNTV
Theo Reuters, Nadia Murad Basee Taha đã mô tả lại cơn ác mộng của mình trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 17/12. Cô gái 21 tuổi kể lại cuộc đàn áp mà tộc người thiểu số Yazidi phải đối mặt khi phụ nữ và trẻ em bị buôn bán như “chiến lợi phẩm”.
“Hiếp dâm là biện pháp hủy hoại phụ nữ và trẻ em gái, để đảm bảo rằng những người này không bao giờ có thể quay lại cuộc sống bình thường”, Nadia nói, run giọng khi kể lại câu chuyện đời mình.
Cô đang sống ở ngôi làng tại Iraq thì bị phiến quân IS bắt cóc vào tháng 8 năm ngoái. Sau đó, cô bị đưa lên xe buýt, chở tới một tòa nhà ở Mosul, thành phố bị IS chiếm đóng.
“Trên đường đi, chúng làm nhục chúng tôi. Chúng sờ mó và xâm hại chúng tôi. Chúng đưa chúng tôi đến Mosul với hơn 150 gia đình Yazidi khác. Trong tòa nhà, có hàng nghìn gia đình Yazidi và trẻ em bị đổi chác như hàng hóa”, Nadia kể.”Một người tiến đến chỗ tôi. Hắn muốn tôi. Tôi cúi mặt xuống sàn nhà, người cứng đờ. Khi ngẩng lên, tôi thấy một người đàn ông cao lớn, giống như một con quái vật.
Tôi òa khóc và nói ‘tôi còn quá trẻ, còn ông thì quá to lớn’. Hắn đánh tôi, đá rồi tát tôi. Vài phút sau, một người đàn ông khác tiến lại. Tôi vẫn cúi mặt xuống đất. Người này nhỏ hơn một chút. Tôi cầu xin ông ta, tôi khẩn cầu ông ta đưa tôi đi, tôi rất sợ người đầu tiên. Người đưa tôi đi yêu cầu tôi cải đạo. Tôi từ chối, sau đó, ông ta ngỏ ý muốn lấy tôi.
Video đang HOT
Đêm đó, ông ta đánh tôi. Ông ta ra lệnh cho tôi cởi quần áo, sau đó đưa tôi đến một căn phòng đầy lính gác và chúng tiếp tục phạm tội ác đến khi tôi ngất xỉu”.
“Tôi cầu xin các vị, hãy xóa sổ IS hoàn toàn”, Nadia nói.
Câu chuyện của Nadia khiến cả hội trường xúc động. Ảnh: UNTV
Nadia đã trốn thoát sau khi bị giam cầm ba tháng và hiện sống ở Đức, nhưng một số anh em của cô đã bị IS giết chết.
Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an về nạn buôn người diễn ra sau tuyên bố lên án hành vi buôn người của IS và những nhóm khác như Boko Haram. Hội đồng cảnh báo “hành vi liên quan đến buôn người trong bối cảnh xung đột vũ trang có thể coi là tội ác chiến tranh”.
Tộc người thiểu số Yazidi bị các phiến quân IS xem là những kẻ ngoại đạo. Họ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ trên chính mảnh đất tổ tiên cho đến khi chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu diễn ra và ngăn chặn bước tiến của IS ở phía bắc Iraq.
Khoảng 5.000 đàn ông và phụ nữ Yazidi đã bị các phiến quân bắt giữ vào mùa hè năm ngoái. Khoảng 2.000 người trốn thoát hoặc bị bán ra khỏi vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát. Số còn lại vẫn bị giam giữ.
Liên Hợp Quốc cho hay hành động tàn sát, bắt cóc và hãm hiếp người Yazidi của IS có thể bị khép vào tội diệt chủng.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Tội buôn người được coi là tội ác chiến tranh
Hội đồng Bảo an LHQ có thể sẽ xem xét việc quy tội ác chiến tranh đối với các trường hợp bắt cóc và buôn người ở những khu vực đang diễn ra xung đột vũ trang, RIA Novosti ngày 17.12 cho biết.
Một số nạn nhân của bọn buôn người được phát hiện trên xe buýt ở bến xe buýt Mo Chit, Bangkok, Thái Lan - Ảnh: UNICEF
Đây là lần đầu tiên HĐBA ngày 16.12 đưa ra xem xét vấn đề bắt cóc, buôn người trong xung đột vũ trang và cưỡng bức di dời. Cuộc họp được triệu tập theo sáng kiến của Mỹ, là chủ tịch của Hội đồng trong tháng 12. Tại cuộc họp, tất cả thành viên HĐBA nhất trí với tuyên bố của quốc gia chủ tịch là "cực lực lên án các trường hợp bắt cóc, buôn người tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột vũ trang".
HĐBA bày tỏ phẫn nộ về tình trạng buôn bán người do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện, đặc biệt là đối với người Yazidi (cộng đồng thiểu số người Kurd không theo đạo Hồi mà theo đạo Yazidi), đồng thời cực lực lên án hành vi buôn bán người và các vi phạm khác như bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục, bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động... của lực lượng Quân đội kháng chiến của Thượng đế (nhóm phiến quân Uganda), Boko Haram (phiến quân Nigeria) và các nhóm khủng bố khác.
"Một số hành vi liên quan đến buôn bán người trong bối cảnh xung đột vũ trang có thể được coi là tội phạm chiến tranh", tuyên bố của Chủ tịch HĐBA nêu rõ.
HĐBA cũng kêu gọi các nước phải truy tố các cá nhân tham gia buôn bán người trong các tình huống xung đột vũ trang, đặc biệt là đối với công chức chính quyền và những người có chức sắc.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng thư ký LHQ Jan Eliasson cho biết, thời gian gần đây, HĐBA đã nhận được báo cáo của gần 20 quốc gia thuộc những khu vực đang hoặc từng xảy ra xung đột vũ trang, về nạn buôn bán người làm nô lệ tình dục, phục vụ nghề mại dâm, làm nô lệ lao động và tuyển mộ binh lính trẻ em.
Theo ông, hàng ngàn đàn ông và trẻ em trai đã bị tổ chức Quân đội Kháng chiến của Thượng đế và các nhóm vũ trang khác ép buộc cầm súng.
"Thật là một bi kịch lớn lao khi biết bao phụ nữ và trẻ em gái bị rơi vào tay các tổ chức khủng bố man rợ như IS, Boko Haram... Vụ bắt cóc hàng trăm nữ sinh nữ ở Chibok, Nigeria do nhóm Boko Haram thực hiện đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Hàng ngàn phụ nữ Yezidi ở Iraq đã bị bắt cóc làm nô lệ tình dục và nô lệ lao động cho IS", ông Eliasson cho biết.
Ông Evgeny Zagaynov, phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ nhấn mạnh rằng sự gia tăng đột biến các hoạt động khủng bố ở Trung Đông và Bắc Phi được kích thích bởi lòng hận thù của các chiến binh IS đối với người theo đạo Kitô, người Kurd, người Yazidi và những người theo các tôn giáo khác.
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
Xâm nhập công nghệ 'thần thánh hóa hiếp dâm' của IS Trước khi đè tấm thân thô bạo lên cô bé 12 tuổi gầy gò, tay súng IS quỳ xuống, phủ phục sát đất. Hắn ta đang cầu nguyện! Hắn còn nói với nạn nhân rằng cưỡng hiếp em sẽ đưa hắn đến gần thượng đế hơn, rồi nhảy xổ vào cô bé. Theo thống kê của các lãnh đạo cộng đồng Yazidi ở...