Ninh Thuận – điểm du lịch hấp dẫn du khách
Ngày 30/9, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội.
Cánh đồng muối ở Cà Ná – Ninh Thuận.
Ninh Thuận nằm trên ngã ba nối liền nền kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong chuỗi liên kết các tỉnh Duyên hải miền Trung. Với bờ biển trải dài hơn 100km, Ninh Thuận có những dãy núi đâm ra biển tạo nên vũng, vịnh với cát trắng, nắng vàng, nước biển xanh; có Vườn Quốc gia Núi Chúa và Phước Bình còn nguyên vẹn nét nguyên sinh. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, nghề truyền thống và lễ hội độc đáo… ở xứ Ninh Thuận đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt (Tháp Pôklông Garai và Tháp Hoà Lai), 18 di sản cấp Quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh.
Đây là những điều kiện tốt để đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa gắn với những yếu tố đặc thù, riêng có của vùng đất và con người Ninh Thuận.
Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh. Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Phấn đấu đón 6 triệu lượt du khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động toàn tỉnh.
Thực hiện mục tiêu trên, Ninh Thuận định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính gồm: 4 sản phẩm đặc thù (du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp); 4 sản phẩm mới lạ (du lịch khám phá và vui chơi giải trí, du lịch săn bắn, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch chăm sóc sức khỏe); 4 sản phẩm bổ trợ (du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, thương mại du lịch).
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam – ông Nguyễn Trùng Khánh, để phát triển du lịch tại Ninh Thuận trong thời gian tới, cần ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi dịch Covid-19 như: Du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao; Du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; Du lịch nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa; Du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe….
Một góc Ninh Thuận nhìn từ trên cao.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, xem xét, tập trung nâng cao tính chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá sản phẩm, chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch. Coi xúc tiến du lịch là một trong những kênh đầu tư quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong khu vực và với TP.HCM, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn theo cơ chế linh hoạt, thực chất, có sự tham gia của cơ quan quản lý với vai trò dẫn dắt, định hướng; tham gia của doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư để phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; tham gia của đơn vị, hãng thông tấn, truyền thông để hợp tác giới thiệu quảng bá du lịch, tiếp cận thị trường quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác hai chiều và hết sức ủng hộ Ninh Thuận trong công tác phát triển du lịch bằng những hoạt động cụ thể như tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ Ninh Thuận trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch…
Miệt cồn Trà Vinh có gì hấp dẫn mà du khách trong và ngoài nước rủ nhau đến khám phá trải nghiệm?
Trà Vinh vùng đất cuối dòng sông Mekong huyền thoại, được bao bọc bởi hai nhánh sông Cổ Chiên và sông Hậu.
Các dòng sông hợp lưu đổ ra biển qua hai cửa sông chính là cửa Cổ Chiên hay còn gọi cửa Cung Hầu và cửa Định An. Các dòng sông đã mang phù sa bồi đắp nên những dãy cù lao, miệt cồn sông nước xinh dẹp, bốn mùa cây lành trái ngọt, tôm cá đầy ghe... Là tài nguyên du lịch quý giá để mời gọi du khách gần xa đến khám phá trải nghiệm.
Du khách Ba Lan thích thú ngồi xích đu giữa vườn Nhà vườn Vũ Minh - Cồn Hô.
Cồn Hô không điện, hoang sơ
Theo chân Đoàn khảo sát "Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long" của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến Cồn Hô (cồn Cá Hô) giữa dòng sông Cổ Chiên. Thuyền chưa cặp bến, người dân Cồn Hô đã ra tận bến bờ Cồn Hô vẫy tay chào như đón người thân trở về. Cồn Hô là cồn nhỏ với diện tích khiêm tốn 25ha và có 21 hộ dân với 66 người dân sinh sống, 4 bề sóng vỗ rì rào. Mặc dù vậy nhưng Cồn Hô được thiên nhiên ban tặng tài nguyên phù sa, hệ sinh thái đa dạng, các vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả, cùng hệ thực vật phong phú, là lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm dựa vào cộng đồng.
