No căng với “xôi gà lên mâm” xứ Quảng
Là đặc sản của người dân xứ Quảng, “ gà lên mâm” được dùng trong nhiều dịp, từ bữa sáng thường ngày, cho đến tiệc tùng, hay trên bàn thờ cúng bái ông bà tổ tiên.
Hấp dẫn xôi gà lên mâm xứ Quảng – Ảnh: Huỳnh Lê Đức Hợp
Nếu người Huế chủ yếu “ăn hương, ăn hoa” thì người Quảng Nam – Đà Nẵng lại rất khoái với kiểu “chặt to kho mặn”, vì thế mà những món ăn lúc nào cũng đầy ấp, với mục đích ăn phải no, phải đã. Vì lẽ đó mà nhiều món ăn “khủng” được ra đời, trong đó không thể không nhắc đến món xôi gà lên mâm nổi tiếng từ xưa đến nay.
Dù bây giờ món xôi gà lên mâm đã được cách điệu với nhiều món ăn kèm có khay chia ngăn riêng biệt, hay được “chu du” đến nhiều vùng miền khác nhau của cả nước, tôi vẫn nhớ mãi những hộp xôi gà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Đà Nẵng) mỗi sớm đạp xe cọc cạch đi học, hay lớn lên một chút thì những cái mẹt với chỉ độc nhất xôi vàng ươm và những miếng thịt gà mặn mà hương vị Quảng.
Nếu lần đầu tiên thưởng thức, hẳn nhiều người sẽ “ngất” trước một mâm gà khổng lồ với xôi đầy ụ. Tất nhiên để ăn thì phải từ 2, 3 người trở lên.
Nói vậy không có nghĩa là một mình thì bạn không thể ăn món này, bởi món xôi gà lên mâm còn có người “anh em nhỏ” của mình là món xôi gà bình dân. Cũng cùng một kiểu nấu, một cách ăn, nhưng cách sắp xếp lại có một chút khác biệt.
Nếu xôi gà lên mâm thường được đặt trong những mẹt tre lớn, chia tách xôi và gà riêng biệt, thì xôi gà bình dân lại thường đặt trong những cái đĩa, tô hay những hộp xốp, với lớp dưới là xôi, lớp gà được phủ lên trên. Thế nhưng, tựu chung của món này không thể thiếu đó là xôi và gà.
Xôi được nấu từ gạo nếp đã ngâm từ tối hôm trước, khoảng 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Khi ngâm, gạo được cho một ít nghệ để xôi có màu vàng đẹp đặc trưng. Nhiều người còn cho thêm vài cọng lá dứa và một ít nước cốt dừa khi hấp để xôi thơm lừng và dẻo ngon hơn.
Gạo nếp sau khi ngâm, để ráo, cho vào nồi hấp, có thể dùng nước luộc gà nấu xôi để tăng thêm hương vị. Thỉnh thoảng dùng đũa xới để xôi chín đều, nêm vào một ít muối cho xôi thêm chút mặn mà.
Những mẹt tre chỉ độc nhất xôi và gà được dùng trong nhiều dịp – Ảnh: Huỳnh Lê Đức Hợp
Xôi gà lên mâm có màu vàng nhạt đặc trung của nghệ với quy trình nấu khá công phu – Ảnh: Huỳnh Lê Đức Hợp
Linh hồn của món ăn này nằm ở thịt gà. Gà lên mâm ngon phải được chế biến từ gà ta hoặc gà thả vườn. Gà luộc phải cho vào nồi từ khi nước còn lạnh mới có thể chín đều từ ngoài vào trong. Phần bụng gà hướng xuống dưới và đổ nước sao cho vừa ngập cả con gà.
Để thử độ chín, khi dùng đũa chọc vào gà nếu đũa đâm xuyên dễ dàng, không ứa nước màu đỏ là đạt yêu cầu. Mỗi miếng gà khi sau chặt có độ mềm, dai, ngọt và béo ngậy, khi ăn mềm nhưng không bị bở, phần da vàng ươm.
Phần gà đã luộc chặt miếng vừa ăn, một nửa còn lại dùng xé ra trộn lẫn cùng hành tây, rau răm, thêm muối, hạt tiêu, nêm nếm lại cho vừa ăn… thành món gỏi gà với vị chua ngọt nhè nhẹ. Nếu chưa vừa miệng, thêm một chút muối tiêu và chanh, tự tay trộn đều trước khi thưởng thức.