Cồn Hô là xứ sở sông nước miệt vườn còn hoang sơ hấp dẫn để du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá và trải nghiệm. Từ cuối năm 2020, Cồn Hô đã được du khác thế giới biết đến. Đến nay, Cồn Hô đã đón tiếp du khách của hơn 20 quốc gia đã đến "đảo" nhỏ này. Cồn Hô quyến rũ bởi du lịch "xanh" và tấm chân tình của người dân quê.
Ông Huỳnh Văn Nguyên thường gọi là Hai Nguyên - Tổ trưởng Tổ hợp tác, quản lý điểm du lịch sinh thái Cồn Hô, tay vừa rót trà hoa đậu biếc mời khách, vừa kể chuyện cồn Hô: "Hồi đó, nơi đây cá Hô sống xung quanh cồn nhiều lắm. Đến mùa cá Hô, ngư dân tụ họp về đây câu, giăng lưới bắt cá. Có khi bắt được những con cá Hô lên đến hơn 100kg. Bây giờ, cá Hô trên sông Cổ Chiên không còn nữa nhưng danh tiếng cồn Cá Hô vẫn còn. Thấy có nhiều lợi thế về tài nguyên phát triển du lịch sinh thái nên tháng 10/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đã cho ra mắt Điểm du lịch sinh thái Cồn Hô (hay còn gọi cồn Cá Hô). Là điểm tham quan theo mô hình du lịch "tự thân", đến đây du khách sẽ được trải nghiệm không gian sống xanh đúng chất. Một cồn không có điện, tách khỏi với những ồn ào nơi đất liền. Nơi đây, chỉ có vườn cây ăn trái cùng những con người chân chất hiền hòa, mến khách. Những nét hấp dẫn và độc đáo chính gốc miệt vườn sông nước miền Tây đều hội tụ hết ở nơi đây".
Trứng gà bọc đất sét nướng món ăn độc đáo của Cồn Hô.
Cồn Hô có 21 hộ dân nhưng có 8 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, mỗi nhà một kiểu. Nhà Hai Nguyên đãi khách trà đậu biếc, mứt dừa, đậu phộng luộc hoặc rang và nghe chuyện đất và người Cồn Hô. Nhà Ba Kiệt với món trứng gà bọc đất sét nướng rơm "độc nhất vô nhị", tới đây du khách tự tay trải nghiệm bọc đất sét quanh trứng gà rồi đốt rơm nướng đến khi đất nứt ra là thưởng thức. Sau khi đi vòng quanh con đường làng rợp bóng cây, bước chân trên con đường thảm sơ dừa dài 1,2km có một không hai, đến nhà Hai Trãi du khách sẽ được ngâm chân thảo dược "cây nhà lá vườn" của Cồn Hô như: Vỏ bưởi (80% diện tích Cồn Hô trồng bưởi), lá lốt, sả, muối hạt... vừa ngâm chân thư giãn, vừa nghe giai điệu đồng quê du dương và thưởng thưc trà, mứt gừng cho ấm bụng.
Đến nhà Tư Khen thì du khách như tìm về không gian bếp xưa của người dân Cồn Hô và thưởng thức chè bưởi sợi với nước cốt dừa béo ngậy độc đáo của Nam bộ. Đến với đặc sản đất Cồn - Ba Khải thì du khách được trải nghiệm không gian sống không có điện của người dân trên vùng đất Cồn Hô. Trong ánh sáng của ngọn đèn dầu, du khách ngồi nhâm nhi tách trà, thưởng thức các loại mứt, đặc biệt là mứt bưởi và mứt chuối khô... những sản vật miệt cồn, để khám phá cuộc sống người dân không có điện. Đến lò rượu Cồn Hô Tư Lập, du khách được dịp tham quan quy trình làm rượu của người dân và thưởng thức "nước mắt quê hương" của miền sông nước miệt vườn miền Tây. Ghé Nhà vườn Vũ Minh, du khách tham gia chơi gà chọi, ngồi xích đu phong cách Bali, bơi xuồng dưới vườn bưởi, cùng thưởng thức nước dừa mát ngọt của xứ miệt Cồn Hô và trải nghiệm tự tay nướng trui cá lóc bằng rơm, cuốn rau thơm; hay ăn bánh xèo nhân tép bạc, hến, hoặc tôm càng xanh luộc nước dừa... của sông Cổ Chiên.
Ông Vũ Minh - chủ Nhà vườn Vũ Minh phấn khởi nói: "Ngày trước, khi chưa làm du lịch Cồn Hô buồn lắm. Cồn Hô nằm giữa dòng sông Cổ Chiên như ốc đảo, không có điện nữa ai đến làm gì? Nhưng đến gần cuối năm 2020, Cồn Hô triển khai du lịch sinh thái cộng đồng, nghe danh tiếng cồn Hô cả du khách trong và ngoài nước rủ nhau đến khám phá trải nghiệm miệt cồn không có điện, cư dân vẫn sống hoang sơ, để thả hồn trong không khí trong lành, làng quê thanh bình yên ả của miệt cồn Trà Vinh. Khi Cồn Hô đón du khách, làng quê vui lắm. Tuần nào cũng có khách trong và ngoài nước đến, bà con miệt cồn chúng tôi phải tất bật tiếp đón khách như "đón người thân trở về". Tuy vất vả nhưng rất vui, không ai nghĩ bao giờ du khách nước ngoài đến cồn Hô làm gì nhưng vậy mà bây giờ cồn Hô đã đón du khách của 20 quốc gia trên thế giới đã đến đây. Hôm nay, Nhà vườn Vũ Minh đón 4 đoàn khách nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Ba Lan... Thấy thật là vui!".
Với khoảng 15.000m2, ông Vũ Minh đầu tư trồng bưởi, dừa và nhiều loại cây ăn trái khác để du khách có thể dạo mát quạnh vườn, hít thở khí trời an lành của vùng quê thanh bình và cùng thưởng thức những đặc sản của dòng sông Cổ Chiên như: Tôm càng luộc nước dừa, gỏi tép bạc sông với đu đủ, bánh xèo... Hôm đến nhà vườn Vũ Minh có dịp "tháp tùng" theo đoàn du khách Ba Lan tham quan trải nghiệm nhà vườn Vũ Minh. Các du khách Ba Lan hào hứng tham quan vườn cây ăn trái và thích thú ngồi xích đu căng tay để hít thở thật sâu không khí trong lành của làng quê thanh bình của miệt cồn Hô mà ít nơi nào có được.
Cồn Chim thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đến Cồn Chim - Du lịch thuận thiên
Theo đoàn Famtrip Thành phố Hồ Chí Minh đến Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim tham quan sản phẩm du lịch thuận thiên. Ấp Cồn Chim chỉ có diện tích 62ha, trong đó có 34ha đất nuôi trồng thủy sản và trồng lúa. Nơi đây, chỉ có hơn 50 hộ dân sinh sống, với hơn 200 nhân khẩu. 6 tháng nước mặn nuôi tôm, cua biển; 6 tháng nước ngọt trồng lúa nên gọi là sản xuất theo mô hình thuận thiên "con tôm ôm cây lúa".