Khi ăn, kèm một chút hành phi hay hẹ phi thì không còn gì tuyệt bằng.
Cái cảm giác nhìn mẹt xôi lên mâm kết hợp hài hòa, vừa đủ với những hạt xôi màu vàng nhạt, bóng lưỡng, cùng màu xanh của rau răm, màu trắng của hành tây, màu vàng của gà thì đã thấy thòm thèm.
Để rồi nhận lấy vị dẻo, thơm của xôi hòa quyện với với những miếng gà ngọt, dai, đậm đà gia vị nêm nếm xen lẫn với vị cay nhẹ của tương ớt, tiêu và mùi thơm của hành, hẹ phi dầu, chỉ tổ khiến những người trẻ như tôi no căng bụng mà không hề có cảm giác ớn ngán.
Cứ thế, ăn mà ghiền cái hương cái vị đậm đà của món ăn quê nhà xứ Quảng.
5 món tuyệt ngon chẳng cần ăn cơm vẫn no căng bụng
Cuối tuần chị em thử thay đổi khẩu vị cho cả nhà bằng những món ngon, hấp dẫn này nhé!
XÔI GÀ HẢI NAM
Nguyên liệu:
- 2 chén gạo nếp
- 2-3 cái đùi gà to (bạn có thể dùng nguyên con gà hoặc nửa con gà)
- 2 nhánh hành lá - 3 lát gừng - 3 phần gốc ngò (rau mùi) rửa sạch - 1/2 củ hành tây - 1/3 muỗng cà phê bột nghệ (nếu có nghệ tươi thì thái lát, màu sẽ tươi hơn) - 1 muỗng cà phê bột nêm - 1/2 muỗng cà phê muối - 1 viên nhỏ đường phèn (bạn có thể dùng 1/2 muỗng cà phê đường thường)
- Phần nước mắm: 1 miếng nhỏ gừng 2 trái ớt 2 tép tỏi giã nát/nhuyễn, cho vào chén hòa chung với 2 muỗng canh nước mắm 1 muỗng canh đường 1 muỗng canh nước cốt chanh
Cách nấu xôi gà Hải Nam:
Đùi gà rửa sạch. Cho khoảng 2 lít nước vào nồi, cùng với hành lái thái khúc, gừng thái lát, muối, bột nêm, đường và bột nghệ, bắc lên bếp nấu sôi thì cho đùi gà vào luộc nhỏ lửa. Chú ý gà chín là vớt ra đĩa, không luộc chín quá sẽ mất ngon.
Video đang HOT
Gạo nếp vo sạch, cho vào nồi cơm điện. Múc nước luộc gà, đổ vào. Lưu ý, mực nước tùy vào loại gạo bạn nấu. Cắm điện, bấm nút nấu bình thường. Xôi chín thì xới đều.
Thưởng thức: Xôi cho ra đĩa, gà chặt miếng xếp lên trên.
Để chút hành phi và hành lá thái nhỏ. Dùng nước gà làm canh. Vậy là bạn đã có xôi gà Hải Nam cực ngon không thua gì ngoài hàng rồi!
BÁNH CUỐN TRÁNG CHẢO
Nguyên liệu:
- 150gr bột gạo - 100gr tinh bột bắp - 400ml nước - 1 muỗng canh dầu ăn - 1/3 muỗng cà phê muối
- Phần nhân: 200gr thịt heo xay; 3 nấm mèo thái nhỏ; 1/2 củ hành tây thái nhỏ; 1 củ hành tím thái nhỏ; 2 tép tỏi băm; 1/3 muỗng cà phê tiêu 1 muỗng cà phê đường 1 muỗng cà phê nước mắm 1 muỗng canh dầu hào.
- Rau sống ăn kèm bánh cuốn: Giá chần, rau thơm, dưa leo thái nhỏ.
- Nem chua và chả quế thái lát ăn kèm.
- Phần nước mắm chấm: 3 muỗng canh nước, 1 muỗng canh nước mắm, 1.5 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, ớt băm
Cách làm:
Bước 1: Xào nhân bánh cuốn
- Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu. Chờ dầu nóng thì cho hành tím tỏi vào xào thơm.
- Sau đó cho thịt vào xào tơi 5 phút. Cuối cùng cho hành tây nấm mèo và các gia vị còn lại vào xào săn.
- Nêm nếm lại cho vừa ăn (hơi nhạt 1 chút) là được. Tắt bếp cho 2 muỗng hành phi vào đảo đều, để nguội.
Bước 2: Hòa bột
- Cho tất cả 2 loại bột cùng nước vào 1 cái âu hòa tan, để 4 tiếng cho bột lắng xuống.
- Làm dấu mức nước cố định, sau đó chắt bỏ phần nước, thay lại nước lạnh khác đúng vị trí đã làm dấu. (Cách này giúp bánh bạn trong dẻo ngon hơn). Bây giờ cho dầu và muối vào hòa tan.
Bước 3: Tráng bánh cuốn
- Bắc chảo không dính lên bếp, thoa 1 chút dầu, sau đó lấy giấy thấm khô.
- Chảo hơi nóng thì bạn múc ít bột đổ vào tráng mỏng.
- Đậy nắp cho bánh chín ( 45 giây - 1 phút). Khi thấy bánh trong là bánh chín.
- Úp bánh ra dĩa. Cứ thế bạn lại thoa chút dầu lâu khô rồi đổ bánh.
Bước 4: Cho nhân vào bánh
- Cho nhân vào giữa, cuộn tròn hoặc gập lại tùy theo sở thích rồi xếp bánh ra đĩa.
Bước 5: Pha nước chấm
- Cho nước mắm ra bát, thêm đường vào, khuấy đều cho đường tan rồi thêm 3 muỗng canh nước, khuấy tiếp cho nước mắm hòa đều cùng nước.
- Thêm nước cốt chanh, khuấy tiếp. Cuối cùng cho ớt băm nhỏ vào là được.
Bước 6: Thưởng thức
- Cho ít giá chần, xà lách ra đĩa, xếp bánh cuốn thịt một bên cùng với chả quế thái lát. Đừng quên rắc ít hành phi và thưởng thức ngay thôi nhé.
BÚN TRỘN TÔM
Nguyên liệu:
- Nước trộn bún: 4 muỗng canh sốt ớt ngọt; 2 muỗng canh nước; 2 muỗng canh nước cốt chanh; 2 muỗng cà phê nước mắm
- Làm bún trộn: 250g bún; 100g tôm loại nhỏ, bóc vỏ, bỏ chỉ; cà rốt bào sợi; 3 quả dưa chuột thái sợi; rau mùi thái nhỏ; 1 ít rau húng bạc hà, thái nhỏ; bát lạc rang giã dối; xà lách; 1 quả chanh
Lưu ý, nếu không mua được sốt ớt ngọt, có thể tự chế biến theo công thức sau. 5 quả ớt đỏ lớn; 5 củ tỏi; 200g đường; 250ml giấm gạo; 180ml nước; muỗng cà phê muối. Ớt bỏ hạt, sau đó cho tất cả các nguyên liệu vào máy xay, xay nhuyễn. Để hỗn hợp vào nồi, đun nóng trong 5 phút, khuấy đều cho đường tan là được.
Cách làm:
Trộn nước sốt ớt ngọt, nước, nước cốt chanh, nước mắm vào với nhau. Bạn có thể điều chỉnh lượng nguyên liệu cho phù hợp với khẩu vị của mình.
Để bún vào một tô lớn. Đun sôi 1 nồi nước, cho tôm vào luộc chín, vớt ra. Cho tôm vào bát bún.
Cho cà rốt cắt nhỏ, dưa chuột, rau mùi, húng bạc hà và lạc rang vào bát bún. Thêm hỗn hợp nước trộn ở bước 1 và, trộn đều.
Cho lá xà lách ra 2 bát, chia bún vào 2 bát này rồi ăn kèm với chanh.
MÌ VỊT TIỀM
Nguyên liệu:
- 500g thịt vịt (đùi hoặc ức)
- 300g xương heo; 80g nấm đông cô; 30g thảo mộc (hoa hồi, quế, đinh hương, cam thảo); 300g cải thìa
- Gia vị: 80ml nước tương; 40g bột nêm; 80g đường; 5g tiêu
- Gừng; rượu trắng; dầu ăn
- Mì trứng
Cách làm:
Rửa sạch nấm đông cô và cải thìa. Cắt bỏ gốc nấm và chọn lấy phần gốc cải thìa.