Hiện, Cồn Chim là điểm đến du lịch cộng đồng mới nổi của du lịch Trà Vinh để du khác khám phá "ốc đảo xanh". Du khách sẽ ấn tượng khi đặt chân trên đất Cồn Chim là được những nông dân chính hiệu đón tiếp, với tấm lòng hiếu khách "Về Cồn Chim, người quê chỉ có tấm lòng". Đến Cồn Chim du khách sẽ được trải nghiệm cùng nông dân trồng lúa hữu cơ thuận thiên, trải nghiệm không gian bếp xưa, cùng người quê xay bột làm bánh canh, đổ bánh xèo, bánh nắn lá dứa, câu cá, bắt tôm, câu cua, uống nước dừa, đạp xe giữa cánh đồng tôm - lúa xanh lộng gió... nghe bà con nông dân kể chuyện miệt cồn. Thú vị hơn là thưởng thức những sản vật miệt cồn như: Cá thòi lòi nấu cơm mẻ, canh chua bần cá bông lau, tép bạc đất ủ rơm, cua rang me... Tuy mọi thứ đều là "cây nhà lá vườn" ở xứ Cồn Chim nhưng mỗi thứ đều có hương vị riêng rất đậm đà và khoái khẩu.
Du khách đạp xe trên cánh đồng tôm lúa Cồn Chim.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Tổ trưởng Tổ hợp tác điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim cho biết: "Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim xây dựng theo quy luật "thuận thiên", người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình "con tôm ôm cây lúa". Du lịch cộng đồng Cồn Chim phù hợp với mọi người, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và hưởng thụ của du khách. Du khách đến với Cồn Chim được ngắm nhìn thỏa thích phong cảnh sông nước miền quê cùng những rặng bần cao xanh ngút trời. Du khách được trải nghiệm các hoạt động câu cua, đặt lú tôm cá, tham gia trò chơi dân gian... và thưởng thức các món ngon hải sản tươi sống, cùng những món ăn dân dã do chính người dân Cồn Chim chế biến. Từ vùng quê nghèo khó đến nay đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng cao, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Du lịch cộng đồng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của ấp Cồn Chim".
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh thông tin cho biết: Hiện nay toàn tỉnh Trà Vinh có 8 cồn phân bố trải dài theo sông Cổ Chiên và Sông Hậu theo hướng ra biển Đông. Trên sông Cổ Chiên có Cồn Hô (Càng Long); cồn Thủy Tiên (thành phố Trà Vinh); cồn Cò (xã Hưng Mỹ); cồn Chim (xã Hòa Minh), cồn Phụng (xã Long Hòa) huyện Châu Thành; cồn Bần (Mỹ Long Bắc), cồn Nghêu (Mỹ Long Nam) huyện Cầu Ngang. Trên Sông Hậu có cồn An Lộc (xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè).
Gỏi tôm hoa bần món ăn độc đáo của Cồn Chim.
Trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ đối mặt với thách thức cũng như cơ hội của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng, ngành Du lịch xác định phát triển các mô hình du lịch "thuận thiên", giúp tận dụng tối đa các tiềm năng nông nghiệp về cây ăn trái, thủy hải sản phong phú, cảnh quang thiên nhiên đẹp, môi trường trong lành... trên các cù lao, cồn nổi là cách tốt nhất để tạo ra điểm nhấn cho du lịch Trà Vinh so với các tỉnh khác trong cả nước. Tỉnh đã xây dựng thành công 02 điểm du lịch trên các cồn, gồm: Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành đã được cộng nhận điểm du lịch cấp tỉnh năm 2020 và điểm du lịch cộng đồng Cồn Hô, xã Đức Mỹ huyện Càng Long; các mô hình phát triển du lịch của tỉnh trên các cù lao, cồn nổi đều tập trung theo mô hình du lịch "thuận thiên" bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sắp tới tận dụng lợi thế này so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái trên các cù lao, cồn nổi nhằm làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch cho tỉnh.
Nét đẹp lịch sử của Đảo Ngọc thu hút du khách Đảo Ngọc tọa lạc giữa hồ Gươm vừa là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vừa là di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô. Trên đảo có đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Với những vốn quý lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên riêng có của mình Đảo Ngọc đã trở thành...