Dùng rượu trắng và gừng để khử mùi của thịt vịt. Ướp vịt với 60ml nước tương, 20g bột nêm, 60g đường, 5g tiêu khoảng 15 phút.
Đặt một chiếc chảo lên bếp, cho một ít dầu vào, mở lửa lớn. Khi dầu nóng, nhẹ nhàng thả vịt vào chiên vàng lớp da.
Cắt lấy 4 - 5 lát gừng. Cho gừng cùng thảo mộc vào chảo rang nóng.
Rửa sạch xương heo, cho vào nồi nước đun sôi khoảng 5 phút để xương nhả bọt bẩn. Đem bỏ phần nước bẩn đó đi.
Đổ 1.5 lít nước sạch cùng gừng, thảo mộc vào nồi xương, đặt lên bếp hầm khoảng 45 phút.
Lược lấy nước dùng. Sử dụng phần nước dùng đó, tiếp tục hầm với thịt vịt, nấm đông cô khoảng 45 nữa, nêm thêm 20ml nước tương, 20g bột nêm, 20g đường rồi tắt bếp. Trong lúc nấu nước dùng, trụng sơ cải thìa khoảng 1 phút rồi vớt ra.
Trụng mì trứng qua nước sôi khoảng 2 phút để mì mềm. Dọn mì, cải thìa ra tô, dùng chung với mì vịt tiềm.
Lưu ý:
- Sau khi khử mùi thịt vịt bằng rượu trắng và gừng, nên rửa lại nhiều lần bằng nước sạch để thịt không bám quá nhiều mùi rượu.
- Trong quá trình hầm thịt, lưu ý vớt bọt cặn để nước dùng được trong.
BÁNH CANH MỰC
Nguyên liệu
- 1 con mực ống to - 200g bún bánh canh tươi (có bán sẵn) - 700ml nước dùng gà - 3 quả cà chua - 1 củ hành tây - 1 miếng thơm - Hành lá, hành tím
- Các gia vị như đường, muối, nước mắm, rượu trắng, dầu ăn.
Cách làm:
Mực làm sạch, rửa qua chút rượu trắng cho khỏi tanh. Để ráo, thái khoanh tròn. Ướp mực với chút muối, tiêu, hạt nêm, hành tím băm nhuyễn khoảng 30 phút cho ngấm vị.
Cà chua rửa sạch thái muối cau, thơm thái lát mỏng vừa, hành tây thái muối nhỏ, đầu hành thái nhỏ.
Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng dầu rồi cho đầu hành lá vào phi thơm. Tiếp đó, cho hành tây vào xào nhanh tay.
Kế tiếp, cho cà chua vào xào cùng hành tây.
Sau đó, cho nước dùng gà vào nồi, cùng với gia vị muối, bột nêm.
Khi nồi nước canh vừa bốc khói thì cho tiếp thơm vào nồi.
Khi nồi canh sôi lên, thì cho mực đã ướp gia vị vào. Khi canh sôi lại lần nữa là mực chín, nêm nếm lại gia vị vừa ăn rồi cho hành lá xắt khúc vào rồi tắt bếp.
Bắc nồi nước lên bếp nấu sôi, rồi cho bánh canh vào chần sơ trong 2 phút, vớt bánh canh ra rổ để ráo.
Sau đó, cho bánh canh vào tô rồi gắp mực, cà chua, thơm cùng với tí hành lá vào tô rồi chan nước dùng lên, dùng nóng.
Đây là món bánh canh đầy dinh dưỡng cho cả nhà bạn.
Nước dùng chua ngọt, đậm đà với từng miếng mực giòn ngọt quyện với những cọng bánh canh mềm dai, thật hấp dẫn.
Làm xôi gà nướng kiểu Thái Sự kết hợp giữa xôi trắng dẻo thơm cùng thịt gà được tẩm ướp đậm đà là gợi ý tuyệt vời dành cho bữa trưa. Công thức dưới đây sẽ giúp bạn chế biến thành công món ăn này.